Vào một ngày cuối năm 1975, TS Phạm Như Cương (khi đó là Viện trưởng Viện Triết học, thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam) nhận được lời mời của đồng chí Đinh Đức Thiện (đại diện Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tham mưu) vào giảng dạy cho một lớp học được tổ chức trong Sài Gòn mới giải phóng. Có phần bất ngờ nhưng ông vui vẻ nhận lời.
Sau những năm tháng tham gia trong Quân đội, Phạm Như Cương được cử đi học tại Trung Quốc (1954-1956), về nước ông được phân công giảng dạy tại Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc khi mới 26 tuổi. Năm 1964, sau khi đi học Chương trình Lý luận cao cấp tại Liên Xô bốn năm, ông về công tác tại Viện Triết học thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, rồi trở thành Viện trưởng đầu tiên của Viện Triết học. Với bề dày kinh nghiệm nghiên cứu Triết học gần hai chục năm, ngay sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, vào cuối tháng 5-1975, TS Phạm Như Cương là thành viên trong Đoàn trí thức khoa học xã hội miền Bắc vào gặp gỡ, trao đổi với các đồng nghiệp ở Sài Gòn. Không khí của những buổi hội ngộ ban đầu chan hòa tình cảm dân tộc, niềm vui đất nước thống nhất, nhưng chưa có được sự cởi mở để nói với nhau về những thắc mắc và những công việc sẽ cùng làm trong những ngày sắp tới [1].
Viện Khoa học xã hội miền Nam (sau đổi tên là Viện Khoa học Xã hội Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh) được thành lập sau ngày đất nước thống nhất ít lâu, bước đầu làm nhiệm vụ đoàn kết, tập hợp đội ngũ trí thức khoa học xã hội ở miền Nam và tuyên truyền đường lối chính sách, lập trường quan điểm của Đảng và Nhà nước ta, đặc biệt với trí thức dưới chế độ cũ. Nhưng TS Phạm Như Cương hơi ngạc nhiên bởi chủ trương tổ chức lớp nghiên cứu này lại nảy sinh từ “một ông Tướng”. Vốn tính tình cởi mở, mong muốn hiểu thật nhiều về Sài Gòn, Thiếu tướng Đinh Đức Thiện đã gặp gỡ các trí thức, công chức cao cấp của chế độ cũ, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của họ và gợi ý về việc tổ chức lớp học tập này [2].
Không chỉ đặc biệt về thời điểm tổ chức và người đứng ra tổ chức, lớp học còn đáng chú ý bởi thành phần học viên tham gia. Chỉ 1/5 số học viên là cán bộ của Viện Khoa học xã hội miền Nam, còn lại 119 người nguyên là Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thứ trưởng, Quốc vụ khanh, dân biểu, linh mục, các giáo sư, luật sư, kiến trúc sư, kỹ sư. Một phần lớn trong số họ có bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ ở các trường Đại học Âu Mỹ. Ngoài những người là quan chức cao cấp của chế độ cũ, còn có những người thuộc lực lượng thứ ba chống Mỹ ngụy nhưng cũng không tán thành chủ nghĩa cộng sản [3].
GS.TS Phạm Như Cương vẫn nhớ như in những lời của Thiếu tướng Đinh Đức Thiện trên chuyến bay vào thành phố Hồ Chí Minh: “Chúng ta đã phải chiến đấu và đã chiến thắng. Vẫn cảnh giác, phải sẵn sàng đối phó với các thủ đoạn phá hoại, chống đối, nhưng dẫu sao, cái chính lúc này là khôi phục, xây dựng về kinh tế, văn hóa…”.
Lớp học kéo dài 14 tháng, nội dung chương trình gồm các bộ môn Chủ nghĩa duy vật biện chứng, Chủ nghĩa duy vật lịch sử, Kinh tế chính trị học… Trong đó, TS Phạm Như Cương phụ trách lên lớp môn Triết học, giảng về chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử trong thời gian 3 tháng. Các học viên trong lớp được chia thành 10 tổ. Họ lên lớp nghe giảng, cởi mở trao đổi, thảo luận ở tổ. Hết mỗi phần học đều có thu hoạch cá nhân.
Giáo sư Phạm Như Cương (phải) giới thiệu một số bản Thu hoạch của học viên
Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là đến nay, sau gần bốn chục năm nhưng GS.TS Phạm Như Cương vẫn trân trọng lưu giữ những bài thu hoạch của học viên lớp học mà chủ nhân của nó nhiều người đã không còn nữa. Đó là bài thu hoạch của học viên Ngô Bá Thành, Lý Quý Chung, một bức thư thay cho lời cảm tạ và bài thu hoạch chưa kịp viết của Linh mục Chân Tín.
