Ứng dụng nghiên cứu khoa học vào thực tế

Ý tưởng từ quá trình làm luận án Phó tiến sĩ

Năm 1968, sau khi tốt nghiệp khoa Sinh học của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội[1], Đỗ Khắc Hiếu được phân về công tác tại Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia, nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Năm 1979, ông được cử đi nghiên cứu sinh tại Trung tâm nghiên cứu vi sinh học thực nghiệm và điều trị (viết tắt ZIMET), thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Cộng hòa Dân chủ Đức. Sau 4 năm miệt mài học tập, nghiên cứu, Đỗ Khắc Hiếu đã bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ với đề tài: “Xây dựng phương pháp định lượng miễn dịch phóng xạ RIA cho progestagen mới STS 557” để xác định sự đào thải chuyển hóa của STS sau khi uống (là viết tắt từ Sterorid- TS là ký hiệu nhóm chất, một loại thuốc tránh thai mới). Đây là một nhánh của đề tài do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) giao cho Viện Hàn lâm khoa học Cộng hòa Dân chủ Đức thực hiện; Giáo sư Oettel, thầy hướng dẫn trực tiếp nghiên cứu sinh Đỗ Khắc Hiếu, là chủ nhiệm đề tài nên đã giao cho học viên Hiếu triển khai vấn đề đó.

Quá trình thực hiện đề tài, nghiên cứu sinh Đỗ Khắc Hiếu thường thử nghiệm trên thỏ, chó, cho chúng uống STS để xác định quá trình đào thải, chuyển hóa qua gan, mật bằng cách phải giết mổ chúng để lấy mật đem phân tích thí nghiệm. Từ quá trình lấy mật của chó, thỏ làm thí nghiệm, ông Hiếu nảy ra ý nghĩ: tại sao cứ phải giết gấu để lấy mật dùng làm thuốc chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe cho người, trong khi số lượng gấu trong tự nhiên đang ngày càng suy giảm[2].

Thời điểm đó, NCS Đỗ Khắc Hiếu được biết ở Việt Nam cũng như trên thế giới, môi trường sống tự nhiên của các loài gấu trong tự nhiên đang dần bị thu hẹp do các hoạt động chặt phá rừng, khai thác lâm sản. Gấu bị săn bắt từ tự nhiên, rồi đem giết rồi lấy mật và các bộ phận khác để đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng tăng của con người. Vì thế, Trong quá trình làm thí nghiệm phục vụ cho đề tài nghiên cứu sinh, Đỗ Khắc Hiếu suy nghĩ: Nếu tìm ra phương pháp không phải giết gấu để lấy mật, mà vẫn đảm bảo gấu khỏe mạnh và có khả năng sinh sản thì con người có thể thuần hóa được gấu như một loài vật nuôi mang lại giá trị kinh tế cao[3]. .

Sau nhiều lần thử nghiệm, NCS Đỗ Khắc Hiếu đã thực hiện phương pháp lấy mật mà không phải giết vật chủ, đồng thời ông nhận định rằng để đảm bảo sức khỏe cho con vật và chất lượng mật thì không thể liên tục lấy mật mà cần thời gian khoảng vài ba tháng để gan tiết ra mật. Từ đó, ông Đỗ Khắc Hiếu luôn ấp ủ hướng nghiên cứu khoa học lý thú này và hy vọng có cơ hội được hiện thực hóa ý tưởng đó.

