Ước vọng tăng năng suất rừng trồng của một nhà lâm nghiệp học

Một trang mới trong cuộc đời

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Đình Khả quê ở Đức Thọ, nhưng lại sinh ở Hương Khê, Hà Tĩnh. Mẹ mất sớm, ông  được bố gửi về quê ngoại tại Yên Hồ, Đức Thọ, cách nhà hơn 40km để ở với người bà con. Sau đó, ở với một gia đình không có quan hệ bà con để có điều kiện đi học buổi tối tại trường Nguyễn Biểu. Học hết lớp 7 (khoảng tháng 2-1955), vì là người đi ở, lại có học nên ông được bố trí làm thư ký Đội Cải cách ruộng đất, và dạy vỡ lòng trong xóm. Khoảng tháng 9-1955, ông được nhân dân trong xóm ủng hộ tiền để ra Hà Nội tìm kiếm con đường học tập. Khi ra Hà Nội, ông phải làm thêm một số việc để kiếm sống như phụ xe, công nhân nhặt chè ở Xưởng chè Phà Đen, bán hàng… Tuy cuộc sống vất vả nhưng ông vẫn luôn nung nấu ý định đến trường. Đầu năm 1956, Lê Đình Khả  được người anh tên là Lê Đình Trác xin cho vào học khóa 2 trường Bổ túc văn hóa công nông. Tốt nghiệp trường này, ông thi đỗ vào khóa 2 khoa Lâm học, trường Đại học Nông lâm, năm 1957. Như ông chia sẻ, “mình đến với ngành lâm nghiệp và với rừng kể từ đó”[1].

Trong quá trình học đại học, ông là một trong số những sinh viên có thành tích tốt trong lớp nên đầu năm 1961 được đặc cách tham gia lớp học đào tạo chuyên sâu về Sinh thái Thực vật do chuyên gia Liên Xô – Zarutnưi giảng dạy. Nói như chia sẻ của ông sau này thì “chính lớp học đó đã mở ra một trang mới trong cuộc đời tôi”[2]. Hơn một năm theo học chuyên gia về lý thuyết lẫn thực hành, được tiếp thu nhiều kiến thức và kinh nghiệm thực tế, ông  đã hoàn thành một báo cáo khoa học có tên là “Vai trò của ánh sáng trong  đời sống cây rừng”.

Quá trình theo học các chuyên gia Liên Xô là những tháng ngày trải nghiệm đầy thú vị. Ông được trực tiếp nghiên cứu, khảo sát thực địa ở nhiều khu rừng đặc trưng khác nhau, như hệ sinh thái đặc trưng của vùng núi cao ở Sa Pa; rừng Tô Hạp ở Mường Phăng (Điện Biên); rừng đặc trưng cho hệ sinh thái ở Cúc Phương; rừng Phi lao đặc trưng cho hệ sinh thái ven biển ở Vĩnh Linh, Quảng Bình. Khóa học tuy chỉ một năm, nhưng “tôi được học lý thuyết mới về sinh thái học thực vật, được mở rộng hiểu biết nhờ đọc nhiều tài liệu và đi thực hành ở nhiều nơi, quan trọng nhất là rèn giũa được phương pháp vừa làm việc, vừa học để nâng cao kiến thức”[3]. Chính từ lớp học này, ngọn lửa tình yêu với rừng đã được nhen nhóm trong lòng chàng sinh viên Lê Đình Khả.

Trở thành chuyên gia di truyền giống cây rừng

Tháng 7-1961, Lê Đình Khả tốt nghiệp ra trường và được giữ lại làm cán bộ nghiên cứu và giảng dạy môn lâm học tại Học viện Nông Lâm. Ông được cử làm tổ trưởng điều tra sinh thái thực vật rừng, và hướng dẫn thực tập môn lâm học. Ông đã đưa sinh viên đến các khu rừng ở Phú Thọ, Tam Đảo… để hướng dẫn thực tập, đồng thời nghiên cứu một số kiểu thực bì rừng. “Mỗi chuyến đi thực tập chỉ kéo dài khoảng một tuần, nhưng giúp cho sinh viên hiểu rõ hơn về sinh thái cây rừng ở Việt Nam”[4], Giáo sư Lê Đình Khả nhớ lại.

