“Trùm chèo”
Đó là biệt danh nhà thơ Cù Huy Cận đặt cho ông Trần Bảng trong một dịp bàn luận về nghệ thuật Chèo tại Hà Nội, năm 1971.Sở dĩ gọi “Trùm chèo” là bởi ông thuộc thế hệ đầu tiên khôi phục nghệ thuật chèo đang dần mai một trước trào lưu Âu hóa đầu thập niên 1950. Thời gian đầu dấn thân tìm hiểu về tinh hoa sân khấu đậm nét dân tộc này, mọi thứ còn mới sơ khai nhưng ông may mắn được các bậc đàn anh đã nổi danh trên văn đàn động viên. Nhà văn Hoài Thanh từng nói với ông:Tớ cũng như cậu thôi, có khi còn không hiểu chèo bằng cậu. Cậu cứ nghe tớ, gắn bó, tâm huyết với chèo, nó sẽ mang lại cho cậu sự nghiệp[1].Có lẽ đúng như lời “tiên tri” của họ,sau khi tiếp cận với các nghệ nhân dân gian, xem họ biểu diễn ông Bảng mê chèo thực sự và đã gắn bó với nghề này đến trọn cuộc đời.
Mặc dù có thời gian đảm nhiệm nhiều trọng trách như: Vụ trưởng Vụ Nghệ thuật Sân khấu Bộ Văn hoá Thông tin; Phó Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam khóa I, nhưng nơi ông gắn bó nhất vẫn là Nhà hát Chèo Việt Nam (tiền thânlà tổChèotrong Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương). Đối với nghệ sĩ Trần Bảng, Chèo là một lĩnh vực nghệ thuật đậm sắc dân gian truyền thống với những làn điệu bay bổng thướt thanhưng không kém phần thâm thúy và hài hước dễ đi vào lòng người. Nhiều tác phẩm chèo được ông cho là “di dản văn hóa dân tộc” cần phải được trân trọng và nuôi dưỡng như những đứa con tinh thần.Trần Bảng đã cùng các cộng sự của mình khai thác, bảo tồn các vở chèo cổ, lưu giữ nghệ thuật sân khấu của người xưa, đồng thời xây dựng vở diễn mới mang hơi thở và những thông điệp của cuộc sống hiện đại.
Trước Cách mạng tháng 8-1945, nghệ thuật chèo chỉ là “chiếu chèo”, diễn tấu ở những không gian sinh hoạt cộng đồng làng xã như sân đình; không có lý luận mà chủ yếu truyền miệng.GS Bảngtự tin khẳng định:Công lao của tôi là đã đi vào tìm hiểu chèo khi mọi người chưa thực sự hiểu rõ về nó[2].Ban đầu, ông nghiên cứu từ những vở chèo cổ do các nghệ nhân, nghệ sĩ tài danh của tứ chiếng chèo Đông, Đoài, Nam, Bắc cùng nhạc công sáo, đàn tranh, nhị…diễn lại rồi sáng tác nhiều kịch bản chèo hiện đại. Ông là đạo diễn thành công nhất của sân khấu chèo với trên 20 vở diễn được đánh giá cao, trong đó có nhiều vở được coi là các mốc son đánh dấu sự phát triển, trưởng thành của sân khấu chèo cách mạng ở cả hai phương diện: phục dựng trò diễn cổ và sáng tạo trò diễn mới nhưSúy Vân(1961);Quan Âm Thị Kính(1957,1968,1985);Từ Thức(1990),Nàng Thiệt Thê(2001)…Song song cùng công việc phục hồi chèo cổ, thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Trần Bảng viết nhiều kịch bản chèo hiện đại như:Con trâu hai nhà(1956);Đường đi đôi ngả(1959);Máu chúng ta đã chảy(1962);Tình rừng(1972);Chuyện tình năm 80(1981)…phản ánh cuộc sống đương đại nhằm động viên cổ vũ nhân dân sản xuất và chiến đấu. Các vở diễn đều có sự kế thừa và phát triển các thủ pháp nghệ thuật của chèo truyền thống. Với những vở diễn này, ông Bảng đã đóng góp quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật chèo cổ, đưa chèo cổ sống lại trên sân khấu chèo hiện đại.
