Hành động sớm và sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu nhất
Trung tâm Di sản:Thưa Giáo sư, khi đại dịch covid-19 bùng phát, các đơn vị y tế nói chung và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nói riêng đã chuẩn bị tâm thế ứng phó như thế nào?
GS.TS Nguyễn Văn Kính:Ngay khi tại Trung Quốc xuất hiện dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp mới, Việt Nam đã chủ động lên các phương án chống dịch. Một tuần sau khi Việt Nam xác nhận 2 bệnh nhân nhiễm COVID-19 đầu tiên, cuối tháng 1-2020, theo Quyết định số 170/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (tạm gọi tắt là Ban chỉ đạo) được thành lập do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Trưởng ban. Ban chỉ đạo được chia thành các tiểu ban: giám sát, điều trị, dịch tễ học, hậu cần, hợp tác quốc tế… với sự tham gia của hơn 20 đơn vị từ các Bộ, ngành: Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại Giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… Mô hình hoạt động này đã được áp dụng từ thời chống dịch SARS, H5N1 (2003), H1N1 (2009).
Mỗi bệnh viện, trung tâm y tế được giao nhiệm vụ và phân tuyến tùy theo tình huống cụ thể. Các bệnh viện tuyến đầu có nhiệm vụ thu dung, bao vây, tập trung điều trị cho các ca nhiễm, ngăn không cho dịch bệnh lây lan cộng đồng. Từ rất sớm, Ban chỉ đạo lên kịch bản ứng phó dịch bệnh theo các cấp độ:
+ Chưa có ca bệnh nhưng có nguy cơ lây nhiễm bên ngoài từ các quốc gia khác;
+ Có bệnh nhân nhiễm Covid-19, số lây nhiễm trong cộng đồng dưới 100 người;
+ Dịch bệnh lây lan mạnh tại một số tỉnh thành;
+ Dịch lan tràn toàn quốc.
Đến ngày 11-3, khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức tuyên bố dịch bệnh hô hấp cấp do virus corona chủng mới (COVID-19) gây ra là đại dịch toàn cầu, Việt Nam đã xây dựng kịch bản chiến lược chống dịch cho riêng mình.
GS.TS Nguyễn Văn Kính giới thiệu hệ thống trang thiết bị hiện đại của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2
Với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, ngay khi dịch lạ xuất hiện, từ kinh nghiệm chống dịch SARS năm 2003, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở vật chất, phương án cho công tác tổ chức cách ly, hậu cần, nhân sự chống dịch. Cơ sở 2 của bệnh viện rộng 12 ha nằm ở ngoại thành Hà Nội, tách biệt với khu dân cư đông đúc, có không gian thoáng đãng, được chọn là nơi điều trị tuyến đầu ở phía Bắc. Bệnh viện cách sân bay Nội Bài chỉ khoảng 9km rất thuận tiện cho việc đưa bệnh nhân nhiễm COVID-19 từ nước ngoài về đây điều trị mà không phải đi qua nội thành đông đúc như thời điểm dịch SARS 2003. Bệnh viện có hệ thống labo, trang thiết bị tự động hóa hiện đại, tốt nhất Đông Nam Á, có thể cách ly 3500 bệnh nhân, xử lý các mẫu bệnh phẩm trong thời gian ngắn và cho kết quả chính xác. Đội ngũ nhân sự ở đây hầu hết là tiến sĩ, được đào tạo chuyên về ngành truyền nhiễm, bệnh nhiệt đới.
Bộ môn Truyền nhiễm của Đại học Y Hà Nội, Hội Truyền nhiễm Việt Nam có phòng nghiên cứu tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, do đó chúng tôi phối hợp làm việc rất thuận tiện. Hiện tại Hội Truyền nhiễm có khoảng 35000 hội viên với các chi hội ở 28 tỉnh thành và sẵn sàng tham gia phòng chống dịch.
Những kết quả điều trị đáng tự hào!
Trung tâm Di sản:Trên thế giới đã có tới trên 456.000 ca tử vong do dịch bệnh nhưng cho tới nay Việt Nam chưa ghi nhận ca tử vong nào, là Chủ tịch Hội đồng Chuyên môn điều trị COVID-19, xin Giáo sư chia sẻ về những biện pháp điều trị cho các bệnh nhân hiệu quả?
