Vĩnh biệt chuyên gia về thời kỳ quá độ – GS.TS Dương Phú Hiệp

Trung tâm bắt đầu làm việc với GS.TS Dương Phú Hiệp từ tháng 6-2015, khi sức khỏe của ông đã yếu do di chứng từ hai lần tai biến mang lại. Dù vậy, bằng tư duy logic của người làm nghiên cứu triết học cũng như trí nhớ tuyệt vời, mỗi buổi làm việc với ông, chúng tôi đều được nghe kể những câu chuyện thú vị về cuộc đời, con đường và tình yêu đưa ông đến với triết học. Như chính ông từng tâm sự: Triết học là tình yêu đối với sự thông thái. Vốn yêu quý sự thông thái, nên tôi thấy yêu triết học một cách tự nhiên như thế .

GS.TS Dương Phú Hiệp sinh năm 1938 ở xã Cao Minh, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc (nay thuộc thành phố Hà Nội). Năm 1960, ông may mắn cùng 14 người, trong đó có Đặng Xuân Kỳ, Lê Hữu Tầng, Nguyễn Trọng Chuẩn, Lại Văn Toàn, Nguyễn Hữu Vui… được cử sang Liên Xô học triết học ở trường ĐH Tổng hợp Lomonosov. Sau 4 năm học, ông về nước và đi vào nghiên cứu về thời kỳ quá độ . Thời điểm những năm 60, miền Bắc đang xây dựng chủ nghĩa xã hội nên việc làm sáng tỏ vấn đề thời kỳ quá độ để xây dựng đất nước là điều rất cần thiết. Đầu năm 1967, ông xuống tỉnh Thái Bình để khảo sát tình hình, phục vụ nghiên cứu vấn đề: Đấu tranh giữa hai con đường trong thời kỳ quá độ. Tháng 12-1968, ông tiếp tục thâm nhập thực tế ở nhà máy Cơ khí Duyên Hải, lá cờ đầu sản xuất ở miền Bắc: gió Đại Phong, sóng Duyên Hải. Phương châm mà ông thực hiện là ba cùng: cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với công nhân. Qua hai chuyến đi thực tế, ông thấy được cuộc sống, tinh thần lao động của mọi người trong tình hình đất nước đang có chiến tranh và hiểu hơn về con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đó là cơ sở để ông có bài viết: "Về sự quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam", tạp chí Triết học, số 3, 1976; "Những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác, Ăngghen, Lênin về chủ nghĩa xã hội và thời kỳ quá độ", Nxb. Sự thật, 1977…

GS.TS Dương Phú Hiệp

Đầu những năm 80, kinh tế tập trung bao cấp rơi vào khủng hoảng, Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh đã lập nhóm Nghiên cứu đổi mới để nghiên cứu lại con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. GS.TS Dương Phú Hiệp tham gia từ những ngày đầu và có nhiều ý kiến đối với vấn đề thời kỳ quá độ. Các cuộc họp của nhóm nghiên cứu thường diễn ra ở Văn phòng Quốc hội, số 35- Ngô Quyền, mọi người thường thảo luận cởi mở và thẳng thắn nhiều vấn đề về tình hình đất nước.

Sau Đại hội VI của Đảng năm 1986, GS.TS Dương Phú Hiệp tiếp tục được mời tham gia Tổ biên tập cương lĩnh cho Đại hội VII. Ông có nhiều công trình về thời kỳ quá độ như: Thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam: Một số vấn đề kinh tế – xã hội trong chặng đường đầu tiên, Nxb. Khoa học xã hội, 1987; Quan điểm của C.Mác, Ăngghen và Lênin về chủ nghĩa xã hội, về thời kỳ quá độ và khả năng quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội không trải qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Đề tài cấp Nhà nước, mã số KX.01.01, 1991-1995 (tham gia). Sau này, ông mở rộng nghiên cứu triết học gắn với văn hóa và con người Việt Nam như: Xây dựng con người và phát triển văn hóa Việt Nam trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế, đề tài cấp nhà nước, giai đoạn 2006-2010; Nghiên cứu văn hóa và con người Việt Nam hiện nay, Nxb. Chính trị quốc gia, 2010…

Gần 60 năm công tác, GS.TS Dương Phú Hiệp đã chủ trì hàng chục đề tài cấp Nhà nước và cấp Bộ, công bố hàng trăm bài viết và sách xoay quanh các vấn đề của triết học như: thời kỳ quá độ, văn hóa và con người… Những đóng góp của ông đã được Đảng và Nhà nước ta ghi nhận và trao tặng nhiều huân huy chương như: Huân chương Lao động hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Ba; Huy chương Vì sự nghiệp Khoa học và Công nghệ. Đặc biệt hơn là năm 2010 ông còn vinh dự được Phó thủ tướng Somsavat Lengsavad trao tặng Huân chương Tự do hạng Nhất, phần thưởng cao quý dành cho những cá nhân nước ngoài có đóng góp đặc biệt xuất sắc đối với Nhà nước Lào.

Dẫu biết cuộc đời sinh ly tử biệt nhưng nghe tin GS.TS Dương Phú Hiệp qua đời vẫn khiến chúng tôi ngậm ngùi thương xót. Xin thắp một nén tâm nhang nhỏ kính viếng hương hồn ông. Xin kính cẩn nghiêng mình tiễn biệt ông, mong ông an nghỉ nơi vĩnh hằng!

Ngô Văn Hiển