Hành trình hiện thực hóa ý tưởng

Trở về nước năm 1983, PTS Đỗ Khắc Hiếu đã có ý định đề xuất lên ban lãnh đạo cơ quan là Trung tâm Sinh lý – Hoá sinh người và động vật thuộc Viện Khoa học Việt Nam[4]một đề tài nghiên cứu khai thác mật không cần giết gấu nhưng vì những lý do khách quan về mặt quản lý nên ông chưa thực hiện. Tuy vậy, Đỗ Khắc Hiếu vẫn luôn tin tưởng và hi vọng rằng ý tưởng của mình sẽ có cơ hội được thực hiện. Trong thời gian làm nghiên cứu sinh ở Cộng hòa Dân chủ Đức, Đỗ Khắc Hiếu đã có kinh nghiệm nuôi vật thí nghiệm, tìm đọc khá nhiều tài liệu về gấu và kỹ thuật nuôi gấu. Khi về nước, ông dành thời gian đến Công viên Thủ Lệ để tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm nuôi gấu. Ông Hiếu cũng đã nuôi thử nghiệm những con chó, thỏ để lấy mật, và đã thành công. Vì thế, khi nghe tin một người bạn ở khu tập thể trường Đại học Bách khoa Hà Nội mua được một con gấu ngựa từ Nghệ An mang ra Hà Nội, để có tiền mua lại con gấu ngựa, ông Hiếu quyết định đổi chiếc xe đạp Mifa để đổi lấy con gấu để nuôi thử nghiệm tại nhà. Lúc này, con gấu ngựa mới chỉ nặng khoảng hơn 10kg. Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Hòa, vợ và cũng là đồng nghiệp của PGS.TS Đỗ Khắc Hiếu, khi thực hiện ý tưởng này, bà luôn ủng hộ ý định đầu tư cho khoa học của chồng. Bà kể lại: Loài gấu hung dữ, nuôi rất khó khăn, trong quá trình chăm sóc và thử nghiệm lấy mật cũng khá căng thẳng. Đến bây giờ, nghĩ lại mới thấy rằng đó là một quyết định liều lĩnh, thật may mắn khi mọi chuyện khá suôn sẻ, con gấu không bị làm sao[5]. Gia đình ông Hiếu đã làm một chiếc chuồng nhỏ để ở góc khuôn viên của khu nhà tập thể[6] và luôn cẩn thận, chú ý không để cho con mình cũng như hàng xóm xung quanh tiếp cận nhiều với gấu, tránh nguy hiểm đến tính mạng.

Sau gần 2 năm ông Hiếu tự chăm nuôi, con gấu ngựa đã lớn và kéo theo những bất tiện. Tiếng kêu gầm rú của gấu khi đói, đã gây ảnh hưởng đến những người hàng xóm, do vậy họ có ý kiến phản ánh lên Ban quản lý Khu tập thể. Chưa kể đến những khó khăn trong việc vệ sinh, chăm sóc gấu ở ngay khuôn viên nhà tập thể, riêng việc đảm bảo thức ăn của gấu đã rất tốn kém, trong khi ở vào thời kỳ bao cấp, việc lo dinh dưỡng cho người đã vô cùng khó khăn. Gấu có ăn chất bột (thường là cháo tổng hợp), nhưng cần nhiều protein nên phải cho ăn trứng, thêm mật ong và càng nhiều thịt càng tốt đảm bảo cho chất lượng mật.

Khoảng năm 1985, GS Nguyễn Văn Hiệu[7], lúc đó là Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam biết tin nên đã có một buổi gặp gỡ, trao đổi với ông Hiếu. Sau khi nghe PTS Đỗ Khắc Hiếu trình bày ý tưởng nghiên cứu, GS Nguyễn Văn Hiệu đã phê duyệt một đề tài cấp Bộ giao cho Trung tâm Sinh lý – Hoá sinh người và động vật, do PTS Đỗ Khắc Hiếu làm chủ nhiệm: Nghiên cứu khai thác mật gấu mà không phải giết gấu, được cấp kinh phí để thực hiện nghiên cứu, trong đó có đầu tư xây dựng khu chuồng trại để nuôi gấu. Theo ông Hiếu được biết, trong tổng số kinh phí hoạt động của Viện hàng năm, thì theo quy định, có khoảng 10% cá nhân Viện trưởng được toàn quyền, quyết định cho công tác nghiên cứu khoa học của đơn vị đó mà không cần phải thông qua Hội đồng xét duyệt. Đây là một quyết định đặc cách vì theo đúng quy định, các đề tài đều phải qua một quy trình đề xuất từ phòng lên Trung tâm, từ Trung tâm lên Viện. Trong một buổi trò chuyện, GS Nguyễn Văn Hiệu còn nói vui với ông Hiếu: Ông muốn trở thành Marie Curie của Việt Nam?[8] Biết đó là câu nói vui nhưng ông Hiếu hiểu được sự trân trọng của GS Nguyễn Văn Hiệu đối với tinh thần vì khoa học của mình.

