Nhà khoa học, nhà quản lý sáng tạo và quyết đoán
Tiến sĩ khoa học Phan Phải sinh năm 1938 tại thôn Thái Thuận, xã Cát Tài, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Ông là con thứ 13 trong gia đình nông dân nghèo có 17 anh chị em nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn vất vả. Vượt lên hoàn cảnh, sau khi tập kết ra Bắc, ông đã thi đỗ vào khoa Sinh học, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1956-1959) rồi được cử đi học Trường Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva (1959-1962). Khi về nước ông Phan Phải là trưởng bộ môn Di truyền học, bí thư chi bộ khoa Sinh học, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1963-1967).
Từ năm 1968-1972, giảng viên Phan Phải hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh tại Viện Di truyền học phát triển, Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô với đề tài: Đột biến thực nghiệm ở giai đoạn hợp tử và tiền phôi. Từ định hướng trong lịch sử tiến hóa sinh giới, ông đã nghiên cứu rồi tìm ra khả năng định hướng cho các chuỗi đột biến ở giai đoạn tiền phôi và hợp tử. Với công trình này, nghiên cứu sinh Phan Phải chuyển hướng nghiên cứu sang lĩnh vực di truyền học nông nghiệp để chuyên sâu tìm ra định hướng cho các chuỗi đột biến theo quy luật xác xuất thống kê. Ông đã nhạy bén cập nhật điểm mới trong nghiên cứu khoa học về lĩnh vực di truyền để tạo một bước ngoặt trên con đường nghiên cứu di truyền học hiện đại. Cùng với lợi thế có vốn tiếng Nga sâu rộng, đặc biệt về chuyên ngành, PTS Phan Phải được Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô mời ở lại làm cộng tác viên. Đây cũng là điều kiện để ông tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu. Đến năm 1978, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ: Tính đặc hiệu của hoạt động đột biến sau giai đoạn phôi hình thành hợp tử ở thực vật và đột biến di truyền tự nhiên với biến đối của cấu trúc hoa. Tham dự trong buổi bảo vệ của chồng, GS.TSKH Nguyễn Thị Lê nhớ lại: Hồi tôi ở bên Liên Xô làm luận án Tiến sĩ cũng trực tiếp tham dự nhiều Hội đồng chấm luận án của một số anh em, tôi nhận thấy sự khác biệt trong buổi bảo vệ của anh Phải. Các hội đồng khác thường là những người quan tâm tham dự nhưng đến buổi bảo vệ của anh Phan Phải thì hội trường khá đông. Anh ấy trình bày bằng tiếng Nga rất sôi nổi nhưng cũng đầy tính thuyết phục, như một người Nga đích thực nên được nhiều người ngồi nghe trầm trồ nể phục. Buổi bảo vệ thành công rực rỡ, nhiều người lên tặng hoa và chúc mừng anh [1]. Từ kết quả nghiên cứu của luận án, TS Phan Phải đã ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp, dùng đột biến thực nghiệm để tạo ra những giống cây trồng theo ý muốn như giống hoa hồng cánh đỏ, hồng chuyển sang màu xanh, cúc trắng chuyển sang vàng, bắp cải chịu nhiệt. Đây là một ý tưởng mới mẻ đối với các nhà chọn giống trong nước và ngoài nước, kể cả đối với các nhà chọn giống ở Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế (IRRI-The International Rice Research Institute). Bởi họ cho rằng tốt nhất chỉ nên sử dụng những bộ gene có sẵn mà thiên nhiên đã tạo ra trước đây và dùng các biện pháp lai giống để hoán vị và kết hợp chúng nhằm chọn tạo các giống cây trồng mới.
TSKH Phan Phải (bên phải) và GS Trần Duy Quý đang khảo sát giống lúa DT1
tại HTX Thăng Long, Kim Môn, Hải Dương, tháng 5-1985 (Ảnh: Cẩm Phong)
GS.TSKH Trần Duy Quý[2], một người học trò, đồng nghiệp của thầy Phan Phải kể lại:TSKH Phan Phải là con người để lại nhiều uy tín cho bè bạn Liên Xô. Đặc biệt, năm 1978 PTS Phan Phải bảo vệ luận án Tiến sĩ thành công. Thầy được giới báo chí ở Liên Xô đánh giá là ”Nhà phù thủy của châu Á”[3]. Ông Quý giải nghĩa “Phù thủy” tức là thầy Phan Phải cải tạo nguồn biến dị từ các loài rau củ quả để tăng năng suất cao trong nông nghiệp, ví dụ như một số giống lúa DT1, DT2 tiền thân của giống DT 10 hiện nay với 1000 hạt nặng 17g tăng lên 40g đã phát triển mạnh ở Việt Nam. Ngoài ra, thời kỳ ở Liên Xô, PTS Phan Phải đã nghiên cứu làm biến dị loài hoa anh túc tạo quả to bằng chiếc bát con song lại làm mất đi chất gây nghiện, để có thể sử dụng cho việc làm bánh trong bữa ăn hàng ngày của người dân nước bạn. Vào năm 2006, GS Duy Quý có chuyến công tác tại Liên Xô, theo ông cho biết thì tại Viện Sinh học và Phát triển, Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô vẫn giữ phòng làm việc mang tên GS Phan Phải.
