Bài phát biểu của PGS.TS Nguyễn Văn Huy tại lễ tiếp nhận tài liệu hiện vật của GS Hoàng Tụy

Kính thưa các vị đại diện và toàn thể thành viên gia đình GS Hoàng Tụy!

Kính thưa các nhà khoa học cùng các vị khách quý!

Thưa các bạn đồng nghiệp!

Căn nhà số 30, ngõ 260 Đội Cấn là địa chỉ quen thuộc với Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam (nay là Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam) kể từ năm 2013, khi lần đầu tiên chúng tôi tìm đến GS Hoàng Tụy để xin đặt vấn đề nghiên cứu, sưu tầm di sản khoa học của ông – một nhà khoa học đã cống hiến cả cuộc đời cho nền khoa học toán học Việt Nam.

Còn nhớ khoảng 15 năm trước, tôi có dịp gặp GS Hoàng Tụy tại một cuộc hội thảo. Lần đó Giáo sư nói với tôi rằng, tôi rất quý anh, quý ông cụ của anh nhưng tôi không vào Trung tâm Di sản của anh đâu. Thời điểm ấy, Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam đang chập chững bước những bước đi đầu tiên nhằm xác lập quan điểm tiếp cận, sưu tầm và nghiên cứu di sản các nhà khoa học Việt Nam nên lúc đó có những hiểu lầm và những thiếu sót. Chúng tôi hiểu những suy nghĩ của GS Hoàng Tụy vào thời điểm ấy. Tuy nhiên Giáo sư vẫn thường xuyên theo dõi và quan tâm đến những thay đổi trong hoạt động của Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam và cuối cùng giáo sư đã thay đổi suy nghĩ và đồng ý hợp tác với chúng tôi. Đó là thời điểm cuối năm 2015, qua sự kết nối của ông Văn Thành ở Tạp chí Tia Sáng, GS Hoàng Tụy đã cho phép nghiên cứu viên của Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam đến nghe Giáo sư kể chuyện cuộc đời mình. Đều đặn hàng tuần, vào sáng thứ 5, cán bộ Bảo tàng có mặt tại phòng làm việc của giáo sư tại tầng 2. Căn phòng xung quanh đều là sách, trên bàn làm việc luôn ngổn ngang các tài liệu, bản thảo toán học, bản thảo những phát biểu, đề xuất của GS về giáo dục hay một vấn đề nào khác về xã hội. Trong suốt mấy năm liền, cán bộ Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam được theo chân Giáo sư đến Viện Toán, tham dự các cuộc hội thảo, tọa đàm ở các trường, viện, văn phòng Tạp chí Tia sáng… Từ hình ảnh Giáo sư làm việc, hướng dẫn học trò đến những hình ảnh đời thường như ông đọc báo, đọc sách, đi bộ đều được chúng tôi ghi hình lại. Chúng tôi cũng có cơ hội ghi âm hàng nghìn phút về các câu chuyện cuộc đời do chính Giáo sư Hoàng Tụy kể. Giáo sư đã giãi bày câu chuyện từ cậu bé mồ côi cha từ nhỏ, ốm yếu liên miên nhưng quyết tâm học tập, tự học, tự nghiên cứu, vượt qua những thăng trầm của cuộc sống để cống hiến và sáng tạo. Câu chuyện mỗi ngày một sâu sắc, một thú vị, giữa lúc chúng tôi và giáo sư trở nên thân thiết, không còn khoảng cách thì bị dừng lại; sức khỏe không cho phép Giáo sư tiếp tục những câu chuyện còn đang dang dở.

Kính thưa Quý vị

Giáo sư Hoàng Tụy đáng kính của chúng ta đã qua đời sắp tròn 4 năm. Đầu tháng 6 vừa qua, chúng tôi có dịp trở lại căn phòng làm việc và nơi Giáo sư Hoàng Tụy sinh sống, mọi thứ vẫn còn nguyên vẹn như lúc ông còn sống. Các con, các cháu của Giáo sư rất trân trọng di sản của cha, ông mình. Thực hiện mong ước của Giáo sư Hoàng Tụy, gia đình đã tin tưởng quyết định trao tặng lại di sản của cha, ông mình cho Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam lưu giữ và phát huy.