GS Nguyễn Văn Kính:Ngay khi Việt Nam chưa có bệnh nhân nhiễm COVID-19, chúng tôi đã họp và đưa ra những phác đồ tạm thời đầu tiên để hướng dẫn cho các cơ sở y tế, nếu như có bệnh nhân thì có thể có tiếp cận, điều trị được ngay. Các bệnh nhân dương tính với COVID-19 chủ yếu được điều trị bằng thuốc, điều trị theo triệu chứng. Trường hợp bệnh nhân có bệnh lý nền: suy hô hấp, tổn thương phổi nặng… sẽ được thở máy, lọc máu, nếu nặng hơn thì can thiệp bằng hệ thống tuần hoàn oxy ngoài cơ thể (ECMO).
Khi dịch COVID-19 lan ra nhiều tỉnh thành, các đội cơ động tại bệnh viện tuyến đầu nhanh chóng được huy động, trực tiếp xuống địa phương hỗ trợ điều trị. Trung tâm quản lý, điều hành hỗ trợ chuyên môn hỗ trợ chẩn đoán, điều trị người bệnh COVID-19 được thành lập kịp thời, tập trung nhiều Giáo sư đầu ngành dồn sức lực, trí tuệ cứu chữa bệnh nhân. Chúng tôi làm việc online để hạn chế tình trạng lây lan qua tiếp xúc gần và có thể kết nối cán bộ chuyên môn của nhiều tỉnh thành một cách thuận lợi. Hàng ngày, hàng giờ chúng tôi cùng nhau thảo luận tìm ra phương án điều trị thích hợp cho các ca nặng và hướng dẫn chuyên môn từ việc nhỏ nhất đến các đơn vị y tế tuyến dưới. Phương châm 4 tại chỗ: “Chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ” được áp dụng linh hoạt, hiệu quả. Do đó, giai đoạn đầu, nước ta chỉ có 16 ca nhiễm, nhiều bệnh nhân ở ổ dịch Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) được chữa trị khỏi ngay tại đơn vị tuyến huyện. Những ca bệnh nặng được chuyển lên bệnh viện trung ương để chữa trị kịp thời.
Các y, bác sĩ làm việc online để hạn chế lây lan trong cộng đồng
Cho đến nay Việt Nam chưa có ca tử vong do COVID-19 nhưng đã có những ca bệnh nặng, rất nặng thậm chí có tiên lượng tử vong. Trong đại dịch vừa qua, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận 14 ca bệnh nặng trong đó có bệnh nhân số 19 – bác gái của bệnh nhân số 17. Bệnh nhân gầy yếu, có tiền sử rối loạn tiền đình nên diễn biễn bệnh phức tạp, vừa phải thở máy vừa sử dụng ECMO. Ngày 4-4-2020, bệnh nhân được cai ECMO dần, cứ ngỡ sẽ hồi phục nhanh nhưng sau 3 ngày cai ECMO thì có dấu hiệu rối loạn nhịp tim và sau đó ngừng tim. Chúng tôi đã tiến hành ép tim, thông thường sau 19 phút không thấy dấu hiệu phục hồi thì từ bỏ, nhưng lần này chúng tôi nỗ lực ép 40 phút và điều kỳ diệu xảy ra. Hai lần sau thấy có dấu hiệu ngừng tim, chúng tôi tiến hành sốc tim ngay. Hiện tại, chúng tôi vẫn thấy thật khó tin khi sau 3 lần ngừng tuần hoàn mà bệnh nhân đã hồi phục vượt cả sức tưởng tưởng và xuất viện cách đây 2 tuần.
Bệnh nhân nặng nhất là bệnh nhân số 91 – phi công người Anh, 43 tuổi. Sau 4 ngày nhập viện, bệnh nhân 91 suy hô hấp cấp nặng buộc phải thở máy nhưng không cải thiện được nên phải can thiệp ECMO. Điểm đặc biệt là tính đông (máu) của bệnh nhân rất cao khiến phổi đông cứng lại, rất khó hô hấp, chỉ 10% phổi có thể nở được nên khả năng tử vong rất cao. Nếu như bệnh nhân khác 3 ngày mới phải thay quả lọc máu thì bệnh nhân 91 phải thay liên tục, thậm chí nửa ngày đã phải thay. Do bệnh nhân kháng thuốc chống đông của Việt Nam nên chúng tôi phải nhập thuốc kháng đông nhân tạo đặc biệt từ nước ngoài. Đến ngày 22-5-2020, sau hơn 2 tháng điều trị, bệnh nhân được xác định âm tính với COVID-19 và chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) tiếp tục điều trị, ép phổi. Hội đồng chuyên môn và Tiểu ban Điều trị theo dõi rất sát tình trạng bệnh nhân và lên phương án điều trị thích hợp. Hiện tại, bệnh nhân đã cai máy thở, ECMO, tập đi lại, có thể ngồi xe lăn phơi nắng, trí nhớ và sức khỏe phục hồi, nhớ được mật khẩu điện thoại, khả năng được xuất viện trong 1-2 tuần tới. Đạt được kết quả trên là sự nỗ lực rất lớn, quyết tâm cao độ của cả đội ngũ y, bác sĩ và các bệnh nhân.
