Việc học là cả cuộc đời

Ba tôi là con cả trong gia đình có chín người con. Dòng họ Đặng Vũ vốn là một trong số những dòng họ nổi tiếng về khoa bảng trong làng Hành Thiện. Con trai ­trong dòng họ thường được học hành đến nơi đến chốn và đỗ đạt cao, còn con gái thì đảm đang với nghề dệt vải và buôn bán. Năm mới lên 10 tuổi, ba tôi đã phải rời làng đi trọ học ở Nam Định sau đó lên Hà Nội học trung học, thi vào Trường Đại học Y Hà Nội rồi lại lên đường sang Pháp học tiếp mấy năm cuối của bậc đại học. Trở về Việt Nam, là một thầy thuốc có uy tín, ba tôi đã làm việc ở nhiều nơi trong nước song bao giờ ông cũng rất gắn bó với làng Hành Thiện, nơi quê hương với bao kỷ niệm của thời thơ ấu, nơi có những người thân trong gia đình đã chắt bóp từng bát gạo, đồng tiền để giúp ông ăn học thành tài. Những câu chuyện ba tôi kể về làng quê, mối quan tâm của ông tới bà con đồng hương mỗi khi họ có việc cần được giúp đỡ đã in sâu trong trí nhớ của tôi từ những năm tháng thơ ấu. Vì vậy, dù không có nhiều dịp về thăm quê nội, trong tôi vẫn tràn ngập những tình cảm sâu đậm.


Bác sĩ Đặng Vũ Hỷ hướng dẫn các học viên Trường Y sĩ Liên khu III- IV thực tập khám bệnh tại Thanh Hóa, năm 1952

Tôi sinh năm 1949, khi đó ba tôi là bác sĩ phụ trách một Trạm quân y đóng ngay tại đình làng. Hễ đơn vị quân y di chuyển tới đâu thì mẹ tôi lại dắt díu các con “tản cư” theo tới đó. Lúc chuyển tới làng Thư Điền, mẹ tôi đã có mang tôi sắp tới ngày sinh nở. Mấy bà trong làng kháo nhau:

– Để xem vợ ông bác sĩ khi sinh con có kêu la như đàn bà trong làng không?

Biết vậy, vào buổi hôm ấy, khi sắp chuyển dạ mẹ tôi vẫn cố gắng đi lại, ra sân vào nhà như không có chuyện gì. Trời đã xâm xẩm tối thì tôi cất tiếng khóc chào đời và người trực tiếp đỡ đẻ cho mẹ tôi lại chính là ba tôi với sự trợ giúp của một nữ y tá. Nghe tiếng khóc trẻ sơ sinh to và khỏe, mọi người mới biết là mẹ tôi đã sinh con. Sau này, mỗi khi nghe cha mẹ tôi kể lại tôi vẫn cứ thích thú mãi vì có mấy đứa trẻ có được cái may mắn khi ra đời lại được chính cha mình đón đỡ. Phải chăng đó cũng là số phận?

Năm 1953, Trường Y sĩ nơi ba tôi công tác chuyển từ Thanh Hóa lên chiến khu Việt Bắc. Lại một lần nữa, cả gia đình tôi lại thu xếp hành lý để di chuyển theo. Hồi đó, tôi còn bé lắm nhưng sau này cha mẹ tôi kể lại rằng đó là một cuộc chuyển đi vô cùng vất vả. Ba tôi mua một chiếc xe đạp thồ và may hai chiếc võng xinh xinh bằng vải dù mắc vào hai bên chiếc xe đạp thồ. Anh Minh và tôi được nằm trên hai chiếc võng đó để thồ suốt chặng đường dài gần bốn trăm ki-lô-mét từ Thanh Hóa lên đến chiến khu Việt Bắc. Sau hơn một tháng trời ròng rã, ba tôi đã đưa gia đình tới xã Lang Quán, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang là địa điểm đặt Trường Đại học Y khoa lúc bấy giờ. Tại một ngôi nhà nhỏ ở đây, gia đình chúng tôi đã được đón tiếp nhiều giáo sư bác sĩ nổi tiếng có những đóng góp lớn lao cho nền Y học cách mạng Việt Nam như các giáo sư Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Trần Hữu Tước, Nguyễn Xuân Nguyên…