Năm 1980, Tiến sĩ Phan Phải trở về nước, chuyển công tác và đảm nhiệm Trưởng phòng Phòng Di truyền học, trực thuộc Viện Khoa học Việt Nam. Thời gian đầu thành lập Phòng Di truyền học, tại Viện Khoa học Việt
Ngày 22-5-1984, ông Nguyễn Ngọc Trìu – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp ký quyết định thành lập Trung tâm Di truyền nông nghiệp[5] do TS Phan Phải làm Giám đốc. Trong giai đoạn đầu, Trung tâm được giao một số đề tài nhánh về chọn tạo giống thuộc Chương trình KC-KHCN 01, KHCN 02 và ứng dụng các đề tài chọn tạo giống lúa, ngô, lạc, đậu tương, thầu dầu, bắp cải chịu nhiệt, và một vài giống hoa. TS Phan Phải với vai trò Giám đốc Trung tâm đồng thời là người chủ trì về chuyên môn đã có đóng góp rất quan trọng vào sự thành công của các đề tài này, góp phần đưa nông nghiệp Việt Nam phát triển lên một bước mới cả về năng suất và chất lượng. Bên cạnh thời gian làm việc trong phòng thí nghiệm, Giám đốc Phan Phải còn lăn lộn trên các cánh đồng như những người nông dân thực thụ để làm thí nghiệm. GS.TSKH Nguyễn Thị Lê cho biết: Anh Phải là nhà nghiên cứu di truyền học nhưng chẳng khác gì anh nông dân, dù trời mưa nắng cứ xắn ống quần lội ruộng suốt[6]. Nhờ đó, từ khi chuyển công tác sang Viện Khoa học Việt Nam (1979-1989), TS Phan Phải cùng với các cộng sự của Phòng Di truyền học, rồi Trung tâm Di truyền nông nghiệp tạo ra được nhiều loại giống cây trồng có năng suất cao chất lượng tốt như: Giống lúa DT1, DT10, NN2298, ĐB250, DCM1(giống lúa chịu mặn), MT1, MT4 (Mộc Tuyền). Trước đây giống lúa nếp cái hoa vàng dùng làm cốm Vòng chỉ cấy vào tháng 10 dương lịch nhưng bằng xử lý đột biến ông cùng các đồng nghiệp đã tạo ra giống nếp hoa vàng DV2 trồng hai vụ/năm; ngô DT6, đậu tương DT84 (hiện nay vẫn còn trồng mở rộng chiếm 70 % năng suất cả nước) hay giống bắp cải chịu nhiệt. “Có thể nói,TSKH Phan Phải là người có công đầu trong việc sử dụng phương pháp gây đột biến thực nghiệm ở các giống cây trồng của Việt
Nhiều thế hệ học trò do ông đào tạo đã trở thành những cán bộ đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp trong đó có nhiều người xuất sắc. GS Trần Duy Quý kể lại: ngay từ những năm 1974-1979, khi làm cộng tác viên ở Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, PTS Phan Phải đã chú ý tới quá trình học tập của một số lưu học sinh Việt Nam tại đây, và giới thiệu các sinh viên, nghiên cứu sinh có năng lực tốt về công tác ở Viện, đồng thời lưu ý ông Quý tìm mọi cách để “thu hút nhân tài” cho Viện. Một số cán bộ như Vũ Đức Quang, Nguyễn Ngọc Cường, Lê Đình Hùng đã được thu hút về công tác tại Viện và sau này họ đều trở thành những nhà nghiên cứu có uy tín trong ngành. Đặc biệt, từ khi làm trưởng phòng hợp tác quốc tế rồi kế nhiệm chức Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp (1993-2006), nhận thức việc đào tạo nhân tài phải gắn với trình độ ngoại ngữ như thầy Phan Phải từng khẳng định, ông Quý thường mời các chuyên gia dạy tiếng Nga, Pháp về đào tạo cho cán bộ tại Viện.
