Xin được nói một lời cảm ơn…

Hôm nay, ngày 08 tháng 6 năm Canh Dần (2010), là tròn một năm từ ngày GS.TSKH Phạm Trương Thị Thọ qua đời. Gia đình Giáo sư tổ chức lễ cầu kinh cho bà tại chùa Phụng Thánh, ngõ Cống Trắng, Khâm Thiên, Hà Nội. Chúng tôi được GS. Nguyễn Văn Tuyên – phu quân của bà dẫn đến nơi yên nghỉ của bà: một ô tủ nhỏ trong gian sau của nhà chùa. Trong đó, bên cạnh bà, GS Tuyên đã sắp đặt đầy đủ mọi thứ mà khi sinh thời bà yêu thích: một cuốn thơ Nguyễn Khuyến, một lọ hoa cúc nhỏ, vài tấm bưu ảnh phong cảnh quê hương bà… Thắp nén nhang lên bàn thờ, nhìn khuôn mặt với nụ cười phúc hậu như ngày nào, ký ức về bà hiện lên thật rõ trong tâm trí tôi.

Tháng 8/2008, trong khi liên hệ để mời các nhà khoa học đến dự lễ ra mắt Trung tâm CPD tại Văn Miếu, tôi đã gọi điện đến nhà GS.TSKH Nguyễn Văn Tuyên ở phòng 406 nhà E1, tập thể Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội. Nghe điện thoại là một người phụ nữ giọng Nam bộ. Sau khi nghe tôi trình bày lý do cuộc điện thoại là muốn gửi thư mời GS Nguyễn Văn Tuyên đến dự buổi lễ, bà cười và hỏi vui rằng: Tôi cũng là một Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học, vậy tôi có được mời đến dự hội nghị không? … Lúc đó tôi mới biết, bà là GS.TSKH Phạm Trương Thị Thọ, phu nhân của GS.TSKH Nguyễn Văn Tuyên. Về sau tôi được may mắn nhiều lần tiếp xúc, gặp gỡ, nói chuyện, thậm chí đã được ăn cơm cùng gia đình nhà khoa học này. Ấn tượng về những món ăn đậm hương vị Nam bộ vẫn còn theo tôi đến tận bây giờ. Và có lẽ, một ký ức không thể quên trong tôi đó là ký ức của một người phụ nữ đôn hậu, dịu dàng, và hết sức bình dị, một người vợ, người mẹ hết lòng vì chồng, vì con. Cũng có lẽ vì thế mà cho đến tận ngày hôm nay, tôi vẫn cảm nhận thật rõ nét nỗi đau đớn không một chút nguôi ngoai trong ánh mắt của GS Nguyễn Văn Tuyên cũng như của chị Thu Uyên, con gái duy nhất của bà,

GS.TSKH Phạm Trương Thị Thọ sinh năm 1937, quê ở Bình Định, là một trong số học sinh miền Nam được đưa ra Bắc học tập sau năm 1954. Bà là một giáo sư hóa học, nữ tiến sĩ khoa học đầu tiên bảo vệ trong nước. Lĩnh vực chuyên môn chính của bà là nghiên cứu về các hợp chất tự nhiên, các phương pháp chế biến tinh dầu, nghiên cứu mối liên hệ giữa cấu trúc hóa học và tác dụng sinh học, nghiên cứu các dược liệu có tác dụng hạn chế sự sinh sản. Bà là tác giả của các cuốn sách Hóa học các hợp chất tự nhiên, 101 cây thuốc với sức khỏe sinh sản phụ nữ…Phần lớn thời gian công tác, bà làm việc tại Viện Dược liệu (1972-1999) và tham gia công tác giảng dạy ở một số trường đại học. Bà đã được tặng 2 bằng phát minh sáng chế của Ủy ban phát minh và sáng chế Bungari (1988); và một bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (1998).

 

Gia đình và bạn bè cùng ăn bữa cơm chay để tưởng nhớ đến Giáo sư Phạm Trương Thị Thọ

Tại lễ ra mắt Trung tâm CPD, bà đã trao tặng cho Trung tâm những tư liệu đầu tiên: cuốn luận án tiến sĩ khoa học với đề tài “Mối liên quan giữa cấu trúc hóa học và tác dụng sinh học (QSAR) của ôgenol từ tinh dầu hương nhu lên nấm Candida albican” – một nghiên cứu mà đã đã trăn trở trong nhiều năm, một số băng ghi hình và ảnh tư liệu về hoạt động nghiên cứu khoa học của bà. Ngay sau đó, tháng 11/2008, trong buổi đến thăm và trao đổi ý kiến về các hoạt động của Trung tâm, bà đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp cho việc định hướng hoạt động của Trung tâm trong tương lai. Đặc biệt bà cũng đưa ra đề nghị nên thay đổi từ “Tiến sĩ” thành “các nhà khoa học Việt Nam” trong tên gọi của Trung tâm để tạo sự đồng thuận hơn trong xã hội. Bà cho biết, tại gia đình hai ông bà, ngoài một thư viện gồm hàng trăm cuốn sách thì vẫn còn lưu giữ được rất nhiều ảnh tư liệu, các bản thảo, thư từ, sách vở, báo chí… Bà hứa sẽ kiểm tra, sắp xếp lại khối tư liệu đó, và khi có điều kiện sẽ chuyển giao cho Trung tâm lưu giữ. 

Sang năm 2009, Trung tâm vẫn tiếp tục nhận được sự ủng hộ của bà thông qua các buổi chuyện trò, phỏng vấn. Bà cũng là cầu nối giúp cho mối quan hệ của các cán bộ Trung tâm với GS. Nguyễn Văn Tuyên ngày một gần gũi hơn. Nhưng, bà đã đột ngột ra đi sau một cơn tai biến trước sự sững sờ của gia đình, bạn bè và tất cả chúng tôi. Nỗi đau quá lớn đã khiến GS. Nguyễn Văn Tuyên không thể gượng lên nổi. Ông đóng cửa, không tiếp xúc với ai, dành tất cả thời gian để nhớ về người bạn đời yêu thương của mình. Mọi dự định nghiên cứu của chúng tôi đành tạm thời xếp lại.

Nhân ngày giỗ đầu của bà, chúng tôi xin gửi đến bà một lới tri ân đặc biệt về những tình cảm, sự tin tưởng và ủng hộ của bà dành cho Trung tâm trong những ngày đầu khó khăn. Chúng tôi cũng kính chúc GS. Nguyễn Văn Tuyên sức khỏe và nghị lực để vượt qua nỗi mất mát lớn lao này.

Bùi Minh Hào