Những vòng khuyên trên con đường học vấn

              Hoàng Bảo Châu quê ở Quỳnh Lưu, Nghệ An, cha ông buôn bán ở Hưng Yên. Ông được sinh ra tại thị xã Hưng Yên. Năm lên 8 tuổi, khi ông đang học Tiểu học ở Hưng Yên thì cha qua đời, mẹ ông một mình bươn chải, khi ngược khi xuôi để nuôi mấy chị em ăn học. Nhà chỉ có một mình là con trai nên ông được mẹ và các chị thương yêu, dành dụm và động viên cố gắng học tập. Cuộc đời đi học quả thực cũng ly kỳ, lý thú, những nơi đã qua, những miền đất đã đến, nơi đâu cũng mang dấu ấn kỷ niệm đầy sâu sắc. Nhớ lại ký ức đã hơn 60 năm trôi qua, ông kể:
 

Từ một học sinh tốt nghiệp trung học chuyên khoa trở thành một thày giáo

            Năm 1942, sau khi học xong Tiểu học ở Hưng Yên, tôi phải xa gia đình sang Thái Bình học Cao đẳng Tiểu học,ở trường Thành chung (tức cấp phổ thông cơ sở bây giờ), bắt đầu cuộc sống tự lập. Năm 1946 thi vào Trung học chuyên khoa I ở trường Chu Văn An Hà Nội. Toàn quốc kháng chiến tôi về Hưng Yên và đi tản cư một thời gian. Năm 1948, sau khi học xong Trung học chuyên khoa II ở trường Quang Trung, Đống Năm, Thái Bình, tôi vào Yên Mô, Ninh Bình học trung học chuyên khoa  III tại trường Nguyễn Khuyến, ăn cơm trọ như nhiều bạn khác. Hiệu trưởng lúc đó là thầy Phó Đức Tố, dạy hóa là thầy Oánh, dạy Anh văn là thầy Hữu Ngọc,… Ngoài việc học tập, cứ chiều thứ bảy thày trò lại được nghe bạn Đỗ Thế Phiệt kéo viôlông réo rắt ở cổng trường đóng ở đình làng. Cuối năm học 1948 – 1949  tôi và nhiều bạn thi đỗ tốt nghiệp và theo trường chuyển về Nông Cống, Thanh Hóa với tên mới là trường Trung học chuyên khoa Nguyễn Thượng Hiền, cũng còn một số bạn phải học lại.

            Không thích học trường Giao thông công chính ở Thanh Hóa, tôi về nhà chờ đi Việt Bắc học Y. Cuối 1949, đầu 1950 quân Pháp chiếm Khu III, người dân rẽ thành hai ngả, số thì ở lại quê hương, số đi tản cư ra vùng tự do. Nhân anh rể là Trần Công Nhuận về đón  gia đình đi Thanh Hóa, mẹ và tôi vượt đò Nhật Tảo đêm 30 Tết và đi một mạch đến cơ sở quân giới của anh rể tôi. Sau khi chị và cháu tôi 3 tuổi đã có chỗ ở yên ổn, tôi theo mẹ về quê nội ở Quỳnh Lưu, Nghệ An, vừa để thăm quê đã xa từ nhỏ, vừa để cưới vợ cho anh cả (cùng cha khác mẹ) làm việc ở Hà Nội đã tản cư về quê. Tổ chức cưới xong, chuẩn bị theo mẹ ra Vĩnh Lộc, tôi được Ủy ban Kháng chiến huyện giữ lại thế chân cho một thày giáo chuyển công tác để dạy học ở trường Tân Dân của huyện.  Vậy là trở thành thày giáo Toán, Lý, Hóa (vì tôi tốt nghiệp chuyên khoa Toán, Lý, Hóa) của trường. Ngoài việc tận tâm dạy học với vốn liếng có hạn, tôi tham gia đội bóng chuyền của trường và thi đấu đoạt giải các cơ quan huyện. Ngày đó, tôi vẫn ước mong được lên Việt Bắc, An toàn khu. Nhân có đợt tuyển lục quân khóa V, tôi xin đi nhưng không được. Nhiều học sinh của trường đã nhập ngũ đợt đó, sĩ số nhiều lớp giảm đi đáng kể. Hết niên học, tôi tham gia học lớp “Rèn cán chỉnh cơ” ngành giáo dục của huyện Quỳnh Lưu, sau đó lại tham dự lớp “Rèn cán chỉnh cơ” của ngành giáo dục tỉnh Nghệ An ở Bạch Ngọc.  