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh (bìa phải) tham quan khu trại nuôi gấu của Viện khoa học Việt Nam, đầu năm 1995, PTS Đỗ Khắc Hiếu (bìa trái)

Năm 1985, đề tài chính thức được phê duyệt, GS Nguyễn Văn Đạo[9] – Phó Viện trưởng kiêm Tổng thư ký Viện Khoa học Việt Nam trực tiếp chỉ đạo quá trình thực hiện. Với kinh phí được đầu tư cho đề tài, năm 1986, khu chuồng trại nuôi gấu với diện tích gần 100 m2 được xây dựng hoàn thiện nằm trong khuôn viên của Viện Khoa học Việt Nam (nay là Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam). Khu vực này có thể đáp ứng cho việc nuôi khoảng gần chục con gấu. Trong quá trình thực hiện đề tài Nghiên cứu khai thác mật gấu mà không phải giết gấu, GS Nguyễn Văn Đạo cũng thường xuyên đi kiểm tra, nắm bắt tình hình. Thời điểm khai thác mật gấu trung bình 6 tháng, số gấu nuôi trong chuồng đã có thể lấy mật chính GS Nguyễn Văn Đạo đã trực tiếp kiểm tra rồi nếm thử vị của mật gấu. Ông Hiếu khẳng định, thời điểm những năm 80, phương pháp lấy mật gấu của ông mang tính đột phá lớn vì ở Việt Nam chưa có công trình nghiên cứu về đề tài này. Lúc đầu, khi tiến hành thử nghiệm thành công trên chó và thỏ, nhiều đồng nghiệp của ông Hiếu đã rất thích ý tưởng này. Đến khi đề tài nuôi gấu lấy mật được duyệt, với vai trò chủ trì, PTS Đỗ Khắc Hiếu mời thêm một số đồng nghiệp tại Trung tâm Sinh lý – Hoá sinh người và động vật cùng thực hiện như Đoàn Việt Bình, Đỗ Nguyên Khoa, Đặng Nhật Anh, Lê Văn Phúc, Nguyễn Thị Hòa,… mỗi một người phụ trách một việc: chăm sóc, vệ sinh cho gấu; phụ trách chia khẩu phần thức ăn; lấy mật (chủ yếu là ông Hiếu); phân tích, so sánh mật gấu nuôi với mật gấu tự nhiên… người nào cũng làm tỉ mỉ, chuyên cần, say mê và có trách nhiệm với công việc. Cũng trong thời kỳ thực hiện đề tài, Trung tâm được cung cấp tem phiếu để mua thực phẩm nên thức ăn cho gấu đã có thể chủ động và đầy đủ hơn. Bộ phận hành chính tổng hợp của Viện khoa học Việt Nam phụ trách công tác mua thức ăn cho gấu.

PGS.TS Đỗ Khắc Hiếu kể rằng: Hồi ấy, chưa có máy siêu âm hay máy nội soi như hiện nay; tôi nghĩ ra cách làm một ống dẫn từ túi mật chính thông qua túi mật phụ[10] rồi dùng xi lanh để lấy mật từ túi mật phụ. Túi phụ được cấy dưới da gấu, tôi phải chọn chất liệu sao cho không dị ứng với cơ thể, tránh bị đào thải[11]. Qua nghiên cứu, ông Hiếu biết rằng khi sử dụng xi lanh chọc thẳng vào túi mật, nếu không may túi mật bị thủng vỡ và mật chảy ra ổ bụng thì sẽ gây viêm nhiễm, gấu sẽ chết. Do vậy, sử dụng túi mật phụ là sự sáng tạo, tăng thêm tính an toàn. Ở những thử nghiệm ban đầu, túi mật phụ được làm từ cao su nên bị cơ thể đào thải, phải tìm chất liệu khác để thay thế (là chỉ tự tiêu). Ban đầu, dùng loại chỉ bình thường để may túi mật phụ thì cơ thể gấu cũng sẽ tự đào thải ra ngoài, không phù hợp; sau này khi dùng chỉ tự tiêu mới đáp ứng được yêu cầu.

