Xứng danh ông đồ ”Nghệ”





Thật thú vị khi được trò chuyện, được lắng nghe chuyện đời, chuyện nghề của ông. Được ví như “ông đồ Nghệ” của thời nay, mà tên tuổi ông đã có mặt trong nhóm tiên phong “phất cờ đổi mới” từ những năm 80 của thế kỷ trước.
 
GS.TS Cao Cự Bội sinh năm Bính Tý -1936 trên quê hương Nghệ An giàu truyền thống văn hóa và cách mạng. Cuộc sống nơi quê nghèo gian khó không làm vơi đi ý chí ham học nơi ông. Để rồi, năm 17 tuổi, ông xa quê cắp sách học một nghề “trên mây”: ngoại hối. Cái nghề xa lạ với lối truyền thụ đa phần thủ cựu, quanh quẩn Hán nôm ở xứ đồng quê cỗi cằn nhưng đam mê sự học. Đã từng kinh qua Ngân hàng Nhà nước Lạng Sơn, Nghệ An, rồi đậu lại Ngân hàng Trung ương, có vẻ như ông vẫn mang nguyên chất “đồ Nghệ” áp dụng vào lĩnh vực của những khái niệm về tiền tệ, thặng dư, lạm phát.

Năm 1969, GS.TS Cao Cự Bội được Ngân hàng Trung ương cử đi học tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, rồi được giữ lại làm giảng viên, sau đó ông làm nghiên cứu sinh, tu nghiệp sinh cao cấp về lĩnh vực tài chính, tiền tệ; cũng từ đó mà ông trở thành người tham gia tư vấn tích cực về các lĩnh vực chuyên ngành mà ông bỏ nhiều công sức nghiên cứu. Từ đây, ông lắng nghe những bước chuyển mình đổi gió của thời cuộc, phân tích và đưa ra những ý tưởng có giá trị thực tiễn. Câu chuyện “phất cờ đổi mới” những năm 80 ấy chỉ là một ví dụ như vậy.

Nhắc lại câu chuyện đó, dường như trong tâm khảm vị giáo sư kinh tế học giàu nhiệt huyết vẫn còn đó những kỷ niệm sâu đậm. Bây giờ, nghĩ về thời kỳ Đổi mới ta thường nhắc đến “khoán 10”, tức muốn nói đến Nghị quyết 10/NQ- TW về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp. Nhưng “khoán 10” cũng mãi đến ngày 5/4/1988 mới ban hành và đi vào thực hiện. Thế nhưng một trong những lĩnh vực tiên phong bung ra hoạt động theo cơ chế thị trường lại chính là lĩnh vực xuất khẩu thủy hải sản. Ngay từ trước 1986, một nhóm nghiên cứu đi khảo sát tình hình sản xuất thủy hải sản ở các tỉnh ven biển phía bắc nhận ra rằng nhu cầu “xé rào” của ngư dân đã đẩy đến cao độ, và ông may mắn có mặt trong nhóm nghiên cứu đó. Nhóm nghiên cứu đã nhận ra sự tất yếu phải có cơ chế tự hạch toán đối với hoạt động xuất nhập khẩu thủy sản, và kiên trì đề xuất thực hiện cơ chế để người dân tự chuyển đổi từ năm 1985 đến năm 1986 với phương châm là “lấy bờ nuôi biển, lấy biển nuôi bờ, không chờ nhà nước”.

Đề xuất này được chấp nhận và việc bung mở cơ chế kinh tế thị trường trong xuất khẩu thủy hải sản nhanh chóng giúp cởi được nút thắt, cuốn đi những nợ nần chồng chất, tháo gỡ được các khó khăn, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Các thành viên trong nhóm này tiếp tục được mời đi tư vấn cho các lĩnh vực khác, hoạt động khác, từ cụ thể đến vĩ mô, trở thành những người “phất cờ thị trường”, “phất cờ đổi mới”… Để rồi qua đó, Giáo sư Cao Cự Bội được coi là một trong những người khởi xướng quá trình đổi mới hệ thống Tài chính – Tiền tệ ở Việt Nam với việc triển khai Hệ thống Ngân hàng hai cấp vào đầu những năm 90 của thế kỷ 20.

