Tưởng nhớ nhà ngôn ngữ, nhà giáo, nhà báo đặc biệt

Cách đây hơn 2 năm, tôi tình cờ biết địa chỉ nhà ông qua một bài viết trên mạng. Trước đó, tôi có tìm hiểu qua mấy đồng nghiệp cũ của ông ở Viện Ngôn ngữ nhưng chẳng ai có thông tin liên lạc. Mặc dù bài viết ấy đăng đã lâu nhưng tôi cứ mạnh dạn tìm đến. Mấy bác bán bánh đầu con ngõ nhỏ trên phố Tô Hiệu (Hà Nội) cho biết đúng là có một cụ Tri Niên gần 90 tuổi sinh sống ở đây bao năm nay.

Ấn chuông mãi không thấy ai hồi âm mặc dù hàng xóm khẳng định ông chỉ ở nhà hoặc đi ra ngoài lát là về thôi. Không có số điện thoại, tôi bèn để lại mẩu giấy nhắn lý do muốn gặp ông (để hỏi chuyện về GS Hoàng Phê và về tổ Ngôn ngữ – tiền thân của Viện Ngôn ngữ học Việt Nam ngày nay rồi nhờ bác gái hàng xóm chuyển giúp tới ông. Khoảng một tuần sau, tôi quay lại, lần này thì gặp được ông. Mừng quá!

Đó là một người đàn ông có vóc dáng nhỏ bé, gầy gò, tuy đã gần 90 nhưng minh mẫn. Đặc biệt, cách ông kể chuyện rất cuốn người nghe. Tốt nghiệp khóa 2 khoa Văn trường Đại học Tổng hợp, ông được phân công về tổ Ngôn ngữ từ năm 1960 khi tổ còn thuộc Viện Văn học do GS Đặng Thai Mai làm Viện trưởng. Ngày ấy số cán bộ của Viện Văn học không nhiều nhưng “chất”, như thầy Hoài Thanh[1], thầy Cao Xuân Huy[2], thầy Hà Văn Đại[3], thầy Đào Phương Bình[4]… Còn tổ Ngôn ngữ mới có hai thành viên là Hoàng Phê[5] và Đào Thản[6]. Ông là thành viên thứ ba. Sau này Viện Ngôn ngữ đã hình thành giai thoại: Hoàng Phê, Đào Thản, Tri Niên/Chính ba ông ấy làm nên Viện này.

Nhớ ngày đầu, tổ trưởng Hoàng Phê giao cho ông phụ trách bộ môn Ngữ âm và Tiếng địa phương nhưng vì không thích, lại không được đào tạo chuyên ngành này nên ông phản ứng bằng cách ngồi đọc truyện, tiểu thuyết cả tháng trời. Được mọi người động viên, ông hiểu ra rồi lao vào làm việc, học các chứng chỉ về Vật lí âm học, Sinh lí giải phẫu bộ máy phát âm, xác suất thống kê, ký âm pháp… Càng đi sâu nghiên cứu ngữ âm, ông càng say mê. Sau này ông từng tâm sự, chính GS Hoàng Phê là người đã dìu dắt ông trong những ngày đầu làm khoa học và cả trong lẽ sống hàng ngày. 

Nghiên cứu viên Nguyễn Tri Niên và đồng nghiệp tổ Ngôn ngữ, Viện Văn học

Một năm sau khi Viện Ngôn ngữ thành lập, ông chuyển công tác sang Trường Tuyên giáo Trung ương, nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền, phụ trách giảng dạy các môn ngôn ngữ học đại cương, ngôn ngữ biên tập rồi ngôn ngữ báo chí. Chính từ đây, ông gắn bó suốt đời với nghiệp nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ báo chí và sau được biết đến là một trong những nhà nghiên cứu đầu tiên, kỳ cựu trong lĩnh vực chuyên môn này. Sau khi đất nước thống nhất, nhiều cán bộ, giảng viên ở miền Bắc được điều động vào tăng cường cho các trường học ở miền Trung, miền Nam. Từ tháng 2-1978, ông vào giảng dạy tại trường Đại học Sư phạm Huế theo điều động của Hiệu trưởng Trường Tuyên huấn Trung ương Nguyễn Văn Hạnh. Tại đây, ông được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm bộ môn Ngôn ngữ học thuộc khoa Văn. Gần 8 năm ở Huế (1978-1985), ông vẫn thường xuyên ra Hà Nội tham gia giảng dạy tại Trường Tuyên giáo Trung ương. Năm 1985, ông trở lại Trường Tuyên giáo Trung ương lúc này đã đổi tên thành Trường Tuyên huấn Trung ương công tác và sau là Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho đến khi nghỉ hưu.