Sinh thời, GS Hoàng Tụy tâm nguyện rằng “nếu trở thành nhà khoa học có thể đem lại niềm tự hào dân tộc, truyền thống gia đình, chứng tỏ người Việt Nam không thua kém các dân tộc khác”. Cả cuộc đời làm khoa học của giáo sư Hoàng Tụy đã thể hiện được điều đó. Ông đã làm rạng rỡ cho nền Toán học Việt Nam với nhiều công trình có giá trị. Hơn 9000 đầu tài liệu hiện vật của Giáo sư gia đình cho phép các nhân viênBảo tàng Di sản xử lý trong hơn một tháng qua với nhiều loại hình, sách, báo, tạp chí, bản thảo, thư từ, công văn, quyết định… đã phần nào giúp chúng tôi hình dung về một nhà khoa học, một nhà giáo lừng danh đã dành cả cuộc đời làm toán và trăn trở với vận nước ra sao.

Tôi đặc biệt ấn tượng với tập bản thảo viết tay có tựa đề bản thảo bài giảng toán giải tích. Tập bản thảo đã cũ, ố màu, quăn các góc, có tuổi đời gần 70 năm (từ năm 1956), mối xông nham nhở, được tận dụng từ những mảnh giấy có kích cỡ khác nhau, đôi khi là giấy một mặt, giấy đã qua sử dụng. Bản thảo bài giảng Toán giải tích là một minh chứng kể về thủa ban đầu của sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy đại học của GS Hoàng Tụy khi ông theo đuổi hướng nghiên cứu về lý thuyết hàm thực. Tập bản thảo cũng cho thấy các nhà khoa học làm việc lúc đó với điều kiện vô cùng khó khăn.

Chúng ta biết rằng, Giáo sư Hoàng Tụy nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực, nhưng có lẽ đóng góp được biết đến nhiều nhất ở góc độ quốc tế là toán học tối ưu. Các tài liệu của ông còn lưu giữ lại được cho phép chúng ta tìm hiểu về sự thay đổi trong tư duy nghiên cứu khoa học của giáo sư Hoàng Tụy, bắt đầu với việc tìm ra phương pháp để giải quyết bài toán quy hoạch lõm – trường hợp điển hình của bài toán tối ưu toàn cục năm 1964. Giáo sư Hoàng Tụy kể lại rằng, công trình được đăng trong tạp chí khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô năm 1964 và một năm sau đó được dịch ra tiếng Anh. Từ công trình có ý nghĩa mở đường này, đến giữa thập niên 80, Giáo sư Hoàng Tụy tiếp tục nghiên cứu và cho ra đời Lý thuyết tối ưu D.C. Ông là tác giả của trên 170 công trình khoa học được đăng tải trên các tạp chí quốc tế có uy tín. Cuốn sách “Global Optimization – deterministic approaches”, nhà xuất bản Springer xuất bản năm 1990, được tái bản 1993 và 1996. Tính đến tháng 5-2015 cuốn sách này được trích dẫn tới 2349 lần và đánh dấu sự xuất hiện của ngành tối ưu toàn cục với tư cách một ngành khoa học có cơ sở lý thuyết chặt chẽ và đây cũng là ấn phẩm được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá là cuốn sách quan trọng nhất của chuyên ngành tối ưu toàn cục. Rất may mắn là một số những công trình này trong đó có nhiều bài báo, bài nghiên cứu của ông từ những năm 70 cho đến những năm 2000 đã được GS lưu giữ cẩn thận và nay chuyển giao cho Trung tâm. Chúng tôi thấy trong khối tài liệu này có nhiều bài nghiên cứu được đánh máy chữ trên giấy poluya đã phai màu, ố vàng, nhiều bài viết còn ở dưới dạng các bản bông, có bút tích sửa chữa của GS Hoàng Tụy. Tất cả đều gắn với chặng đường nghiên cứu về quy hoạch, lý thuyết tối ưu toàn cục của GS Hoàng Tụy. Ví dụ các bài viết của ông từ những năm 70 “Báo cáo về công trình nghiên cứu tối ưu toàn cục phi tuyến”; “Nhận xét về những kết quả nghiên cứu trong lý thuyết tối ưu phi tuyến”; “Những kết quả nghiên cứu về lý thuyết tối ưu phi tuyến”… Và các bài viết từ những năm 2000 như: "Algebraic Geometry And Polynomial Optimization", 2003; Bài viết "A New Global Optimization Algorithm for BMI solvers" của Hoàng Dương Tuấn, P Apkarian, GS Hoàng Tụy, Hosgen…

