Vở rèn kỹ năng vẽ nhanh của GS.TS Trần Bá Hoành

GS.TS Trần Bá Hoành, sinh ngày 24-12-1931 tại Thanh Hóa. Ông nguyên là Tổ trưởng Bộ môn Phương pháp dạy học, Khoa Sinh trường Đại học Sư Phạm Hà Nội.

Năm 1960 sau khi tốt nghiệp Đại học Sư Phạm, GS Trần Bá Hoành được giữ lại trường làm giảng viên. Bên cạnh nhiệm vụ chính là giảng dạy, ông còn được phân công làm việc ở Bộ Giáo dục và Đào tạo (1960- 1980). Lúc này các cán bộ còn ít nên ông có tham gia nghiên cứu cho Bộ. Trong thời gian này, ông viết nhiều sách, bài nghiên cứu cho sinh viên và giáo viên. Ngoài ra ông còn phục vụ cho ngành về việc đào tạo và bồi dưỡng các thế hệ giáo viên.

Là người luôn đề cao tính tự học, nên ông không ngừng học tập và nghiên cứu. Không chỉ học cho mình, mà GS Hoành còn đúc rút những kinh nghiệm, kiến thức học được cho bạn bè, sinh viên. "Tôi phải nhờ người ra Hà Nội mua sách học tiếng Nga qua tiếng Anh, lúc bấy giờ tôi phải dịch phần ngữ pháp từ tiếng Anh sang tiếng Việt để cho các bạn ở trong trường có tài liệu học"- ông kể.

Năm 1970 khi công tác ở Bộ môn Phương pháp dạy học, Khoa Sinh Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ngoài việc truyền đạt những kiến thức, ông còn đưa ra những kinh nghiệm và "mẹo vặt" mà mình đã đúc rút được cho sinh viên. Môn Sinh học là môn có liên quan nhiều đến vẽ hình minh họa. Những bức hình đó đòi hỏi phải vẽ rất nhanh, chi tiết và sinh động, tuy nhiên trong những kỳ thi sinh viên còn rất kém về điều này. Với mong muốn truyền nghề để những sinh viên, đồng nghiệp có một nghiệp vụ tốt trong giảng dạy, GS Hoành đã soạn ra một quyển tập vẽ với những bước rất bài bản. Qua nhiều năm công tác ông đã tự rút ra cho mình cách vẽ:Ban đầu phải biết được đặc điểm con vật mình định vẽ như thế nào, tiếp theo là xác định khung hình học cơ bản: hình tròn, hình elip, hình tam giác, hình vuông, hình chữ nhật, hình thang…., sau đó vẽ đường xung quanh của khung và thêm những chi tiết nhỏ. Dưới bàn tay của ông những con vật: chim, hươu, voi, cá, heo… trong quyển tập vẽ rất dễ vẽ và sinh động. Về điều này ông nói: Tôi chỉ muốn trang bị thêm những kiến thức cho sinh viên chứ trong chương trình dạy học không có môn học này và cũng chưa ai có phương pháp vẽ này.

Đáp lại sự nhiệt huyết, hết lòng của ông những sinh viên rất hào hứng học tập và rèn luyện trong giờ thực hành nghiệp vụ. Những sinh viên ban đầu học thì vẽ theo khung nhưng sau này khi đã quen thì họ cứ thế phác thảo và vẽ luôn.

Kết quả trong những Hội thi kỹ năng nghiệp vụ hàng năm vào tháng 11 do Bộ môn Phương pháp dạy học tổ chức, sinh viên đã có dịp trổ tài và thể hiện những gì đã được học. Trong Hội thi này sinh viên đã thi những kỹ năng: giảng vào đề, chuyển ý từ đoạn này sang đoạn kia, đưa ra những câu hỏi để củng cố bài học và trong đó có kỹ năng vẽ ảnh phóng to. Một trong những người học trò đã từng được tiếp thu tốt phương pháp học đó của ông là sinh viên Đinh Quang Báo, sau này là Chủ nhiệm khoa, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

                                                                                                

Những hình vẽ trong "Vở rèn kỹ năng vẽ nhanh"

Ông tâm sự: Tất cả những đề tài, công trình, bài viết nghiên cứu hay những quyển sách xuất bản không ý nghĩa bằng việc đã đào tạo được bao nhiêu thế hệ sinh viên. Sinh viên chính là tài sản vô giá của tôi.

Các hình trong "Vở rèn kỹ năng vẽ nhanh" đều được vẽ bằng bút chì. Bìa ngoài màu nâu, cứng, các trang bên trong được vẽ trên giấy trắng không dòng kẻ. Trải qua hơn 30 năm nên vở đã cũ, ố, quăn góc, rách góc và lề, nhưng vẫn còn rõ nét.

Nguyễn Thị Phương Thúy