Trong bản thu hoạch, bà Ngô Bá Thành [4] bày tỏ những cảm nhận, đánh giá về những bài giảng của Viện trưởng Phạm Như Cương: “Qua kinh nghiệm đấu tranh bản thân, qua những bài giảng về lý luận đầy sức sống, người ta có cảm tưởng như đối với người thầy, người anh với tất cả nhiệt tình muốn trao lại cho những đàn em đi sau tất cả những gì quý báu nhất về kinh nghiệm đấu tranh cách mạng mà bản thân mình đã phải trả bằng xương máu. Chắc vì vậy mà sức truyền cảm, khả năng chinh phục đã đi vào tâm hồn người nghe một cách hết sức sâu sắc… [5]”.
Ở một đoạn khác, bà bộc bạch: “…Tôi từ trước đến giờ mặc dù có đủ thứ bằng cấp khắp nơi, nhưng tôi lại chưa bao giờ là học trò của những người thầy Việt Nam, dạy bằng ngôn ngữ cách mạng, …[6]”. Và qua khóa học này, “Tôi đã tìm trong cách mạng con đường giải phóng cho bản thân mình, gắn liền với con đường giải phóng dân tộc [7]”.
Kết thúc bản thu hoạch, bà Ngô Bá Thành bày tỏ niềm tin và ý chí vững vàng để cùng tập thể các trí thức miền Nam yêu nước khắc phục khó khăn, cùng chung tay xây dựng đất nước với các trí thức miền Bắc.
Một số bài thu hoạch và bút tích của học viên lớp học đặc biệt
Còn ông Lý Quý Chung, một nhà báo nổi tiếng ở miền Nam trước năm 1975, lại nhớ mãi những lời thầy Phạm Như Cương nói trong buổi đầu tiên lên lớp: “Bộ óc con người là cái gì tinh vi và bất diệt nhất. Người ta có thể tiêu diệt một con người, nhưng không thể tiêu diệt đầu óc, những suy nghĩ của một con người. Trừ ra chính con người đó tự ý muốn thay đổi cái cách suy nghĩ, tư tưởng của chính mình [8]”. Trong bản thu hoạch, ông cũng giãi bày những suy nghĩ của bản thân về sự thay đổi trong nhận thức một cách cặn kẽ. Và với ông Lý Quý Chung, kết quả thu được sau ba tháng học tập chuyên đề của thầy Phạm Như Cương “đã củng cố một cách vô cùng mạnh mẽ ở trong tôi niềm tin mỗi ngày một lớn hơn đối với cách mạng Việt Nam [9]”.
Linh mục Chân Tín, do chưa kịp nộp bài thu hoạch, nên tỏ ra đường đột khi biết thầy Phạm Như Cương ra Bắc: “Anh Nghị và tôi rất tiếc không qua thăm anh và cảm ơn anh trước khi anh về Hà Nội vì tưởng rằng anh còn dự bữa cơm với tổ 6…[10]”.
Cùng với các bản thu hoạch và thư gửi cho ông, GS.TS Phạm Như Cương còn cẩn thận giữ được bản photo Danh sách các học viên, để qua đó có thể thấy tính đặc biệt của lớp học này. Giáo sư trân trọng tặng lại bản photo các tài liệu này cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam lưu giữ. Ông cho biết: đối với ông đó là những kỉ niệm đẹp về một lớp học đặc biệt trong đời làm khoa học, nghiên cứu của mình. Kinh nghiệm giảng dạy, tổ chức lớp học sau này được ông vận dụng hiệu quả khi tổ chức tọa đàm học thuật có sự tham gia của các linh mục và trí thức công giáo.
GS Phạm Như Cương sinh năm 1928, quê ở Đô Lương, Nam Đàn (Nghệ An).
Học Trường Đảng cao cấp tại Trung Quốc (1954-1956).
Học Trường Đảng cao cấp Mátxcơva, Liên Xô (1960-1964).
Ông là Viện trưởng Viện Triết học đầu tiên thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam.
Chủ nhiệmUỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam.
Uỷ viên Trung ương Đảng khóa VI.
Phó Trưởng ban Khoa giáo Trung ương.
Trần Bích Hạnh
_________________________
[1],[2],[3]: Bài viết “Một lớp học đặc biệt” của GS Phạm Như Cương, lưu trữ tại Trung tâm. [4]: Bà Ngô Bá Thành sau này là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam; là Đại biểu Quốc hội khóa 6,7,8,10 và Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội; Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTWMTTQ Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam. [5], [6], [7]: Bản thu hoạch về lớp Nghiên cứu học tập lí luận chủ nghĩa Mác Lênin của bà Ngô Bá Thành. [8], [9]: Bản thu hoạch về lớp Nghiên cứu học tập lí luận chủ nghĩa Mác Lênin của ông Lý Quý Chung. [10]: Thư của Linh mục Chân Tín gửi GS.TS Phạm Như Cương.