Bên cạnh đó, trên cương vị Chủ nhiệm khoa Tài chính – ngân hàng – kế toán, chủ biên và đồng chủ biên các giáo trình giải dạy chuyên ngành về kinh tế vĩ mô của Đại học Kinh tế quốc dân, cùng với những kết quả tham gia nghiên cứu thực tiễn và đề xuất táo bạo đem đến thành công lớn ở cơ sở, Giáo sư Cao Cự Bội được tín nhiệm mời làm thành viên tổ tư vấn (giai đoạn 1988 -1990) cho đồng chí Đỗ Mười – Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng khi đó. Tháng 8/1988, một lần ông được mời dự cuộc họp Thường trực Hội đồng Bộ trưởng. Với kiến thức, kinh nghiệm khảo cứu được trên thế giới và những nghiên cứu riêng của mình, ông đã chỉ ra rằng, chúng ta gặp khó trong chuyển đổi tài chính là do kinh tế chúng ta còn gặp khó khăn, vấn đề mấu chốt của ta lúc ấy là ta còn bị cấm vận và chưa giải được bài toán lạm phát phi mã. Việc có thể làm ngay bây giờ là giải quyết bài toán chống lạm phát bằng thực hiện lãi suất siêu cao. Và rồi, đến tháng 4/1989 thì nhà nước ta cho thực hiện chính sách lãi suất siêu cao, tới 18%/năm. Với cách làm đó, kinh tế vĩ mô từng bước được ổn định, nước ta đã kiềm chế được lạm phát phi mã từ 774% năm 1986 xuống 34,7% năm 1989, 14% năm 1992 mà không có sự trợ giúp nào từ bên ngoài. Theo đó, một số nội dung khác về cơ cấu ngân sách, chuyển đổi ngân hàng, chính sách tài khóa… khi được yêu cầu có ý kiến, ông đều có những tư vấn sắc sảo, đầy chính kiến, bản lĩnh. Có lần đồng chí Đỗ Mười gặp ông và chỉ tay nói vui rằng đây là “một người hay bày chuyện”.

Cũng trong năm 1988, Giáo sư Cao Cự Bội được Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản mời tư vấn về kinh tế vĩ mô. Dấu ấn đậm nét nhất ông đã để lại cho kinh tế Lào là việc ông đã tư vấn chuyển đổi thành công việc đưa hoạt động ngân hàng sang kinh tế thị trường theo hai cấp: Ngân hàng nhà nước và Ngân hàng thương mại. Xét thấy đặc điểm của thị trường tài chính là đi theo vùng chứ không phải đi theo địa giới hành chính, theo chính quyền, nên lúc đó giáo sư đã tư vấn cho Lào thực hiện ngân hàng nhà nước theo vùng. Bên cạnh đó là những tư vấn cụ thể về xây dựng chế độ thuế khóa, ngân sách, cấu trúc ngân sách.

Trong sự nghiệp đào tạo của mình, Giáo sư đã hướng dẫn thành công hàng chục TS, NCS, nhiều người được ông hướng dẫn hiện nay đang nắm giữ các vị trí quan trọng trong nền kinh tế thị trường. Ông cũng là người đã có những luận án mang tính ứng dụng cao, ví dụ như luận án Hưu nông dân (cùng với TS Hồ Bá Quỳnh), luận án về Thủy lợi phí (cùng TS Trần Nhơn) …trong những năm khó khăn với mục đích tiền tệ hóa nền kinh tế. Đặc biệt, GS.TS Cao Cự Bội còn là chủ biên nhiều đề tài nghiên cứu cấp NN về chính sách tiền tệ Quốc gia được đánh giá là xuất sắc trong những năm 1994 – 1995 … 10 năm liền (1990 – 2000) ông là thành viên HĐQT NHNN với vai trò chuyên gia, đóng góp ý kiến vào những định hướng, chiến lược bài bản của ngành tài chính – ngân hàng nước ta.

Với nhiều cống hiến, đóng góp đáng trân trọng trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, GS. TS Cao Cự Bội đã nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của lãnh đạo các cấp, đó là sự ghi nhận xứng đáng và kịp thời những đóng góp của ông. Ông tâm sự, thế hệ ông chỉ có một điều đáng kể đó là tinh thần cống hiến, thậm chí là tận hiến. Để được tận hiến, thì phải không ngừng học, phải không ngừng nghiên cứu, và thành quả đạt được khi nhìn thấy sự đổi thay của gương mặt quê hương, đất nước, đó là niềm hạnh phúc lớn lao với ông đồ xứ Nghệ vừa tài vừa tâm này.

Tiến Đức
Nguồn: www.trithucvaphattrien.vn/