Năm 1976, hoàn thành chương trình Thực tập sinh tại Đức trở về nước, BS Ngô Ngọc Liễn được GS Dearroff – thầy hướng dẫn – tặng một chiếc Máy đo thính lực sàng lọc để phát hiện bệnh Điếc nghề nghiệp. Ngoài vai trò là giảng viên tại Bộ môn Tai mũi họng, trường Đại học Y Hà Nội, BS Ngô Ngọc Liễn còn giữ cương vị là Chủ nhiệm Khoa Thính học, Viện Tai mũi họng Việt Nam (năm 1978).
Cuối những năm 70, dù nền công nghiệp ở Việt Nam chưa phát triển mạnh nhưng tỉ lệ điếc nghề nghiệp cũng rất đáng kể và có nhiều người bị điếc nặng, ảnh hưởng rõ rệt tới đời sống sinh hoạt của họ. Đó cũng là một trong những lý do BS Ngô Ngọc Liễn thực hiện đề tài cấp Bộ: "Tình hình về Điếc nghề nghiệp ở một số ngành cơ bản" để tiến hành đi sâu, nghiên cứu về điếc nghề nghiệp ở Việt Nam. Năm 1978, ông là Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước "Quy trình chẩn đoán và giám định Điếc nghề nghiệp".
Khi Việt Nam bắt đầu tìm hiểu và nghiên cứu về điếc nghề nghiệp thì một số nước trên thế giới đã có các quy chuẩn để xác định điếc nghề nghiệp, tuy nhiên không thể đưa các quy chuẩn ở nước ngoài áp dụng vào Việt Nam. Ví như ở Đức cứ một nhà máy có khoảng 1000 công nhân thì buộc phải có một bác sĩ Tai mũi họng chuyên về thính học, một phòng cách âm, một máy đo điếc để kiểm tra định kỳ cho công nhân.
Theo BS Liễn, vấn đề khó nhất đặt ra ở đây chính là phải đưa ra được quy chuẩn để xác định điếc nghề nghiệp; mức độ điếc từ đó mới có cơ sở để duyệt chế độ đãi ngộ cho người lao động. Đâu sẽ là quy trình chuẩn để chẩn đoán và giám định điếc nghề nghiệp là câu hỏi luôn đặt ra trong đầu BS Ngô Ngọc Liễn.
Để trả lời cho câu hỏi đó, với "vốn liếng" chỉ vỏn vẹn chiếc máy đo thính lực được tặng, bộ dụng cụ khám Tai mũi họng và Bảng thính lực lời, BS Liễn cùng các cộng sự đã đến từng nhà máy xí nghiệp để thực hiện đo thính lực, khám và chẩn đoán bệnh cho công nhân trong điều kiện không có phòng cách âm chuyên dụng. Điểm đầu tiên mà BS Liễn cùng đồng nghiệp thực hiện đo thính lực sàng lọc cho công nhân tại nhà máy xe lửa Gia Lâm, Hà Nội. Tuy nhiên, chiếc buồng cách âm tự tạo được thiết kế bằng những tấm gỗ ván ghép lại được BS Liễn làm tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm vừa cách âm không hiệu quả, lại vừa không di chuyển được và cũng không phải là giải pháp tối ưu.
Máy đo thính lực sàng lọc
Vì thế, BS Ngô Ngọc Liễn đã nảy ra sáng kiến đưa công nhân nhà máy xe lửa ra cánh đồng gần đó để đo thính lực, hy vọng có không gian yên tĩnh để thực hành, tuy nhiên hôm sau khi đưa công nhân ra đo thì có rất nhiều người do tính hiếu kỳ đã kéo đến xem nên rất ồn và buổi đo đó thất bại. Từ khó khăn đó, bác sĩ Ngô Ngọc Liễn lại đưa ra giải pháp xác định độ chênh lệch giữa việc đo thính lực trong phòng cách âm với phòng không cách âm để kiểm tra thính lực theo phương pháp sàng lọc. Trong những chuyến đi tới các địa phương sau đó, BS Ngô Ngọc Liễn đã tận dụng các phòng có vị trí ở trên cao, ít ồn làm nơi đo thính lực. Trong lần về nhà máy Điện ở Đà Nẵng, đoàn được bố trí ở nhà khách tỉnh ủy, BS Ngô Ngọc Liễn đặt vấn đề xin một phòng tầng thượng của nhà khách để tránh ồn và làm nơi khám cho công nhân và chi phí của đợt khám bệnh giảm đi rất đáng kể. Ông tâm sự: "Một mình tôi không thể kiểm tra hết một số lượng lớn công nhân, nên tôi mở lớp đào đạo các cán bộ y tế phương pháp đo thính lực sàng lọc ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Những đơn vị nào cần giám định Điếc nghề nghiệp thì đề nghị lên Bộ Y tế, khi có chỉ đạo từ Bộ chúng tôi sẽ tiến hành thực hiện".
Nhờ những ý tưởng và giải pháp tình thế "đặc biệt" đó mà BS Ngô Ngọc Liễn đã tiết kiệm được rất nhiều nhân lực, thời gian đi lại của người lao động và kinh phí theo nó. Ông cho biết: "Chỉ cần một bác sĩ và một kỹ thuật viên Tai mũi họng – Thính học trong một ngày có thể khám và đo cho 100-200 công nhân. Trước đó, công nhân mỗi khi đi đo phải nghỉ việc cả ngày, nay mỗi người chỉ mất 10 phút, người quản lý các phân xưởng, nhà máy dễ dàng sắp xếp dây chuyền sản xuất. Và cũng nhờ phương pháp đo sàng lọc này có thể giảm thiểu số người phải về thành phố lớn để được giám định Điếc nghề nghiệp bằng máy móc hiện đại".