            Quyết tâm lên Việt Bắc

            Được tin có đoàn lên học trường Quân y sĩ Việt Bắc, tôi xin phép và liên lạc với Sở Quân y Liên khu III  xin đi theo. Được bác sĩ Nhữ Thế Bảo cho phép, tôi báo cáo nhà trường để xin đi. Tuy rất muốn tôi ở lại với trường, song thấy tôi tha thiết lên Việt Bắc – nơi mà thanh niên kháng chiến đều hướng tới, nên Ủy ban và trường đành cho đi. Đồng chí Bí thư chi bộ tiễn tôi một đoạn đường dài hàng chục cây số, lưu luyến chia tay.

            Ra Vĩnh Lộc, Thanh Hóa, trước khi lên đường, mẹ ốm, tôi muốn ở lại với mẹ song mẹ kiên quyết giục tôi đi, vì “khó có được những cơ hội như thế này”. Lúc đó lên Việt Bắc rất khó. Tôi còn nhớ mẹ nói với tôi: “Con ở nhà mẹ chết mẹ vẫn chết, mà con đi mẹ chết mẹ vẫn chết, thôi cứ đi đi”. Thế là đi! Từ nhà đến nơi tập kết, chân đi như hụt hẫng, nếu tính từ sau khi tốt nghiệp Tiểu học ở Hưng Yên, năm 1942 đã phải sang Thái Bình học Thành Chung, đến nay đã 8 năm xa nhà, chỉ về với mẹ vào nghỉ hè và một thời gian ngắn khi tiêu thổ kháng chiến, rồi tản cư đầu năm 1947nay lên Việt Bắc, biết bao giờ về với mẹ?

            Tham gia vào Trung đội quân y sĩ  Khu III, IV với Trung đội trưởng Phùng Huy Uyển, tôi theo đoàn qua Kim Tân, Rịa,… qua đường số 6, đến Bờ Đậu, Thái Nguyên, ngày nghỉ, đêm đi theo kiểu bộ đội hành quân. Trên đường đi,nhất là đường rừng người đi nườm nượp, chỉ riêng qua đường số 6 phải bình tĩnh vượt nhanh để tránh địch phát hiện. Đến Bờ Đậu được nhập vào quân số Trung đội 15 (tức lớp Y50) vừa từ Lang Quán chuyển về. Ở Bờ Đậu khoảng từ tháng 12 – 1950 đến tháng 3 – 1951, Trung đội 15 sinh viên Y khoa sinh hoạt riêng, song có những nội dung học với quân y sĩ để chuẩn bị phục vụ chiến dịch sắp mở. Lúc đi chiến dịch, tuy là hai trường nhưng cùng được phân công về các đơn vị để phục vụ chiến đấu. Từ tháng 3 đến tháng 7 – 1951 tôi được phân đi phục vụ ở Phân viện 2 đóng ở rừng dẻ Yên Thế, Bắc Giang, nơi Hoàng Hoa Thám vẫy vùng ngày xưa. Tham gia xây dựng cơ sở bệnh viện dưới tán rừng, chuẩn bị cơ sở để đón thương binh từ trung tuyến trở về, tôi làm việc nhiệt tình, hăng say, được trung đội của Phân viện khen là anh hùng lao tác (như là cá nhân xuất sắc)của Trung đội, đến tháng 5 – 1951 thì được là cảm tình Đảng. 

