“Vua” huy động máu cứu người

 Là sinh viên xuất sắc của Trường đại học Y Hà Nội, ra trường được phân công về công tác tại Khoa Huyết học – Truyền máu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô. Khi đó anh được giao nhiệm vụ vừa làm công tác labo, vừa thực hiện điều trị, tiếp xúc với công việc và môi trường làm việc thực tế, Nguyễn Anh Trí đã nhanh chóng làm quen, áp dụng những kiến thức đã được học và vận dụng sáng tạo tiến bộ khoa học kỹ thuật vào công việc; đặc biệt là việc chẩn đoán và phác đồ điều trị bệnh máu, qua đó trình độ chuyên môn ngày một nâng lên, được lãnh đạo và đồng nghiệp quý mến, tín nhiệm bổ nhiệm giữ chức vụ Phó khoa, rồi Trưởng khoa.

 GS.TS. Nguyễn Anh Trí.

Ngay khi về Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương công tác, giữ vai trò Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng, GS.TS. Nguyễn Anh Trí đã chủ động cùng tập thể cán bộ, công nhân viên cơ quan bàn bạc, thống nhất và tổ chức thực hiện nhiều chương trình, điển hình là phát động các phong trào hiến máu tình nguyện, như: Mỗi giọt máu, một tấm lòng, Cuộc đi bộ vì phong trào hiến máu tình nguyện, Ngày chủ nhật đỏ,… nhằm huy động máu cứu người. Thông qua các phong trào trên, hằng năm số lượng và chất lượng máu huy động ngày một tăng, năm 2003 huy động được 30.000 đơn vị máu, đến năm 2010 huy động 120.000 đơn vị máu, với số lượng máu đó đã đảm bảo cung cấp cho khoảng 70 bệnh viện ở Hà Nội và các tỉnh lân cận, đồng thời không để xảy ra sự cố trong việc truyền máu. Đặc biệt, Viện đã tổ chức được một lượng người hiến máu dự bị và câu lạc bộ những người có nhóm máu hiếm để phục vụ người bệnh khi cần thiết.

Một trong những hoạt động mang tính đột phá do GS.TS.Nguyễn Anh Trí phát động, chỉ đạo thực hiện đã làm thay đổi nhận thức của đông đảo quần chúng nhân dân, cán bộ, công chức và đoàn viên thanh niên về quan niệm hiến máu cứu người – một nghĩa cử cao đẹp, đó là phát động và tổ chức thành công Lễ hội xuân hồng. Nắm bắt được tình trạng thiếu máu trong cả nước nói chung, nhất là thời điểm sau Tết Nguyên đán, số ca bị tai nạn giao thông, cháy nổ xảy ra nhiều, lượng bệnh nhân tăng đột biến ở các bệnh viện đã làm cho việc thiếu máu lại càng thêm trầm trọng. Trong khi đó, lượng người hiến máu đầu năm lại ít, do tâm lý đầu năm mới của người Việt Nam là hiến máu sẽ bị “xui xẻo” cả năm. Đứng trước thực tế trên, cuối năm 2007, Viện đã đề xuất và được lãnh đạo Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo hiến máu nhân đạo quốc gia đồng ý cho tổ chức lễ hội hiến máu tình nguyện vào ngay sau Tết Nguyên đán năm 2008, đó là Lễ hội xuân hồng.

Một trong những hoạt động để mang lại hiệu quả của việc huy động máu cứu người được GS.TS. Nguyễn Anh Trí coi trọng đó là công tác tuyên truyền, vận động mọi người tích cực tham gia các phong trào hiến máu. Thông qua hoạt động này đã vận động được hàng trăm ngàn lượt người đến hiến máu tình nguyện, không chỉ người dân Hà Nội mà đông đảo nhân dân các tỉnh, thành khác trong cả nước cũng hăng hái hưởng ứng. Nếu như năm 2008 tại Lễ hội xuân hồng có 4.311 người hiến máu thu được 2.610 đơn vị máu, thì đến năm 2011 có 12.050 người hiến máu thu được 5.636 đơn vị máu. Nhờ tiếp nhận được hàng ngàn đơn vị máu trong các kỳ Lễ hội xuân hồng mà hàng chục ngàn bệnh nhân, nhất là bệnh nhân cấp cứu đã được cứu sống kịp thời và cơ bản giải quyết tình trạng thiếu máu sau Tết Nguyên đán. Đến nayLễ hội xuân hồng được coi là một trong những hoạt động quan trọng, có ý nghĩa to lớn, đã lan tỏa trên khắp cả nước, trở thành lễ hội được tổ chức thường niên mỗi dịp xuân về. Hoạt động này đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và bạn bè quốc tế đánh giá cao về tính sáng tạo, phương pháp tổ chức, mang lại hiệu quả cao và nhất là mang đậm tính nhân văn. GS.TS. Nguyễn Anh Trí cho biết: Máu hiến sẽ được sử dụng cho những người cần máu, đó là những bệnh nhân bị chấn thương chảy máu, bị mổ xẻ, băng huyết, ung thư máu, thiếu máu huyết tán…

