Phút giải lao sau giờ làm việc tại Quân y Viện 108
Giáo sư đi xe đạp, ham…đánh cờ
Sinh năm 1914, tốt nghiệp Trường Y Hà Nội năm 1939, được trải qua nhiều vị trí công tác, năm 1947 khi Trường Đại học Y của nước Việt Nam kháng chiến khai giảng, ông cùng với các giáo sư đầu ngành y khoa Việt Nam như Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Chung, Đỗ Xuân Hợp, Đặng Văn Ngữ, Vũ Công Hòe, Trần Hữu Tước, Nguyễn Xuân Nguyên, Đinh Văn Thắng… hình thành nên một đội ngũ cán bộ giảng dạy của trường ĐH Y Hà Nội do GS. Hồ Đắc Di làm hiệu trưởng.
Dù giữ nhiều trọng trách như vậy nhưng với bạn bè đồng nghiệp ông luôn là một người mộc mạc, gần gũi. Trong trí nhớ của nhiều thế hệ học trò, đồng nghiệp cũng như bệnh nhân, vị giáo sư ấy là một người đàn ông cao lớn, đẹp trai, luôn gắn bó với chiếc xe đạp cũ kỹ.
Bà Dương Thị Chanh, cán bộ Phòng Y vụ, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 kể: “Ngày nào thầy Doãn cũng đến cơ quan với chiếc xe đạp tòng tọc, chẳng còn phân biệt được màu sơn, rồi dựng ngay trước cửa Phòng Y vụ. Hàng tháng đến ngày mua dầu hỏa, gạo theo tiêu chuẩn tem phiếu thầy lại tự đạp xe đi mua rồi đèo về nhà. Chẳng ai có thể tin thầy xuất thân từ một gia đình giàu có, lên xe xuống ngựa từ bé”.
Bác sĩ Trương Xuân Đàn nhớ lại: “Hiếm có người nào ở cương vị tướng lĩnh, thủ trưởng lại dễ gần như anh Doãn. Anh chẳng bao giờ phân biệt nhân viên với thủ trưởng, thậm chí cũng chẳng có sự phân biệt giữa bác sĩ và bệnh nhân. Có một điều đặc biệt là bận việc lắm nhưng anh vẫn có thú đánh cờ. Những buổi trực, anh thường vác bàn cờ vào buồng trực bác sĩ nội, ngoại, rủ những người biết chơi cờ đánh vài ván. Có lần, sau mấy cuộc hội chẩn, tôi với anh đi thư viện bệnh nhân, thấy hai người đang ngồi đánh cờ, anh rủ tôi lại gần. Có người bị đối phương đưa vào một nước cờ bí, anh liền chỉ nước đi. Hai bênh nhân vẫn mải mê với ván cờ lúc ngẩng lên thấy ông Viện phó (lúc này là Viện phó Quân y Viện 108), liền đứng dậy chào”.
Giản dị trong cách sống nên khi giảng bài cho sinh viên ông cũng luôn tìm cách dẫn dắt vấn đề sao cho đơn giản dễ hiểu nhất. GS. Hoàng Tích Huyền, người kế nhiệm GS. Nguyễn Ngọc Doãn ở trường ĐH Y Hà Nội nhớ lại: “Khi giảng bài cho sinh viên thầy Doãn thường biến sự phức tạp thành đơn giản, cụ thể, súc tích để sinh viên dễ nhớ.
Cuộc đời thầy cũng thế. Không so đo tính toán thiệt hơn mà toàn tâm, toàn ý vào công tác chuyên môn, giảng dạy, nghiên cứu và chữa bệnh cứu người. Thầy khiêm tốn luôn tự chỉ ra những điểm yếu của mình, điều đó khiến chúng tôi nhìn vào mà không ngại, không ngừng học hỏi để nâng cao tri thức…”.
