Trước hết xin cho phép tôi được nói lên cảm nghĩ hết sức bất ngờ và niềm vinh hạnh mà Trung tâm đã dành cho gia đình nhỏ bé của chúng tôi, quả thật tôi còn chưa hết ái ngại và cảm động trước việc các bạn trẻ của Trung tâm đã không quản vất vả bụi bặm thu về một số tài liệu hầu như đã bị phủ bụi thời gian hàng chục năm qua để đem về phân loại, sắp xếp nhằm bảo quản và giới thiệu, lưu giữ lâu dài cho thế hệ mai sau, những người muốn tìm hiểu, nghiên cứu về thời kỳ gian khổ nhưng vinh quang mà chúng ta đều đã trải qua.
Chúng tôi tự nghĩ mình như chiếc bóng mờ trước các bậc cao minh lỗi lạc từng cống hiến thật nhiều cho đất nước vinh danh, nhưng được Ban Giám đốc Trung tâm gợi ý và khích lệ nên tôi xin bày tỏ một đôi lời về quá trình tham gia cách mạng hơn nửa thế kỷ qua của anh Lê Văn Sáu đã thực hiện trong giảng dạy, nghiên cứu và đào tạo nên một lớp trẻ phục vụ trong và ngoài ngành Giáo dục.
Anh Sáu xuất thân trong một gia đình có học, thuở nhỏ đã học cho đến khi đậu tú tài ra làm một công chức nhỏ, nhưng anh đến với cách mạng ngay từ thời còn trai trẻ. Sau Cách mạng tháng 8-1945, anh tham gia kháng chiến rồi được phép đi du học ở Pháp và tự kiếm sống; liên hệ với đoàn thể Việt kiều yêu nước, nhận nhiệm vụ vận động thanh niên và trí thức ủng hộ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Anh vừa là sinh viên của Đại học Sorbonne vừa dịch sách, báo và tham gia các lớp học của Đảng cộng sản Pháp, đồng thời chuẩn bị luận án Tiến sĩ và viết sách Đông Á trên đường chính trị quốc tế, anh được kết nạp vào Đảng cộng sản Pháp năm 1952.
Năm 1954, sau khi giải phóng Thủ đô anh được Ban tổ chức Trung ương gọi về Hà Nội, ban đầu nhận nhiệm vụ trong đoàn đàm phán Việt- Pháp sau đó được phân công về giảng dạy Sử tại Đại học Tổng hợp và Đại học Sư phạm. Từ niên khóa 1956-1957 anh giữ nhiệm vụ Khoa trưởng khoa Sử, ở đây anh cùng anh chị em trong khoa xây dựng một bộ môn mới là Sử Đông Nam Á, đồng thời chủ trì biên soạn giáo trình Phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, thúc đẩy việc nghiên cứu về phương pháp học tập và giảng dạy Lịch sử. Anh luôn nung nấu một ý nghĩ cần đào tạo ở Việt Nam số nghiên cứu sinh trẻ, có học vị trên Đại học để nâng cao trình độ chuyên môn và trường hợp Trương Hữu Quýnh là một thí điểm về đào tạo Tiến sĩ Sử học đầu tiên ở Việt Nam thành công. Sau này khi được phong hàm Giáo sư Sử học, anh Quýnh đã đào tạo được nhiều giáo viên Sử cho ngành Giáo dục phổ thông và từ sau trường hợp anh Quýnh ở Đại học Sư phạm và Đại học Tổng hợp việc đào tạo trên Đại học ngành Sử đã trở lên thuận lợi hơn.
Sau khi toàn đất nước được giải phóng, anh được điều vào miền Nam, trực tiếp là Khoa Trưởng khoa Sử kiêm bộ môn Địa lý của trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, vừa giảng dạy anh còn trực tiếp lo xây dựng trường sở và chuyên môn. Với nhu cầu cần mở rộng công tác đào tạo, anh cùng với anh em chí cốt như Huỳnh Thế Cuộc gặp gỡ GS Trần Văn Giàu cùng học giả Trần Bạch Đằng đề cập việc mở rộng sự liên kết và xây dựng mối quan hệ với nhiều nơi, tổ chức các hội thảo có liên quan đến nhiều vấn đề lịch sử địa phương. Đồng thời chủ trương tiến hành lập một trường Đại học Dân lập, nhắm tới nhu cầu mới của xã hội anh cùng anh Cuộc và một số anh em thành lập trường Đại học chuyên về 2 ngành Ngoại ngữ và Tin học, anh đồng thời cũng là Chủ tịch Hội sử học thành phố Hồ Chí Minh.