Cuối năm 1962, mặc dầu mới ra trường được một năm nhưng ông được cử đi học tiếng Nga để sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh. Ngay khi nhận quyết định, ông được thầy Nghiêm Xuân Tiếp (chủ nhiệm khoa Lâm học lúc đó) định hướng nghiên cứu về Di truyền chọn giống thực vật – là môn học mới để chuẩn bị cho giảng dạy về sau của nhà trường. Tuy nhiên, trong những năm 1963-1964, do bối cảnh chính trị xã hội Liên Xô lúc đó nên việc đi làm nghiên cứu sinh của ông phải dừng lại.

Sau khi lỡ chuyến đi Liên Xô, ông trở lại công việc ở Học viện Nông Lâm, với vai trò giảng viên của bộ môn Quy hoạch rừng, nhưng vẫn mong muốn nghiên cứu về giống cây rừng. Đến cuối năm 1963 – chỉ sau một năm làm việc tại bộ môn này, ông được chuyển làm cán bộ giảng dạy môn Di truyền và chọn giống cây rừng. Vì là người đầu tiên nhận trách nhiệm giảng dạy môn học Di truyền và chọn giống cây rừng ông phải dịch tài liệu “Di truyền chọn giống cây rừng” từ giáo trình của Trung Quốc và được in rônêo tại trường Đại học Nông nghiệp vào năm 1964.

Năm 1964, trường Đại học Lâm nghiệp được thành lập trên cơ sở tách từ Học viện Nông Lâm và có trụ sở tại Đông Triều (Quảng Ninh). Giai đoạn đầu mới thành lập, do chiến tranh và hoàn cảnh ở nơi sơ tán, nên trường Đại học Lâm nghiệp còn nhiều khó khăn, thiếu thốn cả về nhân lực và vật lực. Lúc ấy ông đã  tích cực và góp phần không nhỏ trong việc xây dựng thư viện nhà trường. Đặc biệt ông đã giúp trường tìm mua nhiều sách quý ở cửa hàng sách ngoại văn bổ sung tài liệu cho thư viện, đồng thời, đó cũng chính là nguồn tài liệu để phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy cho chính bản thân ông. Những ngày tháng ấy, ông vừa tham gia công tác giảng dạy, vừa tranh thủ thời gian rảnh rỗi đến thư viện đọc sách. Ông chia sẻ rằng: “bấy lâu nay mình không nghiên cứu sâu về di truyền chọn giống, nay có nhiều sách để nghiên cứu nên kiến thức được mở mang. Có lẽ vì quá đam mê nghiên cứu chuyên sâu, nên cũng có người cho rằng tôi là “chuyên môn thuần túy”[5].

Trong quá trình nghiên cứu tài liệu, ông như bị mê hoặc bởi lý thuyết di truyền học của Gregor Mendel. Năm 1966 ông đã viết cuốn giáo trình “Di truyền và chọn giống cây rừng” theo lý thuyết này. Thời điểm đó, di truyền học ở Việt Nam đang theo lý thuyết Lưchenko của Liên Xô, nên cuốn giáo trình này không xuất bản thành sách, mà chỉ làm tài liệu giảng dạy trong nhà trường. Tuy nhiên, nó cũng là động lực để ông tiếp tục những đam mê trong lĩnh vực di truyền chọn giống và đã phát hiện được giống lai tự nhiên giữa Bạch đàn trắng với Bạch đàn đỏ ở nước ta. Đây là phát hiện giống lai tự nhiên đầu tiên ở cây rừng tại Đông Nam Á mà các nghiên cứu của ông lúc đó đã làm cơ sở cho nghiên cứu giống Keo lai sau này.  