Có lẽ không nhiều người biết, từ năm 1962, thời điểm còn công tác ở tổ Ngôn ngữ, ông đã bắt đầu chú ý đến ngôn ngữ báo chí khi biên tập các bài viết để đăng tạp chí. Thời gian công tác tại Trường Tuyên giáo Trung ương, ông đã đề xuất việc đào tạo ngôn ngữ báo chí và cũng là một trong những người đầu tiên giảng dạy, biên soạn giáo án môn học này. Ngôn ngữ báo chí được coi là “đột phá khẩu”, mở ra một cánh cửa mới của Trường Tuyên huấn Trung ương. Thời điểm chiến tranh chống Mỹ đang diễn ra ác liệt năm 1972, ông đã tham gia đào tạo phóng viên chiến trường về ngôn ngữ báo chí do Tổng cục Chính trị tổ chức. Vì tình hình cấp bách của cuộc kháng chiến, lớp đào tạo chỉ diễn ra trong vòng một tháng nhưng nhờ khóa đào tạo này ông bắt đầu được biết đến nhiều hơn với vai trò nhà giáo về ngôn ngữ báo chí.

Ông từng tâm sự: Tôi nghiên cứu về ngữ âm học nhưng được phân công giảng dạy chuyên về ngôn ngữ viết, nói. Tôi đơn phương độc mã, phải tự mày mò, suy nghĩ, trang bị kiến thức để đáp ứng yêu cầu của nhà trường. Cuối thập niên 60, trên thế giới vẫn chưa có khái niệm hay nghiên cứu về ngôn ngữ báo chí mà họ đi vào từng mảng nghiệp vụ như viết tin như thế nào, viết phóng sự điều tra ra sao[7]… Từ năm 1969, ông vừa giảng dạy, nghiên cứu, vừa “ăn sương, nằm gió”, lăn lộn vì nghề trên nhiều tỉnh thành (miền Bắc). Nghề báo phải đối mặt với không ít khó khăn, cám dỗ, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng. Nhờ những năm tháng chinh chiến, làm lính trinh sát (1953-1957), ông đã tôi luyện được bản lĩnh vững vàng để bảo vệ và giữ mình. Sau này, ông vẫn luôn căn dặn học trò: Muốn làm nhà báo chân chính thì phải giữ mình.

Giáo viên càng có nhiều trải nghiệm cuộc sống thì ngôn ngữ càng phong phú, bài giảng càng sinh động. Những kiến thức, kinh nghiệm điền dã trong quá trình nghiên cứu về ngữ âm dân tộc khi còn ở tổ Ngôn ngữ tưởng như không liên quan, nhưng đã giúp cho các bài giảng của ông hấp dẫn hơn rất nhiều. Năm 1964, tôi đi điều tra ngôn ngữ tại Điện Biên. Sau bữa cơm chiều, chủ nhà người Thái để con gái tiếp chuyện khách. Lúc này, tôi chợt nhớ lời ông Bí thư huyện Mường Tè: Người Thái có hai cách tiếp đón khách là ngồi và nằm. Nếu thấy thân thiết họ sẽ mời khách vào buồng, nằm song song nói chuyện. Người Thái lại rất chất phác, hôm sau họ có thể đi khoe khắp làng chuyện ấy. Thực tế đã có nam cán bộ bị hiểu lầm. Do đó các anh từ xuôi lên phải cảnh giác, để không bị rơi vào tình huống nhạy cảm. Tôi kể chuyện ra để sinh viên thấy, khi đi thực tế hay viết về địa phương nào thì phải hiểu văn hóa và phong tục của địa phương ấy[8]. Thế hệ học trò nào, cũng khắc sâu lời nhắn nhủ của ông: “Trước khi viết hay, phải nhớ là hãy viết đúng”.

