Lật lại từng trang hồi ký giấy đã cũ, ố vàng vì thời gian, chúng tôi không khỏi bồi hồi xúc động khi đọc lại những dòng chữ chan chứa tình cảm của GS Đặng Văn Chung khi viết về Bác. Từ kỷ niệm được gặp Bác trong những ngày đầu ông làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai, lần Bác đến gia đình ông chúc Tết, rồi đến lần cuối ông gặp bác tại Phủ Chủ tịch, tất cả đều được GS Đặng Văn Chung (1913-1999)[1] ghi lại một cách rõ ràng, tỉ mỉ.
Năm 1952, sau khi học Thạc sỹ ở Pháp, GS Đặng Văn Chung về nước làm công tác giảng dạy tại trường Đại học Y Dược Hà Nội và khám chữa bệnh ở Bệnh viện Bạch Mai. Không lâu sau ngày Bộ đội ta về tiếp quản Thủ đô, ngày 15/12/1954 Bệnh viện Bạch Mai vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm. Bác khen ngợi và cảm ơn anh chị em cán bộ nhân viên đã tích cực và bền bỉ đấu tranh với địch, bảo vệ và giữ gìn tài sản Bệnh viện được tương đối nguyên vẹn.
Bản viết tay cẩn thận, tỉ mỉ của GSĐặng Văn Chung
về ba lần được gặp Bác Hồ
Bác nói: “Bây giờ ta làm việc cho ta, ta là chủ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đã là người tự do, người chủ thì phải làm thế nào cho xứng đáng, từ công việc, thái độ đến tư tưởng đều phải có tư cách làm chủ”. Người khuyên mọi người phải thật thà, đoàn kết và giúp đỡ nhau tiến bộ. “Ai làm việc gì tốt có kết quả thì đuợc khen, ai có sai sót thì góp ý sửa chữa. Làm đuợc như vậy mọi người sẽ đoàn kết hăng hái thi đua hoàn thành nhiệm vụ của mình. Có cơm ngon, thuốc đúng, người phục vụ tận tụy nhất định bệnh nhân mau khỏi, nhà thương mau tiến”. Đấy cũng chính là lần đầu tiên GS Đặng Văn Chung được tiếp xúc với Bác. Trong lần gặp hôm đó ông và những cán bộ của Bệnh viện được nghe Bác giảng giải nhiều điều nhưngGS Chung nhớ nhất lời dạy: “… cần đoàn kết giữa cán bộ cũ và mới trong Đảng, ngoài Đảng, cán bộ lớn tuổi và cán bộ trẻ tuổi… Kết hợp Đông y và Tây y để xây dựng nền Y học dân tộc”.
Lần thứ hai, GS Đặng Văn Chung được gặp Bác Hồ vào năm 1962. Trong không khí đón Xuân vui vẻ, ấm áp, gia đình GS Chung cũng như bao gia đình khác đang dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa để chuẩn bị đón Năm mới. Một vinh dự bất ngờ đến với gia đình ông: Bác Hồ đến thăm vào đúng ngày 30 Tết. Trước khi Bác đến khoảng 30 phút, gia đình ông được Mặt trận Tổ quốc thông báo: “sẽ có một cán bộ cao cấp đến thăm và chúc tết gia đình“. Sau những giây phút bối rối và lúng túng, GS Chung cũng đã ngầm đoán đó là Bác Hồ. Đây là sự kiện lớn, một vinh dự lớn của gia đình ông.
Trong những trang Hồi ký của GS Đặng Văn Chung, ông đã miêu tả chi tiết cử chỉ, những lời hỏi thăm, răn dạy của Bác khi đến thăm gia đình. Vào đến cổng nhà, Bác đi vòng sang bên vào ngay nhà bếp. Bác muốn xem bếp có những thức ăn, thực phẩm gì cho ngày Tết và có ngăn nắp, vệ sinh không. Lên trên nhà, Bác đến ngay nơi đặt Ban thờ Tổ tiên, khi nhìn thấy trên bàn thờ đã có đủ bánh chưng, hoa quả Bác gật đầu hài lòng. Khi GS Chung mời Bác ngồi ghế đặt trong phòng thờ, Bác nhìn chung quanh rồi đi qua phòng nhỏ hơn. “Tôi suy nghĩ và cho là Bác tế nhị tôn trọng không ngồi trước bàn thờ” – GS Chung kể lại cảm nhận của ông khi đó.
Phòng bên chỉ có 1 bàn và 2 ghế, Bác ngồi và mời vợ của GS Chung ngồi, Bác nói “chúng ta tôn trọng phụ nữ“. Bác ân cần hỏi thăm về sức khỏe, công tác, việc học tập và trìu mến chia kẹo vừng, kẹo bột chocác cháu con của GS Chung. Trước khi chia tay gia đình GS Chung, Bác xúc động lắng nghe bài hát “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn chúng em nhi đồng” mà các con GS Chung vừa đàn vừa hát kính tặng Bác. Trong khoảng 30 phút được gặp Bác Hồ, GS Đặng Văn Chung hối tiếc không nói được gì nhiều, nhưng khoảnh khắc quý giá ấy đã đọng lại trong ông nhiều cảm xúc khác nhau về người lãnh tụ vĩ đại: “…Cảm tưởng vừa qua như có ông nội của các cháu vừa đến thăm gia đình chứ không phải một lãnh tụ của một nước…thái độ rất tình cảm, giản dị…”
Năm 1969, một lần nữa GS Đặng Văn Chung được gặp Bác Hồ, không ngờ rằng đây cũng là lần cuối cùng ông được nhìn thấy Người và cũng là lần để lại trong ông nhiều cảm xúc nhất. Trong thời gian này, khi tình trạng bệnh của Bác ngày một xấu đi, GS Đặng Văn Chung được tham gia vào đoàn điều trị. Việc đi thăm khám cho Bác được tiến hành lặng lẽ, đêm hôm đó ông ra khỏi nhà mà gia đình không ai biết ông đi đâu và bản thân ông khi đi đến gần Phủ Chủ tịch cũng mới biết là đi thăm bệnh cho Bác Hồ.
