Vở ghi chép của PGS.TS Phạm Tú Châu

PGS.TS Phạm Tú Châu (1935-2017, quê Nam Định), là nhà khoa học chuyên ngành Văn học. Bà nguyên là cán bộ nghiên cứu, dịch giả, Phó ban Văn học cổ – cận đại, Viện Văn học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam). Bà được phong học hàm Phó giáo sư năm 1991.

Năm 1965, đối phó với cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ, miền Bắc nước ta phải chuyển mọi hoạt động cho phù hợp với hoàn cảnh mới, thực hiện toàn dân tham gia chiến đấu, tổ chức đào đắp công sự và hầm hào tránh bom đạn, tiến hành sơ tán ra khỏi những vùng trọng điểm, những nơi đông dân cư… Viện Văn học sơ tán lên Hà Bắc.

GS Đặng Thai Mai  chủ trương dạy chữ Hán nhằm nâng cao khả năng nghiên cứu của các cán bộ trong Viện Văn học. Bởi văn học Việt Nam có một giai đoạn rất dài và rất rực rỡ được viết bằng chữ Hán, nếu các cán bộ không đọc được chữ Hán thì sẽ không thể nghiên cứu được mảng văn học quan trọng này. Trong khi đó, các chuyên gia đã lớn tuổi, dần dần ra đi, hoặc sức khỏe yếu không nghiên cứu được. Vì vậy, Viện trưởng Đặng Thai Mai quyết tâm mở lớp chữ Hán và được Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho phép.

Tháng 9-1965, lớp đại học Hán học khai giảng tại nơi sơ tán ở Hà Bắc, Phạm Tú Châu cũng là một trong số cán bộ của Viện được tham gia lớp học, cùng với Huệ Chi, Trần Nghĩa… Do cán bộ trong cơ quan tương đối ít nên lớp còn chiêu sinh thêm một số người ở cơ quan khác như Trần Thị Băng Thanh  (bấy giờ công tác ở tổ Thuật ngữ khoa học, thuộc Ủy ban Khoa học nhà nước)… Có cả một số học viên dự thính như Nguyễn Văn Hoàn, Đặng Thanh Lê, Nguyễn Ngọc Nhuận… Các cán bộ đi học bị trừ 5% tiền lương hàng tháng.

Lớp Hán học ấy do GS Đặng Thai Mai làm chủ nhiệm, nhưng có vai trò tương tự như hiệu trưởng ở trường đại học. Về sau, trong văn bằng cấp cho các học viên tốt nghiệp, ông trực tiếp ký tên với danh nghĩa là Hiệu trưởng trường Đại học Hán văn. Đây là một điều hy hữu: trường đại học mà chỉ có một lớp, chủ nhiệm lớp và hiệu trưởng là một. Tuy vậy, trực tiếp phụ trách lớp là cụ Cao Xuân Huy  – chủ nhiệm lớp trên thực tế, còn hai ông Nguyễn Văn Hoàn  và Hoàng Trinh  là phó chủ nhiệm, ông Trần Nghĩa  là giáo vụ, ông Kiều Thu Hoạch  phụ trách về mặt tổ chức, ông Đỗ Văn Hỷ  đảm nhiệm về giáo trình cho lớp. Các thầy đều là những nhà sư phạm đã thành danh như Phạm Thiều , Đặng Thai Mai, Cao Xuân Huy, Nguyễn Đức Vân, Đào Phương Bình, Nam Trân, Phạm Phú Tiết , Nguyễn Sĩ Lâm…