Là một trong số ít các giảng viên của Học viện Báo chí và Tuyên truyền không phải Đảng viên, ông không màng chức vụ, chỉ tập trung vào chuyên môn. Ông khảng khái bày tỏ quan điểm với lãnh đạo khi thấy những bất cập trong công tác đào tạo nhà báo. Ông tôn trọng và có phần ưu ái với các đồng nghiệp trẻ. Khi hướng dẫn hay đưa sinh viên đi thực địa, ông phản đối việc giáo viên can thiệp “thô bạo” vào các tin, bài của họ vì cho rằng mỗi sinh viên có cách nhìn riêng. Với quan niệm: Bài giảng chỉ là cương lĩnh, theo thời gian sẽ lạc hậu nên ông không phụ thuộc vào những bài giảng có sẵn. Ý tưởng mới, sự kiện mới được ông cập nhật thường xuyên và ứng dụng ngay vào bài giảng một cách rất say mê . Quan điểm của ông: Thầy phải hăng say thì mới truyền được lửa đến với sinh viên, khi sinh viên đã hăng say thì họ lại tiếp thêm lửa cho ông, cho những người thầy.

PGS. TS Nguyễn Văn Dững – nguyên Trưởng khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền kể rằng khóa học của ông hễ thầy Niên dạy là không ai đi học muộn, không bao giờ nghỉ trước 11 giờ, bụng đói meo, mà ai cũng không chớp mắt, dỏng tai lên nghe như nuốt từng lời[9]. Nhưng cũng vì phong cách giảng dạy tài tử này mà học trò phản ánh ông thiên vị khi giảng lớp này hay hơn lớp kia. Một học trò thân thiết với NNC Nguyễn Tri Niên – Nhà báo Vũ Văn Quang, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo Truyền hình Việt Nam chia sẻ: Các bài giảng của thầy hấp dẫn bởi kiến thức uyên bác cùng sự trải nghiệm, quan sát tinh tế cuộc sống. Và hơn thế phong cách kể chuyện hóm hỉnh, duyên và cách sử dụng ngôn ngữ trong sáng, diễn đạt chính xác và linh hoạt đã mê hoặc sinh viên báo chí – ngành nghề đào tạo đòi hỏi sự sáng tạo. Với tôi thuật ngữ "nhát cắt cuộc sống" của thầy là một khái niệm không thể quên. Thầy dạy “nhát cắt cuộc sống” là góc nhìn, là phát hiện của nhà báo trong tác nghiệp. “Nhát cắt” giúp nhà báo phát hiện đề tài về sự vật, hiện tượng vô cùng phong phú đa dạng. Nó sẽ tạo phong cách riêng của từng nhà báo. Để có “nhát cắ”t nhà báo phải nhìn nhận cuộc sống trong sự vận động[10]… Còn với cô học trò Thu Dương, ông là nhà ngôn ngữ đã mở ra một khoảng trời mới của ngôn từ, của hình thái ngôn ngữ, của ngữ nghĩa, ngữ cảnh… Khó có ngôn ngữ nào có thể lột tả hết cái sự mới mẻ mà mỗi buổi dạy thầy đã mang lại!

Giảng viên, Nghiên cứu viên Nguyễn Tri Niên, 2019

Say sưa và luôn cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo là thế nhưng ông đặc biệt không thích “lập ngôn” dù nhiều người thân, bạn bè ít nhiều tác động. Ông từng bộc bạch: Tôi đã làm việc gì thì tập trung hết mình, làm xong thì thôi, tôi quên hết, không thích lưu giữ cái gì cả. Với các bài giảng cũng vậy, anh em thích thì anh em học theo. Tính tôi kỳ cục ở chỗ ấy. Nếu tôi lưu tâm chuyện viết, có lẽ tôi viết nhiều lắm rồi . Về tính cách có phần “khác người” này, ông thừa nhận mình chịu ảnh hưởng từ người thầy mà ông rất kính trọng – thầy Cao Xuân Huy.

