Yêu nghề từ bài giảng của thầy

Khi còn đang học ở trường Trung học phổ thông Phan Đình Phùng (Hà Tĩnh), cậu học trò Trần Văn Nhân đã luôn suy nghĩ: Sẽ làm gì sau khi tốt nghiệp ra trường? Bố mẹ thì luôn mong muốn con theo nghiệp của ông Phan Anh, một người cùng làng và đang là Bộ trưởng Bộ Kinh tế (những năm 1947 – 1953). Thật may mắn, cuối năm 1953, sau khi tốt nghiệp trường Phan Đình Phùng, Trần Văn Nhân được cử đi học tại Khu học xá Nam Ninh, Trung Quốc, đây cũng là bước chuyển lớn giúp ông và gia đình giải tỏa những băn khoăn, trăn trở bấy lâu nay. Vì khi đó, ở Hà Tĩnh chỉ có trường Dự bị Đại học mà gia đình không đủ điều kiện cho ông đi học.

 

 

GS.TS Trần Văn Nhân

Yêu thích Toán Lý từ những ngày còn học Trung học nhưng lại được phân học về ban Hóa – Vạn vật học, nên Trần Văn Nhân rất buồn và tinh thần học tập có phần sa sút. Nhưng khi được nghe GS Lê Khả Kế giảng môn Thực vật, Trần Văn Nhân đã hoàn toàn thay đổi tư tưởng và nhận thức của mình. Ông tâm sự: “Thầy Lê Khả Kế giảng bài hay đến mức khiến tôi muốn học Hóa – Vạn ngay sau khi nghe bài giảng của thầy”. Với chất giọng sang sảng nhưng đầy lôi cuốn, bài giảng của Giáo sư Lê Khả Kế có lẽ không bao giờ phai mờ trong tâm trí Trần Văn Nhân và cũng từ đó, sự nghiệp của ông gắn liền với phòng thí nghiệm, với những nghiên cứu hóa học.

GS.TS Trần Văn Nhân còn là người rất thích chơi đàn, đó là sở thích của ông từ thời thơ ấu và được ông mang theo khi sang học tập tại Trung Quốc. Ngoài những giờ học chuyên môn trên lớp, ông còn đăng ký học thêm nhạc với thầy người Trung Quốc, vì thế cho đến nay, ông có thể chơi được mấy loại nhạc cụ như: Mandolin, violon và ghi ta.

Tuy đã bước sang tuổi 80 nhưng GS.TS Trần Văn Nhân vẫn tham gia giảng dạy cho sinh viên ở trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội… và tiếp tục truyền nhiệt huyết của mình cho nhiều thế hệ học trò.

Bích Phương