Chàng trai xóm biển giữa Moskva
Trước năm 1945, huyện Mộ Đức của tỉnh Quảng Ngãi có một xóm nghèo ven biển nằm trong thôn 5[1], làng An Chuẩn, xã Đức Thắng. Xóm có tên Mỹ Thạnh, nhưng thường được gọi bằng cái tên dân dã gắn liền với một nghề nghiệp đơn sơ từ bao đời: xóm câu nhỏ. Sự nghèo đói, lam lũ khiến người dân trong xóm ấy không hề có suy nghĩ cho con tới trường. Nhờ sự tác động của vài người quen biết và sau một thời gian đắn đo, ông bà Tuyên[2] quyết định đem gửi đứa con thứ tám sang làng bên cạnh, cách đó hơn 3 cây số, để “thử” nắm bắt con chữ. Cậu bé may mắn ấy là Nguyễn Văn Hùng.
Vốn thông minh, sáng dạ và có tính cẩn thận, cậu học đâu biết đấy. Nhưng con đường học hành của Nguyễn Văn Hùng gặp gián đoạn vào năm 1942. Vừa tốt nghiệp chương trình Sơ học yếu lược, cậu buộc phải nghỉ học vì gia đình không có tiền cho con theo học trường tỉnh. Mọi chuyện sẽ dừng lại ở đó nếu như không có sự kiện cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 giành thắng lợi. Ngành giáo dục mở rộng trong toàn tỉnh, Nguyễn Văn Hùng được gia đình gửi về bên ngoại thuộc xã Nghĩa Hà, huyện Tư Nghĩa để học tiếp. Mùa hè năm 1948, cậu đứng đầu trong cuộc thi Toán dành cho học sinh lớp 4 vùng Liên khu V, được giải thưởng Phạm Văn Đồng với 500 đồng bạc tín phiếu và một chiếc cặp da màu nâu đẹp đẽ.
Thành tích học tập xuất sắc ấy được Nguyễn Văn Hùng giữ vững “như một thói quen” cho đến khi kết thúc chương trình lớp 9 tại trường Trung học Lê Khiết vào năm 1953. Anh được Ty Giáo dục tỉnh Quảng Ngãi bổ nhiệm làm giáo viên cấp II, dạy toán, vật lý và văn. Nhưng cũng chỉ vài tháng sau khi đứng lớp, anh nhận được một tấm giấy đổi đời. Đó là công văn hỏa tốc của Ủy ban Hành chính Liên khu V về việc cử Nguyễn Văn Hùng đi học nước ngoài.
Trong hồi ký của mình, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng có ghi lại một thời khắc mà ông gọi là “mang tính lịch sử”. Nó diễn ra vào lúc 9h25’ ngày 23-10-1954, khi lần đầu tiên ông được hít thở trong bầu không khí của Moskva. Trời lạnh, lạnh hơn cả trên con đường ngang qua
Du học sinh Nguyễn Văn Hùng đứng trước trường Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva
mang tên Lomonosov, Liên Xô, mùa thu 1954
Đáng lẽ Nguyễn Văn Hùng sẽ trở thành một người làm việc trong lĩnh vực gắn với ngành nghề đánh cá, hoặc ít nhất là anh sẽ được đào tạo ngành này tại miền Nam Liên Xô theo sự phân công của Đại sứ quán Việt
Quả thực, cho đến tận bây giờ ông vẫn còn ấn tượng đến mức ám ảnh về khoảng thời gian 5 năm rưỡi tu nghiệp dưới “lò đào tạo Bauman”. Lý thuyết đã nhiều, bài tập, bài làm, thí nghiệm, đồ án, đề án… lại nhiều hơn và rất tỉ mỉ, cầu kỳ, khó khăn. Đó là chưa kể các đợt đi thực tập ngắn hạn, dài hạn ở các công xưởng, nhà máy gần hoặc xa. Vào thời gian gần cuối khóa, ngày đêm sinh viên khom lưng trên các bản vẽ để thiết kế các đồ án khác nhau, khi thì đồ án môn học, lúc lại đề án tốt nghiệp khá phức tạp[4]. Nhưng vượt lên trên mọi khó khăn, chàng trai sinh ra từ xóm câu nhỏ ấy đã bảo vệ đề án tốt nghiệp một cách xuất sắc vào đúng ngày sinh nhật lần thứ 29 của mình, 16-2-1961.