            Đi chiến dịch Hoàng Hoa Thám

Tôi được phân công dẫn đoàn đi vận chuyển 175 thương binh từ Trung tuyền về Phân viện 2. Lúc đi trời mưa, đèo dốc, đường trơn, có những đoạn sơ ý là ngã ngay, song thấy trên đường “hằng hà sa số” dân công cùng chiều, ngược chiều nên không cảm thấy mệt mà chỉ thấy lo hụt quân số dọc đường. Đến địa điểm tiếp nhận, không ngờ gặp Nguyễn Mạnh Liên (sau này là GS.TSKH Nguyễn Mạnh Liên – nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Y học môi trường và lao động, Học viện Quân y). Liên gọi “Châu ơi vào tao bảo cái này”, đến nơi hắn dúi cho một miếng đường phên to bằng nửa bàn tay vẫn còn dính rơm và bảo ăn đi. Tôi ăn ngay, miếng đường sao ngon thế, sao ngọt thế, ăn xong tỉnh cả người. Nhận đủ quân số 175 người, đoàn dẫn nhau về theo đường trạm, nhẹ thì tự đi, nặng thì dìu, cáng, tôi đi, lúc phía trước, lúc phía sau để theo dõi giúp đỡ, giải quyết những việc cần thiết. Lúc về hết mưa đường tốt hơn nên đi trót lọt, không có vấn đề gì đáng tiếc xảy ra.

Đón thương binh về rồi, tôi được phân công làm Trưởng phòng chuyên môn, Tiểu đội phó tiểu đội nhân viên, hàng ngày thăm nom, chăm sóc thương bệnh binh, báo cáo và nhận lệnh cấp trên. Trong một buổi tối mưa to, đi kiểm tra chỗ ở, chỗ ngủ của thương binh, thấy một đồng chí kéo giường lệch ra, không xem xét lý do, tôi gắt “ai cho đồng chí làm thế này”, hóa ra giường ở cạnh cây, nước mưa theo cây chảy xuống nên phải kéo giường tránh cho khỏi ướt mới ngủ được. Hôm sau tôi bị Ban công tác chính trị Phân viện phê bình là nóng tính và chủ quan vì đã cáu gắt với thương binh. 

… Về trường học tiếp

Tháng 7 – 1951 tôi được lệnh về xây dựng cơ sở trường Y khoa, chia tay với các bạn Quân y sĩ cùng trung đội nhân viên, chia tay với thương binh tôi lên đường về Chiêm Hóa nhận nhiệm vụ. Đến tháng 11 – 1951 công việc xây dựng nhà ở, sửa chữa giảng đường đã xong, anh chị em đã về đầy đủ và chuẩn bị năm học mới. Còn nhớ một nhóm chúng tôi được cử đến một nghĩa địa cùng dân công khai quật một mộ không người nhận để lấy bộ cốt về làm giáo cụ học tập. Sau khi khai quật, mang bộ cốt ra bờ suối rửa, cho vôi vào cùng cốt, đun sôi cho hết các chất bám vào xương, rửa sạch, bọc kỹ, cho lên mảng xuôi dòng về. Đang trên mảng, nghe tiếng máy bay, vội vàng nhảy vào bờ ẩn nấp. Bộ xương ấy trong quá trình học tập sau này đã trở thành những vật báu, có bạn đi ngủ còn giữ trong người để hôm sau còn học. Lúc đang xây dựng, người ít, rừng rậm còn chưa phát quang, nhà còn chưa có liếp cửa, đêm ngủ phải đốt những cây củi to để giữa nhà, vừa để giữ ấm, vừa để bảo vệ cho nhóm “thợ sinh viên xây dựng”. Có hôm sáng dậy thì thấy những vết chân bát úp quanh nhà, ra giếng nước cũng có. Hóa ra đêm qua đã có “ông ba mươi” đến thăm lán trại và giếng nước của anh em. Sau này khi về đông đủ, quanh nhà phát quang thì không thấy vết chân này nữa.

