Gắn bó với Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam ngay từ những ngày đầu thành lập, GS Vũ Thị Phan và gia đình đã rất ủng hộ hoạt động của Trung tâm, sự ra đi của bà đã để lại sự tiếc thương sâu sắc cho tập thể lãnh đạo và cán bộ Trung tâm.
GS Vũ Thị Phan sinh ngày 18–5–1931, tại huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước. Trong những buổi làm việc với cán bộ Trung tâm, Giáo sư Vũ Thị Phan đã từng chia sẻ: một trong những lý do đưa bà đến với những nghiên cứu về sốt rét, đó là thời kỳ gia đình bà hoạt động cách mạng ở Tiền Hải, Thái Bình cũng là lúc căn bệnh sốt rét hoành hành tại đây. Cả cha và mẹ đều bị sốt rét, sau đó bà cũng bị lây bệnh. Ký ức về thời khắc khó khăn ấy đã tạo cho bà động lực, sự quyết tâm đi sâu vào nghiên cứu phòng chữa bệnh sốt rét, vì sức khỏe cộng đồng.
GS Vũ Thị Phan trong buổi phỏng vấn, ghi hình của Trung tâm Di sản, ngày 22-2-2013
Trong quá trình công tác, GS Vũ Thị Phan đã biên soạn 9 cuốn sách, gần 100 bài báo về sốt rét, phòng chống sốt rét – ký sinh trùng và các biện pháp khắc phục, được công bố trong và ngoài nước. Đề tài nghiên cứu thuốc Artemisimine điều trị sốt rét chiết xuất từ cây Thanh hao hoa vàng là một công trình tiêu biểu trong cuộc đời làm khoa học của bà, bên cạnh đó bà đã hướng dẫn 27 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.
Với những đóng góp, cống hiến cho khoa học, GS Vũ Thị Phan đã được Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, hạng Ba; Huy chương Chiến sĩ Điện Biên; Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ; Huy chương Vì sức khỏe cộng đồng… Năm 2010, bà đã vinh dự nhận giải thưởng khoa học cao quý dành cho các nhà khoa học nữ – Giải thưởng Kovalepxkaia.
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến toàn thể gia đình và những người thân của Giáo sư Vũ Thị Phan.
Tâm Loan