Khi tôi hỏi chuyện về những nghiên cứu hồi ông còn ở Viện Kỹ thuật quân sự (KTQS), nay là Viện Khoa học và Công nghệ quân sự (Bộ Quốc phòng), ông nói ngay: “Một thứ rất cần cho bộ đội ta ngày ấy mà chúng tôi đã làm được, cấp trên đánh giá rất tốt, đó là chất phát ánh sáng lạnh. Kể từ lô hàng đầu tiên vào chiến trường đến hôm nay đã tròn nửa thế kỷ…”.
Thiếu tướng Nguyễn Quỳ được học về hóa lý ở Trường Đại học Tổng hợp Dresden, CHDC Đức (trước đây). Năm 1963, sau khi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ, về nước ông công tác tại Cục Nghiên cứu kỹ thuật, tiền thân của Viện KTQS, Bộ Quốc phòng. Ngày đó, Thiếu tướng Trần Sâm (sau này là Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) là Phó tổng Tham mưu trưởng kiêm Cục trưởng Cục Nghiên cứu kỹ thuật.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Đinh Đức Thiện xem các thành quả nghiên cứu của Viện Kỹ thuật quân sự, trong đó có chất phát sáng lạnh. Người đứng giữa giới thiệu sản phẩm là Phó viện trưởng, Thượng tá Hoàng Đình Phu, năm 1968
Nhà khoa học trẻ Nguyễn Quỳ làm việc dưới sự chỉ đạo trực tiếp của tướng Trần Sâm, rất phục tầm nhìn xa trông rộng của thủ trưởng khi ông luôn nhấn mạnh vấn đề bảo quản, niêm cất vũ khí, khí tài trong điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm của nước ta. Trước khi về nước, TS Nguyễn Quỳ đã hình dung mình sẽ làm việc nhiều về phòng hóa, nên tranh thủ tích lũy kiến thức cùng tài liệu, sách vở về lĩnh vực này. Ngay từ đầu, phòng nghiên cứu của ông được giao nhiệm vụ đề xuất và thực hiện các biện pháp cải thiện môi trường (kho, hòm, hộp, bao gói), đồng thời tổ chức sản xuất các vật liệu bảo quản cung cấp và hướng dẫn sử dụng tại các kho tàng, đơn vị.
Rồi Viện KTQS ra đời thay thế Cục Nghiên cứu kỹ thuật, vẫn tiếp tục những đề tài mà tướng Trần Sâm đã vạch ra từ mấy năm trước. Một hôm, Thượng tá Hoàng Đình Phu-Phó viện trưởng-mời Thượng úy Nguyễn Quỳ lên và hỏi về một hướng nghiên cứu mới là chất phát ánh sáng lạnh, một loại vật liệu trước đó ta chưa từng biết tới. Thời kỳ này, ở tuyến đường vận tải chiến lược Trường Sơn và trên chiến trường miền Nam, bộ đội thường hoạt động vào ban đêm để bảo đảm bí mật, bất ngờ. Nhưng máy bay địch luôn rình mò vào ban đêm, trên máy bay có những thiết bị hiện đại rất nhạy phát hiện ánh sáng nhiệt, gây cho ta rất nhiều khó khăn và thương vong. Bởi thế, xe tải khi đi qua ngầm phải có thanh niên xung phong đứng ở hai mép đường, cầm khăn trắng làm dấu cho xe đi theo. Bộ đội hành quân trong đêm trên các địa hình phức tạp thường không nhìn rõ nhau, dễ bị lạc. Nếu có chất phát ánh sáng lạnh thì sẽ tạo thuận lợi cho bộ đội hành quân, máy bay trinh sát hồng ngoại của địch không thể phát hiện được. Phó viện trưởng Hoàng Đình Phu hỏi Nguyễn Quỳ: “Trong thời gian học ở nước ngoài, anh có biết đến loại chất đó không?”. Thượng úy Nguyễn Quỳ xác nhận, lúc học ở Đức cũng thấy người ta điều chế chất ấy trong phòng thí nghiệm, song không được tham gia trực tiếp. Trong một vài cuốn sách ông mang về có đề cập tới nguyên lý tạo thành chất phát ánh sáng lạnh, còn quy trình sản xuất hẳn là phức tạp. Nếu thời gian tới, Viện KTQS định nghiên cứu về vấn đề này thì phải tập hợp lực lượng, kể cả việc phải phối hợp với các viện bên ngoài. Phó viện trưởng Hoàng Đình Phu nhanh chóng kết luận: “Vậy ta phải quyết tâm làm! Và anh sẽ đảm nhận việc tổ chức nghiên cứu, phối thuộc với các đơn vị bạn…”.
