Tuổi thơ thăng trầm
Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công đã xua đi bầu không khí ngột ngạt của thị xã Lạng Sơn vừa qua khỏi những cơn đói dữ dội. Chú bé Trần Thành khi đó mới 10 tuổi, đang nô đùa cùng các bạn ở trường Tiểu học Thị xã, bỗng thấy một đám người có vũ trang đang tiến vào dinh Công sứ. Mấy hôm sau, Một cuộc mít tinh lớn được tổ chức trên quảng trường bên ngoài dinh Công sứ. Một người cao lớn, mặc áo kaki kiểu sĩ quan Pháp bước lên lễ đài, ông giơ nắm đấm lên ngang thái dương, quay ba hướng chào quần chúng. Ông là nhà cách mạng Trần Minh Tước[1]. Sau bài phát biểu hùng hồn của ông Tước, là một cuộc diễu hành rầm rộ, sôi nổi của quần chúng. Nếu cách mạng không về kịp thì có lẽ nhiều người trong số đó đã bị cái đói, rồi cái chết cuốn đi từ lâu rồi.
Trước đó mấy tháng, miền Bắc vừa trải qua đợt lũ lụt, mất mùa, khiến nạn đói hoành hành khắp nơi, người dân dưới xuôi kéo lên mạn ngược ăn xin và chết đói la liệt ở ngoài đường. Rạp hát Chấn Hưng ở cuối phố Cửa Bắc, thị xã Lạng Sơn, vốn là một rạp tuồng duy nhất của thị xã, nơi chú bé Thành cùng các bạn trẻ từng lách vé vào xem biểu diễn, giờ đã biến thành Trại tế bần, sau trở thành nơi thu gom xác người chết đói để đem chôn. Hai mẹ con ông Thành vốn không phải dân bản địa, đã phải lăn lộn kiếm sống để vượt qua được những tháng ngày khốn khó đó. Mẹ ông Thành – bà Trần Thị Thi – từ nhỏ đã bị những kẻ buôn người bắt lên Lạng Sơn bán, được một gia đình hương sư nhận làm con nuôi, đến khi trưởng thành thì cưới gả cho ông Trần Nhật – một người thợ giày trên phố Cửa Bắc. Khi cậu bé Thành mới được hai tháng tuổi thì bố ốm, rồi mất, hai mẹ con phải tự lực vượt qua bao khó khăn để tồn tại.
Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập ở quảng trường Ba Đình, Hà Nội, khai sinh ra nước Việt Nam Dan chủ Cộng hòa. Chỉ mấy ngày sau đó, quân Trung Hoa dân quốc của Tưởng Giới Thạch lấy danh nghĩa quân Đồng minh, vào Lạng Sơn, rồi tiến về Hà Nội. Theo trí nhớ của ông Thành: Đó là một đoàn quân nhếch nhác, đi tới đâu, ruồi bâu tới đó[2]. Tình hình ngày càng căng thẳng, đặc biệt là từ khi quân Pháp kéo ra miền Bắc sau Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946. Rồi đến cuối tháng 11 năm 1946, Pháp nổ súng, đánh chiếm Lạng Sơn, ông Thành cùng mẹ sơ tán khỏi thị xã, rồi lần lượt trải qua nhiều nơi trong liên khu Việt Bắc. Khi đó, hai mẹ con ông phải sống trong phòng nhỏ của dãy nhà gồm 7 gian. Hàng ngày, bà Thi phải nhận nấu cơm tháng cho các ông ký, ông phán trẻ cùng trọ trong khu nhà. Họ là người có chữ, nên mua nhiều sách báo, nhất là các báo có feuilleton, đăng truyện nhiều kỳ. Đọc xong, họ thường vứt bừa bãi, cậu bé Thành đã biết chữ, thường lượm về đọc, nhờ đó sớm được biết đến các truyện trinh thám với các thám tử nổi tiếng như Sherlock Holmes của Conan Doyle, nước Anh, hoặc truyện trinh thám của Việt Nam như Đám cưới Kỳ Phát của Phạm Cao Củng, Lê Phong và Mai Hương của Thế Lữ; kể cả các tiểu thuyết, truyện ngắn của Tự lực văn đoàn, như Hồn bướm mơ tiên, Gánh hàng hoa,… của Khái Hưng, Đôi bạn của Nhất Linh,… Ông thừa nhận mình chịu ảnh hưởng của Văn chương Tự lực văn đoàn, vì giọng văn của nó nhẹ nhàng, trong sáng, dễ thấm vào lòng người. Chất văn của văn học lãng mạn Việt Nam giai đoạn 1930-1945 có ảnh hưởng đến ông rõ nét, như ông từng thổ lộ: Nếu không có văn học giai đoạn này thì tôi không có vốn văn chương như hiện nay. Sau một ngày làm việc vất vả, buổi tối bà Thi thường bảo con trai đọc cho nghe một vài chương tiểu thuyết nổi tiếng đương thời, như Nửa chùng xuân, Tôi là mẹ,… Ngay thời đó, Trần Thành đã tập hợp được một số sách báo cũ để hình thành một tủ sách nhỏ cho riêng mình, đó cũng là tài sản quý giá mà ông đã có ở thuở thiếu thời.