Trong quá trình giám định Điếc nghề nghiệp, BS Liễn đã phát hiện rất nhiều công nhân mắc bệnh, danh sách được trình Hội đồng giám định xét duyệt và họ được hưởng chế độ cao nhất trong các bệnh nghề nghiệp ở Việt Nam lúc bấy giờ. GS Liễn kể lại: "Khi về nhà máy Dệt Nam Định kiểm tra cho gần 1000 công nhân, tôi đã phát hiện ra mấy chục công nhân bị Điếc nghề nghiệp và họ được hưởng thêm chế độ, công nhân họ rất vui. Mức đãi ngộ dao động từ 5% đến 25% lương cơ bản, ngày ấy công nhân chủ yếu sống bằng lương, đãi ngộ theo mức lương cũng có nghĩa là thu nhập của họ tăng thêm. Những công nhân nghĩ rằng do lao động ở vị trí ồn mà bị điếc thì họ được đền bù xứng đáng. Sau khi về, họ biếu 2 chiếc chăn bông như thể hiện tình cảm của anh em công nhân với tôi. Tôi mang chăn về trường Y, nhà trường nhờ tôi mua giúp 300 chiếc. Tôi đi xe máy xuống gặp Giám đốc nhà máy và Chủ tịch Công đoàn đặt vấn đề mua cho nhà trường, được họ đồng ý bán cho với giá rẻ. Sau đó, trường Y cử người đi xe tải mang tiền xuống để mua chăn. Tôi nhớ trên xe tải lúc đó còn có người cầm súng trường để bảo vệ".
GS.TS Ngô Ngọc Liễn
Không chỉ chăm lo sức khỏe, phòng bệnh cho người lao động làm việc trong môi trường có tiếng ồn, việc giám định Điếc nghề nghiệp còn thể hiện sự quan tâm của nhà nước với người lao động. Hầu như tất cả các ngành công nghiệp lớn lúc bấy giờ đều có một bộ phận để chịu trách nhiệm lo về vấn đề này. Đây cũng là điều mà GS Liễn cảm thấy thấy tâm đắc, theo như ông tâm sự: “Tôi đã khắc phục được hoàn cảnh thực tiễn, đưa khoa học đến với người lao động; thuyết phục được những người lãnh đạo, quản lý các nhà máy quan tâm đến môi trường lao động, bảo vệ sức khỏe người lao động".
Đồng thời, dựa trên chiếc máy thính lực của Đức, BS Ngô Ngọc Liễn đã kết hợp với ông Thành – Giảng viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội "chế tạo" ra máy đo thính lực phù hợp với yêu cầu thực tế đưa vào sản xuất ở Việt Nam. Giáo sư Ngô Ngọc Liễn cho biết: "Từ đề tài trên với sáng tạo phương pháp đo thính lực sàng lọc 2 tần số, 3 mức cường độ, tôi đã được nhà nước tặng thưởng Bằng Lao động sáng tạo, năm 1982”. Ngoài việc kiểm tra Điếc nghề nghiệp bên dân sự, BS Liễn còn tham gia kiểm tra Điếc nghề nghiệp ở bên quân sự, từ việc đo cường độ tiếng ồn của máy bay MiG 21 khi tăng tốc.
Tuy nhiên vào thập niên 80, khi chuyển sang cơ chế thị trường, Luật Điếc nghề nghiệp[1] không được thực hiện một cách triệt để, công nhân không chịu đi đo chẩn đoán. Bởi nếu bị điếc, chế độ đãi ngộ thêm 5-10% lương thì cũng không đáng là bao so với mức lương chính của họ. Những cán bộ y tế trước đó phụ trách vấn đề này cho biết dù họ có tâm huyết với nghề bao nhiêu đi chăng nữa cũng thành thất nghiệp vì công nhân không chịu đi khám. Rồi đến những năm 90, Khoa Điếc nghề nghiệp, Viện Tai mũi họng cũng bị giải tán, GS Liễn coi đây là một "nỗi buồn" trong cuộc đời thầy thuốc của ông. Cũng do yêu cầu công tác, BS Liễn tiếp tục học tập, bổ sung kiến thức chuyên môn và chuyển sang làm về nội soi mũi xoang. Tuy nhiên, theo ông căn bệnh điếc nghề nghiệp vẫn là một vấn đề cần được quan tâm nghiên cứu, để từ đó tìm ra những giải pháp giảm thiểu tới mức thấp nhất một căn bệnh nghề nghiệp liên quan đến người lao động đang làm việc, công tác trong những ngành nghề, lĩnh vực có tiếp xúc với tiếng ồn ở cường độ cao.
Năm 2003, với đề tài “Nghiên cứu ảnh hưởng tiếng ồn do xe tăng thiết giáp tới thính lực của bộ đội vận hành và đề xuất các biện pháp phòng hộ”, NCS Hồ Xuân An đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ dưới sự hướng dẫn tận tình của GS Ngô Ngọc Liễn – người thầy, người thầy thuốc đã luôn trăn trở, hết lòng vì sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là những người công nhân lao động.
Hoàng Liêm-Khánh Phương
[1] Luật Điếc nghề nghiệp được ban hành ngày 19-5-1976.