Anh Sáu luôn có trách nhiệm trong đào tạo, hướng dẫn luận án Tiến sĩ, tham gia Hội đồng chấm luận án của các nghiên cứu sinh. Anh là thành viên trong Ban thư ký chuyên môn phần Sử học giúp việc Bộ trưởng GS Tạ Quang Bửu hàng năm lo việc duyệt để thi vào trường hay thi tốt nghiệp Đại học, cùng với đó nâng cao trình độ chuyên môn cho khối giảng dạy Sử và xây dựng sách giáo khoa phổ thông ngày một tốt hơn. Ngoài ra anh cũng tham gia những đợt giảng dạy do nước bạn yêu cầu như sang Phnôm Pênh giảng dạy Sử bằng tiếng Pháp, hoặc sang Paris giảng Sử Việt Nam và Đông Nam Á tại trường Đại học Sorbonne – nơi anh đã từng học tập. Anh được nhà nước tặng thưởng Huân chương chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhì, Huy chương Vì sự nghiệp Giáo dục và Huy chương Vì sự nghiệp Khoa học công nghệ.
Trong cuộc sống gia đình anh là người chồng, người cha mẫu mực nhân từ, luôn chia sẻ giúp đỡ vợ trong công tác, chăm lo con cái học tập. Trong tôi cũng như rất nhiều người cùng thời chắc không thể quên những ngày chiến tranh gian khổ, chúng tôi sơ tán theo cơ quan, 2 người 2 nơi, hàng tuần anh đạp xe đạp 80 cây số để tiếp tế nhu yếu phẩm cho 3 mẹ con rồi thường phải đạp xe trong đêm để kịp quay về trường lên lớp giảng dạy. Về những hồi ức về anh Sáu tôi xin phép dừng lại ở đây và chỉ xin trích đôi lời mà GS Trần Văn Giàu đã ghi trong sổ tang khi anh vừa tạ thế: “Anh Giàu nhớ chú là người trí thức đã trực tiếp tham gia khởi nghĩa cách mạng tháng 8-1945 ngay tại thị tỉnh Sóc Trăng, Nam Bộ. Chú là bạn đồng hành của Giàu trong những năm gay go của cách mạng và kháng chiến cho đến ngày cuối cùng, Lê Văn Sáu một trong những tấm gương sáng của hàng ngũ trí thức Nam Bộ và thành phố Hồ Chí Minh”.
Cùng nhau đi suốt cuộc đời, tuy làm việc ở 2 chuyên ngành nhưng cùng lĩnh vực khoa học xã hội nên chúng tôi luôn có nhiều vấn đề cùng chia sẻ hỗ trợ cho nhau trong những năm tháng ở Bắc rồi vô Nam. Trong cuốn sách Thời đại, dân tộc, tôn giáo của tôi được nhà xuất bản Khoa học xã hội in năm 2001 với bài nói về luận điểm của Thomas d'Aquin chính anh đã đọc, giảng thêm cho tôi, tôi mới hiểu một cách sâu hơn khi viết bài. Ngược lại anh vốn học hệ thống giáo dục Pháp từ nhỏ nên viết Việt ngữ hơi khó khăn, tôi góp ý sửa cho câu văn dễ hiểu hơn anh cũng vui lòng. Dù chúng tôi đã cách biệt nhau gần thập kỷ qua nhưng trong tôi và các con cháu luôn vẫn cảm nhận được tình yêu thương của anh, những kỷ niệm về anh, tiếng cười yêu đời của anh trong thành công cũng như trên những chặng đường gian nan, trong cuộc đời và sự nghiệp chúng tôi luôn bên nhau đó là niềm tự hào của vợ chồng chúng tôi.