Cuộc sống lúc xa nhà
Đầu năm 1951, ông Thành xin vào học Trường Trung học kháng chiến Việt Bắc, do thầy Nguyễn Hữu Tảo làm Hiệu trưởng. Thầy Tảo là nhà giáo lão thành, từng đào tạo nhiều thế hệ học trò thành tài, trong đó có nhà văn Nguyễn Đình Thi. Khi đó, ông Thi đang là Tổng thư ký Hội Văn hóa cứu quốc và công tác ở vùng Việt Bắc nên thường ghé qua trường Trung học Việt Bắc thăm thầy. Vốn yêu văn học nên cậu học sinh Trần Thành rất vui khi được gặp nhà văn Nguyễn Đình Thi. Khi đó, cơ sở vật chất của trường còn đơn sơ và thiếu thốn, lớp học nhỏ như những chiếc lán được lợp bằng lá cây, bốn bề trống trải. GS Thành nhớ lại: Không có bàn ghế, học trò chúng tôi phải vào rừng chặt những cành cây có chạc về đóng xuống đất, sau đó lấy tấm liếp được đan bằng tre vầu đặt lên trên, thế là thành bàn học, ghế ngồi cũng là những thân cây được bạt đi cho bằng để dễ ngồi. Còn ngủ thì đám học trò phải vào sống nhờ trong nhà của đồng bào dân tộc, ngủ ngay trên sàn tre vầu. Do nơi học cách xa nhà nên Trần Thành và ông Nguyễn Công Tạn[3] xin đến ở nhờ nhà người bạn học tên Hùng, bố là ông Số, người dân tộc Nùng, sống bằng nghề làm bánh và nấu cơm thuê. Khi đó, hai ông cùng ngủ trên sàn nhà, lúc rảnh rỗi thì cùng nhau chơi cờ caro, vốn học toán giỏi nên ông Tạn thường tư duy tốt hơn trong các cuộc chơi. Cuối tháng, ông Thành phải đi bộ về thị xã để xin tiền đóng tiền ăn cho ông Số, chủ cửa hàng. Những lần đi bộ lách đường rừng về nhà thật khó khăn, phải trèo đèo, lội suối khiến đôi chân mỏi rừ, thường phải mất gần một ngày mới về tới nhà. Có những lúc thiếu thốn, một quả trứng gà luộc cũng được ông chia làm hai bữa sáng và chiều, hiếm khi được ăn thịt. Vào mùa đông, vùng núi đá, sương muối rất buốt, trên người ông chỉ có một áo cánh mỏng với chiếc áo len cộc tay duy nhất. Cuộc sống khắc nghiệt nơi đây khiến ông một lần bị sốt rét nặng gần chết. Không có thuốc ký ninh, nên phải chữa theo cách của đồng bào dân tộc là đào mấy con giun, nướng lên thành than rồi cho vào một khúc nứa với lá chanh. Sau khi nướng qua than hồng thì đổ ra bát uống. Cách chữa trên không hiệu nghiệm khiến bệnh ông thêm trở nặng, người ốm sốt ly bì. Chủ nhà sợ ông Thành chết trong nhà thì xúi quẩy, nên yêu cầu phải khiêng ra ngoài. May mắn có đoàn cán bộ, học sinh sang Khu học xá Nam Ninh để học và có mang theo thuốc tiêm chữa sốt rét là Quinofort la croix, nên Trần Thành được cứu sống.
