Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các con, dâu,
rể của người em trai là cố Thứ trưởng Giáo dục
Võ Thuần Nho. Tác giả bài viết đứng sau
GS Võ Hồng Anh, là người ngồi ở bìa trái
Tôi cũng lúng túng không kém bố mẹ tôi. Tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy chị rất trẻ, xinh và toát lên vẻ thẳng thắn bẩm sinh. Nhất là đôi mắt sáng, luôn mở to một cách hồn nhiên trên khuôn mặt thông minh. Đôi mắt lúc nào cũng như muốn hỏi một điều gì.
Rồi bẵng đi một số năm chị sang làm công việc nghiên cứu khoa học ở Liên Xô. Khi chị về nước, tôi có nhiều dịp gặp chị hơn. Chị không hề thấy phiền khi tôi cứ nhằm những dịp đó hỏi chị về một loại đề tài duy nhất là những gì liên quan đến hai cuộc kháng chiến tôi nghe được hoặc đọc được đâu đó. Có lúc chị nói qua cho biết, nếu đó là vấn đề chị đã quen thuộc. Chị nói ngắn, nhỏ nhẹ, nhưng rành rọt và khá nghiêm túc, còn hỏi lại cho rõ điều tôi muốn biết và khuyên tôi tra cứu thêm ở nguồn này nguồn nọ. Nhưng cũng có khi chị nhìn tôi, tỏ vẻ ngạc nhiên: “Có việc như thế ư, thật tình mình chưa biết”. Chị không bao giờ trả lời tôi bằng hai tiếng “không biết” hờ hững và vô cảm.
Cách đây mấy năm, vào ngày giỗ bố vợ tôi, chị bảo tôi qua đón. Từ nhà tôi ở Giáp Bát “tạt” qua phố Hoàng Diệu đón chị, rồi đến nhà chị Dung trên phố Trần Duy Hưng, quả là một cú tạt “hoành tráng”, nhưng tôi rất muốn đến đưa chị đi để nhân tiện hỏi một vài câu chuyện. Đến khi đã ngồi sau lưng tôi rồi, tôi chưa kịp hỏi chuyện như dự tính thì chị đã hỏi trước: “Tôi nghe nói ông hay thích cãi mọi người lắm phải không?” Tôi bảo: “Lạ thật, đã có người cũng hỏi tôi như chị rồi đấy, chẳng hiểu tại sao có chuyện này. Nhưng chính tôi rất hãi những chuyện cãi nhau đấy chị ạ! Phải rồi, có lẽ là do tính tôi hay lo xa thôi, việc gì liên quan đến mình mà thấy trước sẽ có trục trặc thì phải nói ra; không nói ngộ nhỡ công việc hỏng cũng đổ lên đầu mình. Tôi cho rằng như vậy mới là chịu trách nhiệm đến cùng, phải không chị? ” Rồi phân bua thêm: “Nhất là không biết mà cãi liều thì có treo thưởng cũng chẳng dám. Tôi thưa gửi cũng lễ phép lắm chị ơi, thế mà đôi khi cảm thấy hình như người ta muốn mình không phát biểu thì hơn. Biết làm sao vừa lòng hết mọi người được chị nhỉ!”
Chị bảo: “Ông làm thế là đúng, có ý kiến thì phải nói, tôi không thích có ý kiến cứ để bụng không dám nói, rồi sau lưng phê phán người ta.” Từ lâu đã rất biết sự thẳng tính của chị nên tôi không ngạc nhiên về điều chị nói.