Thành công, hiệu quả của Lễ hội xuân hồng đã mang lại cuộc sống cho người bệnh khi được tiếp máu kịp thời, đồng thời mang đến “thương hiệu” cho tập thể cán bộ Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương nói chung và GS.TS. Nguyễn Anh Trí nói riêng. Kết quả đó không những đem lại cuộc sống mới, niềm tin của người bệnh và người dân mà còn góp phần vào việc giáo dục truyền thống văn hóa, nhận thức của cộng đồng về sự cần thiết phải tham gia hiến máu nhân đạo cứu người, thể hiện tinh thần tương thân, tương ái của người Việt Nam. Bác sĩ Trí cho biết thêm: Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương có kế hoạch trong những năm tới sẽ tổ chức những ngày hiến máu lớn trong dịp hè ở các tỉnh phía Bắc, thậm chí ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa, nếu có thể vận chuyển bằng các phương tiện hiện đại và máy bay để tiếp nhận và phục vụ máu kịp thời cho người bệnh.

Không những lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ, bản thân GS.TS. Trí còn tích cực tham gia công tác nghiên cứu khoa học. Giáo sư đã chủ trì hơn 155 công trình khoa học, trong đó thực hiện thành công 5 đề án cấp Bộ, 3 đề tài cấp Nhà nước, tất cả các công trình khoa học do Giáo sư chủ trì, thực hiện đều tập trung vào lĩnh vực chuyên môn, trực tiếp là việc áp dụng nhiều phác đồ chẩn đoán và điều trị tiên tiến ngang tầm quốc tế đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng thuộc lĩnh vực chẩn đoán, điều trị bệnh máu ở Việt Nam.

 Nhiều người dân tích cực tham gia hiến máu nhân đạo.

Hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” theo tinh thần Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị, nêu cao lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu”, bản thân GS.TS. Nguyễn Anh Trí và các đồng nghiệp trong Viện không ngừng nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với công việc, lấy hiệu quả, chất lượng lên trên hết. Ông quan niệm coi sức khỏe, niềm vui của người bệnh làm niềm vui của mình, như thế mới xứng đáng với những lời dạy của Bác Hồ về y đức, với truyền thống vẻ vang của Viện nói riêng, của ngành, xứng đáng với vẻ đẹp trong sáng của chiếc áo blouse mà những thầy thuốc của Viện hằng ngày khoác lên mình.

Là một cán bộ, đảng viên trong ngành y tế, được giao nhiệm vụ phụ trách đơn vị, bản thân GS.TS. Nguyễn Anh Trí xác định phải tận tâm tận lực phục vụ nhân dân, nhất là công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ:Người thầy thuốc giỏi phải là người mẹ hiền, Lương y phải như từ mẫu, Việc gì có lợi cho dân thì làm, việc gì có hại cho dân thì tránh, ông và tập thể cán bộ, đảng viên của Viện thường xuyên tu dưỡng rèn luyện đạo đức, đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực; luôn bám sát và thực hiện nghiêm các quy chế chuyên môn, thực hiện tốt 12 điều y đức đối với người làm công tác y tế. GS.TS.Nguyễn Anh Trí luôn tâm đắc lời dạy của Bác, chăm sóc sức khỏe cho mọi người là nghề cao quý, phải có tinh thần trách nhiệm cao, hết lòng yêu nghề, luôn rèn luyện nâng cao phẩm chất của thầy thuốc, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xã hội và nghĩa vụ công dân của người thầy thuốc. Bản thân ông cùng với tập thể cán bộ, công nhân viên chức của Viện không quản ngại khó khăn, ngày đêm tận tâm, tận lực với người bệnh và công việc.

Với GS.TS. Nguyễn Anh Trí, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ là việc làm thường xuyên, liên tục, từ những việc làm cụ thể, hằng ngày để cứu chữa người bệnh bằng cả tấm lòng và nhiệt huyết với nghề mà mình đã chọn. Xin kết thúc bài viết bằng lời tâm sự, mong muốn của ông: Người bệnh đang rất cần máu, xin tất cả mọi người hãy hành động và cứu sống họ bằng tình cảm, trách nhiệm và máu của chính mình.

Thành Huy

Nguồn: baomoi.com/Home/ThoiSu/suckhoedoisong.vn/Vua-huy-dong-mau-cuu-nguoi/7597459.epi