Nhắc đến tên Nguyễn Ngọc Doãn, nhiều người không chỉ nhớ đến một giáo sư, một Thiếu tướng, một anh hùng LLVT… với những công trình những giải thưởng mà còn nhớ đến một bác sĩ giỏi, nhiều kinh nghiệm trong việc chẩn đoán bệnh với giác quan lâm sàng sắc bén, tư duy chẩn đoán bất ngờ. Bác sĩ Minh Hồng, Giám đốc Trung tâm khám chữa bệnh Điện Biên Phủ, một bệnh nhân được GS chẩn đoán đúng bệnh, kể lại: “Một lần, tôi bị đau bụng dữ dội, đi làm đủ các xét nghiệm, rồi siêu âm ở BV Việt Xô được chẩn đoán là “u đầu tụy”. Kết quả khiến tôi mất ăn, mất ngủ, sút 5 cân trong vòng 1 tháng. Khi được giới thiệu đến bác Doãn, sau khi xem tất cả các kết quả, xét nghiệm, phim, siêu âm, thầy Doãn đặt ống nghe vào ổ bụng tôi, rồi khuyên tôi về… tẩy giun. Thế là cái u ở bụng biến mất”.
Làm thơ tặng các con
Trong ký ức của bốn người con, nay đã đều ở tuổi 60 – 70, GS. Nguyễn Ngọc Doãn là một người cha mẫu mực và đặc biệt rất yêu văn nghệ. Thuở nhỏ, ông được học đàn violon, và chơi đàn khá hay. Thời gian ông công tác tại Quân y viện ở Phú Thọ, ngoài công việc thường ngày, để nâng cao đời sống tinh thần cho cán bộ Viện và bộ đội ông còn sáng tác kịch để các y bác sĩ biểu diễn.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Tú, người con gái thứ hai của giáo sư nhớ lại: “Bố tôi yêu văn nghệ, hay làm thơ vui tặng các con. Có lần, mấy chị em chơi đùa bị ngã, khóc ầm lên, bố liền đọc mấy câu thơ làm chúng tôi phì cười, quên hết cả đau. Chị gái tôi nuôi con gà cụ cũng làm thơ, đến em trai tôi lúc nhỏ rất mập ông cụ cũng làm thơ về cái sự mập ấy… Đến giờ, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn đọc cho nhau nghe những câu thơ bố, viết tặng mà chúng tôi còn nhớ, để thấy như anh mắt cha ấm áp vẫn đang nhìn chúng tôi. Thời gian mấy chị em theo cha mẹ lên vùng kháng chiến ở Yên Kiện – Phú Thọ, lúc đó chúng tôi còn rất bé, tối tối, bố tôi bế tôi hoặc em đi quanh nhà rồi hát “Đàn chim Việt”, “Sông Lô”… của Văn Cao để ru chúng tôi ngủ. Bố còn chơi cả đàn mandolin cho chúng tôi nghe nữa. Những bài hát da diết qua giọng trầm ấm của bố mà đến giờ chúng tôi vẫn thuộc nằm lòng. Những lúc rảnh, bố lấy vỏ trứng vẽ hình chú hề, búp bê để làm đồ chơi cho chúng tôi…”.
Nhớ về cha, bà Nguyễn Ngọc Quỳnh, con gái út của GS bùi ngùi: “Là con gái út nên lúc nhỏ tôi được một mình ở gần cha, vì các anh chị lớn đã đi học xa nhà. Lớp 10 rồi mà mỗi lần cha đi làm về tôi vẫn chạy ào ra, hoa tay múa trước mặt cha, cha chỉ cười hiền. Thế nhưng 17 tuổi tôi đã đi học xa nhà, rồi về nước lại lập nghiệp ở TP.HCM nên thời gian gần gũi cha ít nhất. Quãng thời gian gần cha lâu nhất, và cũng là thời gian cuối cùng ở bên cha là khi ông vào công tác kết hợp nghỉ dưỡng ở miền Nam. 2 tháng được sống bên cha tôi lại được nghe cha hát những bài hát thời trai trẻ: “Trương Chi”, “Thiên Thai”… với giọng trầm ấm. Đã 27 năm trôi qua, tôi vẫn như thấy cha đang ngồi đó, nói cười, ánh mắt trìu mến nhìn tôi”.
Trà My
Nguồn:laodong.com.vn/y-te/vai-mau-chuyen-nho-ve-mot-thay-thuoc-lon-216441.bld