Tháng 6 năm 1960, khi đang học lớp 10 trường Huỳnh Thúc Kháng, tôi cùng các bạn được khám sức khỏe để chuẩn bị hồ sơ thi đại học. Tôi vốn bị cận bẩm sinh, nên không đọc được bảng đo thị lực và bị loại không được thi đại học. Tôi trở về quê Nghệ An với tâm trạng buồn bã và chưa biết sẽ làm gì.
Đầu năm 1961, bố đưa tôi đi làm giấy khám sức khỏe để làm hồ sơ thi đại học với tư cách thí sinh tự do. Mọi chỉ số sức khỏe đều bình thường, riêng mắt thì bố tôi nói khó với bác sĩ ghi là 8/10. Do có tật ở lưỡi, phát âm không rõ lời, nên tôi không thích thi vào trường sư phạm như lá số tử vi mà bố đã xem cho tôi rằng trước sau gì cũng đi dạy học. Tôi suy nghĩ rằng: Thời buổi cả nước đang xây dựng Chủ nghĩa xã hội với đủ mọi ngành nghề hấp dẫn, nên tôi không thích dạy học, chỉ thích bay nhẩy theo như mơ ước của mình, cùng sự hướng dẫn của xã hội. Những thí sinh thuộc thành phần cốt cán mới được thi các ngành “xương sống” như: Y, Bách khoa, còn lại chỉ được chọn một trong ba trường: Nông nghiệp, Thủy lợi và Sư phạm. Tôi nộp đơn thi vào Học viện Thủy lợi (nay là trường Đại học Thủy lợi Hà Nội). Kỳ thi tuyển sinh được tổ chức ở Vinh dành cho các thí sinh miền Trung, với bốn môn: toán, lý, hóa và văn. Giám thị đọc đề thi nhiều lần, để thí sinh chép vào giấy thi. Với tôi đề thi môn toán rất cơ bản, không lắt léo hay đánh đố. Tôi làm được hết các câu hỏi nên nghĩ mình chắc chắn đỗ. Còn môn văn là một đề thi nghị luận, bàn về công nghiệp hóa miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam. Tôi làm bài thi trôi chảy theo suy nghĩ của mình…. Đầu tháng 8 năm 1961, tôi nhận được giấy báo đỗ đại học và lịch nhập học vào ngày 23-9-1961. Bố tôi nhờ người quen mua cho tôi một chiếc vé xe ra Hà Nội. Thế là từ đây, tôi trở thành sinh viên Học viện Thủy lợi.
Sinh viên Hoàng Tư An (1965)
Lần đầu tiên ra Hà Nội, tôi thấy mọi thứ đều lạ lẫm, rộng lớn, xen lẫn là nỗi lo sợ về con đường học vấn sắp tới. Tâm trạng ấy nhanh chóng qua đi, tôi hòa nhập vào môi trường mới với những người bạn mới. Vào buổi lên lớp đầu tiên, cách xưng hô “đồng chí” giữa những sinh viên với nhau, giữa giáo viên với sinh viên khiến tôi thấy thật lạ lùng và thú vị. Mười hai sinh viên ở trong cùng một phòng ký túc xá đến từ vùng miền Bắc- Trung- Nam, với đủ thành phần đi học: cán bộ, bộ đội và học sinh phổ thông. Sinh viên cùng phòng luôn tập trung cao độ cho việc học, chỉ dành ít thời gian ít ỏi trước giờ đi ngủ để tâm tình, đùa nghịch.
Khi đi lao động ở Hữu Hưng (Đại Mỗ, Hà Nội), sinh viên được người dân đón tiếp nồng nhiệt như người thân đi xa quê lâu ngày trở về. Tại đây, sinh viên cùng bà con xã viên gặt lúa ngoài đồng từ sáng tới chiều, chuyện trò rôm rả quên cả mệt nhọc. Sau ba ngày, sinh viên kết thúc công việc và trở về trường tiếp tục học tập với cảnh tiễn đưa đầy lưu luyến.
Kỳ thi học kỳ 1 đến gần, tôi cùng các bạn tập trung ôn tập. Vào thi môn Hóa, tôi bốc được đề thi với câu hỏi lý thuyết dài, bài toán lắt léo, nhưng tôi vượt qua một cách dễ dàng do nắm chắc kiến thức đã học và đạt điểm 5. Hai ngày sau khi thi học kỳ, sinh viên lên đường đi thực tập về Trắc địa ở tỉnh Thái Bình. Tôi thuộc nhóm có nhiệm vụ đi tiền trạm xuống huyện Tiền Hải để sắp xếp nơi ở cho mọi người. Nơi đây, đường xá được lát gạch sạch sẽ, xung quanh có mạng lưới thủy lợi chạy ra các thửa ruộng. Công việc trắc đạc khó khăn hơn khi trời trở rét, gió Đông Bắc thổi mạnh, đứng trên con đê cao, tôi lạnh tê người, tay chân run lên. Lớp được chia thành các tổ thực hiện các công việc như đo góc, thăng bằng, đo cao độ. Sau ba tuần, sinh viên trở lại Hà Nội chuẩn bị đón tết. Vì nhà xa, nên tôi ở lại trường đón tết cùng các bạn Ngoạn, Liên có chung hoàn cảnh. Cả ba cùng chuẩn bị những món ăn như thịt nấu đông, xôi sắn, rồi cùng nhau tạm biệt năm con Trâu và đón năm Hổ về.
Tháng 4 năm 1962, cả trường phát động phong trào sản xuất. Ai ai cũng hào hứng, sôi nổi với công việc. Lúc này trong trường có khu nghĩa địa cũ và sinh viên dọn dẹp, rồi trồng khoai, sắn… Một ngày của sinh viên bắt đầu từ 5 giờ sáng dậy tập thể dục, tưới rau, sau đó 7 giờ lên lớp, học xong đến 12 giờ thì ăn cơm với canh “toàn quốc” tại bếp ăn tập thể. Buổi chiều tôi cùng các bạn ôn bài và làm bài tập tại phòng, đến 5 giờ chiều thì tăng gia trồng rau bán cho bếp ăn với giá 2-3 xu một cân. Ăn cơm chiều, đến 7 giờ tối có kẻng các sinh viên ngồi vào bàn học bài cho đến 9 giờ tối thì kết thúc, phải tắt đèn đi ngủ. Nhiều bạn chưa học xong phải ra hành lang học dưới ngọn đèn điện. Tôi được phân công học nhóm, kèm cặp chị Nguyễn Thị Lục. Ngoài giờ lên lớp, tôi vừa giúp chị trông con, vừa làm bài tập của mình và hướng dẫn cho chị. Vào tối thứ bảy, chủ nhật, sinh viên mới có thời gian đi chơi, đi thăm bạn bè, họ hàng, riêng tôi lên thư viện đọc sách, tiểu thuyết.
Sinh viên Hoàng Tư An (ngồi thứ 1, từ trái sang) cùng các bạn năm 1965
Thời kỳ ấy, các thầy thường dự những giờ giảng của nhau để cùng rút nghiệm. Vào năm học thứ 3, trong giờ Kết cấu do thầy Lê Thiện Hồng giảng, thầy Nguyễn Xuân Bảo – Trưởng Bộ môn Sức bền- Kết cấu ngồi cạnh tôi quan sát cách dạy và cách học. Khi thầy giáo mô tả và vẽ trên bảng một đoạn dầm hình chữ nhật, mặt cắt ngang đặt là ABCD. Tôi mắt kém không nhìn rõ bảng nên vừa nghe, tôi vừa vẽ vào vở theo lời thầy mà rất chuẩn. Thầy Bảo thấy thế đã hỏi: Tại sao lại vẽ được như thế. Vì đang trong giờ học nên tôi không giải thích được gì.
Nhờ học tốt tiếng Trung Quốc từ khi học phổ thông nên tôi có thể tham khảo nhiều tài liệu do chuyên gia mang sang khi trường mới thành lập.. Các tài liệu phần lớn in roneo, có một ít cuốn in tipo trong thư viện trường. Thời ấy, tài liệu và giáo trình hầu như không có bằng tiếng Việt. Các thầy cũng cố gắng dịch từ tiếng Trung, tiếng Nga, tiếng Pháp ra cho sinh viên học. Cũng có trường hợp dịch sai, khiến cả thầy và trò tranh luận nảy lửa.
Năm cuối (năm 1965), sinh viên phải làm đồ án tốt nghiệp trong 5 tháng. Tôi làm về chủ đề Thiết kế trạm bơm Đặng Xá, do thầy Thái Văn Lễ hướng dẫn. Một nhóm 3-4 sinh viên làm một đề tài do thầy đưa ra, nhưng mỗi sinh viên được phân công thực hiện nhiệm vụ khác nhau. Tôi tập trung làm cả ngày, đêm để vẽ các bản vẽ thủy công, bố trí điện, bản vẽ thi công trên giấy kroki. Tính toán thời ấy cũng khá đơn giản như chỉ có bảng tính lập sẵn của Bra-đi- xơ, các phép tính được làm bằng tay… Giấy thời kỳ này được mua với số lượng hạn chế. Mỗi tập giấy có giá năm hào hai, nên gọi là giấy 5 hào 2. Để viết đồ án, sinh viên chỉ được mua tối đa 5 sấp. Thiếu giấy, chúng tôi tự chế bằng cách ngâm giấy cũ trong nước vôi loãng trong ba ngày, rồi phơi khô trên sân thượng. Bài thi tốt nghiệp của tôi đạt điểm ưu tuyệt đối.
Lúc này cuộc chiến tranh phá hoại đang lan rộng khắp miền Bắc nên các trường chuẩn bị đi sơ tán, chính vì thế việc bảo vệ tốt nghiệp cũng được rút gọn hơn. Những ai đạt điểm ưu như tôi thì không phải bảo vệ trước hội đồng nữa. Thông thường một sinh viên đối diện với ba câu hỏi từ toán học đến kỹ thuật. Chất lượng nhiều đồ án thời ấy không khác gì luận văn cao học bây giờ.
Năm năm học đại học nhanh chóng qua đi, tôi vui vẻ với kết quả tốt nghiệp xuất sắc và chuẩn bị tinh thần bước sang một giai đoạn mới với tâm trạng đầy hứng khởi.
Nguyễn Thị Phương Thúy (ghi)