Về một cuốn sổ ghi chép (1977-1978) của GS Nguyễn Trinh Cơ

Tìm lẫn trong những cuốn sách cũ kỹ, ông Nguyễn Nguyên Hân đã trao tặng cho chúng tôi những cuốn sổ ghi chép và công tác trong những năm GS Nguyễn Trinh Cơ làm Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội (1976-1983). Do không thành thạo về tiếng Nga và tiếng Pháp nên tôi tập trung vào cuốn sổ công tác bằng tiếng Việt. Cuốn sổ đã cũ kỹ, có bìa cứng màu đỏ nhưng đã bị mối mọt cắn ở nhiều góc, sổ dày một 184 trang, ghi kín hai mặt bằng bút mực màu xanh, thỉnh thoảng có chỗ quan trọng được ông gạch chân phía dưới. Theo ông Hân, cha của mình rất quý trọng những cuốn sổ này, vì vậy tự ông đã đi thuê đóng bìa cẩn thận và ký tên mình ngay phía ngoài cuốn sổ.

Cuốn sổ này được GS Nguyễn Trinh Cơ ghi chép trong thời gian ông đang giữ chức Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội, đây cũng là khoảng thời gian ông hay có mặt ở Bệnh viện Việt Đức để tham gia công tác điều trị và hướng dẫn các anh em y, bác sĩ trẻ. Trong cuốn sổ, ông ghi chép một số hoạt động của mình cũng như của trường Đại học Y trong thời gian này, từ các cuộc họp với Ban giám hiệu trường Y, với các Bộ môn, với Ban thường vụ trường; những vấn đề xin mở rộng xây dựng khu nhà ở cho cán bộ viên chức của trường Y, vấn đề đời sống sinh viên ở ký túc xá,… đến cả những lần đi thực tế bệnh viện ở các xã, các huyện…

Đặc biệt, ông rất chú ý tới công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học trong sinh viên, vấn đề đào tạo nghiên cứu sinh ở trong nước và nước ngoài. Trong một trang của cuốn sổ có ghi rõ tầm quan trọng của công tác nghiên cứu trong sinh viên: “ Nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của sinh viên: Vận động liên tục thầy và trò, chủ yếu là nghiên cứu khoa học – tuy có 1 số chính khóa – nhằm bổ sung các bài học. Một là giải quyết chất lượng LT (Lý thuyết – BT), hai là giải quyết chất lượng thực hành. Bồi dưỡng hoài bão. Trong trường, quan niệm chưa thống nhất, cần thống nhất, coi hoạt động KHKT là quan trọng. Các thầy phải thông ý nghĩa và có trách nhiệm… Trường ta có kinh nghiệm chọn đề tài đi vào cuộc sống, điều tra cơ bản; Cố đưa sinh viên vào lĩnh vực y học cổ truyền, tăng hơn nữa đề tài VSPB (Vệ sinh phòng bệnh – BT), chuyển sang một số đề tài thời bình, thực hiện chọn đề tài ngay ở ký túc xá: thí dụ mất vệ sinh ở ký túc xá; Nên tách đề tài lớn của bộ môn thành nhiều khía cạnh nhỏ để cho học sinh tham gia. Về lựa chọn học sinh tham gia: Lấy cơ sở, lấy học sinh là Tổ và Lớp, cử từ tổ – lớp, tổ lớp tạo điều kiện cho họ tham gia, đoàn thông qua. Học môn nào thì tham gia vào bộ môn ấy, tham gia có sổ theo dõi, quản lý chặt chẽ. Mở rộng câu lạc bộ khoa học của học sinh, có cán bộ chuyên theo dõi và tìm hiểu các đề tài của các bộ môn…”[1].

Kẹp lẫn trong cuốn sổ công tác là thư mời bằng giấy poluya của Chánh Văn phòng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp viết ngày 17-10-1977 với nội dung: “Đồng chí Lê Văn Giạng[2] mời đ/c 8.30 giờ, ngày thứ bẩy 22-10-1977 về cơ quan Bộ Đại học (9 Hai Bà Trưng – phòng họp quốc tế) họp để góp ý kiến vào bản dự thảo vào bản dự thảo nghị quyết của Bộ Chính trị về Cải cách giáo dục sau khi đã làm việc với đ/c Lê Duẩn”. Sau khi hòa bình lập lại (1975), nhất là từ sau Đại hội Đảng IV (1976) vấn đề giáo dục và cải cách giáo dục được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Trong Chỉ thị của Ban Bí thư Số 16-CT/TW, ngày 10 tháng 8 năm 1977 về việc tăng cường lãnh đạo đối với công tác giáo dục phổ thông và xây dựng đảng trong các trường học có chỉ rõ: “phải tiến hành cải cách giáo dục trong cả nước, làm cho hệ thống giáo dục quốc dân gắn chặt hơn nữa với sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa, làm cho giáo dục thấu suốt hơn nữa nguyên lý "học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn với xã hội"”[3].