Kính thưa quý vị! Về cá nhân, tôi là nữ sinh học cấp 1, cấp 2 phổ thông trong thành bị địch tạm chiếm nên từ lúc học cấp 3 tôi mới được tiếp thu việc học hành dưới chế độ mới với những quan điểm mới. Tôi vừa học vừa tham gia công việc chung của trường của lớp. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm tôi lại may mắn được về Ủy ban khoa học nhà nước tại bộ phận Triết học, một bộ môn mà mới nghe tôi đã muốn run nhưng GS Vũ Khiêu vị lãnh đạo đầu tiên bộ phận Triết học khi ấy đã động viên tôi và là vị thủ trưởng đầu tiên đem lại cho tôi niềm hứng khởi. Vốn chăm chỉ đọc sách ngay từ bé tôi không ngại điều gì bắt đầu sự ưa thích và công việc bắt đầu từ tập sự nghiên cứu đề tài đạo đức chính đã dẫn dắt tôi đi đến thành công. Tôi không ngại học Triết từ lớp cao 2 trình độ Đại học đến lớp cao 1 trình độ Cao học, không ngại được hướng dẫn để từng bước đi vào một bộ môn nghiên cứu thật khó khăn. Thật vậy, được đọc sách Bác Hồ, được học các môn trong ngành Triết, có thầy lên lớp lại có bạn để ganh đua thảo luận và tập quen làm dự án giải quyết thực tiễn xã hội từ dễ đến khó, từ rắc rối đến kết luận hợp lý, hợp tình. Cứ từng bước, từng bước tôi viết bài qua những khó khăn, thậm chí thông qua dễ dàng vì đọc lên dần có sức thuyết phục.
Nếu kể từ khi mới ra trường tháng 7-1959 đến năm 2000, cuộc đời nghiên cứu của tôi trải qua 3 giai đoạn. Ban đầu là đọc, sắp xếp lời Hồ Chủ tịch bàn về đạo đức thành một tập 200 trang đánh máy (cho đến nay tôi không còn giữ lại cụ thể tập đã biên soạn ấy) nhưng chính ý nghĩa của những vấn đề được nêu ra đã in sâu trong óc tôi và 2 giai đoạn sau khi nghiên cứu về tôn giáo, về giới, phụ nữ và gia đình. Tôi đã suy nghĩ và làm việc theo những điều đã nhận thức được từ những trang sách nghiên cứu đầu tiên ấy, học, học nữa, học mãi và học phải đi đôi với hành là phương châm tôi đã theo dõi suốt cuộc đời mình. Về nghiên cứu tôn giáo tôi không quản khó, nhiều khi vượt sức mình nhưng tôi cố gắng suy nghĩ để vượt qua nhằm viết lên những lời lẽ đầu tiên để tự thuyết phục mình, đặt mình vào vị trí đối tượng mình nghiên cứu để dễ dàng cảm thông, cảm thông một cách sâu sắc và đã thể hiện những điều đó bằng chính những lời lẽ trong bài viết của mình ngày càng mang tính thuyết phục hơn. Chính trong đợt phong thánh tử đạo vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước đã đem lại thành công đầu tiên.
Tôi xin hết sức cám ơn Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, một tổ chức hoạt động hết mình vì mục đích cao cả của khoa học, chọn lọc những kết quả tâm huyết suốt đời mình của các nhà nghiên cứu nhằm lưu lại cho thế hệ mai sau, dẫu đó là thành công huy hoàng hay đó chỉ là một chút kinh nghiệm sống. Chính qua ý tưởng đầy tính nhân văn, thành lập một trung tâm bảo tồn di sản của các nhà khoa học đã qua hoạt động say sưa từ những dự án ban đầu của Ban lãnh đạo, từ khi thành lập Trung tâm Di sản, xây dựng công viên Di sản các nhà khoa học của đất nước.
Trung tâm đã tập hợp rèn luyện được đội ngũ các anh chị em dần dần có kinh nghiệm khai thác lưu trữ những vốn quý của nền khoa học nước nhà qua từng chặng đường lịch sử. Tôi tin tưởng Trung tâm sẽ khai thác, sưu tầm ngày một nhiều hơn, tài liệu khoa học có chất lượng ngày một cao hơn. Tôi hy vọng rằng qua những sinh hoạt, trưng bày giới thiệu của Trung tâm về những kết quả ban đầu ấy sẽ càng thúc đẩy thêm ý chí tìm hiểu, khám phá, sáng tạo của các nhà khoa học đang cố gắng hết mình cho những phát kiến mới làm rạng danh cho đất nước chúng ta.
Kính thưa toàn thể quý vị! Một lần nữa tôi xin hết sức cám ơn Trung tâm đã tạo điều kiện cho tôi đến buổi họp mặt này, được gặp các thủ trưởng, các đồng chí, đồng nghiệp và bạn bè gần xa, được nhắc lại quãng đời lập nghiệp của anh Sáu người đã xa cuộc sống của chúng ta cả chục năm trời chắc hôm nay cũng về với gia đình lớn Tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta trong những ngày vẻ vang của mùa Thu tháng Tám.
Xin chân thành cảm ơn và kính chúc sức khỏe của toàn thể các vị!
PGS Bùi Thị Kim Quỳ