Đề tài “Nghiên cứu khai thác mật gấu mà không phải giết gấu” thực hiện trong khoảng 2 năm. Khi nghiệm thu, kết quả nghiên cứu được Hội đồng đánh giá xuất sắc. Ông Đỗ Khắc Hiếu cho biết, thành công của đề tài đã được ông Võ Văn Kiệt [12 chú ý. Ông Kiệt đã quyết định giao cho thành phố Hà Nội, trực tiếp là ông Nguyễn Thanh Bình – Bí thư thành ủy Hà Nội thời kỳ đó tiếp tục đầu tư khu đất khác, rộng khoảng 400m2 để xây dựng khu nuôi gấu nằm ngay cạnh Viện Khoa học Việt Nam. Khu vực này được xây dựng khá hiện đại, có thể đáp ứng tốt cho việc nuôi khoảng 20-30 con gấu, phục vụ cho việc nghiên cứu. Về sau, khu vực nuôi gấu trên đã được dỡ bỏ để quy hoạch thành trụ sở mới của Viện Công nghệ sinh học như ngày nay.

Khi mới bắt đầu thực hiện hướng nghiên cứu về mật gấu, PTS Đỗ Khắc Hiếu đang là Trưởng phòng Nội tiết học của Trung tâm Sinh lý – Hoá sinh người và động vật (1986-1989) thuộc Viện Khoa học Việt Nam. Ngày 19-6-1993, Viện Công nghệ sinh học thuộc Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ Quốc gia được thành lập, trên cơ sở hợp nhất Viện Sinh vật học, Trung tâm Sinh lý- Hóa sinh người và động vật, Trung tâm Hóa sinh ứng dụng và Trung tâm Nghiên cứu vi sinh vật. Khi ấy, PTS Đỗ Khắc Hiếu tiếp tục phụ trách phòng Công nghệ tế bào động vật (nay là phòng Thử nghiệm sinh học) của Viện Công nghệ sinh học. Nhiệm vụ nghiên cứu của phòng là tác động vào cơ thể động vật hay các tế bào nuôi cấy để tăng khả năng miễn dịch. Trong khoảng năm 1992-1993, khi báo chí rộ lên thông tin cho rằng mật gấu có tác dụng chữa ung thư, ông Hiếu đã tiến hành nghiên cứu vấn đề này. Sau nhiều lần thử nghiệm, ông đưa ra nhận định: mật gấu không trực tiếp tiêu diệt các tế bào ung thư nhưng có thể hỗ trợ tốt cho các thuốc điều trị ung thư. Khi bổ sung mật gấu cùng thuốc điều trị ung thư thì ngay ở nồng độ thấp hơn liều điều trị, mật gấu cũng làm tăng tác dụng của thuốc trong việc tiêu diệt và ức chế tế bào ung thư [13].

Cũng những năm đầu thập kỷ 90, có thêm nguồn kinh phí hỗ trợ, việc nghiên cứu, ứng dụng khai thác mật gấu được PTS Đỗ Khắc Hiếu chuyên sâu nghiên cứu. Ông cho biết: “Thành phần chủ yếu và quan trọng của mật động vật là các axit mật. Trong mật có axit Ursodesoxycholic (UDC) phần lớn ở dạng liên kết tạo thành muối mật Tauro-ursodesoxycholat (TUDC). Dung dịch muối mật trong rượu hay nước cũng trong suốt, không màu. Màu sắc của mật là do sắc tố mật tạo nên. Mật gấu khô có thể có màu vàng óng hoặc nâu hay đen bóng tùy thuộc vào mùa và cách làm khô mật. Muối mật TUDC có tác dụng chữa bệnh như UDC nhưng mạnh hơn và lâu hơn, tốc độ thải ra khỏi cơ thể chậm hơn. Muối mật TUDC đặc trưng ở loài gấu và là hoạt chất chính có tác dụng chữa bệnh đặc biệt riêng của mật gấu. Mật của các loài động vật khác rất ít khi có TUDC và nếu có cũng chỉ ở hàm lượng thấp. Có 7 loài gấu, trong đó, mật gấu ngựa có hàm lượng TUDC cao nhất, có nhiều giá trị hơn hẳn so với mật các loại gấu chó, gấu lợn, gấu đen, gấu nâu, gấu trúc và gấu trắng Bắc cực”[14]. Cho nên, việc lấy mật cũng chủ yếu hướng đến loài gấu ngựa, một loài gấu đen có yếm trắng hình chữ V ở ngực.

