Văn học Nga luôn cuốn hút tôi

Đến gặp GS Nguyễn Hải Hà tại nhà riêng, mặc dù thể trạng vận động khó khăn do bệnh đa khớp, nhưng thoáng thấy chúng tôi, ông mỉm cười chào đón với chất giọng vang vang, truyền cảm. Sau những trao đổi tìm hiểu về Trung tâm, ông bắt đầu say sưa kể về niềm đam mê với văn học Nga.

 

GS Nguyễn Hải Hà đề tặng Trung tâm bản thảo viết tay bài viết “Mái trường yêu dấu – Nguyễn Thượng Hiền”

Năm 1954, tốt nghiệp trường Trung học Nguyễn Thượng Hiền (Thanh Hóa), Nguyễn Hải Hà thi đỗ trường Đại học Sư phạm. Tốt nghiệp, ông được giữ lại trường giảng dạy bộ môn văn học. Mặc dù không được đào tạo ở Liên Xô, nhưng ngôn ngữ Nga, văn học Nga đã cuốn hút ông và bằng nỗ lực tự học tiếng Nga, say mê nghiên cứu, tên tuổi ông đã gắn với Bộ môn Văn học nước ngoài. Những giờ giảng hấp dẫn, sâu sắc về Văn học Nga của thầy Hải Hà đã để lại trong tâm trí đồng nghiệp và nhiều thế hệ học trò sự khâm phục và ngưỡng mộ. Đến bây giờ khi đã nghỉ hưu nhiều năm nay, ông vẫn dành trọn thời gian cho niềm đam mê ấy. 

Trong câu chuyện của mình, GS Nguyễn Hải Hà hào hứng trao đổi về hai cách tiếp cận văn học trong lịch sử nghiên cứu văn học: Tiếp cận Xã hội học và Thi pháp học. Và ông đã áp dụng phương pháp tiếp cận thi pháp học trong nghiên cứu, giảng dạy văn học nước ngoài. Cho đến nay, ông vẫn ước ao, tham vọng muốn giải thích cái hay, cái đẹp của tác phẩm “Chiến tranh và Hòa bình” của Lep Tônxtôi bằng “Thi pháp Tiểu thuyết Lep Tônxtôi” để giới thiệu cùng độc giả.

Qua buổi tiếp xúc làm việc đầu tiên với GS Nguyễn Hải Hà, chúng tôi cảm nhận được dù đã bước sang tuổi 80 nhưng tinh thần làm việc cũng như niềm đam mê nghiên cứu văn học Nga chưa bao giờ nguôi trong ông. Nhân dịp này, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam xin kính chúc ông sức khỏe, trí tuệ và tiếp tục đóng góp cho nền khoa học nước nhà.

Bích Phương