Về một Bộ khớp háng nhân tạo

Năm 1971, bác sĩ Ngô Bảo Khang được Bộ Y tế cử đi thực tập sinh tại Cộng hòa Dân chủ Đức trong 3 năm. Sau 3 tháng học tiếng Đức tại Berlin, bác sĩ Ngô Bảo Khang được phân công về thực tập về chấn thương chỉnh hình ở Bệnh viện Rudolf-Elle, thành phố Eisenberg – một bệnh viện chỉnh hình lớn với trên 500 giường bệnh. Ông đã có một năm làm việc tại đây, được tham gia mổ những ca trung phẫu thuật như: cắt bỏ một phần chi dưới, nẹp vít cổ xương đùi…

Sau hơn một năm, nhằm giúp bác sĩ Ngô Bảo Khang có điều kiện học tập tốt hơn, GS Unger – Giám đốc Bệnh viện Rudolf-Elle đã giới thiệu ông tới học tập, thực hành tại Viện Chỉnh hình Leipzig, dưới sự hướng dẫn của GS Matzen. Tại đây, bác sĩ Ngô Bảo Khang tích cực học tập một cách cầu thị. Có những chi tiết nhỏ ông vẫn nhớ như in, như việc ông thực hiện rất nghiêm chỉnh nguyên tắc phải rửa tay bằng xà phòng, sau đó ngâm tay 10 phút trong một chậu nước đã được chuẩn bị sẵn để khử trùng trước khi tham gia một ca phẫu thuật. Lần nào cũng vậy, bác sĩ Ngô Bảo Khang đều thực hiện nguyên tắc này.

Sau nhiều tháng phụ mổ và phụ bó bột cho GS Matzen, bác sĩ Ngô Bảo Khang mạnh dạn đề nghị giáo sư cho phép ông được trực tiếp mổ và bó bột cho bệnh nhân. Đề xuất đó đã được GS Matzen chấp thuận và chính Giáo sư đã phụ cho bác sĩ Ngô Bảo Khang mổ chính một ca thay toàn bộ khớp háng – một phẫu thuật lớn mà không phải bác sĩ Việt Nam nào cũng có cơ hội được thực hiện. Ở Cộng hòa Dân chủ Đức, theo quy chế chuyên môn, trách nhiệm của bác sĩ phẫu thuật đối với bệnh nhân rất chặt chẽ nên các giáo sư rất dè dặt trong việc cho các bác sĩ nước ngoài thực hiện. Các bác sĩ phẫu thuật, kể cả giáo sư phải tự tay cắt chỉ, bó bột cho bệnh nhân chứ không phải là y tá hay kỹ thuật viên như ở Việt Nam.

Việc GS Matzen đồng ý cho bác sĩ Ngô Bảo Khang được mổ chính làm các đồng nghiệp người Đức rất ngạc nhiên. Họ chia sẻ với ông: “Giáo sư đã rất tin tưởng anh nên mới để anh tự mổ thay khớp háng cũng như bó bột cho bệnh nhân người Đức. Nhiều bác sĩ Việt Nam trước kia đã học ở đây không được như vậy đâu”.

Bác sĩ Ngô Bảo Khang (thứ 2 từ trái) trong thời gian học tập tại CHDC Đức (1971-1975)

Theo bác sĩ Khang, để có được sự tin tưởng của GS Matzen, bản thân ông phải luôn nỗ lực trong học tập và nghiên cứu. Ông càng phấn khởi khi hết đợt thực tập GS Matzen đã nhận xét: “Bác sĩ Khang đã được đào tạo về ngoại khoa một cách tuyệt vời cho nên đã tiếp thu về kỹ thuật phẫu thuật chỉnh hình khá dễ dàng. Bác sĩ Khang đã có dịp thực hiện một số ca phẫu thuật lớn ở Bệnh viện của chúng tôi. Trong mọi công việc anh ấy rất tận tâm, chịu khó và kiên trì . Đối với đồng nghiệp ở đây anh ấy gắn bó với một tình hữu nghị bạn bè tốt. Bệnh viện chúc anh mọi sự tốt đẹp trong tương lai và giữ mãi quan hệ hữu nghị với chúng tôi”.

Trong thời gian thực tập sinh tại Cộng hòa Dân chủ Đức, do làm việc chuyên cần, nghiêm túc nên bác sĩ Ngô Bảo Khang được các giáo sư, đồng nghiệp và bạn bè Đức tin tưởng quý mến. Năm 1977, sau khi về nước, ông đã được các thầy giáo, đồng nghiệp ở Viện Chỉnh hình Leipzig gửi tặng một bộ dụng cụ thay khớp háng và khoảng hơn chục bộ khớp háng nhân tạo.

Bộ khớp háng nhân tạo bao gồm: Một chỏm cổ xương đùi của khớp háng toàn phần (8x46cm); một chỏm cổ xương đùi gãy khớp giả bị cắt bỏ; một hõm khớp háng (đặt trong hộp nhựa: 14x14x7,5cm). Việc thay khớp háng đã có tác dụng giải quyết các trường hợp người già ngã gãy cổ xương đùi, biến chứng không liền khớp giả trên chỏm xương đùi, tránh cho bệnh nhân tàn phế và tử vong do nằm liệt, loét, suy kiệt. Với những bộ khớp háng này, GS Ngô Bảo Khang là người Việt Nam đầu tiên thực hiện phẫu thuật thay khớp háng ở Việt Nam (1977). Công trình thay khớp háng nhân tạo đã được Bộ Y tế cấp giấy khen ngày 25-9-1980.

