Tốt nghiệp khoa Văn, trường ĐH Tổng hợp Hà Nội năm 1960, ông Nguyễn Tri Niên về công tác tại tổ Ngôn ngữ thuộc Viện Văn học. Năm 1969, theo phân công, ông chuyển về trường Tuyên giáo trung ương (tiền thân của Học viện Báo chí và Tuyên truyền) dạy môn ngôn ngữ biên tập, ngôn ngữ học đại cương, ngôn ngữ báo chí. Những kiến thức, kinh nghiệm điền dã trong quá trình nghiên cứu về ngữ âm dân tộc trong thời gian ở tổ Ngôn ngữ, tưởng không liên quan nhưng đã giúp ông rất nhiều khi đứng trên bục giảng.
NNC Nguyễn Tri Niên, 13-8-2019
Với chiếc thẻ nhà báo do Nhà nước cấp, từ năm 1969, ông Nguyễn Tri Niên vừa nghiên cứu, biên soạn giáo trình, vừa “ăn sương, nằm gió” trên nhiều tỉnh thành ở miền Bắc Việt Nam. Ông vượt qua không ít khó khăn khi đi điều tra, viết tin phóng sự, thậm chí phải đối mặt với nguy hiểm. Ví dụ như chuyến điền dã ở Thái Nguyên để làm phóng sự về sự kiện lâm tặc tấn công các kiểm lâm khoảng năm 1970, về đường dây làm ăn phi pháp liên quan đến một bộ phận quan chức tại đây… Những năm tháng làm lính chiến, công an trinh sát (1953-1957) đã tôi luyện cho ông bản lĩnh vững vàng để từ chối những lời mua chuộc bằng tiền, mỹ nhân kế…
NNC Nguyễn Tri Niên bộc bạch: “Muốn làm nhà báo chân chính thì phải giữ mình. Vì say mê nên tôi gắn bó được với nghề, say mê thì mới truyền lửa được cho sinh viên. Nhìn thấy sự hăng say của sinh viên, tôi như được tiếp thêm lửa”.
Nguyễn Thị Điệp