Làm việc với tinh thần “Không sợ chết” và “Chấp nhận kỳ thị”
Trung tâm Di sản:Trong hành trình “chống đại dịch Covid-19 như chống giặc”, chắc hẳn cuộc sống của Giáo sư và các y, bác sĩ tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương rất căng thẳng, bị xáo trộn nhiều?
GS Nguyễn Văn Kính:Khi đã bước vào cuộc chiến chống dịch, khoác trên mình chiếc áo blu trắng, chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ tối thượng và làm việc với tinh thần “Không sợ chết”. Nếu tâm lý của các y, bác sĩ không tốt, không vững thì làm sao chữa trị hiệu quả cho bệnh nhân. Sự xáo trộn lớn nhất với chúng tôi là phải cách ly gia đình, như anh Nguyễn Trung Cấp (Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) phải xa gia đình từ mùng 1 Tết Nguyên đán và 3 tháng sau mới được về nhà. Tôi còn nhớ, cách đây 17 năm khi tham gia chống dịch SARS, cả nhóm các y bác sĩ chỉ có duy nhất chiếc điện thoại cục gạch Ericson để liên lạc với gia đình. Chúng tôi phải xếp hàng thay nhau gọi điện, mỗi người được sử dụng mấy giây. Có người chỉ kịp nói: “A lô, vẫn còn sống, chưa chết nhé!” mà gia đình đã mừng lắm rồi.Còn thời dịch COVID-19, ai cũng có điện thoại thông minh, kết nối dễ dàng qua các ứng dụng mạng xã hội có tính năng videocall. Đàn ông chúng tôi thì đỡ hơn còn các chị em bình thường vẫn quán xuyến công việc gia đình nay phải xa con xa chồng nên rất lo lắng, nhớ nhà. Có cặp vợ chồng làm cùng bệnh viện, chỉ cách nhau 1 tầng nhưng cũng không được gặp, khi nào nhớ quá thì ghé đầu qua ban công, cười với nhau một cái.
GS.TS Nguyễn Văn Kính – Chủ tịch Hội đồng chuyên môn điều trị COVID-19
Xa gia đình, đồng nghiệp chúng tôi dựa vào nhau mà chiến đấu. Trong bữa cơm vội, mỗi người đứng một góc cách nhau 2m, tranh thủ trò chuyện, trao đổi công việc. Đeo khẩu trang N95 bí thở vô cùng, có nhiều hôm chúng tôi phải đeo cả ngày rất khó chịu. Chính trong hoàn cảnh khó khăn ấy, các y, bác sĩ nảy ra những ý tưởng sáng tạo như thiết kế tấm chắn giọt bắn, thêm ống dẫn oxi khi đeo khẩu trang chuyên dụng giúp tăng oxi và thoát hơi hiệu quả…
Dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt, vật chất, thu nhập của anh em. Hết thời gian cách ly, bác sĩ Phúc ở bệnh viện chúng tôi trở về phòng trọ và bị chủ nhà từ chối cho thuê vì sợ lây sang các phòng khác. Hay có anh em bị cách ly lâu ngày, thèm bát phở nhưng ra quán ăn thì chủ quán từ chối không bán… Người dân từ tâm lý sợ dịch bệnh dẫn đến kỳ thị các y, bác sĩ và gia đình họ nhưng chúng tôi chấp nhận… Bên cạnh sự kỳ thị, chúng tôi cũng nhận được sự quan tâm của nhiều tổ chức, cá nhân. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 phải tổ chức đội tiếp nhận tài trợ ở ngay sảnh tầng 1. Chúng tôi được tài trợ một số máy móc, thiết bị y tế, thực phẩm… Có kỷ niệm vui và cảm động là một công ty trong Đắk Lắk tài trợ cho bệnh viện nước uống trong khi họ còn thiếu nước sạch và chi phí vận chuyển ra đây còn nhiều hơn chi phí cho những thùng nước. Thế mới thấy hết tấm lòng của người dân.