Gặp GS Đặng Văn Chung, Bác nhận ra ngay. Mặc dù đang trong tình trạng nguy kịch nhưng Bác vẫn không thôi lo lắng cho mọi người và không quên dặn GS Chung: “Thăm bệnh cho tôi rồi bác sỹ phải về, vì Bác nghe nói có nhiều bệnh nhân bị bệnh sốt xuất huyết“. Thăm bệnh cho Người, ngoài GS Đặng Văn Chung còn có bác sỹ Như Thế Bảo, Bùi Đồng, Trịnh Kim Ảnh, Nguyễn Huy Dung, bác sỹ Đông y Liễn. Các bác sỹ chẩn đoán Bác bị “nhồi máu cơ tim, ở trên người có bệnh phổi cũ tái phát“.
“Trời đất như im lặng để tiễn đưa Bác” –
cảm xúc sâu sắc của GS Đặng Văn Chung trong giây phút vĩnh biệt Bác
Tình trạng bệnh của Bác trong những ngày cuối đời luôn in đậm trong trí nhớ của GS Đặng Văn Chung: “Tôi theo dõi và nắm tình hình bệnh tật của Bác và thấy tình hình bệnh nặng dần dần lên. Sốt càng ngày càng cao, ăn càng ít dần, ngủ thao thức không yên giấc, kèm đau mình mẩy và mệt sau những cơn ho rũ, đờm khó ra. Bác là bệnh nhân tốt nghe lời khuyên thầy thuốc và thực hiện đúng y lệnh“. Bệnh nặng là thế mà Bác vẫn thường xuyên hỏi tình hình chiến tranh ở miền Nam, trong hồi ký của GS Chung có đoạn: “Mỗi buổi sáng Bác được các lãnh đạo Chính phủ thăm viếng. Bác chú ý hỏi tình hình chiến sự ở miền Nam và tình hình đàm phán bên Paris“.
Đang lâm bệnh nặng, nhưng Bác “không kêu ca, than phiền, đòi hỏi“, mà Người vẫn thường xuyên ân cần và quan tâm đến mọi người. Bác nói với y tá Thanh (sau làm việc ở Ban Bảo vệ sức khỏe TP Hồ Chí Minh) đang trực đêm săn sóc bệnh cho Bác: “Bác thấy mấy tối rồi cháu vẫn ngồi đó, cháu nên đi nghỉ“. Khi biết chị Thanh quê ở Hà Nam, Bác nhẹ nhàng nhắc nhở: “Làng đó Bác đã đi qua, bẩn lắm vì có nhiều ruồi. Sau này chị về, vận động nên vệ sinh cho sạch“.
Bệnh của Bác ngày càng xấu đi nên nhóm các bác sỹ, trong đó có GS Đặng Văn Chung đã chuẩn bị tất cả những dụng cụ, phương tiện Y tế cần thiết, thay loại giường cứng để tiện cho việc cấp cứu, xoa bóp lồng ngực, thuốc. Sáng ngày 2-9-1969, khi đang ăn cháo Bác đã từ từ ra đi “ rất nhẹ nhàng, thanh thản” về với Tiên tổ. Biết trước tình huống này có thể xẩy ra nhưng khi chứng kiến sự ra đi của Bác, GS Đặng Văn Chung vẫn cảm thấy hụt hẫng, bất ngờ: “Tâm trí còn ngẩn ngơ, tôi bước ra khỏi phòng Bác, thấy trời mây che mặt trời, trời sáng bỗng sầm tối, lác đác có hạt mưa. Trời đất như im lặng để tiễn đưa Bác ra khỏi cõi trần…“.
Hẳn rằng với bất kỳ người dân Việt Nam yêu nước nào, được gặp Bác Hồ là một vinh dự lớn lao, là kỷ niệm sâu sắc cả cuộc đời và với GS Đăng Văn Chung cũng vậy. Chính vì điều đó, để tưởng nhớ Người cũng như ôn lại những kỷ niệm trong ba lần gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 14-5-1990 GS Đặng Văn Chung đã soạn một bài phát biểu về Bác Hồ nhân dịp Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người. Rồi sau đó, vào những năm cuối đời, GS Đặng Văn Chung viết bài Những phút cuối cùng của Bác Hồ đầy xúc động đăng trên Báo Sài Gòn Giải phóng ra ngày 2-9-1995, nội dung bài viết thể hiện tình cảm thiêng liêng của một vị giáo sư nổi tiếng Đặng Văn Chung đối với vị Cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam – Hồ Chí Minh.
Nguyễn Thị Phương Thúy – Trình Sỹ Anh Dũng
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam
[1] GS Đặng Văn Chung – Cây đại thụ về Nội khoa của Y học Việt Nam, nguyên Phó Hiệu trưởng, Chủ nhiệm Bộ môn Nội trường Đại học Y Hà Nội, nguyên Chủ nhiệm Khoa Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội Nội khoa Việt Nam.