Với vở chèo “Quan Âm Thị Kính”, GS.NSND Trần Bảng luôn có một tình cảm đặc biệt. Đây là vở chèo đầu tiên ông dựng sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc được giải phóng và cũng là vở chèo để lại cho ông nhiều ấn tượng sâu sắc. GS Trần Bảng tâm sự rằng, mãi đến lần thứ ba dựng lại vở này ông mới tìm ra được chìa khoá để giải mã hình tượng trung tâm của vở này là nhân vật Thị Kính. Ông còn nhớ, trong một lần tình cờ vãn cảnh chùa Mía, Trần Bảng đã giật mình sững sờ trước pho tượng Quan Thế Âm Bồ Tát. Trước mắt ông hiển hiện một Thị Kính với nét mặt thanh thản rạng lên ánh hào quang của tấm lòng từ bi hỷ xả, một đứa bé nằm trong lòng, tay chân quơ lên, ngây thơ sống động. Lúc ấy, ông đã nhận ra: Thị Kính không phải là người phụ nữ mềm yếu, thụ động cam chịu những oan trái, khổ nạn của cuộc đời, không chỉ là một hình tượng dầm dề nước mắt như ông và đồng nghiệp đã từng phục dựng trên sân khấu. Thị Kính thực ra là hình tượng cho thấy oan khiên, bất hạnh dù trớ trêu, chất chồng, nghiệt ngã thế nào cũng không thể giết chết lòng trắc ẩn, sự vị tha của một con người. Vở chèo “Quan Âm Thị Kính” vì vậy, không chỉ nhằm diễn tả nỗi oan và nước mắt Thị Kính mà còn để thể hiện cái cách nhân vật này hoá giải tai hoạ của cuộc đời bằng tình yêu thương và sự hy sinh thầm lặng.
Vậy là gần 30 năm, sau ba lần phục dựng, Trần Bảng và các đồng nghiệp mới trả lại được cho vở chèo cổ toàn bích này trọn vẹn giá trị đích thực của nó. Năm1985, ông mang vở diễn Quan Âm Thị Kính đi dự liên hoan ca kịch quốc tế tổ chức ở Berlin, CHDC Đức. Thời điểm đó không phải là mùa du lịch nhưng nhà hát nghìn chỗ vẫn cháy vé ngồi và phải bán vé đứng. Sau khi vở diễn kết thúc, các diễn viên phải ra chào tới chục lần vì khán giả vỗ tay nhiệt tình. Cuối cùng, ông Bảng bảo chỉ đạo cả đoàn nán lại ở khán đài chắp tay cúi chào cảm ơn, tung hoa. Lần đầu tiên trong sự nghiệp diễn chèo của mình, ông đã khóc vì xúc động. Đúng hơn đó làniềm hạnh phúc vì đã mang được một tác phẩm đậm tính cổ truyền dân tộc Việt Nam ra quốc tế. Cho đến ngày nay, vở chèo đã được dựng lại rất nhiều lần, tham dự hàng trăm liên hoan sân khấu ca kịch lớn nhỏ trong nước và quốc tế nhưng hồn cốt và những giá trị nghệ thuật của nó vẫn được giữ nguyên vẹn.
Kết tinh cả một đời đam mê
Trò chuyện với GS.NSND Trần Bảng, đã hơn một lần chúng tôi hỏi ông đến bây giờ, khi đã đạt được nhiều thành công với nghiệp chèo, điều gì ông tâm đắc nhất?