Năm 1995, Viện Di truyền nông nghiệp được Tổ chức Đầu tư phát triển nông nghiệp Châu Á tặng giải thưởng về các giống lúa đột biến có năng xuất cao (DT10). Đến năm 2014, Viện Di truyền Nông nghiệp tiếp tục được nhận giải thưởng “Thành tựu xuất sắc” do cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và tổ chức Nông lương Quốc tế (FAO) trao tặng. Phần thưởng này là sự ghi nhận những thành tựu mà Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam đạt được trong chọn tạo giống đột biến ở lúa và đậu tương, giúp đảm bảo an ninh lương thực và tăng thu nhập cho người nông dân. Điều đặc biệt, theo GS.TSKH Trần Duy Quý cho biết, thì cả thế giới có 25 giải thưởng, có 5 giải xuất sắc thì Việt Nam được 1 giải.
Một người thầy, một người chồng mẫu mực
Bên cạnh những đóng góp về khoa học di truyền nông nghiệp thì trong con mắt của học trò, đồng nghiệp và gia đình, TSKH Phan Phải là một người thầy thân tình, một người chồng mẫu mực. Trên mỗi chặng đường học tập, công tác và nghiên cứu khoa học của mình, GS.TSKH Trần Duy Quý không thể nào quên hình ảnh người thầy đã mở cho ông cánh cửa bước vào lĩnh vực Di truyền học và đem lại nhiều kết quả giúp ích cho người nông dân, đó không ai khác chính là thầy Phan Phải.
Năm 1966, Trần Duy Quý trở thành tân sinh viên của khoa Sinh học, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Trong buổi gặp gỡ đầu tiên với thầy cô trong ở khoa để học chính trị tại khu sơ tán của khoa Sinh học, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội tại Thái Nguyên, ông Quý ấn tượng nhất với giọng nói truyền cảm của thầy Phan Phải kể lại con đường phấn đấu của bản thân, khiến nhiều sinh viên có hoàn cảnh tương tự xúc động nghẹn ngào, đặc biệt sinh viên miền Nam. GS.TSKH Trần Duy Quý cho biết, thời gian đó thầy Phải làm bí thư chi bộ khoa Sinh học nên rất quan tâm đến tâm tư tình cảm, đời sống của các sinh viên, ông thường đến các lớp hỏi thăm, giúp đỡ sinh viên. Trong một buổi ôn tập duy nhất về môn Di truyền học của thầy Phải tại lớp D4a (Trần Duy Quý là học viên), ông Phan Phải thấy cả lớp học nhóm chăm chỉ còn sinh viên Quý và Nguyễn Ngọc Chất ngồi đan lát (đan bằng sợi giang), ông hỏi chuyện và cho ông Quý 10 đồng để về quê Vĩnh Phúc thăm gia đình. Nhờ số tiền này mà ông Quý mua được rất nhiều cuốn vở, bút viết và một chút quà về gia đình. Trong thời gian học tập, ông Quý cũng được thầy Phải định hướng nên theo ngành Di truyền học (hướng nghiên cứu mới về các đột biến của cây lúa dưới tác động của hóa chất và tia phóng xạ) vì có thể phát triển khả năng tư duy logic và phương pháp thực nghiệm. Đặc biệt, thầy Phan Phải từng đi học tập nhiều năm ở Liên Xô, vốn ngoại ngữ tiếng Nga rất tốt nên lứa sinh viên như Trần Duy Quý rất ngưỡng mộ và đi theo nghề thầy từ đó.
Tốt nghiệp Đại học (1970), Trần Duy Quý công tác ở tổ Đột biến, Viện Sinh vật học, Viện khoa học Việt Nam. Trong thời gian này, ông thường xuyên gửi mẫu đậu tương, thầu dầu, lúa từ Việt Nam cho PTS Phan Phải để tiến hành nghiên cứu ở Viện nghiên cứu Phóng xạ của Liên Xô (có đầy đủ trang thiết bị hiện đại), sau đó ông Phan Phải gửi lại mẫu cho Viện Di truyền Nông nghiệp để ứng dụng (1968-1972). Rồi với vai trò cộng tác viên cao cấp của Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, thầy Phải giúp một số cán bộ của Viện gửi bài tóm tắt khoa học để tham dự Hội nghị về Di truyền học ở Liên Xô lần thứ 14. Thầy Phải làm việc rất đúng giờ, cẩn thận trong từng công việc, qua sổ sách ghi chép. Thầy là người không quan cách, ai mới tiếp cận lần đầu đều nhận thấy sự thân thiện nhẹ nhàng trong giao tiếp còn trong công việc thầy nghiêm túc từ trang phục tại phòng thí nghiệm đến cung cách làm việc, chúng tôi làm sai thầy nghiêm khắc khiển trách và trừ lương. Thầy Phải thường dạy cho các học trò của mình: Di truyền học là phải có tư duy logic, cẩn thận, ghi chép chính xác[9]. GS.TSKH Trần Duy Quý chia sẻ. Trong công việc quản lý và chuyên môn ông Phải rất nghiêm khắc với những nhân viên dưới cấp có sai phạm từ nhắc nhở, phê bình trực tiếp đến phạt kinh tế.
