GS.TSKH Lâm Quang Cường, nguyên Chủ nhiệm Khoa Sau Đại học, trường Đại học Xây dựng Hà Nội, một người tâm huyết với nghề giảng dạy và có nhiều đóng góp trong lĩnh vực Quy hoạch đô thị, ông từng là Trợ lý về quy hoạch đô thị cho Phó Thủ tướng Đỗ Mười (1973-1974). Ông cũng là người đã đề xuất ý tưởng xây dựng hầm đường bộ vượt sông Hồng và xem đó là một trong những cống hiến trong quãng đời sự nghiệp nghiên cứu khoa học của mình.
Một ý tưởng táo bạo nhưng phù hợp
Sau giải phóng Thủ đô (1954), nhà nước ta bắt đầu tiến hành quy hoạch chung, xây dựng phát triển Hà Nội. Từ khoảng những năm 1961-1962, các chuyên gia nước ngoài, chủ yếu là Liên Xô đã trực tiếp tư vấn giúp đỡ Việt Nam trong việc quy hoạch xây dựng thành phố Hà Nội. Trong thời gian đó, Lâm Quang Cường đang là sinh viên năm cuối, trường Đại học Xây dựng Hà Nội, được tham gia với vai trò phụ giúp xây dựng các bản vẽ kỹ thuật. Ông cho biết: “Quy hoạch thủ đô lúc đó được đề ra là một phương án quy mô, nhưng các quan niệm về quy hoạch còn rất đơn giản, cán bộ quy hoạch ở Việt Nam trình độ chưa cao, thiếu kinh nghiệm, phần lớn vừa mới ra trường hoặc tốt nghiệp trung cấp, chỉ có một số ít cán bộ vừa tốt nghiệp đại học…”
Đến năm 1996, lần đầu tiên trong quá trình xây dựng quy hoạch đô thị Hà Nội có sự xuất hiện của một ý tưởng nghiên cứu quy hoạch Hà Nội phát triển sang hai bên bờ sông Hồng. Nhằm thực thi ý tưởng đó, nhiều dự án xây dựng cầu đường bộ qua sông Hồng đã được tiến hành như cầu Chương Dương, cầu Thăng Long. Trong cả 2 dự án này, GS Lâm Quang Cường đều tham gia thiết kế quy hoạch và giám sát thi công. Hiện nay, một số cây cầu khác cũng đang được tiếp tục được đưa ra thảo luận để xây dựng như cầu Nhật Tân, cầu Thượng Cát, cầu Tứ Liên, cầu vành đai 4…
Năm 2002, trong Cuộc thi về Ý tưởng quy hoạch kiến trúc và quy hoạch thủ đô hàng năm do Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội tổ chức, GS Lâm Quang Cường, lúc đó đang là Chủ nhiệm Khoa Sau Đại học, trường Đại học Xây dựng đã mạnh dạn đề xuất một đề tài nghiên cứu về vấn đề chống ùn tắc giao thông của Hà Nội trong thời gian trước mắt với tên gọi: “Đề xuất các giải pháp khả thi han chế ách tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội trong giai đoạn 2005-2010, Mã số: TC-ĐT/07-02-2” [1]Đây là một trong những đề tài trọng điểm của Hà Nội, với yêu cầu phải đưa ra được những giải pháp thiết thực nhằm giải quyết vấn đề này. Đề tài có sự tham gia của đội ngũ cán bộ chuyên gia ở nhiều Ban, Viện.
Trong quá trình thực hiện đề tài, bản thân GS Cường nhận thấy, với khoảng cách trung bình giữa các cây cầu đường bộ nối 2 bờ sông Hồng từ 4-5km, dòng giao thông ngoại thành di chuyển vào thành phố có thể được duy trì ổn định kể cả trong những giờ cao điểm. Tuy nhiên, khi áp dụng phương pháp chồng xếp bản đồ để đánh giá một cách tổng hợp nhất, ông nhận thấy dòng lưu thông nội thành trong khoảng cách giữa hai cầu Vĩnh Tuy[2] và cầu Chương Dương cách nhau 4 km là chưa hợp lý và có nguy cơ ùn tắc bởi vì khoảng cách giữa hai cầu có mật độ giao thông dày đặc, là nơi giao nhau của nhiều trục đường và tuyến phố lớn như Trần Hưng Đạo, Trần Nhật Duật, Trần Nguyên Hãn… Chính vì vậy, trong tương lai, trước sự phát triển của đô thị, yêu cầu đặt ra là phải xây dựng thêm những công trình vượt sông để nhanh chóng giải phóng luồng giao thông, giải tỏa các nút giao thông.
