Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Nguyễn Ngọc Lanh thi đỗ trường Đại học Sư phạm và Đại học Y Hà Nội vào năm 1954. Theo lời khuyên của cha, rằng nghề Y là một nghề cao quý, ông đã chọn học Đại học Y khoa. Vào học trường Y khóa 1954-1960, Nguyễn Ngọc Lanh theo học chuyên ngành Sinh lý bệnh. Trong những năm ông mới ra trường khi đó đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn thấp nên những hiểu biết thông thường về hoạt động cơ thể con người còn rất hạn chế. Theo Bác sĩ Nguyễn Ngọc Lanh, để biết được về bệnh tật của người bệnh thì trước tiên phải hiểu được hoạt động cơ thể của người bình thường là như thế nào? Còn đối với người dân cũng cần có những hiểu biết sơ đẳng về hoạt động cơ thể của bản thân. Vì vậy bằng kiến thức và kinh nghiệm trong quá trình công tác, bác sĩ Nguyễn Ngọc Lanh đã biên soạn và xuất bản bộ sách “Hỏi đáp về sinh lý con người chúng ta” nhằm giúp người dân có được những kiến thức cơ bản để tự chăm sóc sức khỏe hàng ngày cho bản thân và gia đình, đề phòng bệnh tật.
Năm 1969 khi đã tập hợp các tài liệu, bác sĩ Nguyễn Ngọc Lanh bắt tay vào viết cuốn sách đầu tiên về Máu. Khi bản thảo hoàn thành, một cán bộ biên tập Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, tên là Xuyên, gợi ý nên có thêm kiến thức về Tuần hoàn. Ông đã bổ sung cho nội dung cuốn sách, và đến năm 1971 bản thảo tập 1, với tựa đề Máu – Tuần hoàn, được hoàn thiện và xuất bản. Từ năm 1972 đến năm 1977 bác sĩ Nguyễn Ngọc Lanh tiếp tục biên soạn để xuất bản từ tập 2 đến tập 6 gồm: Hô hấp- Tiêu hóa; Dinh dưỡng- Chuyển hóa thân nhiệt; Gan- Bài tiết; Nội tiết; Thần kinh- Giác quan.
Bộ sách được xuất bản và phát hành rộng rãi. GS Nguyễn Ngọc Lanh vẫn nhớ một kỷ niệm thú vị liên quan đến bộ sách: Một lần, trong chuyến công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy, thành phố Hồ Chí Minh, ông được trường Đại học Y mời đến giảng dạy về Sinh lý bệnh. Một sinh viên tên Thành nói cô nhận ra thầy vì đã đọc cuốn sách “Hỏi đáp về sinh lý con người chúng ta” của ông. Cô kể rằng, cô không chỉ thích thú đọc cuốn sách đó, mà còn “giảng” cho mẹ những kiến thức tiếp thu được trong cuốn sách, từ đó cô yêu thích tìm hiểu về ngành y và cô đã quyết tâm học và thi đỗ vào trường Y. Câu chuyện của cô sinh viên Thành đã khiến bác sĩ Nguyễn Ngọc Lanh rất vui và cảm thấy việc làm của mình có ý nghĩa hơn, bởi nội dung cuốn sách không chỉ dừng lại ở việc giúp giải đáp cho người đọc những vấn đề về sinh lý con người một cách cơ bản, khoa học mà nó còn có tác dụng truyền cảm hứng, niềm say mê yêu thích nghiên cứu tìm hiểu về khoa học nói chung và ngành y nói riêng cho thế hệ trẻ.
Đến năm 1997, trước yêu cầu phổ biến kiến thức về Y học ngày càng gia tăng do vậy Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật đề nghị GS Nguyễn Ngọc Lanh chỉnh sửa, bổ sung cho Bộ sách “Hỏi đáp về sinh lý con người chúng ta” với tựa đề mới là “Sinh lý con người thế nào? Tại sao? Để làm gì?”.
Bản thảo bộ sách về Sinh lý con người được GS Nguyễn Ngọc Lanh biên soạn cho lần xuất bản thứ 2
Giáo sư Nguyễn Ngọc Lanh dự kiến nội dung bộ sách này sẽ gồm 17 tập. Ngoài việc bổ sung thêm thông tin cho 6 tập của bộ sách xuất bản lần đầu, lần xuất bản này, ông sẽ viết mới về các nội dung như: Da- Lông- tóc; Thần kinh; Giác quan; Mẹ và thai; Tuổi sơ sinh. Như vậy, Bộ sách sẽ phục vụ đối tượng bạn đọc rộng hơn. Nhưng có một sự cố xảy ra, khi GS Nguyễn Ngọc Lanh viết đến tập 10 (được xuất bản 2001) thì người biên tập chính là ông Xuyên mất, lúc đó Giáo sư Lanh rất nản, không muốn tiếp tục hoàn thành bộ sách. Một thời gian sau, PGS.TS Tô Đăng Hải, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, người đã tham gia biên tập bộ sách, đến gặp GS Nguyễn Ngọc Lanh và ngỏ ý muốn cộng tác cùng Giáo sư để hoàn thiện các tập còn lại của bộ sách. PGS.TS Tô Đăng Hải cũng là một trong những độc giả yêu thích Bộ sách “Hỏi đáp về sinh lý con người chúng ta”, ông Hải đã từng đạp xe đạp khắp Hà Nội để mua đủ 6 tập của bộ sách.
Bộ sách không chỉ mang đến cho bạn đọc những hiểu biết rất cơ bản, cần thiết về sinh lý con người, mà nó còn giải đáp được những câu hỏi thường thức mà bạn đọc quan tâm bằng những ngôn từ chuyên môn dễ hiểu, với những hình ảnh minh họa đơn giản, dễ nhận biết. Văn phong diễn giải cũng rất sinh động, nhiều đoạn khá hóm hỉnh. Có thể đưa ra một vài ví dụ: Về Vai trò của Máu trong cơ thể con người, tác giả viết: «Một bậc cha, muốn xua đứa con quấy rầy vì cứ hỏi mãi "Máu trong người để làm gì?" bèn trả lời: À, con không có máu thì… chết cha!».[1]Hoặc về Vị trí của Gan, tác giả đã mô tả :«Quả gan nằm trong ổ bụng, nhưng được tất cả các nội tạng của ổ bụng công kênh lên tầng cao chót vót cho xứng với vị trí ăn trên ngồi trốc của nó…».[2]Đó chính là điều tạo nên sự thành công của bộ sách.
Rất tiếc, trải qua thời gian, tập bản thảo của bộ sách 6 tập xuất bản lần thứ nhất đến nay GS Nguyễn Ngọc Lanh không còn lưu giữ được mà chỉ còn một số tập đã xuất bản của bộ sách (Tập 1; tập 2; tập 5) cùng 5 bản thảo của bộ sách xuất bản lần 2 gồm: Bản thảo tập 1 về Máu, tập 3 về Hô Hấp, tập 5 về Gan, tập 9 về Bài tiết, tập 10 về Bài tiết. Các bản thảo được GS Nguyễn Ngọc Lanh viết tay bằng bút bi mực xanh trên giấy 1 mặt (một mặt giấy đã sử dụng), có nét bút chỉnh sửa, bổ sung bằng bút bi mực đỏ, đen. Trên mỗi trang bản thảo có dán mẩu giấy nhỏ ghi chú thích mô tả cho hình vẽ minh họa, trong mỗi tập bản thảo được đánh số trang rất rõ ràng ở góc phải lề trên bằng bút bi mực đỏ.
Bộ sách dự kiến 17 tập trong lần xuất bản thứ 2 đã ra mắt độc giả từ tập 1 đến tập 10 và tập 16. Hiện nay, GS Nguyễn Ngọc Lanh vẫn nỗ lực, tâm huyết với việc hoàn thiện các tập còn lại: Tập11 về Miễn dịch, tập 12 về Cơ-Xương-Khớp, tập 13 về Da-Lông-Tóc, tập 14về Thần kinh, tập 15 về Giác quan, tập 17 về Tuổi sơ sinh để sớm xuất bản trọn vẹn bộ sách, phục vụ đông đảo bạn đọc trong thời gian gần nhất.
Giang Thị Nhung
_______________________
[1] Sách “Sinh lý con người thế nào? Tại sao? Để làm gì?”, tập 1- Máu, H- Khoa học và Kỹ thuật, 1998.
[2] Bản thảo sách “Sinh lý con người thế nào? Tại sao? Để làm gì?”, tập 5- Gan, 2001.