Cuối năm 1970, ông được cử đi làm nghiên cứu sinh tại trường Đại học Tổng hợp Leningrad, Liên Xô. Đây chính là dấu mốc quan trọng giúp ông có cơ hội trong nghiên cứu về di truyền học. Thời gian làm nghiên cứu sinh tại Liên Xô, ông chọn đề tài “Thu nhận và nghiên cứu thể tứ bội ở cây Dâu tây” làm luận án phó tiến sĩ. Luận án có mục tiêu nghiên cứu tạo ra được giống dâu đất tứ bội nhân tạo. Từ nghiên cứu này ông đã có bài công bố cùng nữ Giáo sư Phadeeva. Bài có tiêu đề là “Biến dị kỳ quái ở cây Dâu tây” (teratological variation in strawberry) và chứng minh được nguồn gốc của hoa là từ lá. Sau 4 năm thực hiện chương trình nghiên cứu sinh, ông bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ và được thầy giáo đề nghị tiếp tục làm luận án tiến sĩ (nay gọi là tiến sĩ khoa học). Tuy nhiên, ông quyết định trở về Việt Nam để tiếp tục công tác trong ngành lâm nghiệp.

Và những thành quả bước đầu

Sau khi về nước, ông được phân công tác tại Viện Nghiên cứu Lâm nghiệp. Với những kiến thức tích lũy được kể từ ngày bắt đầu nghiên cứu về di truyền chọn giống, ông bắt tay vào nghiên cứu giống cây Ba kích ở Phú Thọ. Thời kỳ đó, người dân chưa biết cách trồng giống cây này mà chỉ tìm ở tự nhiên. Trong thời gian ấy, ông hợp tác với Trạm Dược liệu Quang Hanh ở Quảng Ninh để trồng cây Ba kích. Tiếp đó, ông chuyển hướng sang nghiên cứu một số giống cây ngoại lai như Thông caribe, keo, bạch đàn. Như ông chia sẻ “khi tiến hành nghiên cứu cây Thông caribe, tôi vẫn chưa có định hướng rõ ràng, mà chỉ có mục tiêu là phải tạo ra được một giống mới”[6]. Năm 1977 ông được Tổng cục lâm nghiệp cử đi dư Hội nghị IUFRO (Liên hiệp các Tổ chức nghiên cứu lâm nghiệp thế giới) tại Australia cùng nhà lâm nghiệp Phạm Minh Nguyệt (con trai nhà chí sỹ Phạm Hồng Thái nổi tiếng trong ”tiếng bom Sa Diện” ở Quảng Châu) để báo cáo về trồng Thông caribe ở Việt Nam. Sau này ông tiếp tục nghiên cứu chọn giống Thông caribe cho đến khi nghỉ hưu (chọn giống Thông caribe là một phần trong công trình ”Nghiên cứu chọn tạo giống và nhân giống một số loài cây trồng rừng chủ yếu ở Việt Nam” xuất bản năm 2003, do ông là tác giả).

  

GS.TS Lê Đình Khả (bên phải) cùng ông Phạm Minh Nguyệt

tại Brisbane (Australia) năm 1977

Phó tiến sĩ Lê Đình Khả tiếp tục niềm đam mê di truyền chọn giống khi nghiên cứu cây Bạch đàn trắng hay còn gọi là Bạch đàn caman và đưa vào trồng thử nghiệm tại Xuân Khanh, Ba Vì (Hà Nội). Sau hai năm trồng thử nghiệm, kết quả thu được thật bất ngờ khi giống Bạch đàn caman phát triển vượt trội so với Bạch đàn trắng lấy lấy giống từ Bình Định. Cũng trong năm 1988, Phó tiến sĩ Lê Đình Khả được Bộ Lâm nghiệp giao làm nhiệm vụ đưa chuyên gia người Australia tên là S.Midgey từ tổ chức SAREC[7] của Thuy Điển ở Bãi Bằng (Phú Thọ) đến tham quan khu khảo nghiệm Bạch đàn trắng tại Xuân Khanh. Tại đây khảo nghiệm của ông được chuyên gia đánh giá cao, ông Midgey khen: “Quá tốt!”. Sau đó, ông Rao trong tổ chức FAO[8] cũng đến thăm khu khảo nghiệm giống bạch đàn do ông  nghiên cứu trồng thử nghiệm và quyết định tài trợ cho ông 1000 đôla để viết báo cáo khảo nghiệm này. Các “chuyến tham quan của chuyên gia đã mở ra con đường hợp tác với các nhà khoa học Australia”[9], Giáo sư Khả nhớ lại.

