Vợ GS Tùng – mẹ BS Bách…

Khách quen của nghĩa trang Mai Dịch

Cứ cách một tuần, bà Hồ lại đi đến nghĩa trang Mai Dịch để thăm mộ GS Tôn Thất Tùng và sau này, có thêm cả GS Tôn Thất Bách. Thói quen đó đã bắt đầu từ năm 1982 khi ông Tùng mất và không hề thay đổi dù đã từ lâu, bà Hồ bị chứng đau khớp hành hạ. Bà kể: “Hồi trước còn đi xe đạp, đường hoang vu, trời rét, nghĩa trang vắng tanh, chẳng có ai khác ngoài bà. Giờ thì bà đi thăm ông ấy và chú Bách bằng taxi”. 

Cứ cách một tuần, bà Vi Thị Nguyệt Hồ lại đến nghĩa trang Mai Dịch

thăm mộ GS Tôn Thất Tùng.

Cô Tôn Nữ Ngọc Trân (con gái cả của bà Hồ) cho biết, nghĩa trang Mai Dịch cũng là điểm xuất hành sáng mồng Một Tết của bà. Tuy nhiên, hai năm gần đây bà không đi được vì taxi không hoạt động dịp Tết. “Con cháu cũng đề nghị đưa bà đi nhưng bà không đồng ý vì không muốn làm phiền con cháu”.

Bà Vi Thị Nguyệt Hồ kết hôn với GS Tôn Thất Tùng năm 1944, khi mới 15 tuổi. Khi chúng tôi muốn hỏi về “thiên tình sử” với người đàn ông hơn mình 20 tuổi, bà chỉ cười nhẹ: “Đó là duyên số. Nếu ở thời này thì bà và ông đã phạm luật rồi”. Sau khi đi kháng chiến về, cả hai vợ chồng bà Hồ cùng làm việc trong Bệnh viện Việt Đức.

Ngày ông Tùng mất, hai ngày liền, bà ngồi bên cạnh thi hài ông, vừa khóc vừa bóp đầu cho ông như thể ông vẫn đang còn sống. Bà còn cắt một món tóc của ông, để vào hộp cùng với một tấm ảnh. Tôn Hiếu Anh (con trai GS Tôn Thất Bách) cho biết: “Chiếc hộp đó bà tôi vẫn để ở đầu giường từ hồi đó tới nay”.

Thời gian bà suy sụp nhất lại chính là sau cái chết của GS Tôn Thất Bách. Bà giam mình trong phòng, dùng rất nhiều thuốc an thần và ngủ mê mệt cả ngày trong nước mắt. Vẫn không than vãn, vẫn không để ai phải phiền vì mình. Sau 3 tháng, bà tự gượng dậy và tiếp tục sống.

Hiếu Anh kể: “Tết năm đầu tiên sau khi bố tôi mất, bà được biếu rất nhiều quà. Trưa 30 Tết, bà gói tất cả lại và bảo tôi đi cùng bà. Lúc đó, tôi thật sự không biết bà định mang quà đi đâu. Hóa ra bà mang đến Bệnh viện Việt Đức cho các cô chú y tá, bác sĩ ở phòng khám, phòng gây mê… Bà bảo với tôi rằng, Tết mà các cô chú vẫn không được về nhà”.

Người nhà của Bệnh viện Việt Đức

Bà Hồ làm việc ở Bệnh viện Việt Đức đến tận quá tuổi về hưu, một phần vì thời điểm đó, bệnh viện thiếu y tá, đặc biệt là những y tá có nghề. Phần khác, bản thân bà cũng đã quá gắn bó với bệnh viện.

Nhiều người nhận xét, có thể, quãng thời gian đi kháng chiến 9 năm đã khiến bà Hồ, từ một tiểu thư gia đình “danh gia vọng tộc” (bà Hồ là cháu nội của Tổng đốc thành Thái Bình Vi Văn Định) dễ dàng hòa nhập với những người bình thường. Song cũng nhiều người nghĩ rằng, bà như thế vì tính cách bà là vậy.

GS Tôn Thất Tùng và vợ trong chuyến thăm CHDC Đức

Vì thế, lúc đi ngoại giao cùng chồng, một ông Giám đốc bệnh viện, Thứ trưởng Bộ Y tế, bà Hồ đường đường là một mệnh phụ phu nhân, sang trọng, quý phái, nói tiếng Pháp như gió. Còn khi trở về bệnh viện, bà lại là một y tá bình thường của Phòng gây mê, yêu thương, đối xử với mọi người hết sức bình đẳng.