Tháng 12 – 1951, chỉnh huấn và bắt đầu học tập, trung đội chia làm 3 tiểu đội, tôi được phân làm tổ trưởng tổ học tập và tổ trưởng chỉnh huấn. Mỗi tiểu đội lại chia thành từng nhóm “tam tam” vừa giúp nhau trong chỉnh huấn và học tập, vừa giúp nhau sống trong kỷ luật của trường theo kiểu quân sự. Nhóm tôi có Nguyễn Quý Tảo, Vũ Thị Phan, Hoàng Bảo Châu. Trong chỉnh huấn để xác định “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi”, cũng như trong học tập, mỗi tối từng người trong nhóm “tam tam” đều tự kiểm điểm. Trừ thời gian chỉnh huấn có vẻ gò ép, tự nhận “mình ở thành phần này thành phần kia, có tư tưởng này tư tưởng kia”, còn lại sinh hoạt tổ tam tam rất vui nhộn, linh hoạt và xây dựng cho nhau tình đồng đội, nếp sống mới ngày một tốt hơn, qua đó đã đảm bảo tốt cả đợt học tập và nhất là đời sống trong sáng của thanh niên kháng chiến. Ở tuổi thanh niên, trong  thời gian này cũng có những mối tình hé mở, sau này có đôi thành như Kính – Mão, Trinh – Trực, còn lại đều là để lại trong lòng mỗi người những tình cảm đẹp, in đậm vào tâm khảm không phai mờ, khi nhắc lại vẫn còn thấy như hiện ra trước mắt.

Tháng 8 – 1952, thi hết năm học. Trong số 40 sinh viên, tôi đứng thứ năm tính từ cuối lên, tuy nhiên ai cũng rất vui vẻ vì đã đều đạt kết quả và được cấp chứng nhận là quân y điều trị. Tổng kết thi đua cuối năm học, tuy kết quả học tập kém hơn song do tích cực hoạt động nên tôi được bầu là cá nhân xuất sắc của Phân đoàn 15 và hiệu đoàn. Chiến trường gọi, Y50 lại lên đường theo sự phân công của Cục Quân y và trường. Ai nấy đều háo hức chờ đợi ghi nguyện vọng và mong đạt nguyện vọng. Ít nhất trong số 40 người có 4 người không đạt nguyện vọng, đó là Vũ Thị Phan xin ở lại làm việc với thầy Đặng Văn Ngữ thì được điều đi chiến dịch, Hoàng Bảo Châu, Nguyễn Mạnh Liên, Nguyễn Quang Long được trường giữ lại làm việc ở bệnh viện và làm trợ giáo cho các thày và phụ đạo cho lớp Y52 mới tập trung. Lại một cuộc chia tay, tôi trao cho Chu Xuân Đạm tập Séméiologie chép tay để sử dụng sau này và chiếc bút Parker làm kỉ niệm.