Đến khoảng đầu những năm 2000, ông được cơ quan cử vào Đồng Nai giảng dạy cho một số lớp đào tạo báo chí. Một học viên của lớp này – anh Bùi Quang Huy khi ấy là Giám đốc Nxb. Đồng Nai rất mê các bài giảng của ông nên động viên thầy làm cuốn sách về ngôn ngữ báo chí. Trong một bài viết, anh Huy từng chia sẻ: Năm 2003, tôi đã mạo muội thầy chép bài giảng năm đó rồi ép ông đọc lại để in thành cuốn sách “Ngôn ngữ báo chí”, vỏn vẹn trên 100 trang . Nhờ vậy mà năm 2003, cuốn sách Ngôn ngữ báo chí đề tên tác giả Nguyễn Tri Niên do Nxb. Đồng Nai ấn hành đã ra mắt bạn đọc. Đến nay cuốn sách đã tái bản lần thứ 3 và được coi là một trong những cẩm nang với nhà báo và những nhà nghiên cứu ngôn ngữ báo chí.

Ngày cuốn sách Ngôn ngữ báo chí được in lại lần thứ 3, tôi cảm nhận rõ niềm vui trong con người đa sầu đa cảm ấy. Ông trả lời, cảm ơn từng lời chúc mừng của bạn bè, học trò trên Facebook và cũng nhắn mấy dòng cho tôi: Sẽ tặng Điệp! Đáng tiếc tôi đã không có cơ hội tận tay nhận món quà ý nghĩa ấy. Nhà báo, thầy Nguyễn Tri Niên đã rời cõi tạm vào ngày 23-4-2021, trong niềm tiếc thương vô hạn của người thân, cùng sự kính trọng, khâm phục của đồng nghiệp và bạn bè gần xa. 

Nguyễn Điệp

_____________________

[1] Khi ấy là Viện phó Viện Văn học.
[2] Sau là GS Cao Xuân Huy, nguyên giảng viên trường Đại học Văn khoa (tiền thân trường Đại học Tổng hợp Hà Nội), nguyên Trưởng ban Hán – Nôm, Trưởng ban Văn học cổ đại Việt Nam, Viện Văn học, thuộc Ủy ban khoa học Nhà nước.
[3] Ông Hà Văn Đại từng là Tổng đốc Thanh Hóa, bác ruột GS Hà Văn Tấn.
[4] Ông Đào Phương Bình được biết đến là thành viên sáng lập Viện Hán Nôm.
[5] Sau là GS Hoàng Phê, nguyênTổng biên tập Tạp chí Ngôn ngữ, Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam.
[6] Sau là PGS Đào Thản, Trưởng phòng Từ điển học, Viện Ngôn ngữ học, thuộc Ủy ban khoa học Nhà nước.
[7] Tài liệu ghi âm NNC Nguyễn Tri Niên, 13-8-2019, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[8] Tài liệu ghi âm NNC Nguyễn Tri Niên, 13-8-2019, đã dẫn.

[9] Tham khảo Bùi Quang Huy (2021), "Nhớ thầy Nguyễn Tri Niên: Riêng một góc trời", http://baodongnai.com.vn/vanhoa/202104/nho-thay-nguyen-tri-nien-rieng-mot-goc-troi-3053732/?bclid=IwAR2mTVpsbjnYayXMJH6j_XYUlrxYKZ8zk_w9r51Z3rwX4lFPkboSk8owOeA.
[10] Tài liệu phỏng vấn ông Vũ Văn Quang, 29-5-2021, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam
[11] Facebook NNC Nguyễn Tri Niên
[12] Tài liệu ghi âm NNC Nguyễn Tri Niên, 15-4-2020, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[13] Bùi Quang Huy (2021), "Nhớ thầy Nguyễn Tri Niên: Riêng một góc trời", đã dẫn.