Các thí nghiệm, phân tích những tác dụng của mật gấu đã được thực hiện tại Việt Nam và Trung tâm nghiên cứu vi sinh học thực nghiêm và điều trị (viết tắt ZIMET), Cộng hòa dân chủ Đức (1979-1983). Năm 1993, ông Hiếu chủ nhiệm đề tài Nghiên cứu kỹ thuật nuôi và khai thác mật gấu thuộc Chương trình Nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực Nghiên cứu khoa học tự nhiên về Bảo vệ các loài động vật quý hiếm, do GS Võ Quý chủ trì đã thực hiện 3 nhiệm vụ: một là chế độ nuôi dưỡng gấu cho khai thác mật và ảnh hưởng của thức ăn bổ sung đến chất lượng mật gấu; hai là phương pháp xác định hoạt chất chính của mật; và ba là nghiên cứu sử dụng mật gấu trong điều trị xơ gan. Kết quả nghiên cứu của nhóm nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Sinh học, Tạp chí Công nghệ sinh học; được trình bày trong các bài báo cáo tại Hội nghị khoa học trong nước và quốc tế, trong đó đã phân tích rằng: “Mật gấu và mật các động vật khác do các tế bào gan liên tục tổng hợp ra, dự trữ và cô đặc ở túi mật rồi đổ vào ruột sau mỗi bữa ăn để giúp cho việc tiêu hóa thức ăn. Sau đó phần lớn mật được hấp thụ trở lại về gan rồi về túi mật. Một phần nhỏ mật thải ra theo phân và nước tiểu. Tế bào gan luôn tổng hợp mật bổ sung cho lượng mật thiếu hụt này” [15]. Và vì thế: “Nếu bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho gấu thì có thể rút ngắn thời gian khai thác mật gấu mà không làm ảnh hưởng đến chất lượng mật. Ngoài ra, mật gấu nuôi nếu đảm bảo được chế độ chăm sóc và thức ăn tốt thì chất lượng mật cũng không thua kém gì so với mật của gấu hoang dã trong tự nhiên”[16]. Ngoài những xét nghiệm thông thường, mật gấu còn được mang sang Học viện Quân y để thử nghiệm trên các bệnh nhân bị xơ gan. Sau này, ngành Y học thế giới cũng đã công nhận là mật gấu có tác dụng rất tốt trong việc chữa các bệnh về xơ gan, ung thư, đái tháo đường…

Niềm đam mê nghiên cứu về mật gấu của PGS.TS Đỗ Khắc Hiếu đã được Đỗ Thị Thảo – con gái, cũng là học trò và sau này còn trở thành đồng nghiệp của ông tiếp tục kế thừa. Chị Thảo kể: mỗi khi có thí nghiệm lớn như khai thác mật thì tôi luôn tham gia cùng bố mẹ và mọi người trong phòng. Tôi nhận thấy bố mẹ mình khá căng thẳng và lo lắng cho những chú gấu. Tuy nhiên, mọi việc luôn diễn ra suôn sẻ vì bố tôi là người rất cẩn thận, chu đáo và nhiều kinh nghiệm[17]. Phó giáo sư Đỗ Khắc Hiếu cùng học trò Đỗ Thị Thảo đã lên ý tưởng nghiên cứu điều khiển tổng hợp gen gấu ngựa cấy vào các loài vật khác(chó, lợn, bò) để mật của chúng cũng có hoạt chất, dược lực có thể dùng chữa bệnh như mật gấu, để Đỗ Thị Thảo làm luận văn thạc sĩ, hai cha con. Tuy thầy trò phát hiện ra rằng có thể chuyển đổi được gen trong quá trình nghiên cứu, nhưng ý tưởng đề tài không được xét duyệt, bởi vì: Một là có nhiều gen (6 gen) điều khiển tổng hợp mật, quá phức tạp và hội đồng không tin có thể chuyển được nên đã không xét duyệt; thứ hai là theo tình hình thế giới, có nhiều nước cấm sản phẩm theo hướng biến đổi gen nên không được công nhận. Học viên Đỗ Thị Thảo đã thực hiện và bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ với đề tài “Nghiên cứu so sánh gen CYP7 tham gia quá trình sinh tổng hợp axit mật ở một số loài động vật”. Luận văn do PGS.TS Nông Văn Hải[18] hướng dẫn chính cùng PGS.TS Đỗ Khắc Hiếu tham gia hướng dẫn và đã được Hội đồng chấm điểm tối đa.

