Xúc cảm từ một chuyến đi

Theo thông báo, đúng 7 giờ sáng mọi người tập trung tại trụ sở của Trung tâm Di sản ở 561 Lạc Long Quân, Tây Hồ, Hà Nội. Để không lỡ chuyến đi đã chờ đợi lâu nay và không gây phiền hà cho mọi người phải ngóng trông, tôi quyết định dịch chuyển dần từ khu đô thị Ecopark về Kim Mã Thượng từ chiều hôm trước. Đêm hôm ấy, không hiểu vì quá háo hức, hay còn một lý do nào khác mà tôi chập chờn khó ngủ, 3 giờ sáng đã tỉnh dậy, lục đục chuẩn bị thuốc men, đồ dùng cần thiết cho hành trình một ngày.

Như kế hoạch đã định, đúng 7 giờ 30 phút, đoàn tham quan bắt đầu xuất phát. Sau 2 tiếng đồng hồ lăn bánh trên quốc lộ 6, xe đã đưa chúng tôi đến xóm Tiềng, xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hoà Bình – nơi toạ lạc của Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam, với diện tích hơn 30ha. Ấn tượng đầu tiên là chiếc cổng chào bảy sắc cầu vồng như muốn giang tay ôm trọn chúng tôi vào lòng. Phóng tầm mắt ra xa là cả một đồi cây xanh mướt hàng trăm loài đang ở độ tuổi trưởng thành, có cả giống cây Kơ-nia từ núi rừng Tây Nguyên cũng về đây hội tụ. Ngồi trên xe điện, chúng tôi được di chuyển nội khu có hồ Quy Thủy, với những bè nứa kết hình trái tim dành cho đôi lứa. Chúng tôi chỉ ngồi trên xe nhìn xuống với sự nuối tiếc cho lứa tuổi thanh xuân của mình đã lùi xa về quá khứ!

Lướt qua những rừng thông, vườn hoa hướng dương và quan sát ngôi nhà được xây theo hình dạng các con vật như nhà Con Công, Cánh Bướm, Cánh Cam… chúng tôi đến với chiếc cầu Quy Hợp được phỏng theo phong cách xây dựng của Nhật Bản.

Một ấn tượng khá thú vị là hầu hết những khúc sông, con suối và địa danh ở đây đều mang tên có kí tự đầu tiên là "QUY" : Quy Thủy, Quy Tuyền, Quy Hợp, Quy Bản Lâm… Phải chăng người đặt tên, ngoài ý muốn khoác lên mình chúng một tâm thức Việt của ý nghĩa chữ Quy – Rùa (trong âm Hán Việt) biểu trưng cho sự trường thọ, sinh lực và sức chịu đựng, còn là nơi quy tụ và tập hợp những giá trị tri thức Việt với môi trường thiên nhiên kỳ thú.

Tạm chia tay với phong cảnh thiên nhiên, chúng tôi đến với không gian trưng bày “Giải thưởng Hồ Chí Minh của các nhà khoa học Việt Nam”, trong đó có các bậc tiền bối đặt nền móng cho các ngành khoa học cơ bản như:  Giáo sư ký sinh trùng học Đặng Văn Ngữ, Giáo sư  đầu ngành về phương pháp giải phẫu Tôn Thất Tùng, GS Toán học Hoàng Tụy và những nhà khoa học thực hành đương đại trên nhiều lĩnh vực khác nhau… Chúng tôi cũng đã có cơ hội đọc nhiều, biết nhiều về họ trong các thư viện ở các cơ quan nghiên cứu, nhưng khi được biết qua các nguồn tư liệu sưu tầm về cuộc sống thường nhật, lại được hoà quyện trong khung cành thiên nhiên càng làm cho tầm vĩ đại của họ được nâng cao thêm.

Đoàn tham quan xung quanh Công viên Di sản

Chuyển sang khu trưng bày “Thẳm sâu trong từng kỷ vật”, chúng tôi ấn tượng với mô hình tái tạo một bệnh viện dã chiến trong hang đá. Tôi sự khâm phục về tính sáng tạo và tinh thần tất cả để cứu sống đồng đội của một thế hệ bác sĩ vàng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bàn mổ chỉ là một chiếc chõng tre hoặc  chiếc giường được ghép lại bằng những cây gỗ nhỏ. Ánh sáng phục vụ cho các ca mổ phải nhờ vào ánh đèn lờ mờ của chiếc đèn xe đạp qua người chịu trách nhiệm ngồi trên yên đạp liên tục không một phút giây ngừng nghỉ trong suốt thời gian ca mổ được tiến hành. Có nhiều ca mổ khó phải kéo dài hoặc nhiều ca mổ nối đuôi nhau liên tiếp diễn ra đã khiến cho người đạp xe ngã vật ra sàn ngất xỉu sau nhiều giờ đạp liên tục để phát ra ánh sáng.

Đối với thế hệ chúng tôi, một thế hệ đã nếm trải cảnh bom rơi, đạn lạc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ không khỏi ngạc nhiên và bất ngờ trước cách thức hoạt động của các bệnh viện dã chiến như thế huống hồ là thế hệ trẻ sau này. Vì vậy, tôi coi ý tưởng phục dựng lại mô hình bệnh viện dã chiến có giá trị bồi bổ kiến thức lịch sử hơn việc phải mô tả lại qua chục trang sách.

Đoàn chụp kỷ niệm trước tòa nhà Quyển sách- nơi trưng bày, lưu giữ kỷ vật của các nhà khoa học

Trở về Hà Nội nhưng dấu ấn về một chuyến đi cứ hiện lên đậm nét trong trí nhớ của tôi. Cá nhân tôi thực sự khâm phục đối với những người đã đưa ra ý tưởng và thực hiện thành công ý tưởng xây dựng một Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam vừa mang ý nghĩa hàn lâm vừa mang ý nghĩa và giá trị thực tiễn sâu sắc.

Càng khâm phục bao nhiêu tôi lại càng tự hào bấy nhiêu về một người con xứ Lệ, Quảng Bình vưà có tâm vừa có tầm đã từng chung một mái trường cấp ba năm nào, Tiến sỹ, Giáo sư, Bác sỹ, Anh hùng Lao động, Đại biểu Quốc hội, và là một người sáng tác gần 60 ca khúc mang đậm tính nhân văn, Nguyễn Anh Trí.

Sẽ là một thiếu sót khi trong dấu ấn của mình về chuyến đi lại không nhắc đến công sức của các cháu làm việc ở đây như Nguyễn Thanh Hoá, Nguyễn Thúy Tiềm, Bùi Minh Đức, Nguyễn Viết Định… Các bạn đã giúp đỡ, chăm sóc những thành viên của đoàn rất nhiệt tình, đi đến nơi về đến chốn an toàn và khoẻ mạnh. Các bạn chu đáo, tận tình, không thể chu đáo hơn đến mức tôi còn đùa: Các cháu chăm sóc các bác, các cô cẩn thận như đang nâng niu những bình thủy tinh dễ vỡ vậy. Một lần nữa, cảm ơn tất cả!

Một ngày trải nghiệm vẫn còn quá ít, nhất là đối với tôi – một người có sở thích khám phá. Có lẽ tôi không đủ kiên nhẫn chờ đợi đến năm 2030 khi quần thể này trở thành Bảo tàng về khoa học và các nhà khoa học Việt Nam hiện đại cả về quy mô, chất lượng. Tôi hy vọng ngày gần nhất sẽ cùng đoàn cựu học sinh trường cấp 3 Lệ Thủy trở lại nơi này.

TS Châu Thị Hải