SN 1948, GS.TS Trần Duy Quý không có thời gian để nghỉ ngơi, bởi ông vẫn thường xuyên bận bịu với những chuyến công tác ở các địa phương. GS.TS Trần Duy Quý tâm sự rằng, ông gắn bó với ngành di truyền giống từ khi còn ở giảng đường ĐH Tổng hợp, tới nay đã ngót nghét nửa thế kỷ. Sau khi tốt nghiệp ĐH, về làm việc tại Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, GS.TS Quý vẫn “say sưa với cây lúa” và gắn bó với công việc chọn giống lúa cho tới hiện tại, khi đã nghỉ hưu. Sau 49 năm gắn bó với công việc di truyền chọn giống, GS.TS Quý cùng các cộng sự đã chọn tạo được 27 giống lúa cùng nhiều giống đậu tương và hoa. Tới nay, GS.TS Quý đã sở hữu 180 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước, 4 giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam, 1 giải thưởng Nhà nước về lúa lai (2005). Năm 2002, ông được Viện Danh nhân thế giới của Hoa Kỳ bình chọn là 1 trong 1.000 nhà khoa học có ảnh hưởng đến thế giới năm 2002. Ông cùng các đồng nghiệp Viện Di truyền nông nghiệp đã được Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) và Tổ chức Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) trao tặng giải thưởng xuất sắc về đột biến tạo giống bằng công nghệ bức xạ. Đây là hướng nghiên cứu mà GS.TS Quý gắn bó và theo đuổi suốt nhiều chục năm qua.
GS Trần Duy Quý (đứng giữa) trên một ruộng lúa khảo nghiệm giống lúa mới. Ảnh: Đ.Sơn
Ông cho biết từ luận văn tốt nghiệp ĐH, ông đã bắt đầu nghiên cứu về các đột biến của cây lúa dưới tác động của hóa chất và tia phóng xạ. “Lúc bấy giờ, đây là một hướng nghiên cứu mới mà một người thầy của tôi được đào tạo tại Nga lần đầu tiên mang về giảng dạy tại Việt Nam. Khóa chúng tôi là khóa đầu tiên bắt đầu đi theo hướng nghiên cứu này”, GS.TS Quý chia sẻ. Khác với phương pháp lai tạo giống, phương pháp chọn tạo giống bằng công nghệ bức xạ tạo ra các giống lúa thuần với các tính trạng mong muốn bằng cách chiếu phóng xạ xuyên thấu vào hạt giống, gây đột biến tính trạng.
GS.TS Quý nói rằng, lúa lai có nhiều ưu thế, tuy nhiên, cần phải đầu tư tốn kém. Ngoài ra, việc sử dụng các giống lúa lai buộc người nông dân phải mua giống khi vào vụ mới, dễ dẫn tới độc quyền của các DN, nhất là trong điều kiện phải nhập nội giống lúa lai như Việt Nam hiện nay. GS.TS Quý cho biết, mục tiêu nghiên cứu đầu tiên của ông là thay thế được giống Nông nghiệp 8, vốn rất phổ biến tại Việt Nam khi đó nhưng khả năng chống chịu sâu bệnh cũng như chịu bão kém. “Khi đó đất nước vẫn chưa thống nhất, chưa có lò phản ứng nên muốn chiếu xạ (cho hạt giống) chỉ có thể chiếu ở BV K. Tuy nhiên ở đây các máy chiếu xạ ở BV công suất yếu, bệnh nhân lại đông nên bị ngắt quãng liên tục, không chuẩn. Vì thế, hàng tuần chúng tôi phải gửi hạt giống sang Liên Xô cũ để chiếu xạ rồi mang về chọn”, GS.TS Quý nói.
Khó khăn là vậy, nhưng tới đầu những năm 90, bằng sự nỗ lực, GS.TS Quý và những đồng sự của mình đã chọn tạo được giống lúa DT10 với khả năng chống chịu sâu bệnh và chịu bão tốt, thay thế cho giống Nông nghiệp 8. Ông nhớ lại, khi trồng khảo nghiệm giống DT10, ông đã phải ký bảo lãnh với người dân: Nếu thất bại, chúng tôi phải đền dân 100% còn nếu được thì chia đều. Năm 1991, bão về, lúa Nông nghiệp 8 bị đổ dạt hết nhưng giống lúa DT10 của chúng tôi thì vẫn đứng vững. Thành ra, nơi trồng Nông nghiệp 8 mỗi sào chỉ được 140 kg, còn DT10 thì đạt 200 kg/sào. Sau thành công vang dội tại Việt Nam, giống lúa DT10 của GS Quý đã được phổ biến sang hàng chục nước trên thế giới với diện tích hàng vài chục triệu ha. Có nơi, như Iraq, năng suất giống lúa DT10 đạt tới 11 tấn/ha, trong khi ở Việt Nam chỉ đạt 7-8 tấn ha. Nhờ sự thành công của giống DT10 mà năm 1995, GS.TS Quý đã được Tổ chức Phát triển nông nghiệp châu Á Thái Bình Dương tặng giải thưởng về giống lúa đột biến.
Một thành công khác của ông là giống lúa hoa phượng đỏ ở Hải Phòng, tuy năng suất cao nhưng lại mắc 4 nhược điểm: Khi trổ bông không thoát được lá đòng nên tỷ lệ hạt lép cao, cơm bị cứng, khả năng kháng sâu bệnh kém và dễ đổ, rụng. GS Quý đã dùng công nghệ hạt nhân chiếu xạ khắc phục những điểm yếu đó, chẳng những cơm ngon, lúa có khả năng chống bệnh bạc lá, chống đổ tốt (gió cấp 7 không đổ) mà còn giảm tỷ lệ lép. Khi được hỏi còn điều gì trăn trở sau rất nhiều thành công, GS Quý thành thật nói rằng, điều ông luôn muốn làm được nhiều hơn nữa là truyền đam mê và hiểu biết của mình cho thế hệ trẻ.
Kể về lý do dành cả đời cho nông nghiệp, GS Quý cho biết thực ra ban đầu ông bị “ép duyên”. Vốn là con nhà nông nhưng ông không có ý định “dính dáng” đến ruộng đồng, chỉ thích toán và y khoa. Khi vào ĐH Tổng hợp Hà Nội, ông lại bị chuyển sang ngành sinh học. GS.TS Quý nói: “Khi đó tôi rất buồn vì không được chọn học ngành toán. Biết chuyện, các thầy động viên, bảo đừng lo, một học sinh giỏi toán sẽ làm về di truyền rất tốt. Đến khi nghe các thầy – trong đó có GS Nguyễn Lân Dũng – giới thiệu về thế giới sinh vật hay quá, tôi thành ra say mê sinh học từ lúc nào không biết. Vậy là ngành đã chọn tôi và tôi chọn cây lúa cho các nghiên cứu đầu tiên”. Lựa chọn này một phần cũng do chàng trai Trần Duy Quý ngày đó thấy nông dân quá khổ nên ước mình có thể làm cho năng suất lúa cao hơn, để người nông dân no ấm hơn. GS Nguyễn Lân Dũng – Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam – dành nhiều lời tốt đẹp cho học trò của mình: “Những kết quả từ khi ngồi trên ghế nhà trường cho đến khi làm lãnh đạo Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam cùng với thành tích khoa học đạt được đã chứng minh cái nhìn của các thầy trước đây với cậu học trò Trần Duy Quý quả không sai. Một con người thông minh, có trách nhiệm, hăng hái và tốt bụng. Dù thành tích cao nhưng GS Quý khá khiêm tốn và đây là đức tính quý của một nhà khoa học”.
Thủy Liên – Đài Sơn
Nguồn:phapluatxahoi.vn/doi-song/vi-giao-su-nang-long-voi-cay-lua-114461