Tháng 9 – 1952, tôi bắt tay vào nhiệm vụ mới, lúc này đã được hưởng lương ngạch bậc cấp 12 (48,5 kg gạo/ tháng), ở tập thể của bệnh viện, hàng ngày đi bệnh viện và chuẩn bị giáo cụ trợ giáo cho bác sĩ Nguyễn Dương Quang về môn Hình thái học. Phải học cẩn thận trước từng bài, và theo hình vẽ trong Rouviére, cắt giấy thành hình dáng các loại cơ, các nơi bám tận của cơ, dán xếp theo lớp nông sâu để các bạn Y52 dễ hình dung. Nguyễn Mạnh Liên làm trợ thủ cho thầy Ngữ, Nguyễn Quang Long về Ngoại khoa. Trước khi vào học, lớp Y52 cũng được chỉnh huấn như lớp Y50. Tôi phụ trách một tổ, và quá trình chỉnh huấn ở tổ này cũng như toàn Y52 tương tự như Y50. Y52 đông hơn, sống thoải mái hơn Y50, trình độ tuổi tác cũng cách biệt hơn, nam đông nữ ít, chỉ có ba nữ, ba chị  được các bạn rất cưng, nhiều bạn nghịch ngợm cố tình ghép người nọ với người kia, điều khó tránh khỏi của tuổi trẻ sinh viên. Các thầy Hồ Đắc Di, thầy Tôn Thất Tùng, thầy Đặng Văn Ngữ; các anh Vưu Hữu Chánh, Nguyễn Dương Quang lên lớp cho các sinh viên, các anh Phạm Thúy Liên, Hà Văn Mạo, Đỗ Quang, Trần Quang Vĩ trợ thủ đắc lực cho các thầy; cụ Ngọc dạy đỡ đẻ, bác Thu già là Y tá trưởng, các chị Nghị, Nga, Duyên, Nhung, anh Thiết lo La bô và chăm sóc bệnh nhân, anh Yến giáo vụ, chị Chiến hộ lý,… tất cả đều hết sức chăm lo cho chúng tôi và Y52. Còn nhớ hình ảnh thầy Di chuẩn bị ca mổ: cởi trần, quần vén ống thấp, ống cao, vừa dùng bàn chải để rửa tay, vừa nói đến các bước mổ, và vì người gầy, để cho vui thầy còn nói “thời oanh đã qua, thời liệt đã đến”, tuy tuổi thầy mới hơn 50. Thầy Tùng đi đâu cũng mang theo cái kiếm Nhật để nhỡ có gặp rắn dùng để tự bảo vệ. Thầy Ngữ lúc nào cũng chỉnh tề, ngược lại anh Vưu Hữu Chánh rất luộm thuộm, anh Dương Quang điểm đạm, … mỗi người mỗi vẻ tạo nên một tập thể đa dạng thống nhất trong bệnh viện. Các thầy ngoài chuyên môn còn rất quan tâm đến tư cách người thầy thuốc. Tôi còn nhớ trong ba đàn anh về thi tốt nghiệp bác sĩ, có một anh có thái độ không đúng với bệnh nhân, thầy Di và các thầy không cho thi kỳ đó phải trở về đơn vị, có anh thái độ không tốt với đồng nghiệp cũng được các thầy nhắc nhở. 

            Chỉnh huấn

Một buổi chiều cuối tháng 12 – 1952 trên đường từ bệnh viện về nhà, anh Nguyễn Dương Quang gặp tôi và nói “Châu ơi, có đi học nước ngoài không?” Tôi nói: “Anh cho đi thì đi”. Tưởng là câu chuyện bình thường giữa anh Quang và tôi, ai ngờ hôm sau tôi được trường báo đi dự lớp chỉnh huấn đặc biệt cho học sinh đi học nước ngoài do Bộ Giáo dục mở. Thế là cuối tháng 12 – 1952, tôi lại ba lô đeo vai lên đường đến địa điểm tập trung chỉnh huấn. Đến nơi mới biết, Y52 đã có các anh Lê Văn Bích, Nguyễn Huy Dung, Nguyễn Năng An, Nguyễn Tài Thu, Trần Đình Xiêm, Trần Văn Khi và một anh ở cơ sở thầy Ngữ đã học xong một lớp. Tôi học lớp thứ hai, được phân vào Hiệu đoàn C, trong Ban chấp hành, anh Đào Văn Tập là Chủ tịch. Đợt chỉnh huấn kéo dài ba tháng, và cuối cùng tôi cũng nhận ra được mục đích đi học là để về nước làm cán bộ xây dựng chủ nghĩa xã hội. Học viên đến chỉnh huấn từ khắp nơi đủ các trình độ, văn hóa từ lớp 8 trở lên, có người đã là tỉnh ủy viên, trong đó có rất nhiều ở trường khoa học cơ bản. Học viên tự lo ăn, lo ở, tăng gia thêm, nhiều anh được phân công vào tổ cấp dưỡng, một thời gian ngắn đã mổ trâu, bò, lợn thiện nghệ như một đồ tể chuyên nghiệp. Tôi được phân công vào tổ Y tế của trường cùng với anh Tiên, anh Nại ở trường y sĩ Nông Cống lên. Còn nhớ một hôm, có một bạn sau khi uống Sunfamid bị bí đái, không đi tiểu được. Tổi không biết cách giải quyết, chuẩn bị đưa về bệnh viện, anh Tiên gợi ý “hay là cho uống nước đậu xanh, bà con người ta vẫn làm”, thế là tìm đậu xanh giã ra hòa lấy nước cho uống với ý nghĩ nếu không được thì đưa đi sau. Ai ngờ uống xong bạn ấy đi tiểu được. Lại một lần, có một tổ ăn phải nấm độc, nôn, đi ngoài hàng loạt, may mà nhẹ, qua khỏi không ai làm sao.