Sau khi về nước, trên cơ sở những kiến thức đã học được ở Đức, cộng với những dụng cụ, những bộ khớp háng được các bạn bè, thầy giáo người Đức tặng, GS Ngô Bảo Khang là người Việt Nam đầu tiên thực hiện phẫu thuật thay khớp háng ở Việt Nam. Ngày 25-9-1977, bác sĩ Ngô Bảo Khang và đồng nghiệp đã thành công trong việc thay toàn bộ khớp háng trái cho bà Nguyễn Thị Nguyệt (54 tuổi), ngã xe đạp, bị gãy cổ xương đùi. Sau mổ 2 ngày bệnh nhân tập lên gân cơ và tập co duỗi gối; sau 1 tuần có thể co duỗi gối và háng tốt; sau 10 ngày được cắt chỉ và tiếp tục tập luyện. Sau 3 tuần lễ bệnh nhân đã đứng và đi lại được, không đau đớn, không cần dùng nạng và sau mổ 1 tháng bệnh nhân xuất viện, đi lại và sinh hoạt bình thường.

Ngày 15-11-1977, lần thứ 2 bác sĩ Ngô Bảo Khang tiến hành thay chỏm và cổ xương đùi, tái tạo khớp háng không hoàn toàn cho bệnh nhân nam gãy cổ xương đùi trái đã 4 tuần mà không được nắn bó. Bệnh nhân đến viện chân trái ngắn 2cm so với chân phải. Háng không cử động bình thường được và cử động rất đau. Sau mổ thay khớp háng với cổ vá chỏm kiểu Moore Thompson[1] một tuần lễ, bệnh nhân đã co duỗi háng chủ động được. Sau ba tuần bệnh nhân đã đứng tốt, co háng 90 độ, nằm có thể giơ thẳng chân lên trên. Sau ba tuần lễ bệnh nhân đã đi được bình thường, không đau, không cần gậy.

Ngày 20-12-1977, bác sĩ Ngô Bảo Khang lại mổ thay thế toàn bộ khớp háng trái bằng khớp háng nhân tạo cho một bệnh nhân người Hoa bị bệnh thoái hóa khớp háng. Đây là trường hợp người bệnh bị đau khớp háng đã 6 năm. Sau mổ hai ngày bệnh nhân bắt đầu tập các động tác lên gân làm khỏe cơ tứ đầu đùi, tập co duỗi gối và háng… Nhờ kiên trì và chịu khó tập luyện, diễn biến sau mổ tốt hơn các bệnh nhân khác. Sau một tuần bệnh nhân đã giơ được chân cao lên trên và đặc biệt sau hai tuần bệnh nhân đã đi lại được không dùng nạng và không đau đớn. Sau 3 tuần lễ bệnh nhân đi lại hoàn toàn bình thường, cử động đùi dễ dàng và thoải mái hơn trước.

GS Ngô Bảo Khang cho biết khi thực hiện những ca phẫu thuật này ở Việt Nam ông đã gặp phải những khó khăn nhất định. Nếu như ở Đức khi phẫu thuật có phụ mổ là những người nằm trong ê kíp, quen việc và thành thạo các dụng cụ nên khi thực hiện chỉ mất khoảng 1 giờ 15 phút. Còn ở Bệnh viện Việt – Đức ông phải làm toàn bộ các thao tác từ đầu đến cuối nên thời gian mổ kéo dài đến 2 tiếng 15 phút.

Từ 25-9-1977 đến 15-5-1978, bác sĩ Ngô Bảo Khang đã mổ thành công tám trường hợp thay khớp háng bằng khớp nhân tạo tại Khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức, qua kiểm tra, theo dõi kết quả đều tốt, các bệnh nhân đi lại được không cần nạng hay gậy, cử động khớp háng gần như bình thường.

Kết quả phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo tại Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức đã góp phần mở ra hướng giải quyết những bệnh tật, di chứng về khớp háng và gãy cổ xương đùi mà từ trước tới nay ở Việt Nam chưa có giải pháp hiệu quả.

Bộ khớp háng nhân tạo mà các đồng nghiệp CHDC Đức tặng bác sĩ Ngô Bảo Khang năm 1977

Bác sĩ Ngô Bảo Khang cho biết, bộ khớp háng nhân tạo mà ông còn giữ đến nay là do ý kiến của GS Tôn Thất Tùng yêu cầu cần giữ lại một số bộ để sử dụng cho những trường hợp bệnh nhân đặc biệt. Trên thực tế, cho đến hiện nay ở Việt Nam vẫn chưa sản xuất được khớp háng nhân tạo mà vẫn phải nhập của nước ngoài để tiến hành phẫu thuật.

GS.TS Ngô Bảo Khang luôn biết ơn các thầy cô giáo, bạn bè người Đức đã hết lòng giúp đỡ ông trong những năm học tập tại Đức (1971-1975). Bộ khớp háng nhân tạo còn lại ông đã sử dụng trong nhiều năm, làm giáo cụ trực quan cho những giờ lên lớp ở trường Đại học Y Hà Nội, trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi đã nghỉ hưu, ông luôn đặt nó trên bàn làm việc, như một người bạn gần gũi và gắn bó. Tháng 5-2013, ông đã tin tưởng giao tặng kỷ vật này cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam lưu giữ, bảo quản.

 

Nguyễn Thanh Hóa

________________________

[1] Khớp háng bán phần Moore – Thompson rất phổ biến trong thập niên 1950, gồm 2 phần, phần chuôi kim loại sẽ đưa vào trong ống tủy xương đùi và phần chỏm kim loại liên tục với phần chuôi sẽ nằm trọn trong ổ cối khớp háng.