Để đẩy mạnh công tác cải cách giáo dục, tháng 10-1977, Bộ Đại học đã tổ chức họp và lấy ý kiến của nhiều nhà quản lý giáo dục nhằm đưa ra nghị quyết về cải cách giáo dục, Hiệu trưởng của các trường đại học… Trên thực tế, Nghị quyết về Cải cách giáo dục phải chờ đến tháng 1-1979 mới được ban hành chính thức (Số 14-NQ của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Cải cách giáo dục, ngày 11-1-1979) [4]. Tìm các vấn đề liên quan được ghi trong cuốn sổ này, có hai sự kiện đáng chú ý, đó là vào các ngày 3 và ngày 11-10-1977 diễn ra cuộc họp của Tổng Bí thư Lê Duẩn với các vị lãnh đạo và nhiều nhà quản lý giáo dục: Tố Hữu, ông Lê Văn Giạng, GS Tôn Thất Tùng, bác sĩ Nguyễn Trinh Cơ,…. Nội dung của những cuộc họp xoay quanh các vấn đề về giáo dục, việc xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa,…

Liên quan đến câu chuyện này, có nhiều ý kiến của các vị lãnh đạo cao cấp, bác sĩ Nguyễn Trinh Cơ đã ghi lại một trong cuốn sổ của mình, có thể trích ra đây một vài đoạn.

Ý kiến của ông Lê Văn Giạng về việc xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa như sau:

“Ta phải đề ra mẫu con người mới xuất phát từ chủ nghĩa Mác – Lê. Nhưng mà làm thế nào mà đạt được? Tại các nước tư bản mạnh, con người chủ yếu là tri thức và kỹ năng nhưng về tình cảm, về phẩm chất thì họ ít chú ý. Nhưng hình thành con người mới của ta thế nào? Thế nào vừa là động lực, vừa là kết quả của 3 cuộc CM (cách mạng – BT). Kiến thức phải được truyền đạt cho vững, cho tốt để hình thành nhân sinh quan CM. Hết sức chú ý thực hiện giáo dục kết hợp với lđsx (lao động sản xuất – BT), thực nghiệm và NCKH (nghiên cứu khoa học – BT)”.

Trong những ghi chép phát biểu của Tổng Bí thư Lê Duẩn, bác sĩ Nguyễn Trinh Cơ thường dùng cách gọi tên là anh Ba. Ông Lê Duẩn nói: “Giáo dục là cuộc đấu tranh diệt dốt. Người thầy dạy cho trẻ em, phải nói cái gì mà anh Công giáo, anh Phật giáo cũng nghe được… Dạy cho trẻ em sống thật sự. Cuộc sống là cái gì? Trước kia làm CM ít người lắm. Bây giờ miền Bắc trẻ em làm CM là tự nhiên, là thường lắm. Bây giờ ta sống là để rồi ai cũng sẽ có ăn có mặc cả… Trường Đại học dính ngay với sản xuất của ngành. Sinh viên tham gia với ngành, dính ngay với sản xuất. Mỹ nó làm giỏi cái này đây”.

Đồng chí Tố Hữu thì có quan điểm giáo dục về xây dựng con người XHCN như sau: “Lao động sản xuất là sáng tạo, là nâng nhân cách. Nếu ham muốn của cải trước mắt thì hạn chế. Lao động là một bộ phận của hành. Hành là rất rộng. Hành là thực hành, thể nghiệm trong thực tiễn những kiến thức trừu tượng vừa học… Quan hệ xã hội là hành. Lao động là một bộ phận của hành”.

GS Tôn Thất Tùng nhấn mạnh việc cần thiết của khoa học kỹ thuật trong giáo dục, đào tạo ở bậc đại học: “Đại học phải có labo – thư viện – computer”.