Giáo sư Hoàng Tụy có một thư viện với gần nghìn cuốn sách, chủ yếu là sách tiếng Nga và tiếng Anh, tiếng Pháp. Những cuốn sách tiếng Nga phần lớn có chữ ký của GS Hoàng Tụy ở bìa trong. Sách này được ông mua, tìm đọc từ cuối những năm 50, 60, 70 của thế kỷ trước liên quan đến giai đoạn ông sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh (1957-1959) và những nghiên cứu về hàm thực và quy hoạch mà ông quan tâm. Câu chuyện cuốn sách tiếng Nga có tựa đề “Hàm suy rộng và các phép toán”, được in ở Moskva năm 1958 thật thú vị. Một trong hai tác giả của cuốn sách đó là Giáo sư Shilov – người đồng hướng dẫn cho Hoàng Tụy làm luận án phó tiến sĩ ở Liên Xô. Sinh thời, GS Hoàng Tụy có kể cho NCV của Bảo tàng Di sản các NKH nghe câu chuyện những ngày đầu sang Liên Xô. Khi đó ông gặp hai giáo sư hướng dẫn là Menshov và Shilov, họ có vẻ không tin ông có thể học được, vì hồi ấy miền Bắc Việt Nam mới vừa ra khỏi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, mới đang khôi phục kinh tế sau chiến tranh, khoa học chưa phát triển. Họ hỏi nhiều câu mà ông không trả lời được. Ông đứng trước nguy cơ bị về nước nếu như không có thầy nhận hướng dẫn. Trước khi ra quyết định cuối cùng, GS Shilov – một chuyên gia về giải tích hàm, giao cho ông một bài toán với thời hạn giải là một tuần. Bài toán của thầy Shilov rất khó, nhưng trong tình thế nếu không giải được thì chỉ có đường về nước, nên ông phải cố, cuối cùng cũng tìm ra lời giải. Ông vui mừng đến gặp thầy. Hóa ra bài toán đó là định lí mà thầy của ông vừa mới tìm ra, nhưng cách chứng minh của ông khác với cách của thầy. Thầy thấy thú vị và từ đó trở nên quý mến ông.

Trong hồ sơ di sản vật chất của GS Hoàng Tụy có gần 200 cuốn tạp chí khoa học bằng cả tiếng Việt, tiếng Pháp và tiếng Anh, trong đó có tạp chí JOGO (Journal of Global Optimization) mà Giáo sư Hoàng Tụy là cố vấn biên tập, tạp chí Mathematical Programming, Optimization, Forum of Nonlinear Analysis. Giáo sư Hoàng Tụy đã nhận thức rõ rằng, để phát huy giá trị các công trình nghiên cứu, Việt Nam phải có tạp chí toán học bằng tiếng nước ngoài để trao đổi, ông đề nghị lập ra tạp chí Acta Mathematica Vietnamica và Vietnam Journal of Mathematics được nhà xuất bản Springer (Hoa Kỳ) xuất bản. Những tạp chí này cùng với tập san Toán Lý Hóa của Ủy ban Khoa học Kỹ thuật nhà nước sẽ là nguồn tư liệu giúp chúng ta hiểu được câu chuyện thủa ban đầu về lịch sử toán học Việt Nam, lịch sử nghiên cứu toán học Việt Nam hiện đại và đóng góp của các nhà khoa học toán học Việt Nam.

