Báo chí với đề tài trẻ em
Ngày 16-11-2021, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam có buổi làm việc với PGS.TS Nguyễn Văn Dững (nguyên Trưởng khoa Báo chí (nay là Viện Báo chí), thuộc Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Bén duyên với nghề báo từ những năm 70 của thế kỷ trước, một trong những vấn đề ông rất quan tâm là báo chí viết về đề tài trẻ em, được thể hiện trong nhiều dự án, công trình nghiên cứu do ông là chủ nhiệm.
PGS.TS Nguyễn Văn Dững
Từ năm 2000-2010, Tổ chức cứu trợ Trẻ em Thuỵ Điển hợp tác với khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền để thực hiện dự án "Nâng cao năng lực tác nghiệp của nhà báo, nhà truyền thông vận động xã hội về đề tài trẻ em". Đây cũng là dự án hợp tác quốc tế đầu tiên ông Nguyễn Văn Dững làm chủ nhiệm. Quá trình triển khai dự án, ông tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng làm báo cho trẻ em ở nhiều tỉnh thành trên cả nước như Bà Rịa (Vũng Tàu), TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai..., tổ chức giải báo chí "Nhà báo với trẻ em Việt Nam" (2003). Từ những vấn đề triển khai trong dự án, năm 2004, PGS.TS Nguyễn Văn Dững đã biên soạn cuốn sách "Báo chí với trẻ em Việt Nam", được xuất bản bởi NXB Lao động. Năm 2005, nằm trong khuôn khổ của dự án trên, ông là chủ nhiệm đề án thiết lập website Báo chí với trẻ em. Năm 2006, theo bảng xếp hạng của Alexa Internet - một công ty chi nhánh của Amazon.com, website trên nằm trong top 300.000 website được ưa chuộng nhất trên thế giới. Đặc biệt, năm 2007 ông là chủ nhiệm đề tài cấp Bộ “Báo chí viết về trẻ em ở nước ta hiện nay”. Sau này, PGS.TS Nguyễn Văn Dững được Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam tặng Huy chương “Vì sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc trẻ em”.
PGS.TS Nguyễn Văn Dững chia sẻ: “Trẻ em là thế hệ tương lai của đất nước, nhưng nhiều bài báo viết về trẻ em còn bất cập, thiếu sót. Vì vậy, dự án trên được thực hiện nhằm giúp giới truyền thông xem xét về quyền trẻ em, đi từ Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1991”.
Nguyễn Hằng
Tin khác
- Khoa học và cuộc sống
- Ông Tiến sĩ của ruộng đồng
- Lộ trình ngược của vị Phó giáo sư kinh tế
- “Học phải tìm đến gốc”
- Gặp nhà khoa học nghiên cứu về rau an toàn
- Vì “mê” nên chọn
- Tiếp nhận tài liệu ngành y học và nông nghiệp
- Âm thầm với khảo cổ học cộng đồng
- Tôi đến với chèo là duyên, là phận
- Nghiên cứu khoa học gắn liền với thực tiễn sản xuất