Ông cười hóm hỉnh, mãn nguyện:Tôi yêu chèo, tâm huyết với nó như với những đứa con của mình. Các bạn thấy đấy, tôi lấy tên của chính nhân vật trong hai vở chèo để đặt cho hai con của mình: Trần Lực – nhân vật Đô Lực trong tác phẩm Cô gái và anh đô vật; Trần Mây – nhân vật Mây trong tác phẩm Con trâu hai nhà. Chèo đã cho tôi tất cả, sự nghiệp và gia đình.[4].
Sở hữu trong tay hàng chục vở diễn, cùng nhiều giải thưởng danh giá của nền sân khấu Việt Nam, đạo diễn Trần Bảng được biết đến như là một "trùm chèo" của sân khấu truyền thống. Theo GS Trần Bảng, ông cho rằng tất cả thành công đó là duyên nợ với chèo. Thêm vào đó là lợi thế “gen” truyền thống văn chương của gia đình.Cụ thân sinh của ông là nhà văn Trần Tiêu viết tiểu thuyếtCon trâu;Chồng con…Chú ruột là nhà văn Khái Hưng của nhóm Tự Lực Văn Đoàn nổi danh với những tác phẩm nhưNửa chừng xuân;Gánh hàng hoa…Sinh ra trong một gia đình có gen nghệ thuật, GS Trần Bảngđã có một vốn văn hóa đáng quý khi tiếp cận sớm với các tác phẩm văn chương trong và ngoài nước. Ông lại có vốn ngoại ngữ phong phú, đáng mơ ước ngay cả với giới trẻ ngày nay như khả năng đọc được sách Hán Nôm, thông thạo tiếng Pháp và học thêm nhiều thứ tiếng khác như tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Đức… Ông góp mặt trong hàng ngũ kháng chiến ngay từ buổi ban đầu, hoạt động tích cực trong phong trào Việt Minh, nổi đình đám trong giới tuyên truyền xã với các hoạt động viết, diễn kịch nói ở đội tuyên truyền Sao Mai ở xã Cổ Am (huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng).Sau này, ông không đi theo văn chương, mà lại nghiên cứu chèo, đặc biệt là chèo cổ. Nhưng những vốn sống từ thuở ấu thơ ấy mang lại nhiều kiến thức cho việc làm nghề của ông.
GS.NSND Trần Bảng, 2019
Bởi thế, mỗi lần gặp GSTrần Bảng, nhắc đến chuyện nghề, ký ức những năm tháng đầu tiên đến với chèo vẫn nguyên vẹn trong ông.
Ông còn nhớ, đầu năm 1953, khi về An toàn khu (ATK, Thái Nguyên) duyệt tiết mục phục vụ Hội nghị Trung ương, vở chèoChị Trầm –ý tưởng của Trần Bảng được xây dựngtừ câu chuyện có thật ông chứng kiến trong chuyến đi thực tế tại Bắc Giang,được chọn.Nội dung vở diễn kể về cuộc đời của nhân vật Trầm, từ một người đi ở cho địa chủ với bao nhiêu tủi khổ, nhưng nhờ ơn cách mạng, chị được tự do làm ăn hội họp, cuộc sống hoàn toàn thay đổi….Dù còn mộc mạc đơn sơ nhưng vở diễn Chị Trầm rất được hoan nghênh. Đêm công diễnChị Trầmở ATK, Bác Hồ đã cùng các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Phạm Văn Đồng đến tham dự. Khi vở diễn kết thúc, Bác Hồ yêu cầu mở màn lại, trực tiếp bước lên sân khấu thưởng kẹo cho các nghệ sĩ và khen ngợi: “Phường chèo này hát hay lắm!”. Trần Bảng với tư cách là người phụ trách Đoàn và là tác giả vở diễn đã vinh dự được Bác Hồ mời cơm. Trong bữa cơm cùng Bác cói anh hùng Nguyễn Thị Chiên và bác sĩ Trần Hữu Tước, Bác Hồ khen Trần Bảng còn trẻ mà đã biết yêu vốn nghệ thuật cổ truyền của dân tộc và ân cần căn dặn: “Chèo là viên ngọc quý, phải ra sức học, đặc biệt là phải học các nghệ nhân để hiểu sâu và nắm vững nghề chèo”[5]. Sau đó, vở diễn này được biểu diễn tại các cơ quan trong ATK.