Hồi này tôi vừa đọc xong mấy cuốn sách dịch “Câu chuyện về một nền hòa bình bị bỏ lỡ” của Jean Sainteny [1] và “Đông Dương hấp hối” của Henri Navarre [2]. Tôi bảo chị là tôi không hiểu được ông Tây Sainteny, cái thời ông ta kể lại trong sách thì nước Pháp của ông đang bị Đức và Nhật giần cho tơi tả mà nói ra câu nào ông cũng đòi “chủ quyền” của Pháp ở Đông Dương, y như là đất hương hỏa của ông bà ông ta để lại vậy. Tôi đoán người dịch nhiều lúc cũng phải cáu tiết lắm vì cách nói ngang phè phè và cái mùi thực dân vẫn còn ngấm rất nặng vào mỗi trang sách của ông ta. Hôm ấy tôi cũng hỏi chị một vài chi tiết trong cuốn “La guerre française d’ Indo-chine” của Alain Ruscio [3]. Cuốn sách này của tác giả tặng Đại tướng và Đại tướng tặng lại bố vợ tôi, nhờ vậy tôi được đọc ké. Tôi nói năng tếu táo, còn chị chỉ ôn tồn bảo rằng sách của Ruscio thì “ông có thể đọc được đấy, vì ông ta làm công việc nghiên cứu chứ không viết hồi ký như hai người kia. Ông ta là học giả và rất nghiêm túc, đã xin gặp được “ông già” vài lần để hỏi chuyện và hình như cũng đã ra quyển mới, có sửa chữa bổ sung gì đấy”. Chị hỏi tôi có hay đọc về Điện Biên Phủ không, tôi trả lời hai cuốn sách bác cho [4] tôi đã đọc cả rồi. Chị mách có một cuốn cũng của Ruscio, có tên “Điện Biên Phủ, sự kết thúc một ảo tưởng” [5], viết khá sớm, nghe nói cũng có nhiều điều đáng biết. Nghe lời chị, tôi vào ngồi mấy buổi trong thư viện nghiền kỳ hết quyển sách. Không biết có phải vì vậy mà từ đó tất cả những gì liên quan tới Điện Biên Phủ rơi vào tay tôi, tôi đều đọc tất. Chị còn dặn thêm rằng “bây giờ có nhiều tư liệu mới, ông đọc có thấy gì hay cho tôi biết với”.
Có thể là rất trái khoáy khi tôi đem những chuyện lịch sử ra hỏi một nhà vật lý lý thuyết. Nhưng tôi có lý do của mình: trước hết, tôi đã được chị trả lời vài lần, chứng tỏ chị không hề thờ ơ với những vấn đề này. Và, nếu chị không biết, tôi hy vọng chị sẽ tìm hỏi và giải thích cho tôi lần sau.
Đó là lần đàm đạo lâu nhất và có đề tài cụ thể giữa chị và tôi. Có điều, cuộc đàm đạo “mang tầm cao vĩ mô” này lại diễn ra ngoài đường phố, trên xe máy. Tôi còn hỏi chị một vài sự việc mang tính thời sự, thật bất ngờ, theo cách giải thích rất nhanh gọn của chị thì hóa ra có những sự việc lại đơn giản một cách thú vị chứ không phức tạp như tôi tưởng. Chị cứ một mực “ông ông, tôi tôi” rất bình đẳng lại thân tình, không xa cách. Tôi hài lòng vì không biết từ đâu chị lại biết rõ tôi có một tính xấu và một tính tốt như vậy. Tính xấu là hay cãi và tính tốt là hay hỏi để biết. Cả hai tính này đều là dấu ấn của dân xứ Quảng quê tôi.
Mỗi lần có giỗ bố mẹ vợ tôi và giỗ anh cả vợ tôi, nếu không phải đi đâu khỏi Hà Nội, chị đều đến rất đều đặn. Chị ngồi cùng bàn với cánh phụ nữ, nơi tôi thường gọi là “xóm nhà lá”, nhẹ nhàng hỏi chuyện mọi người. Lần nào tôi cũng lẳng lặng bước đến chào chị một câu: “Chị Hồng Anh ơi, chị có khỏe không?” để nhận lại một câu hỏi khác thay cho câu trả lời: “Ông Huyên đấy à?”, thật nhỏ nhẹ nhưng thân tình. Và hình như không chỉ với riêng tôi, với ai chị cũng tự nhiên như vậy.
* * *
Năm 1972, trước khi vợ tôi sinh cháu, chúng tôi ở với bố mẹ vợ tôi trên phố Hàng Chuối một thời gian. Nhà bố vợ tôi rất nhiều sách báo và những bản tin nhanh, tin tham khảo về khoa học và kinh tế, tôi tha hồ đọc. Một lần trên bản tin của Ủy ban Khoa học Nhà nước, tôi đọc được một bài của Kapitsa [6] viết về Landau [7]. Cuối bài thấy ký tên người dịch là Võ Hồng Anh.