Bà Phạm Tú Châu đã có vốn tiếng Trung hiện đại, nhưng chữ Hán hoàn toàn khác về nghĩa và ngữ pháp, nên tiếng Trung chỉ phụ giúp một phần nào đó trong việc viết chữ. Với PGS Tú Châu, muốn hiểu được những vấn đề về triết học cần phải có thời gian nghiên cứu, thậm chí hàng chục năm sau. Cụ Cao Xuân Huy giảng Luận ngữ, Khổng Tử, Mạnh Tử, bà có thể hiểu được bởi đó là những lý thuyết về giáo dục. Nhưng về triết học như Lão Tử, Lão Trang, Kinh dịch thì rất khó, phải nghiên cứu cả đời. Kiến thức về Kinh dịch rất sâu mà thầy giảng lại ngắn gọn, có khi phải dành cả đời nghiên cứu mới hiểu được một phần. Các bài giảng của GS Đặng Thai Mai càng khó hiểu. Cụ dạy lịch sử văn hóa Trung Quốc, có khi cụ đang giảng vấn đề này lại mở ngoặc sang vấn đề khác, Phạm Tú Châu chưa kịp hiểu, sau đó lại trở lại đoạn chính, nên khó tiếp thu, và chỉ nhớ được cách giảng. Cụ Nguyễn Đức Vân dạy Kinh thư, nhưng do cụ nói tiếng Nghệ An đặc biệt khó nghe nên bà không nghe được nhiều.

Người thầy để lại ấn tượng sâu đậm trong Phạm Tú Châu là nhà thơ Nam Trân. Cụ dạy các bài thơ có thể nói là hay nhất của các thời từ Hán đến Đường. Nhưng đáng tiếc là nhà thơ Nam Trân lại mất sớm, khi cụ tròn 60 tuổi – năm 1967.

Ban đầu các thầy chủ yếu dạy văn học Trung Quốc, sau đó mới dạy một số tác phẩm văn học cổ Việt Nam. Theo PGS Phạm Tú Châu thì các thầy truyền cho học viên biết có nền văn hóa nước láng giếng lớn như thế, cũng làm cho học viên yêu thích nền văn học ấy như các cụ ngày xưa. Và muốn hiểu văn học Việt Nam, phải biết và hiểu văn học Trung Quốc, biết văn học Trung Quốc càng sâu thì hiểu văn học Việt Nam càng sâu. Bởi xưa kia chương trình học đều tham khảo từ Trung Quốc, các cụ sáng tác đều mượn câu chữ và điển tích của Trung Quốc. Mặt khác, văn hóa Trung Quốc là văn hóa có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến các nước lân cận như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam… Ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ và Thái Lan rất ít. Nhờ theo học lớp Hán học, bà Phạm Tú Châu trang bị được vốn kiến thức Hán học, giúp ích cho công tác dịch thuật sau này và có thể dùng được tài liệu chữ Hán. Tuy nhiên, do bà mới sinh con, một mình chăm con nên bà không có nhiều thời gian đầu tư cho việc học, chưa thể có thành tựu trong thời gian này. Chủ yếu bà cố gắng ghi chép thật đầy đủ, cẩn thận mỗi khi lên lớp.

Cuối năm 1968, Mỹ tạm dừng ném bom miền Bắc, cũng là khi lớp đại học Hán học kết thúc. Vốn chữ Hán sau khi học lớp đại học Hán học đã được nâng cao, nhưng chưa đủ đề bà dịch được các tác phẩm văn học cổ. Bà cho rằng: Tất cả những kiến thức đó, có thể coi như các cụ cấp cho học viên cái vốn, còn làm như thế nào, có phát huy được hay không là do bản thân mỗi người, có yêu thích, có đam mê hay không.

Bà Phạm Tú Châu theo cơ quan về Hà Nội, hành lý của bà còn có thêm những cuốn vở ghi chép thời gian học lớp đại học Hán học. Những cuốn vở ấy được coi như là nguồn tài liệu tham khảo và học tập quý giá của bà sau này.

Sau khi PGS.TS Phạm Tú Châu qua đời, ngày 13-8-2018, gia đình đã tặng Trung tâm cuốn vở ghi chép các bài giảng thơ, văn vần của bà từ ngày 12-3-1968 đến 18-9-1968. Theo PGS Trần Thị Băng Thanh thì năm 1968, do sắp kết thúc khóa học chương trình học có sự nhảy cóc. Do vậy, trong cuốn vở này, bà Phạm Tú Châu ghi chép các bài giảng từ thơ Tống: Lục du, Phạm Thành Đại, Từ…, Hý kịch đến các tác giả thơ cổ Việt Nam: Đặng Dung, Phạm Quý Thích… Các bài giảng này do cụ Phạm Phú Tiết và một số thầy khác (PGS Băng Thanh không nhớ là ai) dạy.