Vị Tiến sĩ đầu tiên của người Sán Chay

Tiến sĩ (TS) Trần Văn Ơn còn khá trẻ (sinh năm 1966), mở đầu câu chuyện một cách dí dỏm: Mỗi ngày đến trường, tôi mang theo mình hai cái cặp. Một cặp đựng đầy tài liệu để giảng dạy cho học trò. Một chiếc cặp là những dự án đang và sẽ triển khai về trồng, sản xuất dược liệu.

Vị TS người dân tộc Sán Chay (hay còn gọi là Sán Chỉ) đầu tiên này hiện là Trưởng bộ môn Thực vật trường Đại học Dược Hà Nội, kiêm Giám đốc Công ty Dược khoa (DK Pharma), một doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ Y tế (do trường Đại học Dược Hà Nội trực tiếp quản lý). Một lúc “gánh” hai công việc, TS Ơn đang thực hiện niềm đam mê và ước mơ của mình, đó là biến tri thức, những kinh nghiệm về những cây thuốc quý và chữa bệnh của đồng bào dân tộc để làm ra nhiều sản phẩm đưa tới tay người tiêu dùng.

TS. Trần Văn Ơn may mắn sinh ra trong một gia đình mà ông nội và ông ngoại đều được sở hữu những bài thuốc gia truyền quý báu của người Sán Chay ở xã Yên Ninh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Các cụ không chỉ chữa được những bệnh thông thường từ cây cỏ, mà còn có khả năng chữa khỏi những bệnh khó, như phong tê thấp, động kinh, gẫy xương… Ngày còn nhỏ, anh Ơn thường theo các cụ vào rừng hái thuốc sau những buổi đến lớp. Hồi đó, mỗi lần vào rừng lấy thuốc, anh đã có ý thức ghi chép vào cuốn sổ nhỏ kèm theo hình vẽ minh hoạ, các cây thuốc các cụ sử dụng. Vốn đam mê cây thuốc từ nhỏ nên sau khi tốt nghiệp cấp ba, anh Ơn liền nộp hồ sơ dự thi vào trường Đại học Dược Hà Nội. Ngay từ năm thứ hai ở trường đại học, anh đã đăng ký nghiên cứu khoa học ở bộ môn thực vật Dược – bộ môn không mấy sinh viên yêu thích ngày đó, trở thành một dược sĩ, rồi thạc sĩ và nay là tiến sĩ thực vật học. Từ năm 1993 đến nay, TS Ơn là giảng viên trường ĐH Dược Hà Nội.

TS Trần Văn Ơn là một trong hai vị tiến sĩ về Bảo tồn tài nguyên cây thuốc hiện nay ở nước ta (Một tiến sĩ về Bảo tồn tài nguyên cây thuốc nữa là TS Nguyễn Văn Tập, công tác ở Viện Dược liệu, đã về hưu). Còn nhớ, ngay sau khi tốt nghiệp đại học, từ đầu những năm 1990, anh Ơn được đào tạo và tham gia các dự án bảo tồn tài nguyên cây thuốc cùng các Tổ chức quốc tế, như WWF, IUCN, FFI, IPGRI, CARE, BGCI tại các Vườn quốc gia Ba Vì, Tam Đảo, Ba Bể, Xuân Sơn và các cộng đồng người Dao, Tày, Sán Dìu, Sán Chay, Mông, Rục, Giáy, Cao Lan… Điều này làm cho bức tranh về bảo tồn dần hiện lên, từ điều tra cơ bản tài nguyên đến bảo tồn ex situ, in situ và on farm, từ lý thuyết đến thực tiễn. Công trình nghiên cứu khoa học “Bảo tồn tài nguyên cây thuốc ở Vườn quốc gia Ba Vì ” đồng thời cũng là đề tài bảo vệ luận án tiến sĩ của anh được hình thành.

TS Ơn luôn có suy nghĩ, con người quay lại hoà nhập với thiên nhiên cây cỏ sẽ là một xu thế mới trong tương lai không xa. Những cây thuốc trong tự nhiên sẽ trở thành nguồn vốn quý quan trọng với sức khoẻ con người. “Việt Nam có rất nhiều cây thuốc quý. Thế nhưng, những loài được dân gian biết đến rất ít và còn lại không nhiều. Chúng ta không có ai đứng ra ghi chép, tổng hợp và thừa kế những bài thuốc theo kiểu “gia truyền” ấy, khiến nó bị mất đi khi những thầy lang ra đi theo tuổi già…” – TS Ơn nói. Năm 2003, một lần lên Tả Khoang, Tả Phìn (Sa Pa, Lào Cai) thực địa, TS Ơn và các học trò nhận thấy người Dao đỏ ở Sa Pa có cách sử dụng cây thuốc độc đáo dưới dạng tắm để chăm sóc sức khoẻ và chữa trị bệnh. Trong khi nó được những người ngoài cộng đồng khai thác và thương mại hoá triệt để thì chủ nhân của nó, những người Dao đỏ, lại không được hưởng lợi gì. Vậy làm thế nào để bài thuốc này vươn xa hơn nữa và chính chủ nhân của nó cũng được hưởng lợi? Điều này đã thôi thúc TS và cộng sự nghiên cứu hiện đại hoá bài thuốc này, tạo ra các sản phẩm chuẩn hoá, dễ dùng và giúp người Dao đỏ tự sản xuất và kinh doanh các sản phẩm này.