Hồi đó chúng ta còn sống khép kín, người đọc bình thường chúng tôi chưa biết nhiều về những nhà khoa học nổi tiếng cũng như những nhà kinh tế hàng đầu của phương Tây. Sách báo trong nước chỉ thấy nói đến những Mitchourine [8], Landau, Kapitsa của Liên Xô hoặc một thời rộ lên tên tuổi hai cặp vợ chồng các nhà bác học Mỹ gốc Hoa cùng được giải Nobel là Li Zhengdao (Lý Chính Đạo) và Yang Zhenning (Dương Chấn Ninh). Nhiều lắm cũng chỉ nhắc đến hai nhà triết học Bertrand Russell và Jean Paul Sartre vì hai ông đã lập ra tòa án quốc tế xử Hoa Kỳ phạm tội ác chiến tranh đối với Việt Nam.
Bài viết của Kapitsa cũng chỉ là một bài mang tính phổ cập khoa học, giới thiệu sơ lược về cuộc đời và điểm qua các công trình của Landau, viết để kỷ niệm ngày ông được giải Nobel. Nhưng bài dịch quả là một mẫu mực của văn dịch thuật, câu văn trong sáng, uyển chuyển và nhiều từ ngữ sử dụng rất đắc địa mà tôi nghĩ không phải dịch giả chuyên nghiệp nào cũng có thể đạt được. Là nhà vật lý lý thuyết, tất nhiên chị Hồng Anh cũng có ưu thế so với một người dịch bình thường khi diễn đạt những nội dung này, nhưng dù sao không thể phủ nhận trình độ tiếng Việt xuất sắc của chị. Thật đáng tiếc, bài báo tôi cố cất giữ nhưng đã bị thất lạc sau mấy lần chuyển nhà. Vợ tôi kể rằng nhiều lần được chị khuyên muốn hiểu nước Nga và con người Nga nên đọc nhiều văn chương và thơ ca Nga. Chị giới thiệu cho vợ tôi những tác phẩm cần đọc, cùng với những dịch giả và những bản dịch mà chị cho là tốt và bảo rằng tuy chị đã đọc nguyên bản từ thời trung học ở Liên Xô nhưng gần đây có lúc cũng phải tìm đọc bản dịch để kiểm tra lại những cảm nhận trước kia của mình. Điều này chứng tỏ trong việc tự hoàn thiện mình, mối quan tâm của chị đã vượt khá xa ra ngoài giới hạn của môn vật lý lý thuyết.
* * *
Có đầy đủ những yếu tố của vinh quang và danh vọng, nhưng chị Hồng Anh hết sức điềm đạm, thận trọng và khiêm tốn; tôi chưa bao giờ thấy chị nói về mình hoặc công việc của mình. Bài dịch nói trên, đăng trên một bản tin thông thường, là tác phẩm duy nhất của chị mà tôi được biết. Có người nói rằng chị sống ẩn mình trong khoa học là vì vậy.
Tôi không bao giờ tự đặt ra câu hỏi liệu chị Hồng Anh có thành đạt trong đường đời và có thành công trong khoa học hay không. Nửa đầu của câu hỏi này, tôi cảm thấy có gì đó hơi dung tục. Nửa sau, tôi thấy mình không đủ kiến thức và tư cách trước một câu hỏi lớn như vậy.
Đơn giản, chị Hồng Anh là một phụ nữ có tài năng và nhân cách lớn. Tôi tin vào điều này.
Viết nhân ngày giỗ đầu Giáo sư TSKH Võ Hồng Anh
Tháng 7/2010
* Tác giả bài viết là con rể cố Thứ trưởng Giáo dục Võ Thuần Nho – em ruột Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
[1] và [2] Nhà xuất bản Công an Nhân dân, 2004.[3] Editions Complexe, 1992. [4] Võ Nguyên Giáp: “Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử”, NXB Quân đội Nhân dân, 2000; và “Đường đến Điện Biên Phủ”, NXB Quân đội Nhân dân, 2001. [5] Alain Ruscio: “Dien Bien Phu, la fin d’ une illusion”, Ed. L’Harmattan, 1986.[6] Piotr Leonidovitch Kapitsa, 1894 – 1984, Nobel vật lý 1978.[7] Lev Landavidovitch Landau, 1908 – 1968, Nobel vật lý 1962.[8] Ivan Vladimir Mitchourine, 1860 – 1935, nhà sinh vật học Nga.Quang Huyên