Bắc Sơn những năm đó còn rất hoang vu, đêm cũng như ngày, thường xuất hiện thú dữ, hổ vào tận nhà dân để bắt lợn, thấy động, họ gõ mâm và chậu thau ầm ĩ làm hổ hoảng sợ, đành bỏ lại con lợn đã bị cắn chết. Đồng bào dân tộc vốn kiêng không ăn thịt lợn đã bị hổ cắn nên các học sinh trong trường lại có dịp mang về cải thiện. Ngày đó, cuộc kháng chiến chống Pháp đang diễn ra ác liệt, các hoạt động thường diễn ra vào buổi tối. Có lần đi học về, Trần Thành và các bạn thấy hai chấm sáng xanh lè ở trên mỏm núi, nhìn kĩ lại mới biết đó là một con hổ ngồi chồm chỗm đang chờ rình mồi, khiến mọi người sợ hãi, vội bỏ chạy. Học hết lớp 5 ở Bắc Sơn, năm sau, ông Thành chuyển về học ở Trường Trung học thị xã Lạng Sơn vừa mới mở đóng ở bản Cọn Lèng, gần dãy Tam Thanh với nhiều hang đá, do thầy Vũ Hữu Nghĩa làm Hiệu trưởng. Nhờ chăm chỉ học tập và tham gia phong trào Đoàn sôi nổi, nên ông Thành được cử làm Hiệu đoàn trưởng của trường và tham gia công tác Thị đoàn Thanh niên thị xã Lạng Sơn, chủ yếu làm công tác tuyên truyền cổ động trong nhân dân về công cuộc kháng chiến của dân tộc ta.
Cuối năm 1953, Trần Thành tốt nghiệp lớp 7 và kết thúc chương trình học ở trường Trung học thị xã Lạng Sơn. Nhờ đạt kết quả tốt trong học tập và được Tỉnh đoàn Lạng Sơn khen thưởng cho những nỗ lực tham gia hoạt động Hiệu đoàn nên ông được Ty giáo dục Lạng Sơn cử sang học khoa Văn, Trường Trung cấp Khoa học xã hội thuộc Khu học xá Nam Ninh, Trung Quốc. Theo giấy triệu tập của Ty Giáo dục, ông Thành đi bộ đến thị trấn Bắc Sơn tâp trung, tại đậy ông gặp một số bạn mới như: Nguyễn Duy Quý, Lê Xuân Tùng, Hà Học Hợi,… cùng sang học ở Trung Quốc. Sau khi đi bộ lên thị trấn Đồng Đăng, có một chiếc ô tô đón mọi người chở qua Mục Nam quan, đến Bằng Tường, sau đó lên xe lửa tới Nam Ninh. Vốn sống lam lũ trong rừng với những khó khăn thiếu thốn, nay được ở trong một khu ký túc xá khang trang, có đầy đủ phương tiện, điều kiện vật chất và tinh thần, khiến ông Thành cảm thấy cuộc đời như đổi khác. Ở Khu học xá, ông không còn lo thiếu ăn, lại có thêm 5 nhân dân tệ phụ cấp để chi tiêu hàng tháng, số tiền này ông dành dụm để mua sách đọc.
Học viên Trần Thành ở Khu học xá Nam Ninh, Trung Quốc, năm 1955
Ở môi trường mới, ông được học với nhiều thầy giỏi như: các thầy Nguyễn Lân, Nguyễn Hữu Tảo dạy tâm lý giáo dục, các thầy Hoàng Như Mai, Đinh Gia Khánh dạy môn văn học, thầy Nguyễn Hồng Phong dạy sử học, thầy Lê Bá Thảo dạy môn địa lý… Với kiến thức uyên bác, bài giảng của các thầy làm ông say mê và thích thú. Thầy Đinh Gia Khánh vừa là giáo viên dạy văn học vừa kiêm chủ nhiệm lớp. Trần Thành luôn coi thầy Khánh là tấm gương sáng về tinh thần tự học. Ông kể: Có một lần tôi đến phòng riêng thăm thầy Khánh, từ ngoài nhìn vào, tôi thấy thầy đang quét nhà nhưng mắt vẫn không rời cuốn sách trên tay. Chiếc chổi cầm tay vẫn đưa qua đưa lại nhưng dường như thầy Khánh không để ý mình đã quét nhà tới đâu rồi.
