Cách đây 5 năm, qua sự giới thiệu của GS.TS Nguyễn Thúc Tùng[1], chúng tôi đến làm việc với GS Trần Đức Hòe. Năm ấy, vào tuổi 80, tuy đã nghỉ hưu nhưng GS Trần Đức Hòe vẫn chưa chịu nghỉ ngơi. Lần đầu tiên gặp ông, chúng tôi rất bất ngờ khi thấy ông đang cặm cụi sửa luận án cho học trò. Chỉ vào những bút tích đỏ lòe mỗi trang luận án, ông nói vui: “hoa phượng đỏ đó con ạ[2]!”.
Bên cạnh bàn làm việc của ông là đủ thứ tài liệu nhưng được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Với giọng nói sang sảng, ông bắt đầu kể cho chúng tôi câu chuyện về những người thầy của mình, về hành trình ông trở thành thầy thuốc, thành nhà khoa học… Mái tóc bạc thường rung rung trên vầng trán cao rộng với một vài nếp nhăn của năm tháng mỗi khi ông nói đến những vấn đề tâm đắc. Ông từng chia sẻ rằng: “Hạnh phúc của người cầm dao mổ, của người phẫu thuật viên dù trong chiến tranh hay hòa bình là đều phải tìm mọi cách khắc phục khó khăn, phải vượt qua nguy hiểm để cứu chữa mổ xẻ săn sóc đưa lại cuộc sống cho người bệnh. Biết bao lo toan, đắn đo của người bệnh trước khi lên bàn mổ, thì cũng là bấy nhiêu suy nghĩ, tìm tòi, cân nhắc với tinh thần đầy trách nhiệm của người cầm dao mổ, để đảm bảo an toàn, chữa bệnh cứu người”.
Hơn 40 năm gắn bó với chuyên khoa Tiết niệu, cũng là ngần ấy năm GS Trần Đức Hòe vui buồn cùng người bệnh: “…niềm hân hoan hạnh phúc của người thương binh ở ngoài mặt trận, khi vết thương đã liền da, liền thịt, niềm vui rạng rỡ của người bệnh, của người thân khi đón vợ, chồng, hoặc con em mình từ bệnh viện trở về cũng là niềm hân hoan hạnh phúc của người thầy thuốc đã chữa trị cho họ”.
GS Trần Đức Hòe chia sẻ về các đề tài nghiên cứu, ngày 24-3-2014
Ông là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu với các đề tài về vết thương chiến tranh; phẫu thuật mổ các bệnh lý sỏi tiết niệu; mổ u phì đại lành tính tuyến tiền liệt và ung thư tuyến tiền liệt. Ông cũng là tác giả của nhiều sáng kiến cải tiến được áp dụng trong chẩn đoán và điều trị mổ bể thận; mổ bóc u phì đại tuyến tiền liệt; mổ đóng rò bàng quang âm đạo… Nghỉ hưu rồi nhưng hàng ngày ông vẫn miệt mài đọc dịch các tài liệu nước ngoài của Hội Tiết niệu Thế giới để cập nhật tri thức mới. Như thành lệ, cứ 22 giờ đêm là ông đi ngủ, 4 rưỡi sáng dậy tập thể dục, rồi đi chợ, ăn sáng và bắt đầu đọc sách từ 9h đến 10h30. Buổi chiều ông ngồi làm việc từ 15h đến 17h. Như ông lý giải về thời gian biểu thời nghỉ hưu của mình:“Tôi vẫn được mời tham gia các hội đồng hoặc đi giảng, do đó tôi phải cập nhật thông tin thì mới có kiến thức, có cơ sở để góp ý hay phản biện cho các luận văn, luận án, đề tài. Như vậy mới góp phần nâng cao được chất lượng, và cũng từ đó mới đào tạo được đội ngũ trẻ có đủ năng lực phát triển”. Theo ông, để có thể đọc, dịch thành thạo tài liệu nước ngoài là cả một quá trình ông tự học ngoại ngữ từ nhỏ cho đến khi ra công tác. Đọc-dịch-ghi chép là thói quen thường nhật của ông. Ông luôn tâm niệm rằng: “Người thầy thuốc trước hết phải có tấm lòng, thương yêu người bệnh như người thân của mình, nhưng cũng phải có kiến thức, có kĩ năng để chẩn đoán và chữa trị cho người bệnh càng chính xác càng tốt”[3]. Ông cũng không quên căn dặn chúng tôi: “Làm khoa học không được giấu dốt, phải ham học hỏi. Điều quan trọng khi làm khoa học là phải trung thực”.