Một y tá của bệnh viện kể lại, ngày xưa bà Hồ đã tặng cô một chiếc nồi hầm, chỉ vì, một lần vô tình cô nhắc tới chuyện mình thiếu một chiếc nồi hầm nhưng vẫn chưa mua được. Món quà nhỏ nhưng ấn tượng tới mức, khi cô Tâm trở lại làm ở Bệnh viện Việt Đức, cô y tá đó vẫn nhắc lại chuyện cũ “ngày xưa mẹ cháu đã tặng cô một chiếc nồi hầm”.

“Hồi đó, bệnh viện còn nghèo nhưng vẫn tổ chức một lớp dạy vũ quốc tế. Bà Hồ tham gia rất nhiệt tình, cùng nhảy với các y tá khác” – Bà Lan, y tá của Bệnh viện Việt Đức, sau này là thư ký riêng của GS Tôn Thất Tùng kể lại.

“Thầy Tùng (hồi đó cả Bệnh viện Việt Đức gọi GS Tôn Thất Tùng là Thầy – PV) rất hay cáu, đặc biệt là khi mổ. Nếu có bà Hồ ở đấy, chắc chắn Thầy sẽ “dịu lại” nhanh hơn”.

Bà Hồ cũng luôn là người làm dịu cơn giận của ông Tùng, khi ông bị lạc mất những vật dụng nhỏ như tập giấy vẽ, cục tẩy… ở nhà. Cô Tâm, con gái bà,  kể lại: “Mẹ dễ dàng tìm thấy những thứ đồ bị mất, cho dù ngay trước đó, bố con tôi sục sạo khắp nhà mà cũng không tìm ra. Lúc đó, tôi ngạc nhiên và thắc mắc lắm. Sau này, khi có gia đình, tôi hiểu ra rằng, mẹ luôn tìm được nơi bố để quên đồ vì bà rất hiểu bố tôi”.

Cụ bà 80 tuổi “mê” show teen

Nhà GS Tôn Thất Tùng không có thói quen mời tất cả mọi người trước bữa ăn, đây là điểm khác biệt so với những gia đình Việt Nam truyền thống khác. Bà Hồ đã tạo ra “cải cách” này. Bà bảo, ngày còn nhỏ, sống cùng rất nhiều họ hàng, trước bữa cơm bà phải mời hết lượt mọi người rất “khổ”. Vậy tại sao bà đã thấy khổ lại còn bắt con cháu làm?

Gia đình GS Tôn Thất Tùng chụp chung với những người bạn

Bà cũng dạy con cái tự lập từ rất sớm, 4-5 tuổi là đã phải tự chăm sóc bản thân, tắm rửa, tự học bài, đứa lớn phải chịu trách nhiệm về đứa nhỏ. “Nếu có bất cứ chuyện gì xảy ra, đứa con lớn tuổi phải đứng lên chịu trách nhiệm đầu tiên.

Bản thân mẹ tôi cũng là một tấm gương về tính tự lập. Dù đã 80 tuổi, mẹ tôi vẫn cố gắng tự chăm sóc bản thân, không phải phiền tới con cháu. Bà tự đi siêu thị mua đồ lặt vặt, tự giặt những quần áo nhẹ, tự rửa chén bát bà dùng…” – Cô Trân nói.

Ngoài thói quen đọc sách báo hàng ngày, không tuần nào, bà Hồ bỏ qua chương trình “Chai thủy tinh” (một show dành cho tuổi teen của VTV6 – PV). Không ai trong nhà có thể xem được chương trình đó vì nó “trẻ con” quá, vậy mà, bà vẫn ngồi xem hết từ đầu đến cuối. Bà bảo, vì đó là chương trình của Hiếu Anh làm. Chính anh chàng này cũng tâm sự: “Thực ra là bà thích xem nhất là những dòng chữ chạy tên những người tham gia thực hiện chương trình. Ở đó có tên tôi và bà biết, tôi vẫn đang làm một công việc ổn định”.

Bà tôi chẳng nói nặng với ai bao giờ nhưng bà luôn đặt mình vào vị trí của người khác để hiểu họ. Chính vì thế, bà được tất cả các con cháu nhất nhất nghe lời. Thậm chí, những đứa chắt, chỉ một vài tuổi, mỗi khi bà nhắc nhở là thôi ngay chuyện mè nheo, làm nũng…”…

Mỗi lần đi viếng mộ, bà Hồ đều mang hoa tươi và hương. Bà lặng lẽ thắp hương, rồi ngồi cạnh mộ cho tới khi hương tàn. Đôi bàn tay bà vỗ vỗ vào phiến đá từng ngôi mộ và bà thì thầm: Bà đến đây. Có lẽ, đó là lúc bà cảm thấy gần hai người đàn ông của đời mình nhiều nhất…

Với người viết bài này, bà Hồ cũng là một trong ít ỏi của những người Hà Nội “Muôn năm không cũ”.

Hoàng Hạnh

Nguồn: bee.net.vn/channel/1988/2009/07/1712846/