Sau nhiều năm nghiên cứu cùng những thành công về phương pháp lấy mật không cần giết gấu của người cha, người thầy – PGS Đỗ Khắc Hiếu, chị Thảo chia sẻ: Bố mình có những đức tính rất cần thiết cho một nhà nghiên cứu như sự cẩn trọng, kiên trì, quyết vượt khó và dám làm, rất quyết liệt. Không những thế, ông có nhiều ý tưởng sáng tạo và rất đột phá [19]. Từ những kết quả nghiên cứu đó, năm 1992, PTS Đỗ Khắc Hiếu được ông Lại Văn Sinh [20] mời làm cố vấn chuyên môn và trực tiếp là vai chính trong bộ phim nuôi và làm thí nghiệm lấy mật gấu. Bộ phim với tiêu đề là Khai thác mật gấu được hoàn thành vào năm 1993[21]. Ông Hiếu kể lại, đạo diễn Lại Văn Sinh rất thích thú với tình tiết ông Hiếu dùng chiếc xe đạp Mifa để đổi lấy chú gấu ngựa mang về nuôi. Đó là một minh họa đắt giá cho tinh thần vì khoa học của PTS Đỗ Khắc Hiếu lúc bấy giờ. Sau khi hoàn thành, bộ phim đã dành Giải nhì trong Liên hoan Phim tài liệu và khoa học Việt Nam được tổ chức vào năm 1994. Ba năm sau, nhân chuyến sang Đức làm cộng tác viên khoa học cho Viện Hàn lâm Khoa học Cộng hòa Liên bang Đức, ông Hiếu mang bộ phim đã được dịch sang tiếng Anh để tham gia cuộc thi phim tài liệu về bảo vệ động vật hoang dã.

Băng lưu trữ phim tài liệu “Khai thác mật gấu” (năm 1993), do ông Lại Văn Sinh là đạo diễn;

PGS.TS Đỗ Khắc Hiếu là cố vấn – nhân vật chính trong phim.

Mặc dù thành công trong việc khai thác và phần nào đó là các nghiên cứu ứng dụng về mật gấu, nhưng cho đến nay, mục tiêu thuần hóa để duy trì nòi giống của gấu sau khi lấy mật thì PGS.TS Đỗ Khắc Hiếu và các cộng sự vẫn chưa thực hiện được. Đó là mục tiêu rất quan trọng, chỉ cần đến đời F2 là được công nhận. Nhưng trên thực tế, ở các nơi như rạp xiếc, vườn thú trên khắp cả nước hay nước ngoài cũng chưa thành công trong việc gấu nuôi có thể sinh sản. Mặc dù gấu nuôi hoàn toàn khỏe mạnh, cho mật bình thường hay không bị khai thác mật thì đều vẫn không thể sinh sản. Đặc biệt với gấu ngựa, vốn đã rất khó sinh sản ngay cả trong điều kiện tự nhiên.

Sau năm 2011, PGS.TS Đỗ Khắc Hiếu chính thức nghỉ hưu, nên việc nghiên cứu về gấu và mật gấu cũng ngừng thực hiện. Dù vậy, với sự say mê trong khoa học, PGS.TS Đỗ Khắc Hiếu vẫn còn nhiều dự định và những trăn trở trong nghiên cứu chuyên môn. Ông hy vọng, với những tiến bộ về khoa học, sau này sẽ thực hiện được việc thuần hóa gấu với mục tiêu có thể duy trì nòi giống của chúng sau khi lấy mật. Một điều khiến PGS.TS Đỗ Khắc Hiếu tiếc nuối là chị Thảo đã không tiếp tục nghiên cứu về mật gấu theo hướng mà ông đã trăn trở, tâm huyết, vì chị theo đuổi thực hiện các thử nghiệm sinh học để tìm kiếm thuốc mới. Hiện nay, PGS.TS Đỗ Thị Thảo đang nghiên cứu về hoạt tính kháng khối u ung thư trên động vật của axit Ursodesoxycholic (UDC) ở mật gấu.

