Trên những chặng đường phát triển, có lúc khúc khuỷu, gập ghềnh, trong những thành tựu đáng ghi nhận của VUSTA mãi in đậm dấu ấn của GS.TS Hà Học Trạc.
Ngày 26.3.1983, tại khách sạn Bờ Hồ, Thủ đô Hà Nội, đã diễn ra Đại hội lần thứ Nhất Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA). GS.TS Hà Học Trạc đã được các đại biểu tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành Trung ương VUSTA và được phân công làm Trưởng ban Kiến thức và Ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất và đời sống.
Nỗ lực từ những ngày gian khó
Trong những năm đầu “vạn sự khởi đầu nan”, GS.TS Hà Học Trạc, cùng với các cán bộ của VUSTA tập trung vào công tác củng cố và phát triển tổ chức; tuyên truyền, phổ biến kiến thức, ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất và đời sống.
Tại nhiệm kỳ II (1988 – 1993), dưới sự chỉ đạo của GS.TS Hà Học Trạc và Đoàn Chủ tịch, hoạt động của VUSTA hướng vào một số nội dung mới. Đó là việc bắt đầu tổ chức hai năm một lần Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc và thành lập Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam. Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội cũng được khởi động và thực hiện những bước đi đầu tiên. Đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, GS.TS Hà Học Trạc đã góp phần cùng với Đoàn Chủ tịch khắc phục được các biểu hiện ly khai, phân biệt trong một số hội thành viên, củng cố khối đoàn kết, thống nhất của 34 hội thành viên trong đại gia đình VUSTA.
Nhiệm kỳ III (1993 – 1999) chứng kiến một bước mở rộng mới hoạt động của VUSTA. Sau khi trở thành đầu mối kế hoạch của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (1994) và Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (1997), VUSTA có thêm những điều kiện thuận lợi cho các đề tài nghiên cứu khoa học, các dự án phát triển công nghệ, các hoạt động điều tra cơ bản về môi trường. Nhằm góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xã hội hoá các hoạt động khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, Đoàn Chủ tịch VUSTA thành lập các tổ chức theo Nghị định 35-HĐBT ngày 27.1.1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về công tác quản lý khoa học và công nghệ (gọi tắt là các đơn vị 35). Trong các hoạt động này có công sức quan trọng của GS.TS Hà Học Trạc từ xác định chủ trương, hình thành tổ chức đến chỉ định nhân sự.
Những đóng góp ngày càng có hiệu quả đã đặt cơ sở vững chắc cho vị trí, vai trò của VUSTA và thu hút được sự quan tâm, chú ý của các cơ quan Đảng, Chính phủ và toàn xã hội. Ngày 24.12.1996, lần đầu tiên, VUSTA được ghi nhận trong một nghị quyết quan trọng của Ban Chấp hành Trung ương. Đó là Nghị quyết Hội nghị lần thứ 2 (khoá VIII) về định hướng phát triển khoa học và công nghệ trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và nhiệm vụ đến năm 2000.
Tiếp theo đó, ngày 11.11.1998, lần đầu tiên, Bộ Chính trị (khoá VIII) ra Chỉ thị số 45-CT/TW riêng về VUSTA, trong đó khẳng định: “Liên hiệp hội là một tổ chức chính trị – xã hội của trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam, cùng với các đoàn thể chính trị – xã hội khác tạo thành lực lượng nòng cốt trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”. Là người đứng đầu hệ thống VUSTA, GS.TS Hà Học Trạc đã dày công kiên trì đóng góp tích cực cho sự ra đời của Chỉ thị quan trọng này, một văn kiện đã ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển và hoạt động của VUSTA hơn chục năm qua.
Đẩy mạnh công tác tư vấn, phản biện
Trải qua quá trình hàng chục năm nghiên cứu và giảng dạy về hệ thống điện, GS.TS Hà Học Trạc đã tích luỹ được vốn kiến thức uyên bác và những kinh nghiệm quý báu trên lĩnh vực khoa học – công nghệ quan trọng này, tạo điều kiện cho ông có cái nhìn nhạy bén và sâu sắc trong các vấn đề có liên quan đến các công trình năng lượng trọng yếu của đất nước.
Công trình thuỷ điện Sơn La ghi dấu ấn phản biện của GS.TS Hà Học Trạc
(Ảnh: Trung Kiên)
Theo đề nghị của Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong thời gian 6 tháng cuối năm 1992, GS.TS Hà Học Trạc đã chủ trì việc phản biện luận chứng kinh tế – kỹ thuật dự án đầu tư xây dựng công trình thuỷ điện Yaly trên sông Sê san (Gia Lai). Ý kiến phản biện của VUSTA đã được Hội đồng thẩm định nhà nước các dự án đầu tư chấp nhận. Đặc biệt quan trọng là những đóng góp về các vấn đề tôn trọng phong tục, tập quán của nhân dân các dân tộc ít người, giữ gìn bản sắc văn hoá của đồng bào, bảo tồn các di tích lịch sử – văn hoá ở các tỉnh Tây Nguyên… cho thấy tiềm năng đa dạng và tính liên ngành của VUSTA.
Trong quá trình chuẩn bị đầu tư xây dựng công trình thuỷ điện Sơn La trên sông Đà, GS.TS Hà Học Trạc đã chủ trì suốt 10 năm (1993 – 2003) công tác tư vấn và phản biện. Dưới sự chỉ đạo của GS.TS Hà Học Trạc, VUSTA đã tập hợp được ý kiến của hàng chục chuyên gia thuộc 7 hội thành viên đóng góp toàn diện cho các bộ hồ sơ dự án. Đặc biệt là VUSTA đã cùng với một số cơ quan khác kiên trì phát biểu ý kiến về việc đầu tư xây dựng công trình thuỷ điện Sơn La với quy mô thấp có mực nước dâng bình thường là 215m so với mặt nước biển. Với những đóng góp tích cực và có hiệu quả đó, đầu năm 2004, VUSTA được Hội đồng thẩm định Nhà nước Dự án xây dựng công trình thuỷ điện Sơn La khen thưởng tại Quyết định số 04/QĐ-HĐTĐSL ngày 5.2.2004.
GS.TS Hà Học Trạc còn chỉ đạo công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội của VUSTA đối với hơn chục dự án khác.
Do phải gánh vác những trọng trách mới, từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, GS.TS Hà Học Trạc không còn đảm đương cương vị Chủ tịch. Tuy nhiên, với những kinh nghiệm lâu năm đã tích luỹ và nghĩa tình sâu nặng với công việc và đồng nghiệp, GS.TS Hà Học Trạc tiếp tục tham gia Đoàn Chủ tịch trong hai khoá nữa.
Trong ký ức của cán bộ, hội viên các hội khoa học và kỹ thuật thành viên của VUSTA, hình ảnh tận tụy, gần gũi, thân thương của GS.TS Hà Học Trạc sẽ không bao giờ mờ phai. Và như một chiến sĩ đã hoàn thành nhiệm vụ, GS.TS Hà Học Trạc vừa mới chia tay người thân, đồng chí, bạn bè, thanh thản đi vào cõi vĩnh hằng ngày 28.7.2010.
Mấy dòng viết này xin được làm một nén hương trầm thắp lên trước anh linh GS.TS Hà Học Trạc, vị Chủ tịch lâu năm nhất, nghĩa nặng, tình sâu của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam.
TS. Tô Bá Trọng