Ngoài ra còn rất nhiều những ý kiến về các vấn đề giáo dục cụ thể đối với từng bậc học, việc giáo dục xây dựng con người mới,… Những buổi họp trong tháng 10-1977 đã thảo luận nội dung cho việc soạn thảo dự thảo về Cải cách giáo dục và nó được ban hành chính thức vào đầu năm 1979. Trong khoảng thời gian này, bác sĩ Nguyễn Trinh Cơ chính là người kịch liệt phản đối việc rút ngắn thời gian đào tạo bác sĩ (học 4 năm). Ông cũng có nhiều đóng góp trong xây dựng chương trình, khắc phục những khó khăn do chế độ bao cấp.

Những ghi chép của bác sĩ Nguyễn Trinh Cơ góp phần làm hiểu thêm bối cảnh giáo dục nước ta sau khi đất nước vừa thống nhất, hiểu thêm quan điểm của các vị lãnh đạo Nhà nước, những nhà quản lý giáo dục vào thời điểm đó. Có lẽ nó chính là một phần cứ liệu nhỏ không những về cuộc đời của GS Nguyễn Trinh cơ, mà còn là một phần của lịch sử giáo dục Việt Nam.

Những trang ghi chép được thực hiện một cách tỉ mỉ, nó cũng giống như sự tâm huyết và tỉ mỉ trong tính cách của một giáo sư ngành Y, luôn cần cù và nhiệt thành. Sau khi thôi giữ chức Hiệu trưởng trường Y, như một thói quen, ngày nào GS Nguyễn Trinh Cơ cũng dậy rất sớm và đi bộ từ phố Hàn Thuyên ra tới Bệnh viện Việt Đức để tham gia công tác giao ban buổi sáng và kiểm tra các buồng bệnh ở đây. Theo ông đó là công việc hết sức có ý nghĩa, vừa kiểm tra và rút kinh nghiệm công việc của ngày hôm trước, vừa xem có vấn đề gì chưa rõ ràng thì cùng đưa ra bàn bạc, giải quyết. Ông cho rằng, công việc giao ban là một dịp rất tốt để cho anh em bác sĩ nội trú học tập thêm và họ cũng rất thích thú với việc này.

Mỗi năm, vào dịp giỗ hoặc Tết, những học trò ở Bệnh viện Việt Đức lại đến thắp hương và nghe kể những câu chuyện về GS Nguyễn Trinh Cơ để noi gương, học tập. Chắc chắn ông sẽ còn được nhớ mãi vì những đóng góp của mình cho trường Đại học Y nói riêng và cả nền giáo dục Việt Nam.

NguyễnThanh Hóa

____________________________

[1] Ghi chép ngày 7-11-1977 tại trường Đại học Y của bác sĩ Nguyễn Trinh Cơ.

[2] Lê Văn Giạng là nhà quản lý giáo dục, ông nguyên là Thứ trưởng Bộ Giáo dục, Ủy viên thường trực Ủy ban Cải cách Giáo dục (1972-1982).

[3] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 37 (1977). H- Chính trị Quốc gia, 2003, trang 764.

[4] Mục tiêu: Làm tốt việc chăm sóc và giáo dục thế hệ trẻ ngay từ tuổi thơ ấu cho đến lúc trưởng thành nhằm tạo ra cơ sở ban đầu rất quan trọng của con người Việt Nam mới, con người làm chủ tập thể và phát triển toàn diện; Thực hiện phổ cập giáo dục trong toàn dân, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiến hành ba cuộc cách mạng và tăng cường quốc phòng bảo vệ Tổ quốc; Đào tạo và bồi dưỡng với qui mô ngày càng lớn đội ngũ lao động mới có phẩm chất chính trị và đạo đức cách mạng, có trình độ khoa học, kỹ thuật và quản lý phù hợp với yêu cầu phân công lao động trong nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa.

Nội dung giáo dục: “Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tạo ra những lớp người lao động mới làm chủ tập thể, đủ sức gánh vác sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta”.

Về nguyên lý giáo dục: “Học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội”.

Tài liệu tham khảo:

1. 50 năm phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo (1945-1995). H- Giáo dục, 1995.

2. Nguyễn Trinh Cơ – Cuộc đời và sự nghiệp. H- Y học, 2002.

3. Sổ công tác của GS Nguyễn Trinh Cơ, lưu giữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

4. Văn kiện Đảng toàn tập, tập 37 (1977). H- Chính trị Quốc gia, 2003.