Chiếc radio của Phó giáo sư Lê Đình Anh

Năm 1979, trong chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Hà Lan (viết tắt là VH), nước bạn ngoài viện trợ về nhu yếu phẩm như đường, sữa, gạo…, còn viện trợ khoa học kỹ thuật cho các trường đại học của Việt Nam. Bộ môn Điều khiển tự động, trường Đại học Bách khoa Hà Nội có tham gia đề tài VH-5 nhằm xây dựng phòng thí nghiệm tự động hoá. Giảng viên Lê Đình Anh được phân công viết đề cương cho đề tài bằng tiếng Anh, được nhà trường thông qua để sẽ gửi sang Hà Lan. Cuối năm 1979, Hà Lan cử người sang phỏng vấn về đề tài do ông viết và được thông qua. Đầu năm 1980, đoàn đi sang Hà Lan có 5 người, ở khoa Điện có ông, ông Thương Ngô (trưởng bộ môn) và cô Phan Lương Cầm (vợ Thủ tướng Võ Văn Kiệt), ngoài ra có một người là trưởng bộ môn ở khoa Hóa và một Bí thư chi bộ kiêm trưởng đoàn, tên là Bảo.

Trong chuyến đi Hà Lan kể trên, trước khi ông về nước, phía bạn khuyên nên thường xuyên nghe đài BBC và nói tiếng Anh để không quên. Bởi vậy, ông muốn mua một chiếc radio đem về để luyện thêm tiếng Anh. Ban đầu, ông định nhờ một người bạn Hà Lan mua đài do hãng Philip (Hà Lan) sản xuất, vì ông từng nghe bố vợ khen về hãng này. Khi ông nói ý định đó ra, mọi người đều cười và bảo: hãng Philip sản xuất radio không tốt nhưng giá cao gấp đôi so với đài do các hãng của Tây Đức (Cộng hòa Liên bang Đức) hay Nhật Bản sản xuất. Nghe lời khuyên, ông chọn chiếc radio do hãng Grundig của Tây Đức sản xuất. Chiếc radio này có rất nhiều tần số sóng ngắn để bắt các kênh học thêm tiếng Anh. Ông cho biết: «trước đây, đất nước có chiến tranh nên hạn chế sử dụng các loại đài sóng ngắn, với lý do sóng ngắn thường là đài địch (miền Nam) tuyên truyền »; từ đầu những năm 80, đài sóng ngắn dần được sử dụng nên ông có thể dùng loại đài này ở Việt Nam. Ngoài ra, chiếc radio này còn có thêm chức năng báo thức, mà các loại đài khác chưa có. Đài chạy bằng pin, 4,5V, hoặc có thể dùng điện.

Những lúc thư giãn, ông thường nghe nhạc trên sóng FM, với nhiều loại nhạc nước ngoài như Valse, Tango…, còn nhạc Việt Nam thì ông ưa dòng nhạc tiền chiến và nhạc của Trung tâm Thúy Nga do nhạc sĩ miền Nam những năm 60-70 sáng tác. Về loại nhạc Việt Nam này, ông cho biết: lời nhạc rất trau chuốt, nhẹ nhàng và xúc tích, đặc biệt là nhạc Trịnh Công Sơn, ông phải nghe nhiều lần mới hiểu được ý của tác giả. Ông lấy ví dụ một câu «Tôi là ai mà yêu quá cuộc đời này » trong bài Tôi ơi đừng tuyệt vọng do nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác. Ông nghe và cảm nhận thấy lời trong bài hát có ý nghĩa sâu xa, triết lý cuộc sống, với giai điệu rất êm dịu, tạo sự sâu lắng cho người nghe. Ông rất thích các chương trình do Trung tâm Thúy Nga biểu diễn, bởi có sự phối hợp rất nhịp nhàng giữa âm thanh và hình ảnh, họ trau chuốt rất kĩ từ trang phục biểu diễn, phối âm và khí để tạo cảm giác mới cho người xem. Một điều nữa ông nhận thấy là sự kết hợp giữa âm nhạc Việt Nam với nhạc của Mỹ, nhờ đó, Trung tâm Thúy Nga đã có sự thành công lớn khi biểu diễn. Điều này, các dòng nhạc trong nước còn nhiều hạn chế, chưa phát triển nhiều theo hướng mới. 

Khoảng cuối những năm 1980, khi internet xuất hiện, cùng với máy tính ngày càng trở nên phổ biến, ông ít nghe đài hơn và chuyển sang sử dụng máy tính, rồi chiếc đài được ông cất đi. Sau thời gian dài không sử dụng, chiếc radio giờ đã hỏng, dây sạc điện cũng đã mất.