Cứ mỗi lần chúng tôi đến làm việc với ông, ông luôn nở nụ cười rạng rỡ và nói vui: “Con cháu này hôm nay lại đến “moi” thông tin của tôi”. Nhưng rồi tất cả các câu chuyện ký ức như đã được ông chuẩn bị sẵn trong đầu, các tài liệu đã được ông sắp xếp sẵn cẩn thận để trao tặng cho Trung tâm. Qua gần 30 buổi làm việc với chúng tôi, GS Trần Đức Hòe đã tin tưởng trao tặng Trung tâm Di sản lưu giữ nhiều bộ sưu tập bản thảo các bài nghiên cứu, đề tài ông thực hiện; những bản luận án có bút tích ông sửa chữa cho học trò… Chúng tôi không thể quên tấm thịnh tình của ông đối với Trung tâm, khi ông đã cùng GS Hoàng Bảo Châu và GS Bùi Đại đến trụ sở Trung tâm để cùng trao đổi, đóng góp ý kiến giúp cho việc chuẩn bị trưng bày giới thiệu về ba nhà Y học, mang chủ đề “Khát vọng học hỏi và sáng tạo của các nhà Y học” vào cuối năm 2010.
GS Trần Đức Hòe (phải) giới thiệu thông tin các bức ảnh trước khi tặng Trung tâm, ngày 5-6-2012
Trước Tết Ất Mùi, chúng tôi gặp ông, không phải tại nhà riêng mà ở trong khu điều trị của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Nhìn ông trên giường bệnh, chúng tôi không khỏi xót xa. Căn bệnh đã bước sang giai đoạn nguy kịch khiến cho khuôn mặt đầy đặn, hồng hào, đôi mắt tinh anh, nụ cười rạng rỡ của ông không còn nữa. Ông không nói được gì và phải thở bằng máy… Theo bản năng, tôi xoa nhẹ vào bàn chân ông và cầu mong một phép màu nào đó phù hộ để ông có thể tỉnh lại. Và không ngờ đây là lần gặp cuối cùng của chúng tôi với ông.
Thêm một trái tim của người thầy thuốc ngừng đập. Vẫn biết rằng đó cũng là lẽ tự nhiên, nhưng trong lòng mỗi chúng tôi đều thấy một khoảng trống, hụt hẫng và có lẽ sự thiếu vắng ấy cũng là cảm giác chung của các đồng nghiệp, học trò, người thân của ông. “Sinh thời bố tôi vẫn thường dạy chúng tôi rằng: Với bố, dù là một anh chiến sỹ binh nhì, người nông dân, hay đồng chí chỉ huy cấp tướng, hoặc đồng chí lãnh đạo cao cấp thì trước sự đau thương về thể xác của bệnh nhân và người nhà của bệnh nhân, bố cũng cố gắng hết sức để giành lại sự sống cho họ nếu có thể. Chúng con hết sức tự hào về bố, vì cái lớn nhất bố để lại cho chúng con chính là nhân cách làm người”, đó là những lời nghẹn ngào của bác sĩ Trần Minh Hải – con trai GS Trần Đức Hòe trong buổi tang lễ, ngày 13-4-2015.
Những hồi tưởng về GS.TS Trần Đức Hòe trong bài viết này, xin được chia sẻ cùng bạn đọc với cả tấm lòng thành kính, nguyện cầu cho anh linh ông an nghỉ thanh thản ở thế giới bên kia. Những di sản khoa học ông để lại cho đời sẽ được Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam trân trọng lưu giữ, phát huy.
Đại tá, GS.TS.TTND Trần Đức Hòe, nguyên Chủ nhiệm Khoa Tiết niệu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108; chuyên viên ngành Tiết niệu quân đội, sinh ngày 4-10-1931 tại xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định.
Ông từng là Chủ nhiệm Quân y, Phẫu thuật viên chính Mặt trận Nam Lào; Cố vấn Quân y, Quân khu Nam Lào (1961-1967); Phó Chủ nhiệm Khoa, Chủ nhiệm Khoa Tiết niệu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (1975-1990).
Bích Hạnh – Hoàng Liêm