“Quý nhân” nâng đỡ niềm đam mê khoa học
Kỹ sư Nguyễn Văn Hùng trở về nước vào ngày 7-3-1961. Đó cũng là lần đầu tiên ông đặt chân tới Hà Nội, trong sự đón tiếp niềm nở của Ban lãnh đạo trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Thời điểm ấy, “cái nôi” của các nhà khoa học kỹ thuật do nước ta tự đào tạo mới trải qua 5 năm thành lập. Lớp sinh viên khóa đầu tiên thì mới trở về sau kỳ thực tập tốt nghiệp tại các cơ sở sản xuất, số còn lại vẫn đang tu nghiệp ở nước ngoài dưới hình thức “học chuyển tiếp”. Do vậy, thật dễ hiểu khi Nguyễn Văn Hùng – một kỹ sư bằng đỏ của trường Bauman, ngay lập tức được nhận về làm cán bộ giảng dạy môn Máy cắt gọt kim loại, thuộc liên khoa Cơ khí – Luyện kim của Đại học Bách khoa Hà Nội. Nhưng đằng sau sự việc ấy, có sự tác động trực tiếp của một nhân vật mà sau này sẽ trở thành Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp – ông Tạ Quang Bửu. Chuyện là vào năm 1960, khi ông Bửu – Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa sang công tác tại Liên Xô thì Nguyễn Văn Hùng được Đại sứ quán VN ở bên đó giao nhiệm vụ phiên dịch. Trong cuộc trò chuyện, ông Bửu có dặn Nguyễn Văn Hùng: Sau khi tốt nghiệp thì cậu về làm cho mình nhé![5]…
Trong môi trường làm việc vui vẻ, thân tình, Nguyễn Văn Hùng bắt tay vào soạn các bài giảng. Ông chú trọng phần Máy tự động và Dây chuyền máy tự động trong ngành Cơ khí. Những bài ông giảng trên lớp đã được đại diện trong khoa và bộ môn đánh giá tốt. Nguyễn Văn Hùng được làm việc trực tiếp với hai chuyên gia Liên Xô để xử lý những vấn đề chuyên môn trong khoa. Sau một tháng, ông nhận chức Trợ lý khoa học của liên khoa Cơ khí – Luyện kim, một chức vụ trước đó chưa có.
Thế nhưng đầu tháng 9-1961, tức chỉ sau 6 tháng về nước làm việc, Nguyễn Văn Hùng nhận được quyết định quay trở lại Liên Xô làm nghiên cứu sinh trước sự ngỡ ngàng của nhiều đồng nghiệp trường Đại học Bách khoa. Quyết định này một lần nữa dựa trên ý kiến đề xuất của ông Tạ Quang Bửu.
Nghiên cứu sinh Nguyễn Văn Hùng trong buổi bảo vệ luận án Phó tiến sĩ tại Đại học Bách khoa Lêningrad, ngày 20-10-1964
Có thể nói, 3 năm thực hiện đề tài luận án Phó tiến sĩ tại Đại học Bách khoa Lêningrad chính là quãng thời gian mà Nguyễn Văn Hùng định hình rõ hơn về mục tiêu của mình trong tương lai. Ông khao khát được bước trên con đường nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp, bởi vì khoa học đem đến cho ông cái cảm giác vui sướng khó tả. Nó giống như niềm phấn khích mà ông có được khi chiếc máy tự động điều khiển thuỷ lực theo chương trình số mà ông nghiên cứu thiết kế, sau bao cuộc thử nghiệm bị trục trặc trong suốt quá trình làm nghiên cứu sinh, cuối cùng đã sản xuất ra những chi tiết phức tạp với độ chính xác cao. Khi ấy, Giáo sư Murashkin – chủ nhiệm bộ môn Máy cắt kim loại, Đại học Bách khoa Lêningrad, khi có dịp vẫn thường giới thiệu với khách tham quan rằng: Công trình của anh Văn (Nguyễn Văn Hùng), người Việt
Cần nhắc lại rằng thời điểm ông bắt tay vào đề tài Nghiên cứu độ chính xác và độ ổn định của máy cắt kim loại tự động điều khiển hệ thủy lực bằng chương trình số thì trên toàn Liên Xô mới chỉ có Viện Công nghệ chế tạo máy đang nghiên cứu làm chiếc máy đầu tiên với êkip trên 10 người. Họ còn khá dè dặt khi nói về tính khả thi của nó. Các kết quả nghiên cứu của phương Tây về vấn đề này rất ít, trong khi tài liệu chuyên môn thì hạn chế. Cho nên khi Nguyễn Văn Hùng trình bày kết quả luận án Phó tiến sĩ của mình (tháng 10-1964) đã gây được một tiếng vang trong giới khoa học cơ khí ở Liên Xô bởi tính mới mẻ của nó.
