Vị thủ trưởng tâm huyết với ngành Thủy lợi

Năm 1964, phong trào tưới tiêu khoa học được phát động sôi nổi ở các địa phương. Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho xây dựng hai hồ Thượng Tuy, huyện Cẩm Xuyên và hồ Bình Hà, huyện Đức Thọ để làm nhiệm vụ trên. Trưởng ty Thủy lợi Trần Quang Đạt giao cho kỹ sư trẻ Trương Đình Dụ phụ trách vấn đề này. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, cuối tháng 12-1964, Trương Đình Dụ đạp xe từ Hà Tĩnh ra Hà Nội gặp Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam Trần Đăng Khoa, người phát động phong trào này để xin ý kiến. Dù bận nhiều việc của Quốc hội và Viện nhưng ông Khoa vẫn dành thời gian làm việc với kỹ sư Trương Đình Dụ. Nghe trình bày về điều kiện tự nhiên và tình hình thủy lợi của tỉnh, ông Khoa khuyên: "Hà Tĩnh thường xuyên thiếu nước vào mùa hạn, việc xây dựng các công trình thủy lợi và áp dụng tưới tiêu khoa học là rất cần thiết, anh về cố gắng áp dụng kỹ thuật cho tốt". Ngay sau đó, ông Dụ xin Tỉnh ủy cho hai hợp tác xã Cẩm Sơn và Đức Thanh được lấy nước từ hai hồ để áp dụng phương pháp tưới tiêu khoa học theo công thức: nông thường xuyên (giữ nước trong ruộng từ 3-5cm), sâu thường xuyên (mực nước trong ruộng khoảng 7- 10cm), xăm xắp (nước trong ruộng 3-5cm rồi để cạn tự nhiên, sau lại bơm nước vào), nông lộ phơi (nước trong ruộng 3-5cm, để cạn tự nhiên và phơi khô, rồi lại tưới). Kết quả, vụ mùa năm 1966, năng suất lúa hai hợp tác xã trên vượt 15-20% so với cách tưới thông thường. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Linh về thăm rất phấn khởi và cho áp dụng trên phạm vi cả tỉnh.

GS.TS Trương Đình Dụ

Năm 1967, ông Trương Đình Dụ sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh ở trường ĐH Xây dựng Moskva trong 4 năm. Về nước, ông may mắn được phân công tác ở Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, dưới quyền của Viện trưởng Trần Đăng Khoa. Nhờ đó, ông có dịp tháp tùng và học tập kinh nghiệm từ người thủ trưởng giàu tâm huyết với ngành Thủy lợi này.

BBT