Bà kể, ông bà quen biết nhau từ hồi bà còn theo cha – GS Nguyễn Xiển – đi dạy học ở Khu học xá Nam Ninh, Trung Quốc mà Đỗ Quốc Sam là học trò. Nhưng mãi sau này, nhờ sự mai mối của kỹ sư Lê Tâm (cũng là con rể GS Nguyễn Xiển, nguyên Ủy viên Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước) thì mối quan hệ giữa hai ông bà ngày càng gắn bó và cuối cùng thì nên duyên vợ chồng.
Nhắc tới người chồng thân yêu, bà Nguyễn Phương Nhã không khỏi bồi hồi xúc động: Với gia đình, ông là một người chồng, người cha mẫu mực; còn về hoạt động khoa học, với bà, ông là một người thầy đáng kính vì sự am hiểu và kiến thức sâu rộng của ông. Riêng với bà, ông còn là người anh, người bạn tri kỷ luôn sẻ chia và che chở.
GS Đỗ Quốc Sam
Giáo sư, TSKH Đỗ Quốc Sam (1929-2010), nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, ông là Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam. Ông thuộc thế hệ những nhà khoa học đầu đàn của nước ta. Trong những năm làm công tác quản lý và giảng dạy, GS Đỗ Quốc Sam đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn bè đồng nghiệp, học trò và các nhà khoa học.
Tại buổi trò chuyện, chúng tôi được xem một bức thư tay của ông Việt Phương, nguyên là Thư ký của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi tới gia đình bà Phương Nhã, trong đó có đoạn: “Đỗ Quốc Sam luôn luôn giữ vững và ngày càng trau dồi tấm lòng yêu nước, yêu dân, phẩm chất chân thành, trung thực, đạo đức liêm khiết, gương mẫu, bản lĩnh tự chủ, tự do, năng lực tìm tòi, sáng tạo, đức tính khiêm tốn, phong cách nghiêm trang, cẩn trọng… Nét đặc biệt quý báu của người trí thức Đỗ Quốc Sam là làm thực tiễn một cách khoa học và làm khoa học một cách thực tiễn, tự trọng đàng hoàng, an nhiên tự tại, tuân thủ chặt chẽ kỷ luật của tổ chức mà vẫn giữ được tư duy phóng khoáng để có nhiều lần nhạy cảm nắm bắt cái mới ngay từ lúc sơ khai”.
Về tầm tư duy chiến lược kinh tế, TS Lê Đăng Doanh[1] ca ngợi: “Anh Đỗ Quốc Sam là một “chung gia” (Genaralist) hàng đầu ở Việt Nam, là người có hiểu biết sâu sắc về nhiều lĩnh vực khoa học-kỹ thuật, xây dựng, đầu tư và chiến lược phát triển, có năng lực kết hợp nhuần nhuyễn các lĩnh vực khác nhau để vận dụng vào thực tế Việt Nam. Anh đã phát triển tư duy chiến lược ở tầm kinh tế quốc dân, là người đã trực tiếp thúc đẩy quá trình mở cửa, bình thường hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển quan hệ kinh tế với các đối tác chủ chốt…”
Dù bà Phương Nhã không nói nhiều về ông, nhưng qua thư từ, tình cảm của bạn bè, đồng nghiệp đối với GS Đỗ Quốc Sam, chúng tôi cảm nhận được nhiều phẩm chất đáng quý ở nhà khoa học đáng kính này.
Thanh Hóa- Lục Mạnh
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam