Vị Giáo sư đầu ngành Châm cứu Việt Nam

Giáo sư Nguyễn Tài Thu đã trải qua hơn nửa thế kỷ trong lĩnh vực châm cứu và sử dụng chiếc kim châm nhỏ bé để chữa trị cho hàng nghìn bệnh nhân trong và ngoài nước.

Những phương pháp điều trị châm cứu của Giáo sư Thu, đặc biệt là những kỹ thuật ông sử dụng để thay thế hoặc hỗ trợ gây mê trong phẫu thuật, giải độc cho người nghiện ma túy đã và đang được áp dụng thành công ở Việt Nam và đã giới thiệu đến gần 50 quốc gia, vùng lãnh thổ. Chỉ có khoảng 5-10% bệnh nhân đã qua điều trị bằng phương pháp châm cứu của ông bị tái nghiện.

“Tôi đã rất quan tâm đến việc làm thế nào để thực hiện một cách hiệu quả phương pháp giải độc cho những người nghiện ma túy vì số người nghiện ở Hà Nội tăng mạnh vào những năm của thập niên 90. Trên thực tế, tôi đã bắt đầu quan tâm đến lĩnh vực này khi tôi điều trị cho những chiến sĩ bị thương mà phụ thuộc nặng nề vào thuốc giảm đau ở những năm của thập niên 70” – Giáo sư Thu nói.

Ca-na-đa, Mê-hi-cô và I-ta-li-a đã mời ông dạy phương pháp châm cứu để giải độc. Một số bác sĩ nước ngoài đã đến Bệnh viện Châm cứu Trung ương để học tập các nguyên lý châm cứu cơ bản của Việt Nam từ Giáo sư Thu, người hiện đang đi tiên phong trong lĩnh vực này.

Ông Nguyễn Tài Thu đã tổ chức nhiều khóa đào tạo châm cứu tại 49 quốc gia bao gồm Mỹ, Pháp, Hà Lan, Mê-hi-cô và Trung Quốc, đồng thời ông cũng dạy châm cứu tại Anh, Pháp và Trung Quốc. Ông cũng giúp thành lập 4 trung tâm châm cứu ở Mê-hi-cô, điều trị cho gần 1 triệu người dân Mê-hi-cô. Rô-bet A-nay-a, Tổng Thư ký của đảng Lao động Mê-hi-cô trong chuyến thăm Việt Nam vào năm ngoái đã đến thăm Giáo sư Thu và cảm ơn vì những đóng góp lớn lao của Giáo sư Thu cho ngành Y tế và nhân dân Mê-hi-cô.

Giáo sư Thu, một người đã dành cả cuộc đời để cống hiến cho sự nghiệp giảng dạy và thực hành châm cứu đã nói rằng: “Hạnh phúc lớn nhất của tôi là gặp gỡ những bệnh nhân đã hồi phục giới thiệu nền y học cổ truyền đầy giá trị của Việt Nam với thế giới”.

Đam mê của Giáo sư Thu đối với y học từ khi ông còn là một người lính trẻ trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Ông chia sẻ: “Gặp gỡ nhiều người Việt Nam bị thương hoặc bị giết trong cuộc kháng chiến chống Pháp năm 1945, tôi đã mong muốn học ngành Y để cứu người”.

Sau quá trình học tập tại Trung Quốc năm 1958, ông đã quay lại Việt Nam và tập trung vào việc nghiên cứu hướng dẫn áp dụng châm cứu trong điều kiện trang thiết bị còn thiếu thốn.

“Tất cả các nghiên cứu của tôi đã được tiến hành mà không cần các trang thiết bị điện tử hiện đại. Nhiều đêm, con trai (đã qua đời) của tôi thức giấc và nhận thấy những chiếc kim dài cắm trên khắp cơ thể tôi, nó đã khóc, vì không biết đã có chuyện gì xảy ra”. Trong thực tế, Giáo sư Thu đã thử nghiệm trên chính cơ thể ông.

Ông Thu đã được phong danh hiệu “Thầy thuốc Nhân dân” và “Anh hùng Lao động”. Ông đã giúp hơn 500.000 trẻ em khuyết tật trên cả nước thông qua các chương trình điều trị miễn phí cũng như hơn 1.200 người nghiện ma túy thoát nghiện bằng phương pháp châm cứu. Ông cũng là một thành viên sáng lập của Bệnh viện Châm cứu Trung ương, nguyên là Viện Châm cứu Việt Nam và 25.000 Hội Châm cứu thành viên.

Mặc dù đã già, Giáo sư vẫn tiếp tục nghiên cứu trong lĩnh vực châm cứu và điều trị cho bệnh nhân. Giáo sư đã vận động tiền, chủ yếu từ các tổ chức phi Chính phủ để xây dựng một bệnh viện châm cứu ở Việt Nam cho trẻ khuyết tật. Giáo sư bày tỏ: “Tôi mong muốn việc xây dựng bệnh viện sẽ được hoàn thành sớm, từ đó, tôi sẽ có thêm nhiều cơ hội để giúp đỡ hơn 3 triệu trẻ em khuyết tật trên cả nước”.

Ông cũng mong muốn mở một trường mang tên ông, vì ông lo ngại rằng Việt Nam chưa có một cơ sở đào tạo châm cứu chính thức nào, “Tôi hiện vẫn đang đợi giấy phép của Nhà nước để mở trường”. Ông bày tỏ: “Hai công ty của Nga và Đài Loan đã thể hiện mong muốn đầu tư cho trường. Trong thực tế, tôi mơ ước mở một trường đại học châm cứu, nhưng tôi e rằng bản thân không còn nhiều thời gian nữa”.

Thanh Huyền

Nguồn: bienphong.com.vn/BaoBienPhong/32/382/382/14089/anbg.aspx