Cuối năm 1989, PTS Lê Đình Khả được tham gia dự án nghiên cứu chọn tạo giống cây rừng do Thụy Điển hợp tác với Bộ Lâm nghiệp Việt Nam mà giai đoạn trước chưa thành công. Khi tiếp nhận giai đoạn hai của dự án, ông mạnh dạn đề nghị được làm chủ dự án và được đồng ý. “Mục đích làm chủ dự án của tôi không phải vì ham chức quyền, mà tôi muốn có đủ quyền quyết đinh chuyên môn để dự án nghiên cứu đúng hướng”[10], Giáo sư Khả thổ lộ. Khi bắt tay vào dự án, ông đã nảy sinh ý tưởng nghiên cứu giống Keo lai, trên cơ sở phát hiện ra giống bạch đàn lai trước đó.

Trong quá trình thực hiện dự án, Phó tiến sĩ Lê Đình Khả được mời dự hội thảo về giống cây rừng tại Thái Lan và được tham quan khu trồng keo lai ở đó. Khoảng năm 1992-1993, ông được thăm khu trồng thử nghiệm keo lai ở Malaysia. Sau đó trong một hội nghị khác tại Trung Quốc, ông  có dịp quan sát một số cây  keo lai  ở vùng Phúc Kiến. Từ những chuyến đi khảo nghiệm thực tế đó, ông rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm. Ông nhận thấy, các giống keo lai của các nước đều tốt nhưng không phát triển mạnh. Ông xác định, “nguyên nhân là do các nước  đã dùng hạt keo lai để trồng rừng, hay nhân giống vô tính keo lai (cả nuôi cấy mô) mà chưa qua khảo nghiệm dòng vô tính mà theo di truyền học thì đó là cách làm không đúng”[11].

Nhìn ra điểm chưa đúng của các nước, khi phát hiện keo lai tự nhiên ở Việt Nam, ông đã áp dụng lý thuyết di truyền học của Mendel mà ông đã biết từ những ngày đầu dấn thân vào con đường nghiên cứu di truyền chọn giống. Ông quyết định chọn phướng pháp nhân giống hom để nhân  giống cây lai F1 cho khảo nghiệm giống. Sau đó nuôi cây mô cho các giống có triển vọng nhất để tiết kiệm thời gian và kinh phí. Năm 1996, Giáo sư Lê Đình Khả đã tạo thành công giống keo lai mới. Giống keo này có sức phát triển vượt trội so với giống keo của Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc. Kể từ đó, phía Malaysia – đối tác cung cấp giống cây keo cho dự án đã chuyển sang nhập giống keo của ta, và cuối năm 1999 chính Giáo sư Lê Đình Khả đã mang các giống Keo lai của Việt Nam cho Tập đoàn Sản xuất gỗ dán Ta Ann ở Sarawak của Malaysia và nhân giống hom bằng hormon giâm hom thương phẩm dạng bột TTG (Trung tâm giống) có tỷ lệ ra rễ cao hơn nhiều so với các loại hormon khác lúc đó như ABT của Trung Quốc, DIP’N GROW của Đại học Hawai[12]. Đây là loại hormon được pha chế dựa trên ý tưởng của nhà khoa học Nga D.A. Komisarov từ năm 1964.

Kết thúc quá trình nghiên cứu giống keo, Giáo sư Lê Đình Khả đã tập hợp lại toàn bộ quá trình và kết quả nghiên cứu của mình thành công trình “Nghiên cứu tuyển chọn và phát triển giống cây Keo lai” và xuất bản cuốn ”Nghiên cứu sử dụng giống lai tự nhiên giữa Keo tai tượng và Keo lá tràm”. Công trình của ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Khoa học công nghệ năm 2000 và được Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam gửi thư chúc mừng.