Nhà quản lý khoa học – Nhà quản lý kinh tế
Trở về trường Đại học Bách khoa Hà Nội, PTS Nguyễn Văn Hùng được phân công giảng dạy môn Máy tự động và Dây chuyền máy tự động trong sản xuất cơ khí, tiếp tục giữ chức Trợ lý khoa học của liên khoa Cơ khí – Luyện kim. Năm 1966, bộ máy quản lý của trường có sự thay đổi đáng kể sau khi tách khoa Xây dựng; Mỏ – Địa chất và bộ môn Dệt – Thực phẩm thành các trường Đại học Xây dựng Hà Nội; Đại học Mỏ – Địa chất; Đại học Công nghiệp nhẹ. PTS Nguyễn Văn Hùng được giao cương vị mới: Phó phòng, phụ trách phòng Nghiên cứu khoa học, trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ông chia sẻ trong hồi ký của mình: “Khi biết chuyện, tôi băn khoăn: Con đường nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp như tôi đã dự định lâu nay sẽ bị ảnh hưởng! Các bạn thân lại bảo: Tốt quá! Sẽ nhận chức vụ quản lý cao dần! Có phải ai muốn cũng được đâu! Còn tôi, tôi muốn tiếp tục được học tập lên nữa, nâng cao trình độ khoa học và chức vụ mong ước của tôi sẽ là chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học lớn nào đó!”. Nhưng nhiệm vụ đã được giao, ông không thể từ chối.
Trong giai đoạn chiến tranh, PTS Nguyễn Văn Hùng phát động đẩy mạnh các đề tài theo hướng nghiên cứu ứng dụng, liên kết hợp đồng nghiên cứu khoa học giữa các bộ môn của trường và các nhà máy, công trường, quân đội… Kinh phí do các đơn vị sản xuất, chiến đấu đài thọ. Còn kinh phí khoa học từ ngân sách nhà nước được ông tập trung chủ yếu dành cho các đề tài nghiên cứu cơ bản. Việc này tạo được sự hưởng ứng nhiệt tình của tất cả các bộ môn trong toàn trường. Hội nghị khoa học thường niên của trường luôn diễn ra trong không khí sôi nổi, hào hứng bởi nội dung nghiên cứu phong phú, đa dạng.
Công việc càng bận rộn hơn khi PTS Nguyễn Văn Hùng được đề bạt vị trí Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học. Tuy vậy, ông vẫn dành thời gian cho công tác giảng dạy và chủ trì triển khai một số đề tài nghiên cứu khoa học như: Điều khiển tự động bằng tia khí nén trong hoàn cảnh có từ trường lớn; Đánh bóng chi tiết máy bằng phương pháp rung động trong môi trường lỏng hiệu suất cao; Nghiên cứu chế tạo hộp số nhỏ nhẹ với bánh răng sóng đạt tỉ số truyền động cực lớn; Nghiên cứu chế tạo máy phát điện chạy bằng sức gió… Và quan trọng hơn, ông vẫn âm thầm chuẩn bị cho công trình nghiên cứu khoa học về lĩnh vực điều khiển chương trình số mà mình ấp ủ lâu nay.