Kể đến đây, Thiếu tướng Nguyễn Quỳ vào trong nhà mang ra một số sách vở tài liệu. Ông bảo đây là các ghi chép, tư liệu riêng mà khi về hưu ông giữ lại làm kỷ niệm. Ngày đó, người đảm nhiệm tổ trưởng tổ nghiên cứu là kỹ sư hóa chất Trần Ba-một cán bộ khoa học tâm huyết, có tinh thần trách nhiệm cao, là người có nhiều đóng góp cho sự thành công chung của đề tài. Công việc chế tạo “vật liệu đặc biệt” được bắt đầu triển khai vào đầu năm 1966 và đơn bị bạn đầu tiên mà Viện KTQS hợp tác là Viện Hóa công nghiệp thuộc Tổng cục Hóa chất, do TS Hoàng Hữu Bình phụ trách. Ngay từ đầu, Viện Hóa công nghiệp đã nhiệt tình cử những cán bộ có năng lực tham gia cùng các cán bộ kỹ thuật quân đội. Đến thời kỳ sắp kết thúc đề tài, để phân tích và chế tạo chén nung còn có sự tham gia của hai Khoa Hóa học thuộc hai trường: Đại học Tổng hợp và Đại học Bách khoa Hà Nội. Cả năm 1967, công việc phối hợp nghiên cứu của Viện KTQS với các đơn vị bạn khá nhịp nhàng và khẩn trương.
Thiếu tướng Nguyễn Quỳ và vợ tại nhà riêng (năm 2018). Ảnh:Phạm Quang
Cuối năm 1968, tức là sau khoảng 3 năm, quy trình chế tạo hoàn thiện và đưa ngay vào sản xuất lớn chất bột phát ánh sáng lạnh. Viện Hóa công nghiệp sản xuất thử mẻ đầu tiên được mấy tấn bột, từ đây pha chế thành sơn lỏng, rồi đưa vào xưởng cơ khí để phủ lớp sơn chất phát ánh sáng lạnh đó lên các thanh, cột, bản phẳng kim loại có kích thước hình dáng khác nhau tùy theo mục đích sử dụng. Cột thép tròn có phủ lớp phát ánh sáng lạnh để dùng làm lộ tiêu cho các đường ngầm vượt sông suối, hay cắm bên đường ở các cua đường đèo dốc nguy hiểm. Bản thép nhỏ chỉ bằng tấm thẻ căn cước thì dùng đeo phía sau mũ của bộ đội hành quân đêm, người đi sau từ 5m đến 7m vẫn có thể nhìn thấy người đi trước qua tấm biển phát ánh sáng lạnh đó. Một số bảng có ký hiệu riêng để chỉ đường vào trạm quân y, kho vũ khí, bãi giấu xe… Chất phát ánh sáng lạnh còn được sử dụng để soi sáng các khí tài lấy góc bắn ban đêm cho sơn pháo và pháo cao xạ.
Từ cuối năm 1968, lô hàng đầu tiên được gọi là “đặc biệt”, gồm hàng tấn các bản, cọc tiêu kim loại phủ chất phát ánh sáng lạnh được chuyển vào chiến trường. Chỉ một thời gian ngắn đã có phản hồi tốt từ các đơn vị sử dụng. Máy bay trinh sát có thiết bị dò hồng ngoại hiện đại của địch đã bị “mù” với loại sản phẩm đặc biệt này. Sau đề tài nghiên cứu chất phát ánh sáng lạnh, TS Nguyễn Quỳ cùng các đồng nghiệp ở Viện KTQS lại nhanh chóng chuyển sang hướng mới về chất chống ăn mòn kim loại. Phòng Bảo quản, niêm cất đã điều chế được một số chất ức chế mới, dầu mỡ nitro hóa, dung dịch tẩy rửa nòng pháo tốt hơn và nhanh chóng hơn nhiều so với phương pháp dùng nước xà phòng trước đây. Ngay năm đầu đã có 6.000 hộp dung dịch chất tẩy rửa được sản xuất và cung cấp cho các đơn vị.
Ông Nguyễn Quỳ làm Trợ lý kỹ thuật một thời gian, lên Trưởng phòng Bảo quản niêm cất, rồi Phó viện trưởng Viện KTQS. Sau ngày nước nhà thống nhất, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Học viện KTQS, rồi đảm nhận cương vị Phó chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật đến khi nghỉ hưu.
Phạm Quang Đẩu