Hơn 40 năm công tác tại Viện Công nghệ sinh học, PGS.TS Đỗ Khắc Hiếu đã dành nhiều tâm huyết cho hướng nghiên cứu về mật gấu. Sự tận tâm với công việc, say mê trong nghiên cứu của ông đã phần nào được đền đáp xứng đáng với Bằng độc quyền giải pháp hữu ích (1994) cho giải pháp “Thiết bị dùng để khai thác mật gấu”. Tuy vậy, ông vẫn luôn trăn trở về việc nuôi và khai thác mật gấu cần có tổ chức để bảo tồn loài động vật quý hiếm này.

Lưu Thị Thúy – Hồ Sỹ Lập

* PGS.TS Đỗ Khắc Hiếu, nguyên Trưởng phòng Công nghệ tế bào động vật, Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

[1] Nay là trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.

[2] Ghi âm hỏi thông tin PGS.TS Đỗ Khắc Hiếu, ngày 9-6-2017, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[3] Ghi âm hỏi thông tin PGS.TS Đỗ Khắc Hiếu, ngày 9-6-2017, tài liệu đã dẫn.

[4] Kể từ năm 2012, đổi tên thành Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

[5] Ghi âm hỏi thông tin bà Nguyễn Thị Hòa, ngày 9-6-2017, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[6] Lúc đó gia đình ông Hiếu đang ở Khu tập thể Ủy ban Khoa học Nhà nước, nay thuộc phường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội.

[7] GS.VS.NGND Nguyễn Văn Hiệu, nguyên Viện tr­ưởng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (1983-1993).

[8] Ghi âm hỏi thông tin PGS.TS Đỗ Khắc Hiếu, ngày 9-6-2017, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[9] GS.TS Nguyễn Văn Đạo (1937-2006), nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội.

[10] Với cách sử dụng túi mật phụ, năm 1994, PTS Đỗ Khắc Hiếu đã được Cục Sở hữu công nghiệp thuộc Bộ Khoa học, Công nghiệp và Môi trường cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, tên giải pháp là: Thiết bị dùng để khai thác mật gấu.

[11] Báo cáo hỏi thông tin PGS.TS Đỗ Khắc Hiếu, ngày 9-6-2017, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[12] Lúc này, ông Võ Văn Kiệt đang là Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

[13] Đỗ Khắc Hiếu, Những thông tin mới về tác dụng chữa bệnh của mật gấu, in trong: 40 năm Khoa học và Đời sống (1989-1999), Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Hà Nội, 1999, tr.112.

[14] Đỗ Khắc Hiếu, Những thông tin mới về tác dụng chữa bệnh của mật gấu, tài liệu đã dẫn, tr.107.

[15] Đỗ Khắc Hiếu, Những thông tin mới về tác dụng chữa bệnh của mật gấu, tài liệu đã dẫn, tr.108.

[16] Đỗ Khắc Hiếu (1995), Ảnh hưởng của thức ăn bổ sung đến chất lượng mật gấu, Tạp chí Sinh học, tập 17, số 2, tr. 79-83 và So sánh thành phần hóa học của mật gấu tự nhiên và khai thác, tr.86-89.

[17] PGS.TS Đỗ Thị Thảo cung cấp thông tin qua email của NCV Lưu Thị Thúy, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, ngày 28-6-2017.

[18] PGS.TS Nông Văn Hải, nguyên trưởng phòng Công nghệ ADN Ứng dụng, Viện Công nghệ sinh học.

[19] PGS.TS Đỗ Thị Thảo cung cấp thông tin qua email của NCV Lưu Thị Thúy, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, ngày 28-6-2017.

[20] Lúc đó là đạo diễn chuyên sản xuất phim tài liệu, sau này là Cục trưởng Cục Điện ảnh – Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.

[21] Bộ phim được thực hiện bởi Hãng phim tài liệu và khoa học Trung ương.