      

GS.TS Lê Đình Khả (bên trái) cùng Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp

           Trần Kiên tại rừng Keo lai ở Ba Vì, Hà Nội

Qua một số năm trồng thử nghiệm, ông cùng tập thể các nhà khoa học đã chọn được một số dòng keo lai tốt nhất, là những dòng có thân cây thẳng, cành nhánh nhỏ, có tỉ lệ sử dụng gỗ cao nhất… Một số dòng keo lai chọn lọc từ công trình của Giáo sư Lê Đình Khả cho năng suất cao tại vùng Đông Nam Á đã được Malaysia và các nước khác như Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Lào nhập trồng trong những năm gần đây.

Ngoài ra, ông là người đã đưa cây Macadamia, một loài cây trồng nổi tiếng của Australia vào trồng thử ở Ba Vì từ năm 1994, và sau này, với vai trò cố vấn khoa học, ông đã tiếp tục nghiên cứu chọn giống cho loài cây này ở nhiều nơi và là đồng tác giả của các giống Macadamia được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn công nhận ở Việt Nam (số 2040/QĐ-BNN-TCLN, ngày 1-9-2011). Ông còn là tác giả của một số giống tràm lấy tinh dầu trong những năm gần đây. Ngày 17-3-2011, Giáo sư Lê Đình Khả vinh dự là 1 trong 7 nhà khoa học Việt Nam được tổ chức Crawford Fund của Australia tặng Huy chương vinh danh sự đóng góp to lớn trong di truyền chọn giống cây rừng. Năm 2012, giống Keo lai của ông cũng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng Giải thưởng Bông lúa vảng Việt Nam lần thứ nhất. Tháng 4 năm 2015 ông lại được Liên hiệp các tổ chức khoa học lâm nghiệp quốc tế (IUFRO) tặng giải thưởng vì những đóng góp cho nghiên cứu cải thiện giống Keo acacia ở Việt Nam.

Với những đóng góp trong nghiên cứu và đào tạo về cải thiện giống cây rừng, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Đình Khả đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2000) và được vinh danh là Chiến sỹ thi đua toàn quốc thời kỳ đổi mới.

Hơn 50 năm trong nghề, Giáo sư Lê Đình Khả đã dành trọn tâm huyết cho chọn giống cây rừng ở Việt Nam. Nay đã xấp xỉ bát thập nhưng Giáo sư Lê Đình Khả vẫn say mê với công việc. Ở ông vẫn luôn thường trực một mong mỏi: Làm sao có nhiều giống cây rừng có chất lượng để nâng cao năng suất rừng trồng ở Việt Nam[13]

Hoàng Thị Kim Phượng- Nguyễn Thanh Hóa

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam

 


[1] Phỏng vấn GS.TS Lê Đình Khả ngày 3-9-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[2] Phỏng vấn GS.TS Lê Đình Khả ngày3-9-2016, tài liệu đã dẫn.

[3] Phỏng vấn GS.TS Lê Đình Khả ngày 3-9-2016, tài liệu đã dẫn.

[4] Phỏng vấn GS.TS Lê Đình Khả ngày 9-9-2016, tài liệu đã dẫn.

[5] Phỏng vấn GS.TS Lê Đình Khả ngày 9-9-2016, tài liệu đã dẫn.

[6] Phỏng vấn GS.TS Lê Đình Khả, 15-9-2016, tài liệu đã dẫn.

[7] Swedish Agency for Research Cooperation with Developing Countries (Cơ quan Thụy Điển Hợp tác nghiên cứu với các nước đang phát triển).

[8] Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc.

[9] Phỏng vấn GS.TS Lê Đình Khả, 15-9-2016, tài liệu đã dẫn.

[10] Phỏng vấn GS.TS Lê Đình Khả, 15-9-2016, tài liệu đã dẫn.

[11] Phỏng vấn GS.TS Lê Đình Khả ngày 15-9-2016, tài liệu đã dẫn.

[12] Lê Đình Khả, Chọn tạo giống và nhân giống cho một số loài cây trồng rừng chủ yếu ở Việt Nam, Nxb Nông nghiệp, 2003.

 [13] http://forum.hatinhonline.com/topic/6288-gs-ts-le-dinh-kha/