Trưởng đoàn Nguyễn Văn Hùng (hàng đầu, bên trái) trao biên bản hợp tác kinh tế với Thứ trưởng Bộ Kinh tế nước CHLB Đức
trong buổi ký kết tại
Năm 1972, ông được Ủy ban Khoa học kỹ thuật nhà nước chọn lựa và giới thiệu tham gia công tác kiêm nhiệm tại Ban Cơ khí Trung ương khi cơ quan này vừa thành lập. Sau một đợt tham gia giảng dạy lớp tại chức về cơ khí cho Văn phòng Trung ương Đảng, PTS Nguyễn Văn Hùng được đề nghị dạy một số vấn đề chung về kỹ thuật và quản lý ngành Cơ khí cho một số lãnh đạo cấp cao của Chính phủ; trong đó có Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị (bấy giờ phụ trách về kinh tế).
Ngày 1-1-1975, PTS Nguyễn Văn Hùng nhận quyết định chuyển công tác lên Ủy ban Kế hoạch nhà nước để rồi giữ chức Vụ trưởng Vụ Cơ khí luyện kim mới thành lập. Sau một thời gian ông được giao làm Vụ trưởng Vụ Công nghiệp (gồm Vụ Cơ khí luyện kim, Vụ Công nghiệp nặng, Vụ Công nghiệp nhẹ, Vụ Công nghiệp địa phương).
Đến khi là Ủy viên Ủy ban Kế hoạch nhà nước (7-1982), ông được giao phụ trách toàn bộ kế hoạch phát triển công nghiệp của cả nước, từ công nghiệp trung ương đến công nghiệp địa phương… Ông luôn đóng góp những ý kiến đổi mới cho chính sách quản lý các ngành công nghiệp dựa trên những phân tích cặn kẽ, khoa học, trong đó có nhiều dự thảo được thảo luận, góp ý sửa chữa và trở thành các quyết định của nhà nước…
Nhờ khả năng giao dịch và đối ngoại tốt, đàm phán hiệu quả và thân thiện, ông được tín nhiệm cử đi công tác nước ngoài thường xuyên. Ông vẫn còn lưu giữ những cuốn sổ nhật ký, ghi chép cụ thể lịch trình, nội dung của từng chuyến công tác. Trong thời gian làm quản lý kinh tế, ông đã đặt chân lên 45 nước. Số ngày lưu lại các nước đó là 749 ngày.
Trong thời gian công tác, ông đề xuất và triển khai thực hiện chính sách “tự đào tạo và lan tỏa”: Cán bộ hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau để nâng cao năng lực công tác, rồi sau đó ở đâu cần, họ mời, thấy thích hợp thì mình chuyển đến đó. Bởi thế đã có 7 người nguyên là cán bộ, nhân viên Vụ Cơ khí luyện kim, tiếp theo là Vụ Công nghiệp, đã giữ chức từ Thứ trưởng trở lên[6].
Năm 1984, ông Nguyễn Văn Hùng nhận được quyết định phong hàm Phó giáo sư. Ông vẫn nghĩ rằng nghiệp giảng dạy và nghiên cứu khoa học sẽ còn trở lại với mình. Vì thực sự ông thích thú với công việc đó hơn cả. Nhưng rồi thời gian dành cho “nghiệp mới” cứ lấn át. Đến tuổi về hưu, ông được mời làm cố vấn trong nhiều năm cho dự án Quản lý doanh nghiệp nhà nước và cùng với các chuyên gia thuộc Liên minh châu Âu xây dựng hệ thống thông tin kinh tế xã hội quốc gia… Thôi, đành vậy! Việc gì cũng là việc, miễn có lợi cho đất nước, cho dân tộc… thì hãy tích cực mà làm!
Đỗ Minh Khôi
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
[1] Nay là xóm Mỹ Thạnh, thôn Tân Mỹ, xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.
[2] Tên thật là Nguyễn Văn Bích. Theo phong tục địa phương, tên của ông được gọi theo tên của người con cả.
[3]; [4]PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, bản thảo hồi ký “Một thời để nhớ”, tháng 2-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[5] PGS.TS Nguyễn Văn Hùng thuật lại trong buổi làm việc ngày 7-12-1015. Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[6] Hỏi thông tin ngày 21-9-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.