Bà Trần Thị Khôi[10] cũng tâm sự: Có một buổi họp chi bộ của Trung tâm vào lúc 13 giờ 30 phút chiều nhưng do nhóm chúng tôi đang cố thu hoạch lúa ở Trại Bum (thuộc huyện Từ Liêm) cho xong nên về trễ hơn 10 phút. Vào phòng họp anh Phải không trách mắng mà ân cần hỏi thăm, trực tiếp pha nước đường cho chúng tôi uống. Ngay cả bữa cơm ngồi cùng anh em trong phòng có miếng nào ngon anh nhường các chị em. Ai nấy cũng vui vẻ và cảm động[11].
Điều đặc biệt trong cách sống, cách ứng xử của Viện trưởng Phan Phải cũng có nhiều điều đáng cảm mến: Anh Phải đi học ở nước ngoài nhiều nên rất ga lăng, hát hay đặc biệt hát tiếng Nga, quan tâm đến phụ nữ và lãng mạn. Anh rất hiếm khi quên ngày sinh nhật của vợ con và đồng nghiệp trong cơ quan [12] – Giáo sư Trần Duy Quý nhớ lại.
Cô dâu Nguyễn Thị Lê cùng chú rể Phan Phải (áo vét đen) trong ngày cưới tại Nhà hàng Nguyên Sinh,
phố Hàng Buồm, tháng 7-1963
TSKH Phan Phải còn là một người chồng tuyệt vời trong con mắt của người bạn đời – bà Nguyễn Thị Lê[13]: Trong công tác quản lý ông là người dám nghĩ dám làm, quyết đoán. Trong các mối quan hệ với bạn bè, đồng nghiệp và cả cấp dưới thì anh rất chân thành, thân tình nên ai cũng yêu mến. Còn đối với vợ con anh là một người chồng tâm lý. Mỗi chuyến công tác anh không quên mua những món quà tặng đồng nghiệp và vợ con[14]. Bà Lê nhớ mỗi chuyến công tác, ông thường mua những cuộn len (Hungari, Liên Xô) để bà đan áo và khăn. Ông là người sống tâm lý luôn hiểu vợ con và mua những món quà bà rất thích, rất vừa ý bà.
Ngày 13-7-1989, ông Phan Phải có chuyến công tác ở Cu Ba do thời tiết nóng, đến Canada trục trặc máy bay nên chuyến bay tạm dừng vài ngày, khí hậu lạnh khiến ông bị thay đổi huyết áp, đến Nga ông lại làm việc căng thẳng, rồi sang Bungari nửa tháng nên ông bị xuất huyết não. Ngày 1-9-1989, TSKH, Viện trưởng Phan Phải đã trút hơi thở cuối cùng tại nơi đất khách quê người (Bungari). Ông ra đi quá sớm (khi mới 51tuổi) để lại niềm tiếc thương vô hạn cho bạn bè, gia đình và đồng nghiệp. Trong lễ tang TSKH Phan Phải được tổ chức ngày 13-9-1989 tại trụ sở của Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm[15] có đông đủ người thân, cộng sự, đồng nghiệp từ các tỉnh về viếng ông. Được biết GS.TS Lân Dũng đã chấp bút Lời điếu rất xúc động và Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn đọc trong buổi lễ truy điệu.
Còn với GS.TSKH Nguyễn Thị Lê và con gái Phan Lê Minh thì không còn nỗi đau đớn nào hơn sự ra đi đột ngột của chồng, cha để rồi nhiều năm sau khi ông Phải mất, gia đình vẫn không dám nhắc đến tên ông. Đối với bà Lê, người chồng thân yêu – TSKH Phan Phải luôn ngự trị trong trái tim bà, không gì có thể thay đổi.
Ghi nhận những đóng góp to lớn của ông Phan Phải, năm 1989, Nhà nước đã truy tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho ông. Đồng thời, Viện Di truyền Nông nghiệp tạc tượng ông đặt ở vị trí trang trọng tại khuôn viên của Viện.
Lưu Thị Thúy
[1] Phỏng vấn GS.TSKH Nguyễn Thị Lê ngày 21-2-2013, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[2] Nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam.
[3] Ghi âm phỏng vấn GS.TSKH Trần Duy Quý ngày 17-8-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[4][7][8][9][12] Ghi âm phỏng vấn GS.TSKH Trần Duy Quý ngày 17-8-2016, tài liệu đã dẫn.
[5] Đến năm 1989, Quyết định số 281-CT ngày 10/10/1989 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã chính thức chuyển Trung tâm Di truyền Nông nghiệp thành Viện Di truyền Nông nghiệp, trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp Thực phẩm
[6] Ghi âm phỏng vấn GS.TSKH Nguyễn Thị Lê ngày 21-2-2013, tài liệu đã dẫn.