Hòa bình lập lại, gia đình tôi trở về Hà Nội sống ở số nhà 47 phố Lò Sũ, một phố nhỏ gần bờ hồ Hoàn Kiếm. Ba tôi công tác tại Trường Đại học Y khoa Hà Nội và Bệnh viện Bạch Mai. Công việc lôi cuốn ông, hết giảng bài cho sinh viên tại giảng đường lại vào bệnh viện khám bệnh và triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học. Bận như vậy nhưng ông không bao giờ quên những người sống quanh mình. Ba tôi rất quan tâm tới việc học hành của anh em chúng tôi, mong muốn chúng tôi được học tập trong những điều kiện tốt nhất và trở thành thầy thuốc như ông để có thể “trị bệnh cứu người”. Ba tôi rất quan tâm đến bà con cùng phố và sẵn sàng khám chữa cho mọi người như một bác sĩ gia đình. Bất kể đêm hôm hay ngày lễ tết, hễ có ai ốm đau cần gọi, ông không nề hà, sẵn sàng cầm ống nghe, xách túi thuốc đi ngay. Vì vậy, ông được mọi người cùng phố kính nể, ngay cả đám trẻ con cùng phố cũng rất quý mến ba tôi. Nhiều hôm ba tôi đi làm về, vừa tới cửa nhà, lũ trẻ con cùng phố đã ùa lại:

-Cháu chào bác sĩ Hỷ, cháu chào bác sĩ Hỷ!

Ba tôi mỉm cười, lần lượt bắt tay từng người bạn nhỏ. Tôi rất tự hào mỗi khi theo ba tôi đi khám và chữa bệnh cho bà con láng giềng. Nhìn ba tôi cặm cụi khám chữa cho người bệnh, tôi mong muốn sau này lớn lên cũng làm nghề thầy thuốc như ba tôi để có thể giúp đỡ mọi người bằng cả tấm lòng của mình.

Khi lớn hẳn, tôi thấy ba tôi còn là tấm gương sáng về lòng ham học. Ông bắt đầu học tiếng Nga khi tuổi đã gần ngũ tuần. Thật không dễ dàng khi cả ngày phải đi làm ở cơ quan, tối về lại đạp xe đi học tiếng Nga.

Thỉnh thoảng, tôi được ba cho đi theo vào khoa Da liễu, Bệnh viện Bạch Mai. Trước khi khám bệnh, ba tôi ân cần thăm hỏi bệnh nhân và sau đó khám rất cẩn thận, kỹ lưỡng. Tôi nhớ có lần ông đã nói với anh em chúng tôi:

– Người ta có bệnh mới đến bệnh viện, đó đã là điều không may rồi. Phải cố chữa cho bệnh nhân khỏi bệnh để trở  về với gia đình. Đây cũng là việc phúc đấy các con ạ.

Theo lời khuyên của ba tôi, sau này hai trong số bốn anh chị em chúng tôi là anh Tứ và chị Bính đã theo nghề của ba tôi và trở thành những bác sĩ tốt, tận tuỵ với người bệnh.

Ngay từ khi đang học phổ thông, tôi đã thích tìm đọc trong tủ sách của ba tôi những tài liệu liên quan tới bệnh da liễu, các công trình nghiên cứu của ba tôi và đồng nghiệp, kể cả các luận văn tốt nghiệp bác sĩ. Mặc dù không hiểu gì nhiều nhưng việc đó cũng đem lại cho tôi nhiều say mê, thú vị. Một lần, giữa các tập luận văn tốt nghiệp bác sĩ, tôi rất ngạc nhiên khi tìm thấy một luận văn tốt nghiệp khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội với đề tài “Hình ảnh người khốn khổ trong “Những người khốn khổ” của Vích-to Huy-gô” với dòng chữ đề tặng “Kính tặng giáo sư Đặng Vũ Hỷ, người thầy thuốc kính mến đã đưa cháu trở về với cuộc sống, đã cho cháu niềm tin tốt đẹp vào con người”, bên dưới kí tên Nguyễn Văn B. Tôi đọc luận văn và rất xúc động. Sau này ba tôi kể lại, tôi mới biết tác giả luận văn nguyên là một sinh viên trẻ bị mắc một bệnh khó chữa và buộc phải sống trong sự xa lánh của mọi người. Có lúc, anh tưởng như phải bỏ học. Sau khi gặp ba tôi, được ông động viên và tận tình chữa chạy, anh sinh viên đã khỏi bệnh và trở về trường tiếp tục học. Mấy năm sau, anh Nguyễn Văn B đã tìm lại ba tôi để tặng tập luận văn tốt nghiệp đại học. Nghe ba tôi kể, tôi rất cảm động và càng thấm thía ý nghĩa cao đẹp của nghề thầy thuốc.