Khi nghỉ quản lý, ông muốn chắt lọc từ niềm đam mê cả đời với nghệ thuật chèo để viết sách nghiên cứu về một loại hình nghệ thuật truyền thống mà ngày nay đang bị mai một trên sân khấu. Ông cho rằng đó là nguyện vọng cuối cùng trong sự nghiệp làm chèo của mình, tất cả là trách nhiệm với nghề mình theo đuổi, là tình yêu và hy sinh vì nghệ thuật dân tộc. Ông mong sao những ai đọc những ấn phẩm này thì cũng sẽ yêu và say mê với nghệ thật chèo, như ông đã từng…
Hơn 60 năm gắn bó, sống với nghiệp chèo, với những vở diễn, Trần Bảng đã đúc kết lên 4 cuốn sách:Khái luận về chèo; Kỹ thuật biểu diễn chèo; Chèo – Một hiện tượng sân khấu dân tộc; Trần Bảng – đạo diễn chèo.Đó là bốn công trình tổng kết học thuật công phu, tâm huyết, sáng tạo của ông. Trong số đó,Trần Bảng – Đạo diễn chèolà cuốn sách ông tâm đắc nhất “tuy là một sáng tạo cá nhân song cuốn sách này trong quá trình hình thành đã tiếp nhận được biết bao tinh hoa, kinh nghiệm từ những tác phẩm đạo diễn của bè bạn. Nó cũng còn nhờ vào thành quả lao động sáng tạo của nhiều thế hệ nghệ sĩ diễn viên, nhạc sĩ, họa sĩ của Nhà hát Chèo Việt Nam.”[6].
Đúng như chia sẻ của GS Trần Bảng, cuốn sách là công trình nghiên cứu toàn diện về nghệ thuật chèo cả trong lý luận và thực tiễn. Kể cả những sai lầm từ thực tiễn của chính bản thân trong quá trình dàn dựng nhiều vở diễn cũng được ông đúc kết để tìm ra hướng đi đúng đắn.
Sau Cách mạng tháng Tám, công cuộc phục hồi nghệ thuật Chèo đã tạo ra một thế hệ đông đảo những diễn viên Chèo hiện đại, và cùng với đó là sự xuất hiện đạo diễn Chèo. Tuy không đông đảo nhưng các đạo diễn chèo đã có thể gọi là một đội ngũ với những nghệ sĩ như Trần Huyền Trân, Cao Kim Điền, Phan Tất Quang, Lộng Chương, Chu Văn Thức… Mỗi đạo diễn đều có cách làm, phong cách nghệ thuật riêng, nổi lên như chất thơ trong chèo của Trần Huyền Trân, chất kịch liệt của Phan Tất Quang…Nhưng đáng tiếc cho đến năm 2006 chưa có sự tổng kết về cách dàn dựng, phong cách nghệ thuật trò diễn được ghi lại thành tài liệu chính thống. Mặt khác, chèo là một thể loại trò diễn sân khấu thuộc loại hình văn hóa phi vật thể nên dễ bị trôi theo thời gian, may chăng chỉ còn có thể để lại một số hình ảnh, cảm xúc trong ký ức người xem.
