Bố ơi! Con ghét bố
Chỉ đến khi nhìn thấy sai lầm của con trai con, con mới hiểu bố đã đúng, mới hiểu tình cảm của bố dành cho con.
Chỉ đến khi rong ruổi hàng tuần trong dãy Hymalaya xa xôi, hẻo lánh, con mới cảm nhận được nỗi nhớ nhà mà bố từng phải chịu đựng trong suốt gần 20 năm đi học nước ngoài.
Chỉ đến khi đứng trước một sự lựa chọn khó khăn trong cuộc sống, con mới thực sự thấy bố đã vững vàng, kiên định thế nào.
Bố là tấm gương về đạo đức, về sự chân thành, đức kiên trì, trí thông minh, về sự hiếu học, ham hiểu biết. Bố là nhiều, nhiều lắm những hoài bão, những ước mơ, những tư tưởng…, là tất cả những giá trị văn hóa và tinh thần mà con ngưỡng mộ và noi theo.
Nhưng… Bố ơi!
Con ghét bố!
Con ghét sự nghiêm khắc đến lạnh lùng của bố. Cả một thời thơ ấu, ám ảnh trong con luôn luôn là nỗi sợ và ham muốn phản kháng mãnh liệt.
Con ghét phải đi đôi dép nhựa cũ đã gãy mõm, vì mỗi lần thò ngón chân út ra ngoài hay kéo loẹt xoẹt thì bố lại nhắc.
Con ghét phải đi cạnh bố vì lúc ấy con bị uốn nắn từ dáng người, cách bước chân, vung tay, đến cả việc phải ăn mặc thế nào.
Con ghét ngồi ăn cơm cùng bố vì thế nào cũng bị nhắc nhở về cách ăn, cách nhai hay các quy tắc.
Con ghét bị bố gò trong khuôn phép giờ giấc, từ giờ ăn, giờ ngủ, giờ học, giờ chơi.
Con ghét phút giây vui vẻ bị bố buộc phải tiết chế cảm xúc hay thái độ, hành vi của mình.
Con ghét bố!
Con ghét những lần bố đặt gánh nặng trụ cột gia đình lên vai một thằng ốm yếu và gầy gò như con. Lần đầu, con phải tự trưởng thành khi còn quá nhỏ, phải tự sắp xếp cuộc sống của mình, rồi phải có trách nhiệm lo cho mẹ và em gái. Trong khi các bạn cùng phố đi chơi thì con lại phải hí húi lắp cái bóng đèn hay sửa cái bếp may so cho mẹ. Còn lần sau thì đúng vào lúc con cần bố định hướng cuộc đời mình, con lại không có bố bên cạnh.
Con ghét bố!
Con ghét những năm tháng đằng đẵng bố đi học, ghét cái tuổi ấu thơ không biết mặt bố, không được bố bảo vệ như những đứa trẻ bình thường khác.
Đôi lúc con cũng ghét cả khoa học, vì khoa học bắt những người theo nó phải hy sinh quá nhiều, thậm chí cả hạnh phúc nhỏ nhoi của những đứa trẻ như con.
Con ghét bố!
Hồi bé con nghĩ sao nhà mình chỉ chất đầy sách vở, tài liệu và các công trình khoa học tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Việt… mà không phải là bánh trái, đồ ăn vặt như nhà hàng xóm. Cả 12 năm học phổ thông, chưa bao giờ con có một cái bàn học đúng nghĩa. Và con ghét những lần bị bạn kiểm tra góc học tập mà không biết phải nên chỉ vào đâu trong đống sách vở chất cao đến tận trần nhà. Con ghét sự đàng hoàng trong túng thiếu khi bố phải viết sách trên mặt sau của các tập tài liệu, văn bản, hồ sơ thải loại bằng giấy pơ luya do mẹ mang từ cơ quan về, trong khi con rất cần tập giấy đó để dán con diều thả chơi.
Con ghét bố!
Con ghét phải luôn luôn cố gắng, không ngừng nỗ lực, phấn đấu, không bao giờ được phép hài lòng với bản thân. Đó là câu chuyện vào giữa những năm 80, khi bố đã làm thầy hướng dẫn luận văn cho 14 phó tiến sĩ. Bố nói với con rằng bố sẽ phấn đấu, sẽ không ngừng làm việc, không ngừng nghiên cứu, viết sách và hướng dẫn thêm 1 phó tiến sỹ nữa để được sang Liên Xô làm tiến sĩ khoa học để có cơ hội cho mẹ và các con sang mở rộng thế giới quan. Và rồi khi đã ở Liên Xô trở về, khi đã là tiến sĩ khoa học, bố vẫn tiếp tục làm thầy hướng dẫn cho nhiều cô chú khác trở thành tiến sĩ với mục tiêu cao hơn là trở thành viện sĩ.
Con ghét bố!
Ghét cả câu chuyện bố kể với con: “Khi bố ra khỏi làng, bố thấy làng mình thật nhỏ bé. Khi bố đi học ở nước ngoài thì bố thấy Việt
Bố ơi! Có lẽ chưa bao giờ bố con ta ngồi nói chuyện thật thân tình. Nhưng con luôn muốn có cuộc nói chuyện như vậy để con không còn thấy nặng trĩu lòng vì còn thiếu một thứ trên đời này. Bố sẽ chẳng bao giờ hiểu được nỗi lòng của đứa con muốn được âu yếm và yêu thương. Vì con chỉ là một đứa con trai bình thường so với tiêu chuẩn của bố đã đặt ra.
Rồi một ngày nào đó của 16 năm trước, con được mẹ thông báo “Bố bị ung thư rồi con ạ”. Con không tin vào tai mình rằng “bố chỉ còn sống được vài tháng nữa thôi”. Con thấy lòng mình đau lắm, con như không thể thở, không thể cử động hay thốt ra một lời nào. Con không thể lý giải hay cắt nghĩa được mọi điều đang diễn ra lúc đó, nhưng con cũng đủ ngộ ra rằng tình cảm cha con vốn bị che lấp bởi lòng phản kháng, ấm ức bấy lâu. Con đã không hề ghét bố như con vẫn nghĩ. Con yêu bố hơn cả những gì con muốn nói.
Nhiều khi con ước bố vẫn còn sống để con có thể kể cho bố nghe cảm xúc sau mỗi chuyến đi, những thành công hay thất bại của con. Ngay trong lúc này đây con muốn kể cảm xúc của con về bố, một cảm xúc thanh khiết lạ thường, hệt như khi con ngồi trên bậc thềm tu viện của người Tạng ở High Pysang, ngắm hoàng hôn trên đỉnh Annapurna II, uống trà và chìm đắm trong tiếng chuông chùa thấm đẫm mùi củi thông đốt lá thông tươi ấm nồng, ngân xa khắp cao nguyên.
Con đã đi, đã vượt qua nhiều ngọn núi: 2900m, 3046m, và cả 5643m trong vô vàn gian khó, hiểm nguy rình rập và rồi con hiểu bố mới là ngọn núi cao nhất và đẹp nhất của con.
Nếu có đời sau, nếu được chọn lựa, thì con vẫn mong muốn được làm con trai của bố. Và… Con yêu bố!
Hà Nội, 17h, ngày 16-7-2015
Đặng Mai Lâm
(Tưởng nhớ bố nhân ngày giỗ lần thứ 15)
____________________
* GS.TSKH Đặng Như Toàn là nhà khoa học thuộc lĩnh vực Kinh tế, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kinh tế và Quản lý môi trường, Đại học Kinh tế quốc dân.