Ngoài thời gian học trên lớp và đọc sách ở thư viện, đến tối, ông Trần Thành lại tranh thủ học thêm ngoại ngữ. Do chương trình nội khóa nặng, nên môn Trung văn chỉ được đưa vào chương trình giảng dạy một học kỳ, để giáo sinh tập trung vào các môn học chính. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ (tháng 5-1954), Hội nghị Genève[4] được họp bàn và đi tới kết thúc chiến tranh, đội ngũ giáo viên được nhà trường đẩy mạnh đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu tiếp quản miền Bắc sau này. Ban đầu, nhà trường còn phân ban (Văn-Chính trị và Sử-Địa), sau gộp chung thành các môn khoa học xã hội, không có môn Trung văn. Mặc dù vậy ông vẫn kiên trì học tiếng Trung với sự ham mê, để tránh bị phát hiện, ông mua một chiếc đèn pin, rồi trùm chăn mà học. Với tinh thần ham học đó, trong mấy năm học ở Khu học xá, ông được các thầy đánh giá cao về năng lực và kiến thức, ông là một trong hai thủ khoa được nhận phần thưởng trong lễ tốt nghiệp. Sau này, GS Thành được một bạn học cùng lớp là ông Nguyễn Thanh Tùng, người viết chữ đẹp, được các thầy nhờ sao lại học bạ của các giáo sinh, kể lại: Lúc sao đến học bạ của Thành, thấy thầy Khánh phê rằng: Đây là một giáo sinh đầy triển vọng.
Lần đầu đến Thủ đô
Tháng 6-1956, ông Trần Thành tốt nghiệp Trường Trung cấp Khoa học xã hội và có nguyện vọng về Việt Nam giảng dạy ở một trường cấp 3. Các thầy Hoàng Như Mai, Nguyễn Hồng Phong muốn giữ ông ở lại trường công tác, còn thầy Đinh Gia Khánh nói với học trò Trần Thành rằng: Em phải về Hà Nội để trí thức Thủ đô thấy được trình độ học sinh kháng chiến như thế nào. Giữa tháng 6-1956, ông cùng các cán bộ trong trường như Nguyễn Bùi Vợi, Đinh Nho Lương (em trai ông Đinh Nho Liêm – Thứ trưởng Bộ Ngoại giao), Nguyễn Thanh Tùng… đi chuyến xe lửa liên vận từ ga Nam Ninh về Hà Nội. Tài sản ông mang về chỉ có một chiếc bị đựng sách với một chiếc balô đựng vật dụng cá nhân. Lúc này, Hà Nội đang ở giữa mùa hè, trời nắng như đổ lửa. Ở ga Hàng Cỏ nhìn ra đường phố Hà Nội, lòng ông thấy thoáng buồn vì đường phố Thủ đô không tấp nập như ông tưởng, nhiều gia đình đã bỏ vào miền Nam. Ông nhớ lại: Chỉ thấy xe đạp và xích lô là nhiều nhất, thi thoảng mới thấy có một chiếc ô tô chạy trên đường. Chờ khá lâu mới có một chiếc ô tô tải của Bộ Giáo dục đến chở mọi người về các trường công tác. Khi đó, ông được phân về giảng dạy ở trường Sư phạm Sơ cấp Hà Nội. Trường nằm trên đường Hà Nội – Sơn Tây, thuộc địa bàn thôn Tiền, xã Dịch Vọng tại cây số 8 (đến năm 1958 trở thành địa điểm của trường Đại học Sư phạm Hà Nội). Cơ sở vật chất của trường hầu như chưa có gì, các lớp học chỉ là những ngôi nhà lá, tường torchis, mái lợp lá gồi. Mỗi giáo viên được phân một buồng cá nhân trong dãy nhà tập thể, theo mô tả của ông Trần Thành, đó là các khu chuồng chim, rộng chừng 8m2, chỉ đủ kê một chiếc giường cá nhân, một chiếc bàn và một ghế ngồi làm việc.