Ông cũng từng trăn trở và đặt câu hỏi:Tại sao chèo hiện đại chưa sản sinh ra được hình tượng nghệ thuật ngang tầm với những Lão say, Súy Vân, Thị Màu …của chèo cổ[7].. Ông cho rằng nguyên nhân chủ yếu làm chèo thời nay chưa ngang tầm với chèo cổ là bởi những người làm chèo hiện tại chưa thực sự hiểu chèo, nắm vững tư tưởng nhân văn đến luật chơi riêng, tư duy, sáng tạo riêng của nó. Xu hướng thương mại hóa của các loại hình giải trí đang ngày một lấn át chèo truyền thống. Sự nguội lạnh với nghề của những người làm chèo đã có tác động không nhỏ:Người biểu diễn đã mất hẳn quyền làm chủ sàn diễn. Bao nhiêu lời chỉ bảo của đạo diễn, tác giả, nhạc sĩ, biên đạo múa nhiều khi mâu thuẫn với nhau áp đặt lên họ, biến họ thành một thứ con rối thụ động, cứng nhắc. Bản năng sáng tạo bị tù hãm. Trí tuệ sáng tạo bị khô cằn”[8].
Cho đến cuối thập niên 90, phương tiện ghi hình còn chưa phổ biến như hiện nay. Đặc biệt, các trò diễn khi qua tay đạo diễn truyền hình không còn giữ được chất lượng nguyên bản. Tôi nghĩ, không thể chỉ dựa vào những dữ kiện mơ hồ trong ký ức mà suy luận đánh giá về công việc sáng tạo của đồng nghiệp. Vì vậy, tôi muốn tổng kết lại công việc sáng tạo của bản thân đã trải nghiệm làm nghề đạo diễn Chèo, suy nghĩ về nghệ thuật Chèo? Công việc dàn dựng ra sao? Những ý đồ sáng tạo được thực hiện trên sàn diễn như thế nào…? Có thể thành lý luận nhưng cũng có thể chỉ là kinh nghiệm để thế hệ sau có tài liệu tham khảo. Tôi cũng không hy vọng cuốn sách này là bài bản chuẩn mực vì mỗi đạo diễn có cá tính riêng của mình. Chính vì thế nên tôi đã chọn tên của tác phẩm là:Trần Bảng – Đạo diễn Chèo(2006; 2017).
Năm 2017, công trìnhTrần Bảng – Đạo diễn chèođược Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật, ghi nhận một phần đóng góp của GS.NSND Trần Bảng đối với chèo – tinh hoa sân khấu dân tộc Với ông, được nhận Giải thưởng mang tên Bác thật thiêng liêng, tự hào, bởi trong suốt cuộc đời, ông đã miệt mài, mê mải khai thác, bảo tồn các vở chèo cổ, lưu giữ các lớp trò (các đoạn diễn trong vở chèo) của các nghệ nhân…; trong ông, Chèo thật trong sáng lạc quan, hài hước mà trữ tình, ngây thơ mà minh triết với những hình tượng nghệ thuật đẹp, vừa kỳ lạ lại vừa thân quen, mang đậm bản sắc dân tộc. Ông từng tâm sự:Làm nghề gì cũng phải đam mê, sống và hy sinh vì nó. Vì yêu chèo nên tôi phải làm tất cả các việc từ soát vé, nhân viên hậu đài, diễn viên… đến nghiên cứu.[10]
Giờ đây với GS.NSND Trần Bảng, mọi thứ đã viên mãn.Ngày nào ông cũng dậy sớm tập thể dục, ngồi thiền và đọc các trang mạng để biết tình hình thời sự trong nước, quốc tế rồi vui vầy cùng con cháu.Ông không hối tiếc cũng không ước muốn điều gì.Ông chỉ băn khoăn đôi chút về lòng yêu nghề của các diễn viên trẻ và thị hiếu của công chúng ngày nay về chèo. Tuy nhiên, khi nhận định về sự phát triển của chèo, GS Trần Bảng vẫn quả quyết: Chèo là tinh hoa văn hóa của dân tộc. Mạng lưới những người yêu chèo, coi chèo là lẽ sống, là linh hồn của mình vẫn đông đảo khắp các ngõ, thôn. Họ đang hàng ngày phát huy, gìn giữ đưa chèo vào đời sống nhân dân. Chèo vẫn còn sống mãi!
Lưu Thúy
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam