Bài phát biểu của PGS.TS Nguyễn Văn Huy tại Lễ tiếp nhận tài liệu kỷ vật của GS.TS.Lương Sỹ Cần

Kính thưa PGS.TS Lương Hồng Châu, TS Lương Hồng Sơn  và toàn thể các thành viên gia đình GS Lương Sỹ Cần,

Kính thưa GS.TS Nguyễn Anh Trí, Chủ tịch Hội đồng cố vấn MED Group,

Kính thưa các nhà khoa học,

Thưa các quý vị đại biểu,

Thưa quý vị,

Y học ở Việt Nam là lĩnh vực khoa học được hình thành, phát triển từ sớm và có rất nhiều thành tựu trong việc trị bệnh cứu người cũng như tham gia vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Y học Việt Nam đã tiếp thu, kế thừa và tiệm cận rất nhanh với nền y học thế giới. Thật trùng hợp, tính cho đến nay con số nhà Y học mà Trung tâm Di sản các nhà khoa học VN đã tiếp cận, nghiên cứu sưu tầm chiếm số lượng lớn nhất. Trung tâm đã tiếp nhận nhiều khối tài liệu hiện vật của các nhà y học như: GS Tôn Thất Tùng, GS Nguyễn Thúc Tùng, GS Đặng Văn Chung, GS Vũ Đình Hòe, GS Chu Văn Tường, GS Nguyễn Văn Nhân, GS Hoàng Đình Cầu… Và ngày hôm nay, chúng tôi lại vui mừng tiếp nhận khối di sản quý của GS.TS Lương Sỹ Cần, người có một vị trí quan trọng đối với lịch sử ngành Tai Mũi Họng Việt Nam và Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương. Những di sản của GS Lương Sỹ Cần để lại cho phép chúng ta phác họa chân dung khoa học của ông đồng thời góp phần vào việc dựng lại những dấu mốc quan trọng về sự hình thành, phát triển của ngành Tai Mũi Họng ở Việt Nam tại bảo tàng về khoa học và các nhà khoa học trong tương lai mà Trung tâm Di sản các nhà khoa học VN đang tích cực triển khai.

Năm 1958 sau khi tốt nghiệp Đại học Y, BS Lương Sỹ Cần được phân công công tác tại khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Bạch Mai. Đến năm 1969, khoa Tai Mũi Họng này được tách ra thành Viện độc lập trực thuộc Bộ Y tế, do GS Trần Hữu Tước làm Viện trưởng từ năm 1969-1983. Người kế cận ngay sau GS Trần Hữu Tước giữ vai trò lãnh đạo Viện Tai Mũi Họng là GS Lương Sỹ Cần, một chuyên gia đầu ngành chuyên ngành tai.

Thưa các nhà khoa học, thưa các vị khách quý

Có thể khẳng định GS.TS Lương Sỹ Cần là người học trò xuất sắc của GS Trần Hữu Tước. GS Lương Sỹ Cần hoạt động và để lại dấu ấn trong nhiều lĩnh vực như: bệnh lý về tai; tiền đình học; thanh khí phế quản và thực quản; nhiễm khuẩn đường hô hấp trên cấp tính. Từ những năm 1960, GS Cần là người đầu tiên thực hiện các ca phẫu thuật xương bàn đạp phục hồi sức nghe cho bênh nhân nghe kém vì bệnh xốp xơ tai.  Năm 1964, với tầm nhìn xa trông rộng, GS Trần Hữu Tước đã có chủ trương và phân công các cán bộ phụ trách những chuyên môn sâu khác nhau. Theo đó, BS Lương Sỹ Cần sẽ đi sâu vào phân khoa Tai, một số bác sĩ khác phụ cách các chuyên môn sâu như: phân khoa Thanh học, xét nghiệm, dị ứng, phân khoa Tai Mũi Họng trẻ em, phân khoa Nội soi, phân môn Điếc nghề nghiệp, phân môn khối u… Sự phân công này đã giúp định hướng cho bác sĩ Lương Sỹ Cần nói riêng và các bác sĩ khác nói chung đi sâu nghiên cứu vào từng vấn đề và giúp họ sau này trở thành những chuyên gia trong lĩnh vực của mình.

Năm 1972, bác sĩ Lương Sỹ Cần hoàn thành xuất sắc luận án tiến sĩ: “Chẩn đoán phân biệt bệnh xốp xơ, quá trình viêm dính và dị dạng tối thiểu của tai giữa. Đánh giá vấn đề đo trở kháng bằng cầu điện – âm học” tại Hungary. Các bài viết về: Vi phẫu thuật thanh quản (1974), Hội chứng Vander Hoeve (1975), Vá nhĩ theo lối mổ phối hợp (1975)… là những kinh nghiệm quan trọng được ông tổng kết và chia sẻ với đồng nghiệp. Công trình Tiến bộ về quan điểm và kỹ thuật trong vấn đề chảy mủ tai mạn tính: từ phẫu thuật tiệt căn đến thủ thuật bảo tồn (Nội san Tai Mũi Họng, 1975), theo nhiều nhà khoa học là công trình nổi bật ở thời điểm đó, vì GS Lương Sỹ Cần sử dụng phương pháp mới, khác với các phương pháp vẫn được dạy trong sách giáo khoa. Trước đó, người ta thường khoét xương chũm giải quyết bệnh tích giúp người bệnh khỏi bệnh nhưng chức năng nghe giảm và có thể mất chức năng nghe. Chính vì thế GS Lương Sỹ Cần thay đổi bằng cách dùng phương pháp phẫu thuật kín vừa giải quyết được bệnh tích vừa giữ lại được chức năng nghe cho người bệnh

Năm 1977, bác sĩ Lương Sỹ Cần được cử sang Pháp để tu nghiệp trong vòng một năm chuyên về phẫu thuật tai. Trở về nước năm 1978, ông đã áp dụng những kiến thức được đào tạo để phát triển và nâng cao các kỹ thuật mới trong điều trị các bệnh lý về tai ở nước ta. Đặc biệt ông đã ứng dụng và phát triển phương pháp vá nhĩ theo kỹ thuật kín để tạo hình tai giữa, các phẫu thuật thay thế xương bàn đạp cho bệnh nhân bị điếc (năm 1984) hay ứng dụng thành công phương pháp vi phẫu thuật thanh quản đã phục hồi tiếng nói cho bệnh nhân (năm 1984).Thập niên 80, GS Lương Sỹ Cần công bố nhiều nghiên cứu có giá trị như: Bệnh lý giải phẫu bệnh xốp xơ tai (1980), Cách giải quyết đối với những trường hợp trước đây chỉ định khoét rỗng đá chũm bán phần (1980), Ghép đồng chủng màng nhĩ xương con (1980), Chụp ống tai trong có bơm chất cản quang để chẩn đoán sớm u dây thần kinh XIII (1980). Trong số đó, công trình Ghép đồng chủng màng nhĩ xương con (1980) có ý nghĩa quan trọng, bởi GS Lương Sỹ Cần là người đầu tiên sử dụng phương pháp này ở Việt Nam. Phương pháp ấy giúp người bệnh nghe được, ban đầu là dùng xương của người chết để thay thế, cho đến nay cách làm này vẫn được sử dụng nhưng thay thế xương người chết bằng vật liệu nhân tạo.

Mỗi công trình khoa học, bài viết của nhà khoa học được công bố giúp cho chúng ta hiểu về tiến bộ khoa học của ngành, về đóng góp khoa học của chủ nhân những công trình ấy ở những thời điểm khác nhau.

Thưa các nhà khoa học, thưa các quý vị đại biểu,

Không chỉ là người ghi dấu ấn chuyên môn đậm nét, GS Lương Sỹ Cần còn là người có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy, mở rộng mối quan hệ hợp tác khoa học với các nước phương Tây như Pháp, Hà Lan, Mỹ, Thụy Điển… để mở ra những cơ hội trong việc ứng dụng những kỹ thuật mới cho ngành nhằm điều trị hiệu quả các loại bệnh lý về tai, mũi, họng cho người bệnh ở nước ta. Với tư cách là Viện trưởng Tai Mũi Họng năm 1984, ông đã phối hợp với phía Pháp tổ chức "Hội nghị phòng chống ung thư vòm mũi họng". Ông là người đứng ra tổ chức hội thảo Việt – Pháp lần đầu tiên tại Hà Nội và từ đó cứ 2 năm 1 lần hội thảo Việt – Pháp được tổ chức thường niên tại VN với sự tham gia động đảo của các chuyên gia hàng đầu của Pháp và VN. Ông cũng là người đầu tiên ký hiệp đinh đào tạo  Bác sỹ nội trú cho VN tại Pháp, hoạt động đào tạo này đến nay vẫn được duy trì. Những bức thư trao đổi của ông với các nhà khoa học ở Pháp, Mỹ, Hà Lan, Thụy Điển, Thái Lan… những năm 80-90 của thế kỷ trước được lưu giữ ở Trung tâm DS CNKH là minh chứng xác đáng, rõ ràng nhất để nói về hoạt động này của ông.

GS Lương Sỹ Cần đã ghi tên mình vào lịch sử của ngành Tai Mũi Họng nước ta và ở chiều ngược lại, lịch sử của ngành không thể nào không nhắc tới dấu ấn đậm nét của ông. Thông qua cuộc đời của một nhà khoa học cụ thể – GS Lương Sỹ Cần – đã giúp chúng ta thấu hiểu hơn về vai trò của ngành Tai Mũi Họng trong nền y tế nước nhà ở những thời đoạn lịch sử khác nhau. Mỗi nhà khoa học đều có những vai trò riêng, họ là những mắt xích quan trọng đối với lịch sử phát triển của ngành Tai Mũi Họng. Với chúng tôi, GS Lương Sỹ Cần là một mắt xích quan trọng trong chuỗi lịch sử phát triển của ngành Tai Mũi Họng và chắc chắn rằng mỗi nhà khoa học ngồi đây cũng đều có những vai trò khác nhau trong lịch sử phát triển của ngành khoa học chuyên sâu này.

Nhắc đến vai trò của GS Trần Hữu Tước, GS Võ Tấn, GS Lương Sỹ Cần, chúng ta cũng không thể không nói tới dấu ấn của những nhà khoa học kế cận về sau, những người đã kế thừa và phát huy rất tốt kỳ vọng của thế hệ đi trước. Tiếp sau GS Lương Sỹ Cần, còn nhiều thế hệ các nhà khoa học như các quý thầy cô, các nhà khoa học từ Trung ương đến địa phương đang hiện diện trong buổi lễ ngày hôm nay. Những nhà khoa học mà chúng tôi vừa nhắc đến và cả những nhà khoa học chúng tôi chưa có điều kiện để nhắc tới trong ngành, đều có những vai trò, vị trí và đóng góp khoa học khác nhau trong hành trình lịch sử của ngành Tai Mũi Họng Việt Nam cần được ghi nhận.

Kính thưa các nhà khoa học, thưa các quý vị đại biểu,

Hiện nay, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đang trong quá trình xây dựng ý tưởng và nội dung cho bảo tàng về khoa học và các nhà khoa học Việt Nam, làm rõ lịch sử khoa học Việt Nam. Để làm được điều ấy, chúng tôi trước hết phải nghiên cứu lịch sử của từng ngành nhỏ, vai trò của mỗi cá nhân, mỗi nhà khoa học trong ngành khoa học chuyên sâu đó. Và ngày hôm nay đây, chúng ta  tiếp nhận bộ sưu tập tài liệu hiện vật của GS Lương Sỹ Cần, cũng là nằm trong hành trình xây dựng nội dung cho bảo tàng tương lai ấy. Tôi mong muốn các nhà khoa học ngồi ở đây và cả những nhà khoa học khác trong ngành Tai Mũi Họng hãy tìm lại di sản của chính mình, của các bậc thầy của mình và cùng kể lại câu chuyện của mình, về ngành mình công tác cùng chúng tôi xây dựng một cuộc trương bày lịch sử chuyên ngành Tai Mũi Họng thông qua những thành tựu khoa học, những câu chuyện, kinh nghiệm và di sản của từng nhà khoa học, từ đó góp phần xây dựng một bảo tàng về khoa học và các nhà khoa học Việt Nam trong tương lai gần.

Cùng với các hiện vật là các dụng cụ chữa tai mũi họng từ thô sơ, đơn giản, đến phức tạp, hiện đại nhất thì mỗi bức thư, mỗi cuốn nhật ký, trang bản thảo, bản lý lịch khoa học, báo cáo, tham luận, các công trình khoa học… hay những bức ảnh tư liệu của các nhà khoa học, đặc biệt là ký ức, những câu chuyện kể về mình, về thầy giáo, đồng nghiệp, về lĩnh vực chuyên môn của mỗi người sẽ là chất liệu quý giá để chúng tôi hiện thực hóa mục tiêu của mình.

Xin trân trọng được cảm ơn PGS.TS Lương Hồng Châu và gia đình đã tin tưởng và đồng hành cũng Trung tâm trong suốt thời gian qua. Xin kính chúc gia đình luôn mạnh khỏe, tràn đầy niềm vui và hạnh phúc!.

Kính chúc tất cả các nhà khoa học, các quý vị sức khỏe, an khang!

Xin cảm ơn!