TS. Trần Văn Ơn (mặc áo ghi lê) huấn luyện người Dao đỏ Tả Phìn nhân giống cây thuốc.

Quá trình này gặp muôn vàn khó khăn do chính người dân cũng không tin mình có thể làm được. Với kinh nghiệm trong lĩnh vực thực vật dân tộc học và phát triển cộng đồng, TS Ơn và cộng sự quyết định áp dụng cách làm “từ dưới lên”, ở đó cộng đồng được cung cấp tầm nhìn, ý tưởng sự tự tin và kỹ năng, từ đó hình thành ý tưởng kinh doanh và thực sự nhập cuộc cùng cộng đồng. Dự án thành công, bộ môn Thực vật học đăng ký bản quyền cho người Dao đỏ Tả Phìn. TS Ơn đứng ra vận động chính quyền xã Tả Phìn mở công ty của người Dao để khai thác chính bài thuốc của cha ông, làm bài toán xóa đói giảm nghèo cho bà con trong bản. Và một Công ty cổ phần của người Dao đỏ (Sapa Napro JSc.) đã được hình thành tại xã Tả Phìn từ năm 2006. Công ty cho ra đời các sản phẩm Dao’spa tắm cho phụ nữ sau đẻ và ngâm chân này vẫn tiếp tục phát triển, ngày càng lớn mạnh.

Kinh nghiệm từ quá trình này giúp TS Ơn và các học trò tiếp tục thực hiện mơ ước của mình là bảo tồn và phát triển nguồn đa dạng sinh vật và các sản phẩm truyền thống phục vụ chăm sóc sức khoẻ, phát triển kinh tế, đặc biệt là cho các cộng đồng nông thôn, nơi còn nghèo về kinh tế, nhưng giàu có về đa dạng sinh học và tri thức sử dụng cây cỏ. Chúng cũng giúp anh Ơn và các học trò hoàn thiện lý thuyết, kỹ năng về bảo tồn tài nguyên cây thuốc và đưa vào giảng dạy tại trường Đại học Dược Hà Nội, không những cho sinh viên trong nước, mà còn cho sinh viên quốc tế ở các trình độ khác nhau, kể cả đại học, cao học và nghiên cứu sinh đến từ Thái Lan, Thuỵ Điển, Pháp, Hoa Kỳ, v.v…

Được biết, TS Trần Văn Ơn cùng các học trò và người dân tộc Ráy ở Bát Xát, Lào Cai vừa đứng ra thành lập công ty theo hướng trồng cây gừng tía tạo nguồn dược liệu và chiết xuất tinh dầu từ cây thuốc này làm sản phẩm xoa bóp giảm đau. Đây là Công ty do người nông dân làm chủ và trực tiếp sản xuất. Ở Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, tinh dầu gừng tía được đưa vào các sản phẩm mỹ phẩm, dầu xoa bóp giảm đau được người tiêu dùng ưa chuộng.  

Giờ đây, với các sinh viên Bộ môn Thực vật Dược (trường ĐH Dược Hà Nội), ấn tượng về người thầy của mình – TS. Trần Văn Ơn là lòng yêu khoa học và làm khoa học một cách nghiêm túc. TS. Trần Văn Ơn cho rằng, mình có được ngày hôm nay, một phần anh được đào tạo và rèn dũa của những người thầy lớn, các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành Thực vật học trong và ngoài nước, như PGS.TSKH Trần Công Khánh, GS. Vũ Văn Chuyên (trường Đại học Dược Hà Nội), GS. TSKH Nguyễn Nghĩa Thìn (Đại học Quốc gia Hà Nội), TS. Gary Martin (Anh), TS. Jeremy Russell Smith (Úc).

Hoàng Nhất

Nguồn: bienphong.com.vn/BaoBienPhong/32/382/382/13428/Vi-Tien-si-dau-tien-cua-nguoi-San-Chay/anbg.aspx