Nhiều buổi tối, tôi thấy ba còn miệt mài bên những chồng sách, vừa đọc, vừa viết. Tôi hỏi:

– Sao ba chưa đi ngủ? Con mà là giáo sư như ba thì con chẳng cần học làm gì nữa.

Ông cười rất lâu và trả lời:

– Con gái yêu quí, nếu nghĩ như vậy thì chắc con sẽ không bao giờ thành giáo sư được. Việc học là cả cuộc đời con ạ, hãy luôn cố gắng học cho giỏi con nhé. Chọn nghề gì là tùy con, nhưng dù làm nghề nào cũng phải luôn cố gắng là người có lương tâm, có đạo đức.

Tôi ghi nhớ lời ba và luôn tự nhủ phải cố gắng thật nhiều.

Những ngày tháng ba tôi lâm bệnh là những kỷ niệm buồn trong đời tôi. Ông đã lặng lẽ và kiên cường vật lộn với bệnh tật, chấp nhận đủ mọi biện pháp điều trị kể cả Đông y và Tây y với hy vọng trở về với công việc giảng dạy và hướng dẫn sinh viên, tiếp tục nghiên cứu các đề tài còn dang dở, đến với những người bệnh đang chờ đợi và tin tưởng vào ông. Hơn thế nữa, ông mong muốn xây dựng Khoa Da liễu của Bệnh viện Bạch Mai trở thành một viện nghiên cứu đầu ngành. Nhưng số phận đã không cho phép ba tôi thực hiện những mong ước đó. Tôi không ngờ ngày tiễn ba tôi lên đường đi sang Quảng Châu, Trung Quốc chữa bệnh với bao hy vọng lại là lần cuối cùng tôi được nắm tay ba, nhìn vào đôi mắt hiền từ của ông. Ba đã ra đi mãi mãi, không bao giờ trở về ngôi nhà nhỏ bên cạnh Hồ Gươm cổ kính ở Hà Nội với bao nhiêu kỷ niệm êm ấm của gia đình.

Ba tôi đã đi xa từ lâu rồi. Ông đã không bao giờ được nhìn thấy Viện Da liễu Quốc gia cùng các thế hệ học trò xuất sắc của ông trưởng thành và phát triển như ngày nay. Ngay cả Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và kỹ thuật đợt đầu tiên mà Nhà nước dành cho ông vì những cống hiến cho nền Y học cách mạng Việt Nam cũng là truy tặng. Anh em chúng tôi đều đã trưởng thành nhưng tất cả những gì ông đã làm, những gì ông đã dạy bảo mãi mãi là tấm gương đối với chúng tôi. Những lúc mệt mỏi, tưởng như nản lòng trước khó khăn, tôi lại nhớ tới lời ba “Việc học là suốt cả đời, con ạ. Hãy luôn cố gắng”, và thế là tôi lại thấy như được tiếp thêm sức mạnh.

Tôi thường nhắc lại những kỷ niệm đẹp về ông ngoại với các con, cháu mình. Tôi mong muốn những thế hệ sau trong gia đình sẽ nhớ tới ông như một tấm gương về lòng yêu quê hương, yêu con người, yêu nghề nghiệp, về tinh thần ham học hỏi và luôn cố gắng trong mọi việc.

Đặng Kim Chi