Trong gần 60 năm hoạt động khoa học, kể từ năm 1962, GS Hoàng Tụy đã tham gia hội thảo và thỉnh giảng ở nhiều nước trên thế giới. Hồ sơ của GS cho biết GS đã có 67 chuyến đi công tác nước ngoài, 21 lần tham dự các hội nghị, hội thảo quốc tế. Hiện trong hồ sơ còn lưu giữ được gần 200 bức thư trao đổi với các nhà nghiên cứu, các học giả nước ngoài, các thư mời tham dự các hội nghị, hội thảo quốc tế. Những thư từ này chủ yếu trao đổi với các nhà khoa học Pháp, Anh, Đức bằng tiếng Anh, tiếng Pháp. Các thư gửi qua email hoặc được in trên giấy A4. Nhiều bức thư của các nhà toán học nổi tiếng như Kate Watt Robert Docherty gửi đến GS Hoàng Tụy. Nghiên cứu những bức thư trao đổi giữa GS Hoàng Tụy và các nhà khoa học quốc tế không những cho chúng ta thấy vai trò của giáo sư Hoàng Tụy trong cộng đồng khoa học quốc tế mà còn khẳng định trao đổi tri thức quốc tế giữ một vai trò to lớn trong sự phát triển trí tuệ của con người.

Kính thưa Quý vị,

Trong những thập niên cuối đời, ngoài toán học, Giáo sư Hoàng Tụy còn đặc biệt quan tâm và đóng góp ý kiến về nhiều lĩnh vực khác nhau, nhất là vấn đề giáo dục. Trong hồ sơ của GS Hoàng Tụy hiện còn lưu giữ nhiều bài viết về giáo dục, thực trạng của giáo dục Việt Nam mang tính phản biện với tinh thần “nói thẳng”. Hầu hết các bài viết ở dạng bản thảo có bút tích sửa chữa của giáo sư như: Bộ sách toán lớp 2 năm 2003 của Bộ Giáo dục (có bút tích sửa chữa đi kèm với các bản thảo sửa chữa của GS Hoàng Tụy); “Đổi mới dạy học ở đại học" của GS Hoàng Tụy (sau đăng trên tạp chí Giáo dục, Hà Nội, ngày 16-4-2003); Những văn bản góp ý về  tư tưởng chủ đạo và lãnh đạo, quản lý giáo dục khoa học, công nghệ cho Đại hội IX,; Góp ý về báo cáo giáo dục, ngày 27-9-2004; Ghi chép về khoa học và giáo dục …

Là trí thức, ông luôn đau đáu về làm thế nào để đổi mới cơ chế quản lý, phát huy trí tuệ toàn dân, trọng dụng nhân tài, ứng dụng toán học trong kinh tế, về kinh tế tri thức, kinh tế thị trường. Trong hồ sơ của GS Hoàng Tụy khá nhiều văn bản hành chính, bản thảo bài viết và các tài liệu liên quan đề cập đến các vấn đề kinh tế – xã hội của đất nước. Từ hồ sơ, chúng tôi nhận thấy GS Hoàng Tụy có thói quen sưu tầm, lưu lại các bài báo của các tác giả khác nhau viết về các vấn đề ông đang quan tâm. Ông đánh dấu các vấn đề mình đang suy nghĩ bằng bút màu hoặc cắt riêng vấn đề mình quan tâm từ các báo đ lưu thành hồ sơ riêng.

Nền tảng văn hóa của Giáo sư Hoàng Tụy vừa sâu vừa rộng. Trong khối tài liệu của ông có rất nhiều sách lịch sử, sách văn học, sách truyện như: Hà Nội băm sáu phố phường (Thạch Lam); Lan man trong lúc kẹt xe (những truyện ngắn hay nhất và mới nhất) của tác giả Bảo Ninh; Kể chuyện các vương phi, công chúa, nữ công triều Nguyễn (Tôn Thất Bình) hay các tác phẩm của nhóm Tự lực văn đoàn, truyện ngắn của Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân…Theo ông, người làm khoa học bao giờ cũng có hobby (sở thích) riêng, sở thích của ông là đọc sách văn học, ông thưởng thức văn học và coi đó là “chất dinh dưỡng cho tinh thần”. Có lẽ, nhờ luôn suy nghĩ tích cực, coi công việc mình làm là niềm vui nên Giáo sư Hoàng Tụy mới có nhiều năng lượng để cho ra đời nhiều công trình khoa học có giá trị đến thế!

          Thưa quý vị đại biểu

Cuộc đời của GS Hoàng Tụy là một mẫu mực của một nhà khoa học, một nhà toán học tài năng. Cuộc đời ông mãi mãi là một tấm gương sáng cho các thế hệ trẻ người Việt Nam noi theo. Di sản của ông để lại cho đời thật đồ sộ, thật quý báu. Hồ sơ của ông mà hôm nay gia đình trao tặng của Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam không những sẽ được giữ gìn, lưu giữ cẩn thận mà còn mở ra nhiều triển vọng nghiên cứu, khám phá về cuộc đời và lao động khoa học nghiêm túc, đầy sáng tạo của GS Hoàng Tụy.

Suốt 15 năm qua, những người làm việc tại Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam luôn được sống trong những niềm hạnh phúc. Chúng tôi được lãnh đạo MEDLATEC quan tâm, đầu tư kinh phí và cơ sở vật chất cho sự ra đời của Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam tại Cao Phong, Hòa Bình, được các nhà khoa học và gia đình các nhà khoa học tin tưởng ủng hộ, ủy thác và trao tặng những tài liệu quý của cuộc đời. Đặc biệt, chúng tôi luôn được tiếp xúc với các nhà khoa học hàng đầu, được nghe các thầy chia sẻ những câu chuyện về cuộc đời học tập, làm khoa học, đào tạo thế hệ trẻ. Những câu chuyện về các thầy là nguồn cảm hứng bất tận cho anh chị em trong quá trình làm việc. Chúng tôi nhận thức rằng, di sản các nhà khoa học là một loại hình di sản văn hóa, có ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử cuộc đời các nhà khoa học, lịch sử các ngành khoa học, lịch sử giáo dục, lịch sử đất nước…để truyền niềm đam mê và sáng tạo khoa học cho các thế hệ kế tiếp. Nhân dịp Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam vinh hạnh được tiếp nhận di sản cuộc đời của Giáo sư Hoàng Tụy, tôi xin được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc nhất đến toàn thể gia đình Giáo sư Hoàng Tụy đã dành trọn niềm tin cho Bảo tàng. Nhân đây chúng tôi cũng xin gửi lời tri ân tới tất cả các nhà khoa học đã cộng tác chặt chẽ với Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam, chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự đồng hành của các nhà khoa học trong công việcgiữ gìn và phát huy giá trị di sản của các nhà khoa học vô cùng khó khăn nhưng đầy ý nghĩa nhân văn này.

Kính chúc các thành viên đại gia đình GS Hoàng Tụy luôn mạnh khỏe, hạnh phúc.

Kính chúc tất cả quý vị sức khỏe và nhiều may mắn trong cuộc sống.

Xin cảm ơn!

PGS.TS Nguyễn Văn Huy