Đầu tháng 7-1956, Bộ Giáo dục chủ trương mở lớp tập huấn hè cho giáo viên cấp 2, cấp 3 và sư phạm toàn miền Bắc tại trường Chu Văn An trong gần 1 tháng. Khoảng cách từ khu tập thể sư phạm đến trường Chu Văn An dài gần 10km, không có xe đạp nên ông phải đi bộ từ khu tập thể đến bến tàu điện ở đền Voi Phục (Cầu Giấy) để đến trương. Một thời gian sau, thấy ông đi lại vất vả nên nhà trường bố trí cho ông vào sống nội trú tại trường Chu Văn An, trong một lớp học ở tầng 3 với nhiều cán bộ khác. Học viên sống nội trú khá đông, khoảng hàng trăm người. Lớp tập huấn do ông Hà Huy Giáp – Thứ trưởng Bộ Giáo dục phụ trách. Nội dung của chương trình là nhằm trang bị tư tưởng chính trị cho cán bộ giáo viên trong tình hình khá phức tạp của miền Bắc lúc bấy giờ (phát hiện sai lầm của CCRĐ, rồi vụ Nhân văn-Giai phẩm). Giữa tiết trời oi nóng của trưa hè tháng 7, ông Thành mặc trên người chiếc áo may ô mỏng và ngồi trên ban công đọc tài liệu, thì thấy từ ngoài cổng, một chiếc ô tô màu cà phê sữa tiến vào sân trường. Bỗng có tiếng reo ào ào nổi lên: Bác đến, Bác đến, anh em ơi !!!. Ngay lập tức, mọi người từ trong các phòng gần đấy đổ nhanh ra ngoài sân, ông Thành cũng vội chạy từ tầng 3 xuống. Lúc đó, Bác đã đứng trên sân khấu nổi được xây bằng gạch, láng xi măng, xung quanh Bác mọi người đã vây kín. Ai cũng tranh nhau leo lên sân khấu để mong được đứng gần Bác. Ai cũng muốn len lên sân khấu để mong được đứng gần Bác. Bác đến đột xuất và không thông báo cho Ban lãnh đạo nhà trường nên không có nghi thức đón tiếp Bác. Lần đầu tiên được nhìn thấy Bác, theo GS Trần Thành hồi tưởng lại: Người lúc đó đã 66 tuổi nhưng còn khỏe mạnh và đẹp lão lắm, da Bác đỏ như quả bồ quân. Ông Trần Thành cũng cố gắng len đến đứng gần Bác Hồ để được nhìn kỹ Người hơn.
Tuy bản thân không có nhiều kỷ niệm riêng về Bác, nhưng hình ảnh lần đầu tiên được gặp Người, ông không bao giờ quên. Để rồi, như một cái cơ duyên, nửa sau đời công tác, ông lại có cơ may được chuyển sang làm nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có lẽ, do chính lòng kính yêu Người vô hạn đã đem lại cho ông cảm hứng, niềm đam mê, ý chí và nghị lực vượt qua những hạn chế của bản thân để phấn đấu trở thành một chuyên gia nghiên cứu về Hồ Chí Minh học của nước ta.
Ngô Văn Hiển
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam
* GS Trần Thành, chuyên ngành Chính trị học, nguyên Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
[1] Ông Trần Minh Tước tên thật là Nguyễn Văn Tước (1910-2003), nguyên Phó chủ tịch Ủy ban kháng chiến Liên khu Việt Bắc.
[2]Trần Thành, “Xứ Lạng, tuổi thơ tôi – đôi dòng hoài niệm”, Báo Văn nghệ Xứ Lạng, số 240, 10-2013, tài liệu lưu giữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[3] Phỏng vấn GS Trần Thành, 13-8-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
[4] Ông Nguyễn Công Tạn (1935-2014), nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 1997-2002.