GS.TSKH Lâm Quang Cường
Xét tình hình, địa dư cụ thể, GS Cường suy nghĩ, nếu tiếp tục xây dựng thêm một cây cầu đường bộ thì sẽ ảnh hưởng đến nền móng của sân bay Gia Lâm. Vì vậy, ông đã đề xuất xây dựng một công trình hầm đường bộ qua sông Hồng, có vị trí giữa cầu Vĩnh Tuy và cầu Chương Dương để điều tiết các dòng giao thông ra vào thành phố, đồng thời tạo ra một trục giao thông mới cho thành phố Hà Nội, là giải pháp giảm ùn tắc giao thông trong tương lai của thành phố.
Ý tưởng của GS Lâm Quang Cường vào thời điểm đó thực sự là một ý tưởng đề xuất táo bạo, được coi là ý tưởng đầu tiên về công trình hầm đường bộ vượt sông nhưng phù hợp với sự phát triển của đô thị nói chung, trong đó có thủ đô Hà Nội.
Từ ý tưởng ban đầu đến đề án phê duyệt
Năm 2004, GS Cường lần đầu tiên trình bày ý tưởng xây hầm đường bộ qua sông Hồng khi báo cáo đề tài “Đề xuất các giải pháp khả thi han chế ách tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội”trước Hội đồng Khoa học công nghệ cấp thành phố tại Hội nghị nghiệm thu các đề tài tham gia cuộc thi do Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội khởi xướng năm 2002. Trong buổi nghiệm thu, ý tưởng của ông đã nhận được nhiều sự quan tâm, nhiều ý kiến tán thành nhưng cũng có một số ý kiến phân vân về hiệu quả thực hiện… Tuy nhiên, ông Đỗ Hồng Ân – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội thời kỳ đó, là Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đã đánh giá ý tưởng của ông có nhiều điểm mới và ủng hộ đề xuất của ông.
Sau khi Đề xuất được nghiệm thu, thông qua hoạt động tại Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, GS Lâm Quang Cường vẫn dõi theo những bước đường phát triển của dự án, trong đó có ý tưởng về đường hầm qua sông Hồng. Theo ông được biết, tại cuộc họp Ban Thường vụ Thành ủy ngày 27-1-2010, UBND thành phố Hà Nội đã báo cáo đề xuất đầu tư cấp bách một số tuyến đường trên cao và nút giao thông khác cốt khu vực trung tâm Thành phố hiện nay nhằm giải quyết tình trạng ách tắc giao thông, trong đó có nội dung về đầu tư đường hầm qua sông Hồng, với dự kiến dài khoảng 1,5km, 4 làn xe, rộng khoảng 18-20m. Năm 2011, Ý tưởng xây dựng hầm đường bộ qua sông Hồng trong khuôn khổ các giải pháp khả thi hạn chế ách tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ thông qua và đưa vào đồ án chung về Quy hoạch xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Sau khi chủ trương được thông qua, một dự án “Xây dựng hầm đường bộ vượt sông Hồng” đã được Bộ Xây dựng lên kế hoạch trình Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, những tín hiệu khả quan về dự án xây dựng Hầm đường bộ qua sông Hồng đã mang đến cho GS.TSKH Lâm Quang Cường một niềm vui, niềm tự hào và tin tưởng. Ông tâm sự: “Từ khi đề ra ý tưởng, tôi chỉ mong nó được đưa vào ứng dụng… Với riêng tôi, đó là cống hiến thiết thực của một công dân sống và làm việc ở Hà Nội hơn 50 năm…”
Phạm Ngọc Hải
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam