Về “Nhật ký vào trận” của PGS.TS Trần Vĩnh Phúc

Năm 1966 khi đang giảng dạy ở trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, ông cùng một số cán bộ tham gia đội thanh niên tình nguyện của trường đi thực tế chiến đấu ở Hàm Rồng, Thanh Hóa. Khi đó trường sơ tán về Thanh Miện, Hải Dương nên ông cùng đoàn đi xe từ Thanh Miện về Hà Nội, rồi từ đó theo quốc lộ 1A vào Thanh Hóa. Ngày ấy, Hàm Rồng được coi là “đất lửa” nơi diễn ra các trận chiến đấu giữa ta và không quân Mỹ. Ông chia sẻ: “Tuy không được trực tiếp đứng trên mâm pháo nhưng chúng tôi đứng dưới để tiếp đạn. Ngoài ra chúng tôi còn san lấp hố bom, đào hào công sự chiến đấu dọc theo các đường trong làng ở dưới chân cầu Hàm Rồng… để phục vụ đơn vị bộ đội và dân quân chiến đấu”.


Những ngày thực tế chiến đấu được PGS.TS Trần Vĩnh Phúc chia sẻ

Trong những ngày tham gia chiến đấu đã có đôi lần mảnh bom lướt qua Trần Vĩnh Phúc. Nhưng chính trong gian khổ, nguy hiểm đó đã tạo cho giảng viên trẻ Trần Vĩnh Phúc một bản lĩnh vững vàng và tập trung sáng tác để vẽ bức ký họa bằng chì “Chiến sĩ pháo thủ Hàm Rồng trên vị trí bắn máy bay Mỹ”, tháng 8-1966. Sau hơn 30 năm, những kỷ niệm về thời gian đi thực tế chiến đấu ở Hàm Rồng đã trở thành nguyên liệu để ông viết truyện ngắn “Nhật ký vào trận” (1998). Truyện ngắn này được ông in trong tập truyện ngắn “Tình yêu nho nhỏ”, NXB Hội nhà văn, 2015 với chia sẻ: “Tôi muốn kể lại cho thế hệ sau một phần của cuộc chiến tranh nhân dân thần thánh”.

Lê Thị Hoài Thu