Đồng thuận xã hội là yếu tố then chốt trong cuộc chiến chống Covid-19
Trung tâm Di sản:Theo Giáo sư, vì sao Việt Nam chống dịch COVID-19 thành công – điều mà nhiều quốc gia ghi nhận, ca ngợi ?
GS Nguyễn Văn Kính:Gần đây Ban chỉ đạo họp và thảo luận về những yếu tố giúp Việt Nam thành công trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19.
Thứ nhất, chúng ta có sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ đến các cấp chính quyền địa phương và quan trọng nhất là được nhân dân hưởng ứng, “toàn dân một ý chí”. Khi dịch có nguy cơ bùng phát mạnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu cao tinh thần “Chống dịch như chống giặc” và chủ trương nhân văn: Thà hy sinh quyền lợi kinh tế trong ngắn hạn để bảo đảm sức khỏe nhân dân. Việt Nam cũng là quốc gia đứng đầu với tỷ lệ người dân tin tưởng Chính phủ trong phòng chống dịch COVID-19. Liên hệ với các nước châu Âu, chẳng hạn như ở Mỹ, Brazil… việc tuân theo các yêu cầu chuyên môn, tối thiểu như việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng vẫn chưa được quán triệt. Có thể nói, đoàn kết xã hội là yếu tố then chốt, quyết định thắng lợi trong đại dịch.
Thứ hai,chúng ta đã rất tích cực, chủ động phòng chống dịch. Trước khi COVID-19 tấn công Việt Nam, chúng ta đã lên kế hoạch ứng phó với các tình huống có thể xảy ra và luôn phòng chống dịch ở cấp độ cao hơn thực tế một bậc.
Thứ ba, tận dụng và phát huy trí tuệ tập thể, kết hợp nhuần nhuyễn, ăn ý giữa các ban, ngành đặc biệt là Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài Chính. Việt Nam là một trong 4 quốc gia sớm nuôi cấy và phân lập thành công chủng mới của virus corona, tạo điều kiện cho việc xét nghiệm nhanh với số lượng lớn các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm. Bộ KIT test phát hiện COVID-19 của Việt Nam nay đã được xuất khẩu đến 20 quốc gia.
Bộ Y tế rất tích cực trong công tác giám sát các ca bệnh và trường hợp nghi nhiễm dưới sự hỗ trợ đắc lực từ Bộ Công an. Chỉ trong 2 ngày, Bộ Công an đã truy tìm được danh tính của 40.000 bệnh nhân đến Bệnh viện Bạch Mai khám chữa bệnh. Tất cả bệnh nhân được đưa đi xét nghiệm, chữa trị kịp thời, trường hợp nghi nhiễm được đưa vào khu cách ly, từ đối tượng F3 trở đi cho cách ly tại nhà nhưng vẫn được giám sát thận trọng. Tổng cục Hải quan, bộ đội biên phòng thường xuyên túc trực, ngăn chặn không cho dịch từ bên ngoài xâm nhập. Tức là chúng ta đã giám sát, cách ly nhóm nguy cơ một cách triệt để với tinh thần: khóa chặt bên ngoài; khoanh vùng, dập dịch bên trong; đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng hộ. Nhờ vậy, số lượng bệnh nhân không lớn và ta có đủ trang thiết bị, nhân lực chăm sóc chu đáo. Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các ban ngành hàng ngày gửi thông báo dịch bệnh, tin nhắn đến từng người dân; ngăn chặn các thông tin chưa chính xác…
Mặc dù hiện nay Việt Nam đã khống chế được dịch bệnh, người dân dần trở lại nhịp sống bình thường nhưng vẫn giữ tinh thần chống dịch trong hoàn cảnh “bình thường mới”, không được lơ là. Nhất là khi tình hình dịch COVID-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, hàng ngàn người Việt từ khắp nơi đang trở về nước, vẫn tiềm tàng nguy cơ dịch bùng phát trở lại.
Trung tâm Di sản:Xin cảm ơn Giáo sư về những chia sẻ rất chân thành, nhưng chan chứa tình yêu nghề, đầy bản lĩnh, tâm – tầm của người thầy thuốc. Kính chúc Giáo sư và các y, bác sĩ sức khỏe, hạnh phúc, có nhiều đóng góp hơn nữa cho khoa học, xã hội, vì sức khỏe cộng đồng!
Nguyễn Điệp
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam