Nhân kỷ niệm 110 năm ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3/1910 – 8/3/2020), Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam xin được trân trọng giới thiệu tới quý khách chiếc kính hiển vi của GS.TS Nguyễn Thị Hiền – một nhà giáo, một nhà khoa học đã có nhiều đóng góp cho ngành Công nghệ sinh học Việt Nam. Hiện vật sẽ được trưng bày tại triển lãm “Thẳm sâu trong từng kỷ vật”, tại Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam từ ngày 03-03-2020. GS.TS Nguyễn Thị Hiền, sinh năm 1944 tại xã Nam Dương, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Bà nguyên là Chủ nhiệm bộ môn Công nghệ Sinh học thực phẩm, khoa Hóa thực phẩm, trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Năm 1962, Nguyễn Thị Hiền thi đỗ vào khoa Hóa học, trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Sau khi học được hai năm, bà được nhà trường phân công học ngành Hóa công nghệ thực phẩm. Lúc ấy, bà bị thường bị các bạn trêu là “học ngành mắm tôm”. Tuy nhiên, càng học bà càng thấy ngành này hợp với mình và quyết định gắn bó cả đời với nó. Tốt nghiệp đại học (1966), bà nhận bằng giỏi và được giữ lại công tác ở bộ môn Công nghiệp lên men (khi ấy mới thành lập – nay là Viện Công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm). Sau khi hoàn thành luận án Phó Tiến sĩ ở Đại học Hóa kỹ thuật Praha,Tiệp Khắc và trở về nước công tác (1977), PTS Nguyễn Thị Hiền đã truyền đạt lại những kinh nghiệm nghiên cứu, đào tạo đội ngũ cán bộ giảng dạy, góp phần xây dựng và phát triển Bộ môn Công nghiệp lên men. Bà là người đầu tiên viết giáo trình tiếng Anh chuyên ngành cho bộ môn Công nghệ lên men của trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Năm 1989, bà đã mua chiếc kính hiển vi quang học tại phố Tràng Tiền (Hà Nội) để thực hiện các thí nghiệm ở nhà. Chiếc kính là công cụ đắc lực hỗ trợ bà trong quá trình nghiên cứu, trong đó gắn bó nhiều đề tài có tính thực tiễn cao về các lĩnh vực: Tuyển chọn chủng nấm men, nghiên cứu Enzyme từ hạt nảy mầm để sản xuất bột dinh dưỡng, bánh đa thuốc bắc dân gian; nghiên cứu tạo ra một số loại nước uống và bột dinh dưỡng bổ sung cho trẻ em trên cơ sở sử dụng nguyên liệu trong nước và nguồn Enzyme khác nhau; nghiên cứu tuyển chọn chủng nấm men bia malt thóc tẻ thay thế trong công nghệ bia, tạo ra nhiều loại bia có chất lượng cao. Đến nay, ở các công ty bia Đồng Nai, Quảng Ngãi, Nha Trang, Quảng Bình, Hà Nội vẫn ứng dụng công nghệ này của bà. Từ năm 2010, GS Nguyễn Thị Hiền không còn sử dụng chiếc kính hiển vi này vì hiện nay có nhiều loại kính hiển vi hiện đại, có độ chính xác cao hơn. Tuy vậy, chiếc kính vẫn được bà lưu giữ lại cẩn thận, như một người bạn thân thiết. Chiếc kính hiển vi của GS.TS Nguyễn Thị Hiền được trưng bày vào dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3), thay cho lời chúc mừng, lời cảm ơn chân thành của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam gửi tới các nữ nhà khoa học và một nửa của thế giới.