Một ngày cuối tháng 8 – 1953, tôi được phân công trong đoàn tiền trạm đến trạm cuối cùng gần Lạng Sơn để chuẩn bị cho gần 200 “cán bộ tương lai” qua biên giới, sang Liên Xô khoảng 40 người, còn lại sang Trung Quốc học các chuyên ngành khác nhau. Trong đoàn của trường Y có Nguyễn Huy Dung, Nguyễn Năng An (Y52) đi Liên Xô, còn lại Hoàng Bảo Châu (Y50), Trần Đình Xiêm, Trần Văn Khi, Lê Văn Bích, Nguyễn Tài Thu (Y52) đi Trung Quốc. Hơn 100 học sinh đi Trung Quốc, sau khoảng nửa tháng ở Bằng Tường, rồi Nam Ninh nghỉ ngơi lấy sức, chúng tôi được đưa về Quế Lâm ở trong doanh trại trường Bộ binh 24 – nơi “trường Trung Quốc ngữ chuyên” mới mở ở đó dành riêng cho học sinh Việt Nam.

Học Trung văn một năm, đến hết khóa học, trên cơ sở nhu cầu của trên và nguyện vọng của học sinh, tất cả được phân về hầu hết các Học viện chuyên ngành của Trung Quốc. Tôi được về Hoa Nam Y học viện cùng với Trần Đình Xiêm, Trần Văn Khi, Lê Văn Bích, Nguyễn Tài Thu, Cù Nhân Nại, Vũ Văn Tiên, Trần Hữu Tuân, Nguyễn Thu Nhạn, Nguyễn Hoài Đức, Hoàng Yên Bình, Bùi Xuân Bách, Phạm Duy Mai. Học xong năm thứ nhất, Nguyễn Tài Thu được chuyển lên Bắc Kinh Y học viện, hết năm thứ ba trừ Hoàng Yên Bình ốm ở lại Quảng Châu còn lại đoàn được chuyển lên Bắc Kinh Y học viện. Hết niên học 1957-1958 các bạn được phân học các chuyên khoa: Nhi có Nguyễn Thu Nhạn, Bùi Xuân Bách, Trần Văn Khi (sau đổi tên là Kì); Tai Mũi Họng có Trần Hữu Tuân, Vũ Văn Tiên, Lê Văn Bích; Mắt có Cù Nhân Nại; Thần kinh có Hoàng Bảo Châu, Dược lý có Phạm Duy Mai, Tâm thần có Trần Đình Xiêm. Năm 1959, sau khi tốt nghiệp cả đoàn về nước, trong khi chờ công tác, mỗi người đến các bệnh viện các khoa mình học để chuẩn bị nhận công tác.

Một hôm, phần lớn chúng tôi (trừ Trần Đình Xiêm, Lê Văn Bích, Bùi Xuân Bách, Phạm Duy Mai) được Thứ trưởng Nguyễn Văn Tín gọi lên giao nhiệm vụ mới: tiếp tục sang Trung Quốc học thêm ba năm, một năm thực tập chuyên khoa mình đã học, hai năm tham gia học lớp “Tây y học tập Trung y khóa II” của Học viện Trung y Bắc Kinh sẽ mở vào hai năm 1960-1961 và 1961-1962.

Tôi lại vui vẻ lên đường, và thế là xa nhà đi học từ thuở 13 tuổi (1942), đến tuổi 33 (8 – 1962) mới lại về với mẹ và được phân công tác ở Viện Nghiên cứu Đông y (nay là Viện Y học cổ truyền Việt Nam). Tôi đã gắn bó với ngành Y nói chung, Đông  y , y học cổ truyền nói riêng suốt cả cuộc đời.

Nguyễn Thanh Hóa (tổng hợp)

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam