Biến chất thải thành sản phẩm hữu ích
Được học tập tại trường Đại học Hóa Kỹ thuật Menđêlêép, Liên Xô từ thời sinh viên, rồi quá trình bảo vệ luận án PTS và TS của giảng viên La Văn Bình cũng tại trường Đại học này. Đề tài của cả hai bản luận án mà ông nghiên cứu đều hướng tới mục tiêu sử dụng các chất thải trong công nghiệp để tạo ra sản phẩm mới.
Nhân buổi trao đổi với chúng tôi - những nghiên cứu viên của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đầu tháng tư vừa qua, GS.TSKH La Văn Bình đã kể về quá trình ông nghiên cứu sử dụng các chất thải trong công nghiệp để tạo ra sản phẩm mới phục vụ sản xuất.
Năm 1966, giảng viên La Văn Bình cùng một số cán bộ giảng dạy của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội được cử đi làm nghiên cứu sinh tại Liên Xô. Ông được phân về trường Đại học Hóa Kỹ thuật Menđêlêép. Với Đề tài "Nghiên cứu sử dụng nước lọc trong sản xuất Soda làm phân đạm lỏng", La Văn Bình bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ. Kết quả Đề tài nghiên cứu của ông không chỉ hạn chế được chất thải trong quá trình sản xuất Soda mà còn thu hồi được NaCl có trong chất thải làm phân bón.
GS.TSKH La Văn Bình: "Sự nghiệp khoa học vẫn đau đáu trong tôi"
Năm 1969, TS La Văn Bình trở về nước, tiếp tục công tác tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Và ông vẫn luôn quan tâm đến việc nghiên cứu để biến chất thải thành các sản phẩm có thể sử dụng được. Bên cạnh công tác giảng dạy, từ năm 1976 ông đi sâu nghiên cứu tận dụng những hợp chất có trong nước ót đồng muối ở Cà Ná, Ninh Thuận. Suốt 10 năm liền miệt mài nghiên cứu, với kinh nghiệm và số liệu tích lũy được trên thực tế, năm 1986 TS La Văn Bình đã viết xong bản báo cáo Đề tài “Nghiên cứu sử dụng nước ót đồng muối Việt Nam” và với đề tài này, ông lại được cử đi làm thực tập sinh cao cấp tại trường Đại học Hóa Kỹ thuật Menđêlêép, Liên Xô. Đề tài được Hội đồng khoa học Nhà trường đánh giá cao vì tính ứng dụng của nó. Đặc biệt hơn, Đề tài của ông đã đưa ra vấn đề mới: vừa tận dụng được nhiên liệu sẵn có trong tự nhiên là nước biển và nước ót đồng muối, vừa tách được Magie oxit (MgO) hoạt tính, một loại Magie khó lọc có trong nước ót và cũng là một oxit quan trọng, dùng trong nhiều ngành công nghiệp.
Trở về nước, những kết quả trong đề tài luận án của TSKH La Văn Bình được áp dụng tại Công ty muối Nam Định, sản phẩm Magie oxit được sử dụng trong công nghiệp dược phẩm cũng như triển khai sản xuất muối sạch ở các hợp tác xã; tạo ra Magie hoạt tính, Magie kiềm tính dùng làm gạch tại Nhà máy xi măng trắng ở Thái Bình...
Không ít khó khăn khi thực hiện các đề tài này cũng như nhiều đề tài tâm huyết khác nhưng có lẽ không gì có thể ngăn cản GS La Văn Bình tiếp tục niềm đam mê khoa học của mình.
Bích Phương
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam
Tin khác
- Khoa học và cuộc sống
- Ông Tiến sĩ của ruộng đồng
- Lộ trình ngược của vị Phó giáo sư kinh tế
- “Học phải tìm đến gốc”
- Gặp nhà khoa học nghiên cứu về rau an toàn
- Vì “mê” nên chọn
- Tiếp nhận tài liệu ngành y học và nông nghiệp
- Âm thầm với khảo cổ học cộng đồng
- Tôi đến với chèo là duyên, là phận
- Nghiên cứu khoa học gắn liền với thực tiễn sản xuất