Tiếp nối tin yêu

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam nhận được sự tin tưởng, ủng hộ của gia đình GS Đào Văn Chinh từ năm 2015. Đặc biệt, sau chuyến tham quan Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam hồi tháng 1 vừa qua, được mục sở thị nơi bảo quản, lưu trữ khối tài liệu của GS Chinh, gia đình đã quyết định tặng toàn bộ khối tài liệu còn lại của ông và các thành viên khác trong gia đình. Buổi làm việc này, gia đình đã tặng hàng trăm tài liệu của GS Đào Văn Chinh và con trai là PGS.TS Đào Quốc Hương.
GS Đào Văn Chinh thuộc thế hệ đầu được đào tạo tại trường Đại học Y Hà Nội sau năm 1954. Ông là một trong những chuyên gia hàng đầu về Huyết học truyền máu và Dị ứng, miễn dịch lâm sàng của Bệnh viện Bạch Mai. Khối di sản của GS Đào Văn Chinh gồm sổ ghi chép, ảnh, các văn bằng, văn bản liên quan đến quá trình hoạt động của ông.

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam tiếp nhận tư liệu quý của GS Đào Văn Chinh, 09-02-2023

PGS Đào Quốc Hương tốt nghiệp khoa Hóa học trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1980, ông nhận học vị tiến sĩ tại Đức năm 1994. Ông có hơn 10 năm giảng dạy tại trường Đại học Tổng hợp Kỹ thuật Dresden, Đức. Từ năm 2003, ông về nước và công tác tại Viện Hóa học. Những công trình nghiên cứu của ông có giá trị thực tiễn cao, đặc biệt là với ngành nông nghiệp và dược học. Tiêu biểu như: "Nghiên cứu chế tạo điện cực Antimoan cho máy đo pH dùng trong nông nghiệp" (1984), "Nghiên cứu chế tạo và triển khai sản xuất bột canxi hydroxyapatit kích thước nano dùng làm thực phẩm chức năng vào nguyên liệu bào chế thuốc chống loãng xương" (2010-2015)… Tài liệu của PGS Đào Quốc Hương gồm các văn bằng, chứng chỉ, ảnh, luận văn, luận án và các giấy tờ cá nhân khác.

Những tư liệu quý về quá trình đào tạo của PGS Đào Quốc Hương, 09-02-2023

Di sản của GS Đào Văn Chinh và PGS Đào Quốc Hương không chỉ có giá trị với việc nghiên cứu cá nhân nhà khoa học trong gia đình GS Đào Văn Chinh mà còn là tài liệu  nghiên cứu về lịch sử ngành Y học và Hóa học.

Lê Thị Hằng